XÁ LƯỢNG ĐẤT NỞ HOA

Đăng lúc 05:12:52 12/11/2020

        Đã lâu tôi chưa về thăm Xá Lượng- mảnh đất mà chỉ mới nghĩ đến thôi đã cảm nhận được như thoảng đâu đó có hương thơm của cơm nếp, cá rán từ ngàn xưa, hương vị thơm ngọt của bát phở Trung Lợi; đã nghe vi vu tiếng như gió reo của đại ngàn; cảm nhận được sự linh thiêng, trầm mặc của đền Vạn - nơi khởi nguồn, phát tích tín ngưỡng thờ Đốc tướng quân Đoàn Nhữ Hài và Mẫu Thượng ngàn và đã thấy những rộn ràng, náo nhiệt, rực rỡ sắc màu của lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào vào cuối tháng giêng hằng năm với những làn điệu xuối, khắp, lăm, nhuân hòa cùng điệu tơm, cự xia… ngọt ngào, da diết trong âm thanh dập dìu, tha thiết tiếng pí, tiếng khèn của người Thái, Mông, Khơ mú… Lần này trở lại, với tâm thế của một người bạn cũ về thăm và chúc mừng xã Xá Lượng đã hoàn thành xuất sắc 19 tiêu chí nông thôn mới và vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025.

          Từ Hòa Bình, dù đi xe máy hay ô tô, chỉ cần miết nhẹ ga dăm phút thôi là có thể có mặt tại Cửa Rào, thủ phủ của Xá Lượng, nơi hợp lưu của dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ và cũng là đầu nguồn của con sông Lam thơ mộng. Chính nơi đây mấy chục năm trước đã làm xốn xang trái tim nhạc sĩ Thanh Tùng để ông cảm hứng viết nên ca khúc "Hát về ngã ba sông" và đã trở thành huyện ca của Tương Dương…"Ơ, anh đưa em về một ngã ba sông. Nơi có dòng nậm Nơn, Nậm Mộ. Nơi đầu nguồn con nước sông Lam. Một vùng cao quê hương ta đó…", chỉ nghe vậy thôi cũng đủ thôi thúc ta về với Cửa Rào, về với Xá Lượng thân thương. Chầm chậm bước chân trên con đường thẳng băng giữa bạt ngàn hoa săng lẻ, ngắm nhìn phố núi bé nhỏ mà sầm uất, nhộn nhịp chẳng kém gì phố thị, rồi qua cầu Cửa Rào vào trụ sở ủy ban, nghe đồng chí Chủ tịch UBND xã Lô Thị Trà My thông tin về tình hình nển kinh tế- văn hóa- xã hội và đời sống của nhân dân trong xã mà tôi thực sự bất ngờ trước những kết quả mà Xá Lượng đã và đang làm được. Là xã nằm cửa ngõ phía Tây của thị trấn Thạch Giám, Xá Lượng có 8 bản; dân số chỉ có hơn 5.800 người, trong đó hơn 70% là dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Khơ mú,…); tổng diện tích tự nhiên hơn 12.300 ha thì đất lâm nghiệp là hơn 10.300 ha, đất nông nghiệp rất ít. Mặc dù hơn nửa số bản của xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; địa hình đồi núi chia cắt; hạ tầng giao thông đi lại còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều; thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố khách quan…, khó khăn thách thức không hề nhỏ, song với ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt khó của tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Xá Lượng phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, vươn lên giành thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực các lĩnh vực. Kinh tế phát phát triển toàn diện, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 34,5 triệu đồng/năm, thu ngân sách bình quân hơn 230 triệu đồng/năm, điện lưới quốc gia phủ kín khắp tất cả các bản. Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao; y tế, giáo dục luôn luôn được chú trọng chăm lo, 100% trường học và trạm yế đều đạt chuẩn quốc gia; 98% dân số tham gia BHYT; bình quân mỗi năm giảm 6,64% hộ nghèo, tính đến đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,97% vượt xa mục tiêu Đại hội đảng bộ xã lần thứ 27 đề ra , 100% số bản phủ sóng điện thoại, 98% hộ dân được nghe đài, xem truyền hình…Nghe những con số số cụ thể, rõ ràng từ đồng chí Chủ tịch UBND xã tôi thấy thật mừng cho Xá Lượng lắm. Nhưng chỉ nghe thôi thì chưa đủ, tôi đã đề xuất với anh em cán bộ xã cho đi thăm quan thực tế, để được tận mắt thấy, để cảm nhận được những kết quả ấy bằng những hình ảnh thực tế sống động.

          Thế là một ngày chủ nhật, tôi được lãnh đạo xã dẫn đường vào thăm trang trại của anh Trần Công Chính ở bản Cửa Rào 2 - một trong những điển hình tiêu biểu về phát triển kinh tế trang trại. Từ 4 héc ta vườn tạp, anh đã khai phá thành một trang trại trù phú với 1.300 cây cam, giống cam Vinh thơm ngọt nổi tiếng cả nước, 500 cây bưởi hồng, 200 cây táo, ổi, ngoài ra anh còn nuôi hơn 200 con gà và trong chuồng luôn luôn có sẵn 4 con trâu bò luôn phiên đưa về nuôi vỗ béo và 2 cái ao cá rộng hơn 400 mét vuông. Nhìn những cây cam quả trĩu cành, tôi hỏi anh Chính:

          - Với quy mô như thế này, mỗi năm nhà mình thu nhập bao nhiêu.

          Thả mấy quả ổi vừa hái vào cái rổ đặt dưới gốc, anh Chính khiêm tốn trả lời:

          -  Trang trại cũng chỉ mới vài năm, nên thu nhập cũng không đáng bao nhiêu, trừ chi phí đầu tư đi cũng còn hơn trăm triệu mỗi năm, nhưng 2-3 năm nữa thôi thì 3 đến 4 trăm triệu là ăn chắc.

          Rời trang trại anh Trần Công Chính, theo giới thiệu của Chủ tịch xã, chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của anh Dương Văn Dũng cũng ở bản Cửa Rào 2. Với hơn 6 héc ta đất đồi, anh Dũng đã đầu tư nuôi gần 30 con bò, 100 con dê và hơn 3000 con gà thịt. Để phát triển chăn nuôi ổn định, anh Dũng còn trồng cỏ và chuối để làm thức ăn đàn gia súc, gia cầm. Trừ chi phí sản xuất, bình quân mỗi năm gia đình anh Dũng thu về hơn 200 triệu tiền lãi.

          - Đến Xá Lượng mà không được ghé thăm bản Khe Ngậu thì quá thiệt thòi bác ạ- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lương Thị Hồng Như mời khéo tôi về Khe Ngậu.

          Bản Khe Ngậu ở bên kia sông Nậm Mộ, chỉ cách đền Vạn hơn 300 mét, bản có 169 hộ đồng bào dân tộc Thái. Ai đã một lần đến Khe Ngậu đều được nghe kể về câu chuyện con hoẵng trắng. Chuyện kể rằng vào những năm 20 của thế kỷ trước, một buổi sớm tinh mơ, dân bản thức dậy nhìn thấy một con mang[1] màu trắng đứng ngẩn ngơ giữa bản liền đuổi bắt. Người ta làm thịt con mang và chia cho mỗi nhà một ít, hôm đó có một chị góa chồng, không ở nhà nên dân bản treo phần thịt ngoài cươi chờ chủ về lấy. Chiều tối hôm đó trời nổi cơn giông bão, mưa sầm sập, lũ ống từ đầu nguồn khe Ngậu ập đến quét sạch cả bản, duy chỉ có nhà chị góa chỉ bị sạt góc nhà nơi dân bản treo phần thịt con hoẵng trắng. Người ta bảo con mang trắng chính là hiện hình của một con ngược leng (rồng cạn) đem điềm gở về cho bản. Sau này, huyện đã 4 lần đầu tư xây dựng cầu treo sang Khe Ngậu, nhưng cả 4 lần cầu dựng xong chưa được bao lâu thì bị nước lũ cuốn trôi. Ngươi dân Khe Ngậu nhớ lại câu chuyện con mang trắng năm xưa nên đã lập đàn tế thần sông, thần suối cầu được bình yên. Đó chỉ là câu chuyện tâm linh của bà con, chứ chiếc cầu treo sang Khe Ngậu bây giờ là chiếc cầu thứ 5 và rút kinh nghiệm từ 4 cây cầu trước, lần này các nhà thiết kết cho xây cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1978, vì vậy đợt lũ lịch sử cuối tháng 8 năm 2018 cầu vẫn vững chài, hiên ngang vươn mình giữa dòng nước hung dữ.

           Bây giờ Khe Ngậu đã là một bản thuần Thái sầm uất và đẹp nhất huyện Tương Dương với những mái nhà sàn theo lối kiến trúc cổ xưa. Khe Ngậu được mệnh danh là thủ phủ của cà ngọt với tiềm năng dồi dào, diện tích trồng và sản lượng lớn nhất cả huyện. Cà ngọt là đắc ản nổi tiếng của Tương Dương với ưu điểm nổi bật là ngọt và giòn. Cà ngọt có thể ăn sống, chấm với mắm tôm hay chẻo, xào, nấu canh hay làm món dầm tương để tủ lạnh ăn dần. Nhưng chỉ có được ăn món cà ngọt nấu với thịt sóc, cho thêm ít hoa chuối rừng, một ít lộc quế - loại quế trắng, xả giã mịn và nêm ít mắc khén mới thấy hết cái ngon của quả cà ngọt Tương Dương và sự tinh túi trong văn hóa ẩm thực của người Phủ Tương xưa. Với địa hình đồi núi cao lại nằm trong vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng của cây cà ngọt nên vùng cà Khe Ngậu được hình thành từ rất lâu và gắn liền với cuộc sống của người Thái từ bao đời nay. Bởi những ưu thế vượt trội về lợi ích, giá trị kinh tế nên từ nhiều nhiệm năm gần đây, Đảng bộ xã Xá Lượng đã xác định cây cà ngọt là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo. Hiện nay UBND xã đã và đang tập trung chỉ đạo và hướng dẫn bản Khe Ngậu mở rộng diện tích, trồng, chăm sóc, khai thác, bảo quản và chế biến quả cà ngọt. Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Lô Thị Trà My tôi được biết: Toàn bộ diện tích cà ngọt của Xá Lượng hiện nay là 24 héc ta, chủ yếu ở bản Khe Ngậu. Địa phương đang phấn đấu trong năm tới sẽ đưa quả cà ngọt trở thành sản phẩm đặc trưng trong chuỗi sản phẩm OCOP của huyện Tương Dương và được cấp Giấy chứng nhận xác nhận quyền chỉ dẫn địa lý Khe Ngậu cho sản phẩm cà ngọt tại các địa phương trong nước.

Một góc bản Khe Ngậu nhìn từ phía quốc lộ 7A

          Một trong những địa chỉ tôi được lãnh đạo xã đưa đến thăm khi đến Khe Ngậu là trang trại của anh Lương Văn Tiểu với quy mô 5 héc ta. Đây là trang trại tổng hợp, vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi. Gia đình đình anh Tiểu duy trì tổng đàn gai súc với 15 con bò, 40 con dê bán chăn thả và 30 con lợn, trong đó có 10 con lai lợn rừng, gần 300 con gà thịt, trồng hơn1 héc ta cà ngọt. Mỗi năm anh xuất chuồng 5,3 tấn thịt hơi. Bình quân mỗi năm thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng. Chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cà ngọt, anh Tiểu cho biết:

          - Cây cà ngọt dễ chăm, dễ trồng, nhưng chỉ có cà ngọt trồng trên đất Thạch Giám và Lượng minh xưa mới ngon, ngọt và giòn. Cây cà trồng có thể cho khai thác quả từ 2 đến 3 năm. Sau khi thu hoạch xong, cắt tỉa cành gần sát gốc, xới đất, vun gốc bón phân, tưới nước, cây cà bắt đầu nảy mầm, bổ sung thêm dinh dưỡng để mầm to khỏe, sẽ cho nhiều hoa và tỷ lệ đậu quả cao. Cà ngọt thường bị sâu ăn lá, đục thân và rễ, cho nên khâu chọn đất, làm đất rất quan trọng, vừa đủ ẩm, lại phải thoáng cho bộ rễ phát triển khỏe mạnh và kháng được sâu bệnh.

          Miên man với những quả cà ngọt và những trang trại sầm uất đã làm đổi đời cho bao người nông dân, tôi đến thăm gia đình nghệ nhân ưu tú Lương Văn Pắn. Rất may hôm đó anh Pắn ở nhà và đang cùng Câu lạc bộ cồng chiêng của bản tập luyện để tham gia dự Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa năm 2020. Tôi và Pắn vốn quen biết nhau cũng gần hai chục năm nay. Khi tôi còn làm Phó chủ tịch UBND huyện thường đưa gọi Pắn về tham gia đội nghệ thuật các dân tộc thiểu số của huyện tham gia hội diễn toàn tỉnh, toàn quốc. Pắn còn trẻ những đam mê hát dân ca và thổi khèn bè, anh có công lơn trong bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca Thái và các nhạc cụ dân tộc Thái.

          Là xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, mỗi dân tộc với những bản sắc, phong tục tập quán rất riêng đã tạo nên những sắc màu văn hóa truyền thống đa dạng cho Xá Lượng. Cùng với những tập tục độc đáo như cấp sắc, cầu mưa, cầu mùa, mừng lúa mới, mừng nhà mới… của người Thái, Khơ mú, còn có nghi lễ độc đáo của đồng bào dân tộc Mông như cúng tết, cúng rừng….Vì vậy, cùng với phát triển kinh tế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng được cấp ủy, chính quyền Xá Lượng hết sức chăm lo. Phó Chủ tịch Đậu Văn Hiệp khoe:

          - Nói đến bảo tồn văn hóa bà con ở đây hưởng ứng mạnh lắm, ở Xá Lượng bây giờ có nhiều câu lạc bộ dân ca, dân vũ, ….thường xuyên hoạt động có hiệu quả, tiêu biểu như: Câu lạc bộ dân cá ví dặm Cửa Rào, câu lạc bộ tơm Na Bè, câu lạc bộ cồng chiêng Khe Ngậu…Nhờ phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi đã cổ vũ tinh thần lao động hăng say của bà con.

          Ngày hôm sau, như đã hẹn với Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vi Thị Hồng Như tôi vào thăm 2 bản Na Bè, Hợp Thành, đây là 2 bản của đồng dân tộc Khơ mú và Mông nằm sát bên nhau, là địa bàn vùng sâu và khó khăn nhất của xã Xá Lượng. Hồi tôi còn phụ trách Xá Lượng (1994-2000) tôi đã từng đến đây dự sinh hoạt chi bộ, họp dân để bàn chuyện làm ăn, chuyện giữ rừng, vận động bà con dân tộc Mông không di cư sang Lào hay vận động các cháu học sinh đến trường…Hồi đó, Na Bè và Hợp thành còn nghèo lắm, toàn là nhà tranh, vách nứa, đường xá đi lại vô vàn khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Bây giờ, nông thôn mới về gõ cửa từng nhà, đường vào bản không còn xa lắc như xưa bởi hệ thống đường giao thông từ xã đến bản hay đường đi lối lại trong các bản đã được mở rộng và được bê tông hóa. Không còn nhà tranh vách nứa, bây giờ Na Bè, Hợp Thành đã có nhiều nhà xây, nhà gỗ lợp ngói khang trang, to đẹp thấp thoáng dưới màu xanh của rừng. Gặp gỡ, trao đổi với Chi ủy, Ban quản lý 2 bản, được biết: Mặc dù địa hình chủ yếu là đồi núi cao, đồng bào sống chủ yếu bằng nghề thuần nông nhưng dưới sự tập trung chỉ đạo, định hướng và tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo của đồng bào các dân tộc nên những năm gần đây, Na Bè và Hợp Thành đã tìm được hướng đi, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển, từng bước nâng cao đời sống cho người dân trong bản. Nhất là từ khi thực hiện chủ trương về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới mà 2 bản như được chuyển mình. Cơ sở hạ tầng như nhà văn hóa, trường học, đường giao thông, nước sinh hoạt, điện thắp sáng và nhà ở hộ nghèo được đầu tư xây dựng mới; các hộ gia đình được hỗ trợ sản xuất như cấp con giống, cây giống và tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…từ đó kinh tế phát triển, đời sống y tế, giáo dục được chăm lo, an sinh xã hội được đảm bảo, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/năm.

          Ấn tượng với những kết quả bứt phá được tạo nên bởi sự nỗ lực và đồng lòng của tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xá Lượng nên thay vì đi thăm thác Tạt Hạ theo lời mời của mấy chị em cán bộ xã, tôi lại muốn được đi dạo một vòng qua quanh xã để đến với các bản, làng và được tận mắt nhìn thấy những mô hình phát triển kinh tế để cảm nhận cuộc sống của người dân nới đây. Đưa chúng tôi đến thăm mô hình kinh doanh tổng hợp của chị Đậu Thị Lịch, bản Hợp Thành. Nhìn cơ khơi khang trang, rộng rãi nhưng có phần giản dị, mộc mạc của chủ nhà, nhẩm tính doanh thu của gia đình, tôi tò mò hỏi Phó Chủ tịch UBND xã Đậu Văn Hiệp:

          - Ở Xá Lượng mình có bao nhiêu hộ thu nhập như hộ của chị Lịch.

          Thì Phó chủ tịch Hiệp khẳng định và tiết lộ rằng:

          - Tỷ phú thì chưa, nhưng nếu coi những hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng là triệu phú thì bây giờ Xá Lượng nhiều lắm.

          Anh còn còn nói đùa:

          - Muốn biết thì đến ngân hàng mà hỏi!

           Nghe anh Hiệp nói vậy, mọi người ai cũng đều cười. Tôi hòa vào câu chuyện thu nhập của người nông dân.

          - Bây giờ thời thế thay đổi, chỉ có anh nông dân mới có tiền gửi ngân hàng, chứ anh cán bộ làm công ăn lương, nhìn mã bên ngoài thì oai thật nhưng suốt ngày phải đi vay ngân hàng để chi tiêu.

           Quả thật, đọc bản báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới của Xá Lượng tôi khẳng định những điều mà Phó Chủ tịch Hiệp nói là hoàn toàn có cơ sở. Ở Xá Lượng bây giờ, những hộ có thu nhập cỡ tiền tỷ thì hiếm, chứ mỗi năm thu lãi từ 100 triệu trở lên thì nhiều lắm. Tuy không phải tất cả người dân ở Xá Lượng đều giàu có thế vì không phải nhà nào cũng có trang trại, gia trại vì quỹ đất có hạn. Song với tình hình phát triển như hiện nay, chỉ tính riêng từ việc phát triển và những lợi ích thu về từ mô hình trang trại, gia trại hoặc kinh doanh tổng hợp thì đời sống của nhân dân nói chung vẫn được đảm bảo và từng bước nâng lên.

          Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đình Hiền vừa được điều động từ thị trấn Thạch Giám lên tự tin:

          - Bởi thế mà xã chúng tôi mới có cơ sở, niềm tin và động lực đặt ra mục tiêu để trong những năm tới sẽ đạt được các tiêu chí nông thôn mới nâng cao thậm chí là xã nông thôn mới kiểu mẫu.

           Niềm tin mà Bí thư Đảng ủy nói tới không chỉ là của riêng của tập thể cán bộ lãnh đạo xã mà còn là niềm tin và động lực chung của nhân dân các dân tộc Xá Lượng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Những thành quả thực tế đạt được đã thay đổi mạnh mẽ tư duy, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy mà việc xây dựng nông thôn đổi mới đã bước đầu trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã. Nhớ lại việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch xã Lô Thị Trà My cho biết:

          - Tính đến năm 2012, cả xã mới chỉ đạt 2/19 tiêu chí, sau gần 6 năm phấn đấu đến năm 2018 cả xã đạt 13/19 tiêu chí. Được huyện hỗ trợ tích cực, cộng với sự quyết tâm lớn của đảng bộ đến cuối năm 2019 xã Xá Lượng đã hoàn thành xuất sắc 19/19 tiêu chí. Có thể kể ra vài con số nổi bật như: Huy động vốn đầu tư hơn 135 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 30 tỷ đồng, xóa 150 ngôi nhà dột nát, bê tông hóa 10 cây số đường thôn, bản, xây mới 3 câu dân sinh, trạm y tế, xây mới trường mầm non và 12 phòng học ở các bản, sân vận động, điện thắp sáng và hệ thống nước sinh hoạt… tăng thu nhập bình quân đầu người từ 20 triệu đồng/năm (2018) lên trên 33 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 38,1% năm 2015 xuống còn 4,9%, toàn bộ rác thải trên địa bàn đều được thu gom xử lý…

          Khi tôi hỏi định hướng 5 năm tới như thế nào, Chủ tịch UBND xã Lô Thị Trà My cho hay: Trong 5 năm tới, Xá Lượng phấn đấu nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, trong đó thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,5-3%.

          Nhìn lại chặng đường hơn 60 năm kể từ những ngày đầu mới thành lập (1954) cho đến nay, trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn nhưng tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xá Lượng đã không ngừng phấn đấu vươn lên đứng tốp đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của huyện trong các thời kỳ.

          Tôi yêu đất và người Xá Lượng! Mảnh đất đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và kỷ niệm chẳng bao giờ quên. Từ thời còn là cậu học trò ngây ngô tôi thường đạp xe lên đây chơi với bầu bạn, cùng đánh bóng bàn, cùng đi câu cá và chơi các trò chơi của "con nít", sau này khi đã là thầy giáo tôi cũng thường lên đây vào cuối tuần để thăm học trò,…Mỗi lần lên đây tôi thường rảo bước trên những con đường làng và mang theo những ước mơ của mùa. Một cánh chim chiều chao cánh neo bến bình yên. Tôi lắng nghe nhịp thở, cảm được làn gió mát, hương cỏ cây, tiếng vỡ lộc cộc của đất, tiếng chạm của hạt mưa rơi xuống những bạt ngàn xanh biếc. Được tận mắt chiêm ngưỡng thành quả xây dựng nông thôn mới của Xá Lượng tôi mới nhận ra rằng, cán bộ và nhân dân nơi này chẳng khác gì người thợ gốm. Và tôi chợt nhớ trong một lần theo lớp cử nhân chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đi thực tế ở làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), tôi đã được nghe tâm tình của người thợ gốm: Mỗi tác phẩm gốm phải trải qua hàng chục công đoạn, trong đó những khâu quan trọng như nhồi đất, ủ đất, tạo men, nung lò... sơ suất một khâu coi như tác phẩm bị bỏ. Mỗi tác phẩm người nghệ sĩ phải thổi vào đó một cái “hồn”. Cái “hồn” của người nghệ sĩ, cái “hồn” của tác phẩm sau khi đã định hình, lên men hòa quyện, cộng hưởng vào nhau để cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật độc đáo... Với Xá Lượng cũng vậy, mỗi con số, môi thành tựu kinh tế- xã hội,..đều mang hồn cốt của đất và người Xá Lượng. Để có thành quả như ngày hôm nay và để tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai, cán bộ và nhân dân Xá Lượng đã, đang và sẽ phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách chẳng khác gì những mẻ gốm đang oằn mình trong lò nung lên đến hàng ngàn độ C, đất phải qua gian nan tinh luyện của bàn tay và trí óc con người... thì mới nở hoa cho đời.

          Chia tay Xá Lượng trong cơn mưa chiều, hơi ấm từ đất vẫn còn phả vào sau lưng người viết. Tôi tâm đắc với triết lý của nhà thơ Hoàng Trung Thông "Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm".

                                                              Xá Lượng, cuối mùa mưa năm 2020

 


[1] Hay còn gọi Hoẵng

Địa chỉ