Đoàn văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số Nghệ An chọn Con Cuông là điểm dừng chân đầu tiên cho chuyến đi thực tế ở miền Tây xứ Nghệ. Đến với Con Cuông không chỉ là để tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp của đại ngàn mà đến đây còn để cảm nhận nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Theo hướng dẫn của anh Lê Hoàng và Vi Văn Kim là hội viên người địa phương, chúng tôi đi vào Mường Quạ. Chúng tôi đến Mường Quạ đúng vào dịp hai xã Môn Sơn và Lục Dạ vừa tổ chức thành công Đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 và đang chuẩn bị cho Kỷ niệm 80 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-2020). Anh Vi Văn Tụ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn đón chúng tôi tại Homestay Thủy Nguyệt. Bữa cơm trưa qua đi một cách chóng vánh, nhưng cũng đủ để làm cho chai lọ và cánh đàn ông chúng tôi ngả nghiêng. Ăn xong mọi người nằm dài trên sàn nhà, một số anh không ngủ được thì xuống dưới sàn ngồi uống trà, hóng chuyện. Chiều đó chúng tôi vào trụ sở xã Môn Sơn để làm việc với Thường trực Đảng ủy xã theo nội dung đã đăng ký.
Bí thư Đảng ủy Đặng Văn Thân báo cáo tóm tắt kết quả Đại hội và tình hình kTXH của xã Môn Sơn
Tiếp chúng tôi tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy Đặng Văn Thân cho biết, đảng bộ vừa tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 từ hồi tháng tư và đã củng cố lại chính quyền và các đoàn thể sau đại hội. Theo Bí thư Đặng Văn Thân, trong 5 năm qua (2015-2020) đảng bộ và nhân dân Môn Sơn đã đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức phấn đấu hoàn thành căn bản các mục tiêu của Đại hội đề ra. Kinh tế có bước phát triển, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới góp phần làm thay đổi bộ mặt làng, xã, công tác quản lý bảo vệ rừng được thực hiện tốt, Chương trình ục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm. Hiện nay, nhân dân Môn Sơn đã bỏ tập tục phát nương làm rãy, tập trung phát triển cây lúa nước với diện tích 720 héc ta/năm, ngoài ra xã còn phát triển một số cây trồng chủ lực như lạc 18 héc ta, ngô 580 héc ta, sẵn 30 héc ta, mía 27 héc ta và rau đậu các loại trên 70 héc ta…Chăn nuôi hàng hóa đang là thế mạnh của Môn Sơn, tổng đàn gia súc 9.589 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân 135 tấn/năm. Đặc biệt Môn Sơn cũng ưu tiên phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, hiện nay trên địa bàn có đến 282 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Môn Sơn nổi tiếng với mô hình du lịch cộng đồng homestay với các loại dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, văn nghệ, du thuyền sông Giăng…gắn với việc bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Thái như làm rượu men lá, dệt thổ cẩm ở bản Xiềng.
Khi được hỏi về kết quả xây dựng nông thôn mới, Bí thư Đặng Văn Thân chia sẻ: Trong 5 năm, toàn xã đã huy động 3.200 ngày công, vận động nhân dân hiến 5.400 mét vuông đất vườn, 352 cây xanh, đóng góp 459 tấn xi măng và 1,2 tỷ đồng tiền mặt để bê tông hóa 3,5 cây số đường liên thôn, nội thôn, nhà nước đầu tư 16 công trình với tổng số vốn là 37 tỷ đồng. Hiện nay xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí, có 3/14 bản về đích nông thôn mới.
Để minh chứng cho đánh giá của mình, Bí thư Đảng ủy Đặng Văn Thân đưa chúng tôi đến bản Xiềng. Tại đây chúng tôi được trưởng bản cho biết, bản 175 hộ hầu hết là đồng bào dân tộc Thái, vốn là bản khó khăn, khi được chọn làm bản điểm để xây dựng, theo Trưởng bản, trong xây dựng nông thôn mới, công việc đầu tiên của bản là xây dựng hệ thống giao thông nông thôn. Nhờ sự hỗ trợ 37,4 tấn xi măng của Nhà nước, bản đã vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường. Đến nay, bản đã sửa chữa, mở được 130 mét đường giao thông nông thôn, cải tạo, nâng cấp 730 mét vuông sân nhà văn hóa cộng đồng. Trong phát triển kinh tế, bản Xiềng tập trung nguồn lực đầu tư một số mô hình kinh tế như nuôi cá lồng, vịt đẻ trên sông, cấp trâu, bò, dê cho các hộ, kết hợp với các tổ chức tập huấn các lớp nấu ăn, dạy nghề phục vụ du lịch. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong bản đạt 28 - 30 triệu đồng/người/năm, có 88/175 hộ giàu và khá. Bản Xiềng đã về đích xây dựng nông thôn mới và trở thành bản kiểu mẫu của huyện Con Cuông trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Sau buổi làm việc, anh Vi Văn Tụ mời khéo cả đoàn đi du thuyền sông Giăng: "Đến Môn Sơn mà không đi thuyền ngược sông Giăng gập ghềnh sỏi đá, ngắm nhìn Pù Mát xanh thì coi như chưa đến Môn Sơn".
Từ bến thuyền Phà Lài ngược dòng sông Giăng chúng tôi lên thượng nguồn Khe Khặng, đến với bà con người Đan Lai - tộc người thiểu số đang được bảo tồn và phát triển. Dòng sông Giăng vốn hiền hòa uốn lượn trong vùng lõi Pù Mát, mùa nước lớn trở nên dữ dội và kỳ thú khi dòng nước xối vào sỏi đá cuộn trào. Người lái thuyền đã có 15 năm chèo lái trên dòng sông này cho biết: Đi thuyền sông Giăng mùa nào cũng vậy nếu không thông thạo luồng lạch, địa hình, thuyền có thể va vào rất nhiều vật cản làm mất lái, tròng trành, quay ngang, thậm chí là lật úp. Nghe lái thuyền nói vậy, mấy chị em sợ hãi tay cứ báu chặt lấy mạn thuyền. Ngồi trên thuyền tôi chợt nhớ câu nói của một anh bạn công tác ở Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Con Cuông "Thác ghềnh sông Giăng và văn hóa sông nước của tộc người Đan Lai, là một “đặc sản” của Con Cuông đấy". Gần hơn hai giờ ngược sông Giăng, chúng tôi được trải nghiệm cảm giác “phiêu lưu” cùng dòng nước cuồn cuộn. Đi giữa rừng xanh, núi thẳm, ngắm những vạt hoa đủ sắc mầu in sắc nơi đáy sông đầy thơ mộng, cảm nhận sự bình lặng giữa hoang sơ khi thấy đàn cò nhảy nhót trên lưng những con trâu nằm ườn sưởi nắng…Nhà văn Phạm Minh Thư háo hức vì được trở lại vùng đất mà đã từng đến đây viết bài. Anh chỉ tay về phía thượng nguồn và nói: Nơi thượng nguồn kia vẫn âm vang đâu đó truyền thuyết về người Đan Lai, rồi anh đọc mấy câu "Theo dấu chân nai bỏ vào hạt lúa/Theo dấu chân cọp cắm vào hạt ngô/Lang thang đầu núi/Bâng khuâng lưng đèo...". Tôi đã được đọc rất nhiều bài báo viết về tộc người này, người Đan Lai cư trú chủ yếu ở vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát, với khoảng 250 hộ, gần 1.000 nhân khẩu cư trú ở ba bản Khe Cồn, Búng và Cò Phạt tít thượng nguồn Khe Khặng thuộc xã Môn Sơn. Trước năm 2001 chưa có đường vào bản, cho nên việc di chuyển chủ yếu là đi bộ theo lối mòn và thuyền ba lá dọc khe suối. Điều kiện cách biệt về địa lý và các tập tục lạc hậu, cuộc sống tộc người Đan Lai dựa vào rừng, săn bắn, hái lượm và phát rẫy, nghèo đói quanh năm. Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết diễn ra khá phổ biến…Để bảo tồn Vườn quốc gia Pù Mat và giúp đồng bào thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu và phát triển bền vững, từ năm 2002 đến nay, nhiều hộ gia đình tộc người Đan Lai sinh sống tại thượng nguồn Khe Khặng đã được di dời tới các điểm tái định cư xã Thạch Ngàn và xã Môn Sơn, đến năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai. Đến nay cơ bản cuộc sống của tộc người Đan Lai đã ổn định và bắt đầu khởi sắc.
Đi được một đoạn, lái thuyền nói với chúng tôi: Đến đây cho biết thôi chứ nếu còn vào bản nữa thì xa lắm. Nói xong anh cho thuyền xuôi dòng và cập vào một bãi tắm. Mấy chị em chu đáo hơn chuẩn bị đầy đủ đồ tắm, còn cánh đàn ông thì tuềnh toàng, đến nơi nhìn nhau cười vì không có đồ thay, duy chỉ có nhạc sĩ Trịnh Thuận không tắm, còn lại mấy anh em cứ theo cách của anh Lê Hoàng ào xuống sông "tắm tiên"! Mãi gần 7 giờ tối, chúng tôi mới trở về Homestay Thủy Nguyệt. Sau bữa cơm tối, lẽ ra còn có chương trình uống rượu cần và giao lưu văn nghệ, nhưng mọi người không quen "ngủ chung" ở homestay nên chúng tôi lại lên xe về Tương Dương ngay trong đêm.
Cũng chỉ vì sự tiếc nối ấy mà 2 tháng sau tôi đã quyết định bỏ chuyến đi Sơn La dự lớp tập huấn Kỹ năng quản lý nhóm theo lời mời của chị Lương Thị Trường để trở lại Mường Quạ lần nữa nhằm tìm hiểu kỹ hơn về đất và người nơi đây. Anh Vi Văn Kim và Lê Hoàng không ở nhà nên tôi gọi điện cho Vi Thị Thắm, con gái anh Vi Tố Định, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Nghệ An. Thắm là một con người khá nổi tiếng trong hoạt động du lịch cộng đồng ở Con Cuông. Đến homestay Mường Quạ không ai không nhắc đến cô Thắm. Tôi giới thiệu về mình và nói rằng "Chú với bố cháu và bác Vi Hòa ở Đài truyền hình Việt Nam trong đợt làm phim về Vừ Chông Pao đã nhận nhau làm anh em kết nghĩa, bác Vi Hòa là anh cả, còn chú là em út. Chú muốn trở lại Mường Quạ lần nữa để tìm hiểu kỹ hơn về du lịch cộng đồng ở đây và mong được Thắm giúp đỡ". Tiếng Thắm vang lên từ đầu bên kia "Cháu nghe tên chú đã lâu và bố Định cũng nói về chú rất nhiều, chú cứ đến Con Cuông rồi a lo cho cháu". Thế là tôi lại lên đường.
Vi Thị Thắm đã khởi nghiệp từ nghề Du lịch cộng đồng trên chính quê hương mình
Gặp nhau ở Trung tâm Anh ngữ Vi Mickey, vài câu xã giao rồi Thắm đưa tôi vào Mường Quạ. Tôi hỏi Thắm về loại hình du lịch homestay và được Thắm chia sẻ: Homestay là một phương thức hoạt động kinh doanh mà cộng đồng dân cư chính là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch, bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, đôi khi còn “bao” luôn cả vai trò của một hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn du khách tìm hiểu đời sống văn hóa cũng như tinh thần, các danh lam thắng cảnh đẹp, lạ, hoang sơ mà nếu không phải người bản địa, chưa chắc người khác đã biết.
Khi tôi hỏi vì sao Thắm chọn con đường du lịch? Thắm mỉm cười, đó là cái duyên, cái số chú ạ. Rồi Thắm bộc bạch: Cháu may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa ở quê là được về bản Vinh học Trường phỏ thông dân tộc nội trú của tỉnh. Cháu rất thích học tiếng Anh. Nói thật với chú, ở quê mình, thời bọn cháu khi đó không mấy ai được học tiếng Anh nên cháu quyết tâm học bằng được và tự khuyên mình là phải học thật giỏi. Cháu học tiếng Anh một phần là để thỏa đam mê của mình, phần nữa là mong ước được giao lưu, học hỏi thêm kiến thức cho cuộc sống sau này và được đưa văn hóa Thái quê mình đến với bạn bè trên thế giới. Tốt nghiệp THPT cháu thi đậu Trường Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp cháu được nhận vào làm thư ký kiêm phiên dịch viên cho Dự án Phát triển nông thôn miền Tây Nghệ An của Luxembourg. Những tháng ngày rong ruổi khắp các huyện miền núi Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu… cháu thấm thía nỗi cực nhọc của bà con, những thiệt thòi của trẻ em dân tộc thiểu số. Thế là cháu quyết tâm học và thi lấy học bổng du học, và cháu đã giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc cho khóa học thạc sĩ chuyên ngành phát triển. Xong hai năm học ở Úc cháu về nước và làm việc cho Tổ thức Bảo tồn thiên nhiên thế giới ở Huế. “Dự định là sẽ làm ở đó vài năm để tích lũy tiền bạc. Nhưng quê hương cứ thôi thúc, thế là chỉ mới 2 năm làm việc cháu xin nghỉ việc để về quê, đó là vào năm 2016” - Thắm bộc bạch. Trở về quê hương Con Cuông, Thắm mở Trung tâm Anh ngữ Vi Mickey, đây là trung tâm tiếng Anh đầu tiên ở huyện Con Cuông. Những em có hoàn cảnh khó khăn được Thắm cho học miễn giảm phí.
Ngồi nhâm nhi chén nước ở bến thuyền sông Giăng, nhìn Thắm cứ đau đáu về phía chân trời xa lắc, tôi chợt nhớ có lần anh Vi Văn Kim giải nghĩa từ Phà Lài: "Tiếng Man Thanh là Pha Lài còn tiếng Tay Mương là Phá Lai, nghĩa là lèn đá có hoa văn hay hoa trên lèn đá cũng thế"! Thắm quay lại tôi và bảo "Chú thấy quê hương cháu đẹp không? Chỉ với những cái tên Môn Sơn, Phà Lài, Sông Giăng, Đan Lai...cũng đủ để thu hút mọi người về đây rồi". Thắm bảo, sau những chuyến cùng bạn bè thuê thuyền ngược sông Giăng vào với bà con Đan Lai, nơi có truyền thuyết trăm cây nứa vàng với tục ngủ ngồi hay những cánh rừng nguyên sinh ngan ngát soi bóng xuống dòng sông Giăng…Chính cái đẹp hoang sơ của Mường Quạ đã thôi thúc Thắm quyết chí phát triển dịch vụ du lịch ngay trên quê hương mình. Bao nhiêu kinh nghiệm của những tháng năm tham gia các dự án nước ngoài, kiến thức đã học, những quan hệ từ trong, ngoài nước...được Thắm huy động để Công ty du lịch Phà Lài ra đời, để bản Xiềng đổi thay.
Mường Quạ là vùng đất văn hóa, nhiều bản sắc văn hóa của người Thái, người Đan Lai vẫn còn lưu giữ được và cách làm du lịch của Thắm cũng là lấy văn hóa làm trung tâm. "Làm du lịch kết hợp với quảng bá văn hóa bản địa, để đưa quê hương mình đi ra thế giới rộng lớn ngoài kia"- Thắm nói. Vì ý tưởng đó mà Thắm đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm và mời gọi các nghệ nhân dân gian sưu tầm và phục dựng nhiều làn điệu hát múa cũng như một số lễ hội cổ truyền của người Thái. Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp ở Môn Sơn là người đầu tiên được Thắm tìm đến và nhờ giúp sức. Tự hào và cảm phục sự đam mê của Thắm, ông đã sưu tầm và phục dựng nhiều làn điệu dân ca cổ của người Thái như Hội cầu mùa, Hội cầu may..., những bài đồng giao cho trẻ con được du khách tán thưởng nhiều nhất. Khách du lịch cả Tây lẫn ta đến với Phà Lài, ngoài việc nghỉ dưỡng và trải nghiệm như đánh cá, cưỡi trâu, chèo thuyền...thì họ còn muốn khám phá nét đẹp văn hóa của bà con nơi đây. Sân khấu hóa là hình thức được Thắm lựa chọn nhằm giới thiệu các giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái để làm thỏa mãn du khách. Thắm còn bảo "Cháu đã treo thưởng cho những ai phục dựng truyền thuyết “Trăm cây nứa vàng” của người Đan Lai” hoặc dựng lại hào khí “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” năm xưa của nghĩa quân Lê Lợi"...
Cái mà tôi muốn tìm hiệu là hiệu quả của homestay trên mảnh đất Mượng Quạ này. Như hiểu được ý tôi, Thắm chẳng nói gì mà đưa tôi đến nhà chị Vi Thị Thỏa, một trong những chủ nhân thành công nhất ở bản Xiềng. Chị Thỏa trao đổi "Bản Xiềng có được như ngày hôm nay là công sức bao năm cầm tay chỉ việc làm du lịch của em Thắm đây".
Ngôi nhà sàn của chị Thỏa nhỏ nhắn, bình dị nhưng rất sạch sẽ, tươm tất. "Năm nay vì dịch Covid-19 nên bà con ở đây được thảnh thơi, chứ như các năm trước thì không có thời gian tiếp chuyện nhà văn đâu"- chị Thỏa vừa cười vừa nói. Rồi chị Thỏa trầm ngâm kể: “Mẹ con tôi nghèo khó quanh năm, chỉ có mỗi căn nhà, được chính quyền và nhất là công ty của em Thắm giúp đỡ mà cuộc sống khá hơn rồi". Từ chỗ chỉ biết đi nương đi rẫy, được Thắm và nhân viên công ty hướng dẫn, chị Thỏa đã mạnh dạn làm du lịch theo đúng lời Thắm dạy. " Khi đến đây, du khách được thưởng thức ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, các điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, được "ba cùng" với người dân bản"- nói đến đây gương mặt chị Thỏa trở nên rạng rỡ, chị khoe tiếp "Có những đêm nhà chị đón đến 30 người, vui lắm”.
Chúng tôi trở lại bến Phà Lài, Thắm chỉ tay về phía hữu ngạn sông Giăng, rồi nói: Trước mặt là khu nghỉ dưỡng, đã quy hoạch rồi chú ạ, lên trên một chút là nơi xây dựng sân chơi, sân khấu ngoài trời, đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng, công ty cháu đang hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng. Quả thật tôi rất khâm phục Thắm, một cô gái trẻ nhỏ nhắn mà can trường. Nhìn Thắm tôi lại nghĩ về từ Pha Lài, và Thắm cùng với bà con nơi đây, những người đã và đang làm cho Mường Quạ đẹp mãi trong mắt du khách chính là Pha Lài – hoa trên lèn đá!
Nửa ngày ở Môn Sơn tôi thấy được mô hình homestay đã góp phần thay đổi quan niệm và thói quen ứng xử với môi trường của người dân Mường Quạ. Nhờ phát triển du lịch mà tiềm năng vùng đất Mường Quạ này đã được đánh thức. Nói đâu xa, cái đập Phà Lài đó thôi, xưa là nơi sơn lam chướng khí, ít ai lai vãng, nay đã tấp nập thuyền bè du lịch. Dòng sông Giăng giờ đây không còn đơn độc len lỏi trong vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát, mà dòng nước ngọt lành ấy đã theo du khách “chảy” đi muôn phương.
Cùng đi với tôi hôm đó còn có anh Phùng Văn Mùi, nguyên Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Con Cuông- một người bạn viết của tôi từ những năm 90 của thế kỷ trước. Anh chia sẻ quan điểm của mình "Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Con Cuông như mong đợi, còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng có lẽ, song hành với phát triển, điều quan trọng nhất là nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trân trọng môi trường và các giá trị truyền thống vốn có, xây dựng thành chuỗi giá trị có tính thương hiệu, đặc thù. Ý thức về phát triển du lịch bền vững sẽ thay đổi ngay từ những hành động nhỏ gần gũi thiên nhiên, hướng tới cộng đồng".
Mô hình trồng dưa lwói ở xã Lục Dạ (ảnh do UBND xã cung cấp)
Chia tay Môn Sơn, trên đường về thị trấn tôi ghé thăm bản Mét, xã Lục Dạ theo giới thiệu của anh Phùng Văn Mùi. Trưởng bản La Văn Cương đưa chúng tôi đi dạo một vòng quanh bản để giúp tôi cảm nhận được thành quả của bà con trong xây dựng nông thôn mới. Anh Cương cho biết: Bản Mét có hơn 100 hộ dân chủ yếu là đồng bào người Thái. Năm 2016, bản được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên bản thực hiện là vận động người dân tự tháo dỡ các bờ rào, tường bao, hiến đất để mở rộng đường theo tiêu chuẩn. Chỉ một thời gian ngắn, có hàng chục hộ gia đình hiến hàng ngàn mét vuông đất, hàng trăm mét bờ rào, tường bao để nhường đất cho việc mở rộng đường. Song song với việc làm này, bản cũng vận động bà con đưa khu chăn nuôi và công trình vệ sinh ra xa chỗ ở để bảo đảm vệ sinh môi trường…; vận động bà con đổ rác đúng nơi quy định. Về làm đường giao thông, khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng, Nhân dân đã đóng góp để mua thêm cát sỏi, đóng góp ngày công để thực hiện bê tông hóa đường giao thông của bản. Đến nay, hệ thống đường giao thông của bản Mét đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để tiêu chí thu nhập đạt chuẩn, chính quyền xã đã chỉ đạo người dân đã tích cực chuyển đổi cây trồng và vật nuôi phù hợp để tăng giá trị thu nhập. Nhiều mô hình chăn nuôi dê, lợn hàng hóa đang được người dân triển khai rộng rãi. Nhiều mô hình trồng rau sạch, dưa hấu, bí đao cho thu nhập mỗi năm 30 - 100 triệu đồng. Hiện, bản đã về đích xây dựng nông thôn mới với bình quân thu nhập đầu người đạt hơn 33 triệu đồng/người/năm.
Chị Lô Thị Mậu, Chủ tịch UBND xã Lục Dạ cho biết: Khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bản nào có điều kiện hơn thì làm trước, rồi làm tiền đề để các bản khác học hỏi rút kinh nghiệm. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự đồng thuận cao của Nhân dân, đến nay Con Cuông đã có 7 thôn, bản và 2 xã về đích nông thôn mới. Năm 2020, huyện sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, tập trung các nguồn lực để xây dựng một số bản về đích xây dựng nông thôn mới góp phần làm thay đổi cuộc sống và diện mạo bản làng tiến đến xây dựng Con Cuông trở thành miền quê trù phú. Chủ tịch Vi Văn Sơn bộc bạch quan điểm chỉ đạo của huyện: Kết quả cụ thể không bằng Tương Dương, nhưng chúng tôi đang hướng tới xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, chứ không xây dựng nông thôn mới theo kiểu bong bóng xà phòng.
Được trò chuyện với bạn bè ở Cuông Cuông tôi thấu hiểu sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới mà Con Cuông đã và đang thực hiện chính là bền vững từ hộ gia đình đến bản, xã. Hộ gia đình có đạt về các tiêu chí nhà ở, sản xuất, thu nhập thì bản mới đạt chuẩn và khi đó xã mới có cơ sở phấn đấu về đích nông thôn mới. Cũng là phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", nhưng cách vận dụng ở Con Cuông cũng khác nhiều nơi. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, bản gieo vào lòng dân niềm tự hào và tình yêu đối với quê hương cách mạng, để mỗi người dân tự giác rũ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại tự vươn lên làm giàu.
Tôi rất ít khi đi các trung tâm thương mại để mua sắm, mà mỗi lần đi du lịch hay đi công tác tôi thường ghé qua chợ quê mà ai đó thường gọi là chợ truyền thống hay chợ dân gian gì gì đó. Chợ là khuôn mặt, là văn hóa của một vùng quê. Đến chợ nhìn vào hàng hóa, ngắm gương mặt dân quê biết vùng đó có bản sắc văn hóa thế nào. Thời mẹ tôi còn sống, chân mỏi lưng còng vẫn tha thiết được chống gậy ra chợ cách nhà hàng vài cây số. Mẹ tôi giải thích sự hình chợ dân gian theo kiểu của người đã từng trải: Thoạt đầu một người cầm bó rau, con gà, quả trứng…đem ra ngồi nơi người ta thường đi lại (thường là đầu làng, ngõ xóm) để bán, thấy hàng xóm bán được, hôm sau có thêm một người đem theo con chó, con mèo…tấm thổ cẩm đến ngồi bên…cứ thế, cứ thế ngày một đông dần và cuối cùng nó thành cái chợ.
Chợ Mường Quạ những ngày áp tết Canh Tý thật là nhộn nhịp và vui tươi. Nhớ lời anh bạn dặn: Đi chợ Mường Quạ là phải đi thật sớm, để được ngắm nhìn cảnh đồng bào các dân tộc Thái, Đan lai từ khắp mọi nẻo đường mang theo những sản vật từ vườn nhà như rau, củ, quả, vật nuôi và các loại nhạc cụ dân tộc tự làm xuống chợ để bán. Những cô gái Thái ở các bản, làng biên giới Môn Sơn thả hồn trong các điệu múa đậm đà bản sắc dân tộc của vùng Tây Nam xứ Nghệ. Du khách đến phiên chợ Mường Quạ ngoài thỏa sức mua sắm còn được tham gia các trò chơi dân gian.
Chợ Mường Quạ là chợ phiên có quy mô lớn nhất trong hệ thống các phiên chợ vùng cao của Nghệ An mà tôi đang từng được đi, từ cách tổ chức đến các mặt hàng bày bán, xen vào đó là các hoạt động văn hóa vô cùng đặc sắc trở thành cái bùa yểm níu giữ chân khách. Quả thật, chợ phiên Mượng Quạ là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số huyện Con Cuông, ẩn chứa trong đó những nét độc đáo khó trộn lẫn với bất cứ phiên chợ nào, thu hút hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Không chỉ là nơi giao thương và trao đổi, chợ phiên Mường Quạ còn là nơi hội ngộ bạn bè, tình hữu. Mấy anh bạn của tôi từ Vinh lên cứ tìm mua những vật dụng hiếm thấy bán ở miền xuôi như các sản phẩm thổ cẩm: túi, khăn piêu, váy, áo cóm, khăn quàng… đến các sản phẩm mây, tre đan như mâm mây, ghế mây, ép xôi, gùi… và cả dụng cụ, nhạc cụ để làm quà lưu niệm. Sau khi đã thỏa thích mua sắm, tôi rủ mấy anh bạn tìm đến khu ẩm thực để thưởng thức các món ăn truyền thống của người dân địa phương như bò giàng, lợn giàng, cá nướng, thịt chua, mọc…rồi ngất ngay trong chóe rượu men lá thơm lừng.
Qua những những lời bộc bạch của người đi chợ, tôi được biết, đã từ lâu, chợ phiên trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân Mường Quạ. Ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi giao lưu văn hóa của người dân nơi đây và một số địa phương lân cận. Chợ phiên Mường Quạ không chỉ là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân trong vùng mà còn được xem coi là nơi gặp gỡ, hò hẹn của nhiều đôi trai gái, bởi vậy cũng từ những phiên chợ này mà họ kết tóc se duyên thành vợ thành chống. Chợ phiên Mường Quạ đã trở thành hồn cốt và tính cách của người Con Cuông.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Con Cuông đang hòa mình vào xu hướng phát triển kinh tế xanh vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức mới về môi trường. Xin mượn tâm sự của một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện cho phần kết của bài viết này: Nhà sạch, cây xanh, không khí trong lành, con người hồn hậu, mến khách và một cuộc sống ấm no, hạnh phúc là cái đích không chỉ Mường Quạ mà cả huyện Con Cuông đã và đang hướng tới trong tương lai.
Vi Hợi