VĂN NGHỆ SĨ DAN TỘC THIỂU SỐ TRÊN QUÊ HƯƠNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC

Đăng lúc 04:34:42 14/11/2020

        Văn học các dân tộc thiểu số là một bộ phận cấu thành của nền văn học Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám - 1945 hầu hết các dân tộc thiểu số Việt Nam đều chưa có văn học viết. Phải từ sau 1945, mới có văn học viết, với sự xuất hiện của đội ngũ tác giả và đội ngũ này ngày càng tăng theo sự phát triển mạnh mẽ của văn học nghệ thuật. Con em các DTTS được học tập và giáo dục dưới chế độ mới, dần dần hình thành đội ngũ trí thức mới người dân tộc, trong đó một số người đã say mê bước vào con đường sáng tạo. Vì thế, một số trí thức trẻ có năng khiếu qua đào tạo, bồi dưỡng đã trở thành những người viết văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà quay phim, biên kịch, ca sĩ đầu tiên của VHNTDTTS. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là từ những năm đầu đổi mới đến nay, đội ngũ văn nghệ sĩ DTTS càng tự tin để có mặt trong đời sống VHNT, với các sáng tác phong phú, mỗi người có tố chất, có bản sắc riêng, nhưng đều hướng tới sự hòa nhập với VHNT của cả cộng đồng, của cả nước. Ðó là cuộc tìm tòi, bứt phá lớn lao của các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số, các anh chị em hoạt động ở mọi miền đất nước và trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau.

        Văn học các dân tộc thiểu số có những giá trị và bản sắc riêng. Các tác phẩm VHNT không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống và con người miền núi mà còn là một bộ phận văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc. Rất nhiều nhà văn người dân tộc thiểu số có tên tuổi đã trở nên quen thuộc với văn học cả nước như Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Cầm Biêu, Bàn Tài Ðoàn, Vương Anh, Lương Quy Nhân, Mã Thế Vinh, Nông Viết Toại, Mã A Lềnh, Y Phương, Mai Liễu, Dương Thuấn, Cao Duy Sơn,…hay các nghệ sĩ như Ðàm Linh, Ðàm Thanh, Ma Bích Việt, Ðinh Quang Khải, Vi Hoa, Siu BLách, Y Moan, Linh Nga Niêk Dam, K'raZan Ðick… Họ là những cây bút tiêu biểu, những nghệ sĩ, những tên tuổi nổi tiếng có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của văn học dân tộc thiểu số nói riêng và nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung, nhiều người rất được công chúng hâm mộ.

          Nghệ An là một tỉnh rộng, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như Thái, Mông, Khơ mú, Ơ đu, Thổ. Trong nhiều năm qua, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước như Chương trình 135, 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, quyết định 120, Chương trình định canh, định cư, Quyết định 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…được triển khai có hiệu quả, cùng với các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất…đã góp phần giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

          Bên canh đó, những chủ trương lớn về phát triển văn hóa dân tộc thiểu số như Quyết định 1270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 11/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An đã tạo ra cơ hội cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa vùng miền núi, dân tộc. Nghị quết 23/NQ-TW của Bộ Chính trị khoá X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới” đã thể hiện rõ quan điểm phát triển hài hoà giữa kinh tế và văn hoá của Đảng ta, làm thay đổi căn bản tư duy về văn hoá và đời sống văn học nghệ thuật của các cấp, các ngành.

          Trong quá trình hình thành và phát triển chung của VHNT các DTTS Việt Nam, ở Nghệ An từ khá sớm đã xuất hiện các tác giả như Sầm Nga Di, Vi Văn Thứa, Quán Vi Miên, có thể khẳng định họ là những người đầu tiên đặt nền móng cho VHNT các DTTS Nghệ An hình thành và phát triển cùng dòng chảy của cách mạng. Trong thời gian qua, vượt qua khó khăn, thách thức các văn nghệ sĩ DTTS Nghệ An với lòng nhiệt huyết, đam mê của mình đã gắn bó với miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An, vừa xây dựng tổ chức hội lớn mạnh về tổ chức, vừa sáng tạo được nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác giả đã đạt được giải thưởng cao trong các hội thi, hội diễn trong tỉnh và toàn quốc.

          Hơn 30 năm, kể từ khi đất nước và dân tộc ta bước vào thời kỳ đổi mới- một chặng đường không dài so với lịch sử dân tộc, dẫu phải sống, hoạt động, sáng tạo trong những địa bàn còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nhưng với nhiệt huyết, niềm đam mê và sự gắn bó máu thịt với đồng bào mình, đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của các dân tộc ít người vẫn luôn giữ vững vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, văn nghệ của Đảng, sáng tạo những tác phẩm tốt, góp phần vào sự đa dạng của VHNT cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng.

          Hàng ngàn tác phẩm văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa - những đứa con tinh thần VNSDTTS Nghệ An ra đời đã bắt nhịp với cuộc sống đương đại. Hầu hết các tác phẩm của các văn nghệ sĩ DTTS Nghệ An đã công bố đều là những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, vì thế nhiều anh chị em đã giành được nhiều giải thưởng lớn ….Nhiều văn nghệ sĩ dù họ đang sống hay đã về cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi của họ vẫn được công chúng mện mộ…như Nhạc sĩ Lương Tuyển, nhà văn Quán Vi Miên. Văn nghệ sĩ DTTS Nghệ An tuy còn rất mỏng, nhưng cũng đã đóng góp rất tích cực vào sự phát triển chung của VHNT Nghệ An và cả nước trong nhiều thập kỷ qua.  Đề tài sáng tác VHNT được đề cập ở nhiều góc độ, từ truyền thống đấu tranh cách mạng và kháng chiến đến sự đổi thay của quê hương, đề cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc … Đáng chú ý, những năm gần đây, đề tài sáng tác đã được mở rộng hơn, từng bước bắt nhịp vào đời sống của đồng bào dân tộc, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp, phê phán cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, phản ánh phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng miền núi- dân tộc… Có nhiều tác phẩm đi sâu vào khai thác thân phận con người vùng dân tộc và miền núi. Anh chị em văn nghệ sĩ DTTS Nghệ An đã và đang từng bước hướng vào việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và sáng tác song ngữ.

          Các văn nghệ DTTS Nghệ An như Quán Vi Miên, Lương Viết Thoại, Vi Hợi, Lang Quốc Khánh, Minh Thư, Kha Thường, Hữu Vi (văn xuôi), Sầm Nga Di, Vi Văn Thứa, Mai Chiên (thơ), Cao Minh Thống (múa), Lương Tuyển, Lê Hoàng (âm nhạc), Lao Thanh Chương (nhiếp ảnh)… họ đã để nhiều dấu ấn trong lòng công chúng với hàng loạt tiểu thuyết, truyền dài, truyền vừa, truyện ngắn, bút ký, ghi chép, tản văn và các tác phẩm nghệ thuật về đề tài dân tộc và miền núi. Thông qua các tác phẩm VHNT, con người và cuộc sống đồng bào các dân tộc được thể hiện rất chân thực, sinh động, phong phú, đa dạng và khá sâu sắc…

          Văn nghệ dân gian các DTTS Nghệ An đóng vai trò quan trọng, là bộ phận không thể tách rời của Văn nghệ dân gian Nghệ An. Công tác sưu tầm, khảo cứu không chỉ dừng lại những tác phẩm văn học dân gian mà cả những di sản văn hóa tâm linh, văn hoá dòng họ…đây là việc làm có ý nghĩa, góp phần quan trọng trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số trước nguy cơ đang bị mai một bởi sự xâm thực ngày càng mạnh mẽ của văn hoá hiện đại. Hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu biên dịch các loại hình văn nghệ dân gian của các tác giả dân tộc thiểu số như Quán Vi Miên, Vi Văn Thứa, Vi Khăm Mun,… được biên soạn công phu, có giá trị cao, được bạn đọc và công chúng quan tâm.

          Xác định VHNT là một bộ phận không thể tách rời của Văn hoá dân tộc, phát triển VHNT DTTS là góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá truyền thống tốt đẹp của truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới.  Trong năm năm tới, VHNT các DTTS trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh phải hướng tới sự phát triển bền vững. Tiếp tục củng cố và xây dựng Chi hội vững mạnh toàn diện. Đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, gắn bó mật thiết với quê hương và đồng bào các dân tộc, nỗ lực sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh chân thực, sinh động hiện thực cuộc sống miền núi của con người miền núi, dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển sự nghiệp VHNT của tỉnh Nghệ An và cả nước.

          Phát hiện, bồi dưỡng các tác giả trẻ từ nguồn giáo viên ngữ văn ở các trường học, các tác giả người dân tộc thiểu số, nhen nhóm tình yêu văn học, thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, …để tạo nguồn kế cận phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ DTTS Nghệ An ngày càng mạnh về số lượng và chất lượng.

         Tập hợp, đoàn kết hội viên vững vàng về tư tưởng chính trị, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và quê hương Xô Viết sáng tạo ngày càng nhiều tác phẩm tốt, tuyên truyền phục vụ thiết thực các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua trên địa bàn Nghệ An, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các DTTS Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động sáng tác, sưu tầm,…phấn đấu ngày càng nhiều công trình nghiên cứu, nhiều tác phẩm có chất lượng cao phản ánh chân thực, sinh động và sâu sắc cuộc sống, con người miền núi.

          Phát triển các phong trào văn hoá, nghệ thuật mạnh mẽ và rộng khắp trong các địa phương trong tỉnh, trong từng tộc người Thái, Mông, Khơ mú, Thổ, Ơ Đu, các cơ quan, đơn vị, trường học…; khuyến khích đồng bào DTTS tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn học, nghệ thuật, nhất là những vùng khó khăn để văn học nghệ thuật thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực cho sự phát triển của quê hương Bác Hồ.

            Văn học nghệ thuật huyện DTTS Nghệ An là một bộ phận quan trọng của VHNT tỉnh Nghệ An và cả nước. Các hội viên Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam tại Nghệ An đã và đang phát huy trách nhiệm, năng lực và khả năng sáng tạo góp phần vào sự nghiệp văn học nghệ thuật của cả tỉnh và cả nước. Bảo đảm sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của VHNT là góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trong huyện và trên địa bàn cả tỉnh. Nhiệm vụ quan trọng đang đặt ra cho văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số Nghệ An là phải tiếp tục nâng cao trình độ nhận thức chính trị, vững vàng kiên định về tư tưởng, giỏi về tay nghề; thật sự sống với cuộc sống của nhân dân các dân tộc, hiểu sâu sắc tâm tư tình cảm cũng như các thuận lợi và thách thức đang đặt ra cho vùng đồng bào các dân tộc, để từ đó có được nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị, phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống vùng đồng bào các dân tộc; đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; khơi dậy và nuôi dưỡng tình cảm, khát vọng sáng tạo, đề cao trách nhiệm công dân, hướng hoạt động sáng tạo vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá của cả nước như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.

                                                                        Nghệ An, tháng 7 năm 2020

 

Địa chỉ