VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM TRONG VƯỜN HOA ĐẤT NƯỚC

Đăng lúc 04:17:24 14/11/2020

Từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 11 năm 2020 tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An diễn ra Hội thảo "Văn học dân tộc thiểu số với cách mạng" do Hội LHVHNT các DTTS Việt Nam tổ chức, đây là sự kiện văn học lớn nhất trong năm 2020 của Hội VHNT các DTTS Việt Nam, có sự tham gia của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT, Ủy ban toàn quốc Hội LHVHNT Việt Nam, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An và văn nghệ sĩ DTTS cả nước. 

        Nhân dịp này Mường Xủng xin trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà văn, Nhà báo Lang Quốc Khánh, Phó Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam tại Nghệ An.

 

VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CÁC DÂN TỘC THIỆU SỐ TRONG VƯỜN HOA ĐẤT NƯỚC

 

        Nhiều tên tuổi lớn xuất hiện trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà

        Nếu như văn học nghệ thuật nói chung của đất nước là một vườn hoa đầy hương sắc thì Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (VHNTCDTTS) là những đóng góp về sự đa dạng của hương sắc trong vườn hoa ấy. Ngay từ những năm đầu cách mạng, nền văn học nước nhà đã ghi nhận những đóng góp không nhỏ của đội ngũ văn nghệ sĩ trong mảng đề tài về miền núi và dân tộc. chúng ta có thể kể tên một số tác giả như nhà thơ Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Cầm Biêu, Bàn Tài Ðoàn, Vương Anh, Lương Quy Nhân, Mã Thế Vinh, Nông Viết Toại, Mã A Lềnh, Y Phương, Mai Liễu, Dương Thuấn, Cao Duy Sơn, La Quán Miên, Lò Cao Nhum, Hoàng Quảng Uyên, Inrasara, HLinh Niê, Trà Vigia, Niê Thanh Mai, Pờ Sào Mìn, Sầm Nga Dy... và các nghệ sĩ Ðàm Linh, Ðàm Thanh, Ma Bích Việt, Ðinh Quang Khải, Ngọc Linh, Nông Ích Ðạt, Ma Cường, Vi Hoa, Vương Khon, Lò Minh, Quách Ngọc Thiên, Vương Viết Khoàng, Lê Khình, Siu BLách, Y Moan, Linh Nga Niêk Dam, Rơ Chăm Phiang, K'raZan Ðick, K'ra Zan Plin, Ðinh Thiên Nga, Xu Man, MLô Kai, Ðàng Năng Thọ, Kim Siêm, Thạch Voi, Tăng Lên, Thạch Chân, Ngô Khị, Minh Thống... và nhiều nữa không thể kể hết tên của họ. Bên cạnh đó, mảng đề tài miền núi và dân tộc còn thu hút và làm nên tên tuổi các tác giả Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Nguyễn Khoa Ðiềm, Mạc Phi, Ma Văn Kháng, Trung Trung Ðỉnh; các nhạc sĩ Ðỗ Nhuận, Trần Hoàn, Thái Ly, Nguyễn Tài Tuệ, Phạm Tuyên, Thanh Phúc, Trọng Loan, Bùi Ðức Hạnh, Văn Ký, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Lương Tuyển, Lê Hoàng, Trần Vương.., các họa sĩ, nhà điêu khắc Tô Ngọc Vân, Nguyễn Thụ, Nguyễn Sáng, Văn Ða,... các tác giả điện ảnh, sân khấu và nghiên cứu sưu tầm như Doãn Thanh, Từ Chi, Tô Ngọc Thanh, Ðặng Nghiêm Vạn, Lê Trung Vũ, Phan Ðăng Nhật, Mạc Phi, Nguyễn Ðình Thi. Những tên tuổi cũng như cống hiến của họ đã khẳng định, tôn vinh các giá trị văn hóa, văn nghệ, đời sống xã hội, thúc đẩy sự hội nhập và phát triển không ngừng qua các thời kỳ và giai đoạn của cách mạng của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền núi, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; tạo nên sự bình đẳng cùng phá triển giữa các vùng miền về văn học nghệ thuật.

         Bản lĩnh chính trị luôn được đặt lên hàng đầu trong việc chọn đề tài và sáng tạo tác phẩm.

        Trong tiến trình phát triển của đất nước, sự vận động không ngừng theo kịp thời đại của nền văn học văn học nước nhà thì mảng về đề tài miền núi và dân tộc luôn được sáng tác, sáng tạo bằng nhân sinh quan cách mạng, bản lĩnh chính trị của người cộng sản, một lòng tin vào Đảng và Bác Hồ, đó cũng  là trào lưu chủ đạo trong lịch sử phát triển của VHNTCDTTS trong sự phát triển của nền văn học nước nhà.

        Điển hình cho trào lưu này trong những năm đầu cách mạng là Nhà thơ Nông Quốc Chấn (Dân tộc Tày). Ông tên thật là Nông Văn Quỳnh, sinh ngày 18 tháng 11 năm 1923, quê xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng. Ông được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1958. Ông hoạt động trong Mặt trận Việt Minh, tham gia du kích và giải phóng quân trong thời gian từ hồi cách mạng tháng 8 năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, ông vẫn tiếp tục hoạt động trong Mặt trận Việt Minh, tham gia tỉnh ủy tỉnh Bắc Cạn, phục vụ chiến dịch và hoạt động sáng tác văn hóa văn nghệ. Sau 1945 nhà thơ Nông Quốc Chấn tham gia khu ủy Việt Bắc, là đại biểu Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật khu Việt Bắc, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên rồi Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật toàn quốc. Từ năm 1964, nhà thơ Nông Quốc Chấn kinh qua các vai trò là Đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Hiệu trưởng Đại học Văn hóa, Hiệu trưởng trường Viết văn Nguyễn Du, Chủ tịch Hội Văn hóa văn nghệ các dân tộc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Toàn cảnh sự kiện và dư luận. Các tác phẩm được công chúng biết đến như là: Tập thơ “ Tiếng ca người Việt Bắc”,  1959; “Người núi Hoa”, 1961; “Đèo gió”, 1968; “Bước chân Pắc Bó”, 1971; “Suối và biển”, 1984. Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn viết nhiều tiểu luận, bút ký có thể kể tên như “Một vườn hoa nhiều hương sắc”, 1977; “Đường ta đi”, 1970. Ông đã được trao tặng nhiều Giải thưởng Văn học như Giải thưởng tại Đại hội Thanh niên, Sinh viên thế giới họp ở Béclin 1951;  Giải thưởng Hội Văn nghệ kháng chiến 1954, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1958; và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Nhắc đến nhà thơ Nông Quốc Chấn, người ta thường nhớ đến tác phẩm thơ: "Bộ đội Ông Cụ" và "Dọn về làng". Mỗi bài thơ đều có sự liên tưởng, chan chứa tình cảm, sự chân thành mộc mạc, nồng ấm, chân chất, thể hiện niềm tin tuyệt đối của đồng bào các dân tộc thiểu số với cách mạng, với Đảng và Bác Hồ:

“Bộ đội đã đến kìa
A lúi
Những người là người
Ðeo súng ngắn, súng dài, súng dóp...
Hoan hô! Hoan hô!
Nhìn không chớp mắt
".

Hoặc

“Vệ quốc quân chiếm lại các đồn
Người đông như kiến, súng dày như củi.”

(Bộ đội Ông Cụ)

Hay

“Hôm nay Cao Bắc Lạng cười vang
Dọn lán, rời rừng, người xuống làng
Người nói cỏ lay trong ruộng rậm
Con cày mẹ phát ruộng ta quang...". (Dọn về làng)

        Bạn viết của ông, nhà văn Tô Hoài từng đánh giá về con người Nông Quốc Chấn "Cuộc sống lớn lao và những ngày dung dị đã bồi đắp nên thơ Nông Quốc ChấnVà chính ông - nói không văn vẻ gì cả - là cánh chim đầu đàn của những người làm văn học cách mạng của các dân tộc thiểu số. Ông là người mở đường, là người để lại dấu ấn sâu đậm khó có thể quên, không chỉ với văn học các dân tộc thiểu số hiện đại nói riêng mà có vị trí vững chắc trong tiến trình văn học cách mạng Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX". Còn Nhà thơ Vũ Quần Phương thì cho rằng: “Sự xuất hiện các nhà thơ người dân tộc là một biểu hiện tốt đẹp của đường lối văn nghệ cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, những bài thơ của Nông Quốc Chấn (dân tộc Tày), Bàn Tài Đoàn (dân tộc Dao Tiền) đã được bạn đọc và bạn bè trong giới nồng nhiệt chào đón. Một trong những bài thơ đầu tay của Nông Quốc Chấn “Dọn về làng” viết năm 1950 đã được đưa vào sách giáo khoa trung học từ rất sớm.

        Trong danh sách gương mặt các nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20, còn có Nhà thơ Bàn Tài Đoàn, tên thật là Bàn Tài Tuyên, dân tộc Dao. Ông sinh ngày 28 tháng 9 năm 1913 tại xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1942, từng công tác tại phòng tuyên truyền Cục chính trị Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam; rồi làm Phó giám đốc Sở Văn hoá; Phó chủ tịch Hội văn nghệ Việt Bắc; Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Uỷ viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam; Uỷ viên Hội đồng văn học các dân tộc thiểu số. Ông được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 2001, ông vinh dự được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1. Trong suốt cuộc đời làm thơ, ông đã xuất bản được 13 tập thơ đó là: “Muối của cụ Hồ” (1960), “Xuân về trên núi” (1963), “Có mắt thấy đường đi” (1962), “Một giấc mơ” (1964), “Kể chuyện đời” (1968), “Tháng Tám đổi mới” (1971), “Rừng xanh” (1973), “Sáng cả hai miền” (1975), “Gửi đồng bào Dao” (1979), “Nơi ta ở” (1979), “Bước đường tôi đi” (1985), “Tìm bạn rừng” (1990), “Bó đuốc sáng” (2002). Riêng : “Muối cụ Hồ” (1960),  “Kể chuyện đời” (1967) và “ Tháng Tám đổi mới” (1971)

        Nhà thơ Nông Quốc Chấn từng nhận xét về phương pháp sáng tác làm nên phong cách thơ Bàn Tài Đoàn trong nền thi ca Việt Nam: Ông đã vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo vào trong lối viết như kể, nổi bật trong hai tập thơ Đường sáng và Kể chuyện đờiBản sắc văn hoá dân tộc Dao được thể hiện vô cùng cụ thể, sinh động trong toàn bộ sáng tác của ông, từ nội dung thơ đến ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ; đến cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt trong thơ, đặc biệt là ở hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống con người, những phong tục tập quán của người Dao trong thơ ông”.

        Với hai cây đại thụ của văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số trong thơ ca cách mạng, chúng ta thấy rằng, Văn học nghệ thuật CDTTSVN từ chỗ tập trung cho nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, ca ngợi quê hương, đất nước, con người thì đã từng bước bắt nhịp, hòa nhập vào đời sống chung của đất nước; luôn ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp và phê phán cái xấu, cái lạc hậu, loại trừ cái ác; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần làm nên cuộc cách mạng của cả dân tộc, Quốc gia, ngang tầm thế giới. Bên cạnh khởi xướng bằng thơ thì văn xuôi, lý luận phê bình, điện ảnh, hội họa, âm nhạc và nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật khác cũng đều nở rộ và đạt nhiều thành tựu đáng kể. Hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu biên dịch và các loại hình văn nghệ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên nói chung, các dân tộc Chăm, Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông,... và của nhiều dân tộc khác từ các vùng miền đất nước đã được các tác giả dân tộc thiểu số thực hiện công phu và có giá trị cao.

         Văn nghệ sĩ luôn giữ vững lập trường sáng tác trong giai đoạn cách mạng mới

        Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện có hơn 1.000 hội viên, 40 tổ chức cơ sở Hội và chi hội của 40 tỉnh thành trong cả nước, nhưng chưa có hội viên nào bị bêu danh là thoái hóa biến chất, đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc, xuyên tạc, chống chính quyền chống chế độ, bị kẻ xấu ở nước ngoài lợi dụng dật giây. Đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số xuất hiện ngày càng đông đảo, và tác phẩm của họ đề cập ở nhiều góc độ, lĩnh vực, từ truyền thống đấu tranh cách mạng và kháng chiến đến sự nghiệp đổi thay của quê hương, đất nước. Các tác phẩm của họ phần đa số có nhiều hữu ích, thiết thực phục vụ đồng bào. Đề tài, phương pháp sáng tác ngày càng được đổi mới. Hàng trăm công trình, tác phẩm được xây dựng công phu, có giá trị cao, được bạn đọc và công chúng quan tâm, ghi nhận.

        Trong bài viết trên Báo Nhân Dân ngày 12/5/2010, Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội VHNTCDTTS Việt Nam, nhận định “Vùng miền núi và cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền núi là "mảnh đất" chứa đựng nhiều tiềm năng cho công việc sáng tạo. Ðó là sự phong phú về các giá trị văn hóa, là địa bàn đã trở thành căn cứ của cách mạng, như: Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên - Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ... Ðó cũng là những vùng lãnh thổ mà các dân tộc cùng chung sống lâu đời. Ngày nay, miền núi cũng đang là nơi chứng kiến sự chuyển mình lớn lao của đất nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những thế mạnh này cần được các văn nghệ sĩ khai thác và thử sức trong sáng tạo. Từ sau Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Kết luận Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), gần đây là Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị Về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, sự nghiệp văn hóa, văn học - nghệ thuật nói chung và văn nghệ các dân tộc nói riêng đã có bước phát triển. Vốn văn hóa văn nghệ truyền thống các dân tộc được chú ý bảo tồn và phát huy; đội ngũ những người làm công tác văn hóa văn nghệ các dân tộc được tập hợp và động viên hoạt động; một số sáng tác và công trình do sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước được ra mắt. Nhiệm vụ quan trọng đang đặt ra cho văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số trước mắt và lâu dài là nâng cao trình độ nhận thức chính trị, vững vàng kiên định về tư tưởng, giỏi về tay nghề; thật sự sống với cuộc sống của nhân dân các dân tộc, hiểu sâu sắc tâm tư tình cảm cũng như các thuận lợi và thách thức đang đặt ra cho vùng đồng bào các dân tộc, để từ đó có được nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị, phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống vùng đồng bào các dân tộc; đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; khơi dậy và nuôi dưỡng tình cảm, khát vọng sáng tạo, đề cao trách nhiệm công dân, hướng hoạt động sáng tạo vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

        Với những thành tựu đạt được trong từng giai đoạn cách mạng, Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã đóng góp không nhỏ vào sự hoàn chỉnh các thể loại của nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung. VHNTCDTTS Việt Nam đã tích cực phản ánh sự đóng góp trong cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước của nhân dân các dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao trong phong trào cách mạng của đất nước, bằng cách thể hiện sinh động về cuộc sống và con người miền núi trong mối quan hệ quê hương, làng bản, đất nước, xứng đáng là thành phần không thể tách rời trong sự phát triển chung của văn học nghệ thuật nước nhà.

                                                                                              Lang Quốc Khánh

         

                                                              

 

Địa chỉ