Tôi lên Chà Lâng vào một buổi sáng nắng vàng rực rỡ, những tia nắng ấm áp ấy như đang nhẹ nhàng đẩy màu mây xám đục, cùng cái lạnh cuối đông ra khỏi bầu trời xứ “bồng lai” để dọn đường cho một mùa Xuân tươi mới đang tràn về. Và khi đứng trên đỉnh Chà Lâng, tôi đã thực sự thấy sắc Xuân đang gõ cửa nơi này. Những nụ cười tươi rói hiện trên khuôn mặt của đồng bào Mông như nói lên sự ấm no, sung túc nơi đỉnh Chà Lâng hùng vĩ…
Và Bá Và nhắm thẳng hướng chóp núi xanh mờ, cao ngất, đứng ở bất cứ nơi nào trên đất Hữu Khuông cũng đều nhìn thấy đỉnh Chà Lâng. Chiếc sirius màu thiên thanh đã qua ba mùa rãy cứ thế bò lên từng tí, từng tí một trên con đường dốc đứng, lổn nhộn đá tai mèo.
Đỉnh Chà Lâng cao ngất trời, cũng chính vì thể mà người dân ở Hữu Khuông này cứ quen gọi nó là nóc nhà của Hữu Khuông- ngôi nhà chung của 3 dân tộc anh em Thái, Mông, Khơ mú, biết dựa vào lưng nhau mà sống qua những ngày tháng khó khăn nhất. Nói là xã nghèo, có lẽ trên đất nước Việt Nam này sẽ chẳng có nơi nào nghèo hơn thế nữa. Không đường, không điện, không chợ búa,…Vậy mà, người dân nơi đây vẫn vui vẻ sống không kêu ca, phàn nàn, trên khuôn mặt những đứa trẻ vẫn hồn nhiên vô tư.
Trên đỉnh Chà Lâng cao vời vợi kia là nơi cư ngụ của 47 hộ gia đình dân tộc Mông. Nhà em ở trên đó lâu rồi - Và Bá Và vừa điều khiển chiếc Sirius đi cho đúng đường, bánh xe lăn trên sống đã tai mèo, thỉnh thoảng nó lại chồm lên như con ngựa bất kham, khi bánh xe vấp phải mỏm đá.
Đứng trên đỉnh Chà Lâng với độ cao 1.086 mét so với mực nước biển mới thấy hết sự hùng vĩ của đất trời. Những ngọn núi trùng điệp ẩn hiện trong những làn mây hững hờ bay lượn. Xa xa, hồ thủy điện Bản Vẽ huyền ảo trong một lớp sương, đẹp đến mê hồn.
Đặc biệt, khi những cơn gió cuối đông trở nên dịu dàng, nữ tính biến thành những làn gió mang hương sắc của mùa Xuân thì đỉnh Chà Lâng càng có sức hút đến mê hoặc lòng người. Khi đứng trên đỉnh núi, cảm giác thật dễ chịu với mênh mông đất trời, với không khí trong lành phảng phất hương thơm hoang dại của cây, của núi. Một “Đà Lạt” hiện ra xanh bạt ngàn, mây núi giao thoa, dòng Chà Lạt hiền hòa uốn lượn dưới chân núi…..
Còn nhớ, 12 năm về trước, vào tháng 12 năm 2005, tôi đã có chuyến vượt núi từ Nhôn Mai sang tận bản Pả Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong để phối hợp vận động đồng bào phá cây thuốc phiện. Chuyện đi đó, với kiệt tác “Hoa anh túc tím trười Pả Khốm” gây xôn xao trong làng báo chí…Mà đâu chỉ có ở Pả Khốm (Quế Phong) mà ngay cả trên đỉnh Chà Lâng này cũng tím ngắt một màu anh túc. Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước hay đầu những năm 2000, ở đâu có đồng bao Mông sinh sống là ở đó có cây thuốc phiện. Chúng tôi lại phải băng rừng, lội suối để tìm đến những nương thuốc phiện để triệt phá, thậm chí phải sang tận nước bạn Lào để thuyết phục vì người dân của họ sang trồng thuốc phiện trên địa phận của Việt Nam. Nhớ lại, sau chuyến sang Quế Phong phối hợp vận động xóa nhổ cây thuốc phiện do một số hộ gia đình ở Pả Khốm vượt rừng sang trồng trên đất xã Nhôn Mai, chúng tôi trở về đúng vào ngày ông Táo lên trời, đỉnh Chà Lâng phủ kín sương mù, đang loay hoay tìm đường về hướng Hữu Khuông thì gặp ông Thò Nênh Thông, hồi đó là Chủ tịch MTTQ xã Hữu Khuông dẫn đường đưa chúng tôi băng qua 3 ngọn núi, 6 con suối nhỏ để từ thủ phủ cây anh túc trở về bản Xiềng Lằm để đón thuyền về Hòa Bình. Vừa đi, ông vừa lấy chai rượu trong túi ra, rót vào ống nứa bảo chúng tôi uống cho đỡ lạnh. Ông kể, mấy ngày trước, ông cũng dẫn đường cho Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Xuân Hải đến từng nương thuốc phiện, gặp từng gia đình để thuyết phục, vì không biết tiếng Mông nên Phó Chủ tịch Hải phải nhờ cả vào ông Thò Nênh Thông.
Quả thật, vận động đồng bào Mông xóa bỏ cây thuốc phiện đâu có dễ dàng gì, có người trốn khỏi nương, có người bảo nhổ nó đi chúng tôi lấy gì mà sống, biết lấy cái chi bỏ bụng; có người lại nói, nhổ thì nhổ thôi, nhưng phải đưa tiền cho ta.…Cái lần lên Pả Khốm (Tri Lễ), thuyết phục mãi, đoàn công tác chúng tôi cũng nhổ hết 17 cái nương thuộc phiện mà bà con dân tộc Mông bản Pả Khốm (Quế Phong) sang trồng trên đất bản Thằm Thẩm, chuyến đi ấy mãi 28 tết chúng tôi mới về đến nhà, khí đó Hòa Bình đã rực rỡ cờ, hoa, bánh chưng đã đầy nhà.
Ấy là câu chuyện của mười hai, mười ba năm về trước. Còn bây giờ, nơi đây không còn bóng dáng của cây anh túc, thay vào đó là những cây ngô, cây sắn…những đàn bò béo múp, những con lợn gần 3 tạ thịt và cả bầy ngựa tung vó phi nước đại giữa đại ngàn xanh,…và hôm nay còn có cả cây Chanh Leo, cây Táo mèo nữa. Bản Chà Lâng đã lột xác, đã thay da đổi thịt.
Có được những sự thay đổi đó, ngoài chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào Mông, phải kế đến cái công của ông Thò Nênh Thông trong việc vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm. Ông tâm sự với tôi, “nhiều khi tôi phải nói trong chi bộ, nói với bà con rằng, không cần làm theo ai cả, mà làm theo Thò Nênh Thông này là được. Bỏ hết cây thuốc phiện, nuôi nhiều lợn, nhiều gà, nhiều bò, nhiều ngựa là không đói cái bụng, con cái có tiền đi học. Không có tiền mua giống thì đi vay, vay anh em họ hàng, vay ngân hàng chính sách…”. Nghe theo ông, làm theo ông, bây giờ bản Chà Lâng không còn đói cá bụng. Nhìn cái dáng người chắc nịch của ông tôi chợt nghĩ: Nói gì thì nói, ở cái đất Tương Dương này, ông vẫn là cây cổ thụ của đồng bào Mông. Một đảng viên, một người nông dân mẫu mực. Mẫu mực trong cái nghĩ, cái làm và cái mà ông vẫn sống hằng ngày với bà con trên đỉnh Chà Lâng vời vợi này. Cũng có lễ đỉnh Chà Lâng cao quá chăng mà tiếng tăm của ông vang mãi đến tận 12 bản làng của đồng bào Mông ở Tương Dương…
Năm nay, ông Thò Nênh Thông không làm cán bộ nữa, “mình già rồi, nhường cho lớp trẻ nó làm thôi, mình ủng hộ nó là được rồi”- ông tâm sự. Khi chúng tôi đặt vấn đề đưa cây Chanh Leo vào thử nghiệm, ông nhận lời làm trước và vận động thêm anh em Thò Bá Chống và Thò Pó Lỳ (trưởng bản) cùng làm. Mỗi nhà 100 gốc (tương đương 1/6 ha), hố đào rộng 80 cm, sau 40 cm, ủ phân đúng 15 ngày mới xuống giống. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và dùng phương pháp tưới nhỏ giọt, lại lợi thế về thổ nhưỡng nên cây Chanh Leo ở Chà lâng phát triển rất tốt, qủa sai trĩu giàn. Tại cuộc hội thảo Chanh Leo lần thứ 2 tổ chức tại bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai hồi tháng 11 vừa qua, cả 3 hộ gia đình Thò Nênh Thông, Thò Pó Lỳ và Thò Bá Chống cũng đưa chanh đi dự hội thảo. Thật bất ngờ, khi 100% đại biểu đến dự và chuyên gia kỹ thuật của Công ty Nafood Nghệ An đều đánh giá chất lượng chanh ở Chà Lâng tốt nhất. Đặc biệt khi ông Thò Nênh Thông trình bày phương pháp tưới hỏ giọt thì tất cả hội trường đều vỗ tay đôm đốp. Dù chỉ mới thử nghiệm 100 gốc, nhưng cả 3 hộ gia đình đều đã có thu nhập ổn định, bởi họ không còn lo đầu ra, chanh chín là Công ty Nafood đến tận nơi nhận hàng. Mới bán 2 lứa đầu nhưng mỗi nhà cũng đã thu được trên 6 triệu đồng.
Đàn ngựa nhởn nhơ trên những triền núi
Cách đây 6 năm, đồng bào Mông ở bản Chà Lâng cũng đi tiên phong trong việc đưa lao động đi làm việc nước ngoài. Người đầu tiên đi tiên phong là anh Và Bá Và. Nghe theo lời tư vấn của cán bộ đoàn, anh Và Bá Và đã làm hồ sơ đi lao động ở Ả rập xê út, sau 6 năm nhờ làm việc chăm chỉ và tiết kiệm anh trở về với vốn liếng trên 400 triệu đồng. Một phần anh gửi ngân hàng, một phần đầu tư làm nhà và mua xe máy để có phương tiện đi lại. Hiện nay anh Và Bá Và là kiểm lâm viên của xã Hữu Khuông, anh làm việc chăm chỉ và được cán bộ xã tin yêu.
Khi không còn lo cái bỏ bụng nữa, thì đồng bào Mông trên đỉnh Chà Lâng này đã bắt đầu biết lo cái chuyện học hành của con cái. Ai cũng bảo phải học theo già Thò Nênh Thông, bởi các con của già ai cũng đều chăm học, đều học đến nơi đến chốn. Con trai đầu của bác Thò Nênh Thông là Thò Bá Lỳ, sau khi tốt nghiệp Học viên An ninh được điều về huyện công tác, nay là Đội phó đội an ninh phụ trách cơ sở, đứa út Thò Bá Thọ vừa thi đậu vào trường Đại học Hồng Đức với 21 điểm chưa tính điểm ưu tiên. Còn nhớ, cái hôm liên hoan cho cháu Thò Bá Thọ đi học đại học, anh Và Bá Dì nói với bà con, nếu con cháu chúng ta cố gắng như cháu Thò Bá Thọ đây thì cổng trường đại học đâu có xa đối với người Chà Lâng của chúng ta. Hiện nay, ở Chà Lâng có 12 em đang học tại các trường chuyên nghiệp, hơn 20 thanh niên đang làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Từ thành công của mô hình chanh leo, năm 2018 đã có 25/47 hộ gia đình nhận đăng ký nhận trồng chanh leo, mỗi nhà nhận 1 ha và 15 hộ gia đình nhận chăn nuôi bò theo mô hình nuôi nhốt. Đảng ủy, UBND xã Hữu Khuông đã quyết định chọn bản Chà Lâng để xây dựng Bản văn hóa xanh. Trong đó có dự án mở đường vào bản, mở đường đi đến các gia trại bảo đảm xe máy, xe bò lốp, xe ngựa kéo đi lại dễ dàng và đặc biệt trong dịp tết trồng cây mùa Xuấn năm 2018 sẽ trồng 1000 cây ăn quả và cây đào Mông truyền thống. Chỉ 5 năm nữa thôi, trên đỉnh Chà Lâng này sẽ xanh ngát cây ăn quả và ngát hương thơm hoa đào khi mỗi độ xuân về.
Mải mê với những hoài niệm và câu chuyện làm ăn của ngày mai, ngoành mặt về phía Tây, mặt trười đã xuống núi, bát rượu ngô thơm nồng ấm nóng bên ánh lửa bập bùng cũng đã được cô gái Mông đặt vào lòng bàn tay. Những chàng trai, cô gái Mông xinh tươi ca hát, nhảy múa rộn ràng theo nhịp khèn vang vọng cả đỉnh núi. Tôi và mấy anh em trong tổ công tác đã bị chuốc say bởi hương rượu ngô, bởi cuộc sống bình yên của dân bản và bởi những câu chuyện huyền thoại được kể thâu đêm nơi ngọn núi ngàn năm…
Ngoài trời kia, mùa Xuân đang về. Mùa xuân đang khoác lên đỉnh Chà Lâng hùng vỹ những chiếc áo mới. Nhìn bà con đồng bào dân tộc Mông đang hối hả làm việc, chuẩn bị những thứ thiết yếu để đón mùa Xuân mới trong sự hân hoan, sung túc mà lòng tôi cũng cảm thấy ấm áp vô cùng.
Chà Lâng (Hữu Khuông), đầu Xuân 2018
Vi Hợi