Chúng con xa mẹ từ nơi này
bếp mùa đông gió thức với vườn cây
với cổng ngõ chật vai tuổi trẻ
một thưở bóng mình mát đất với mình đây.
Chúng con lên rừng gặp chính rừng cây
rừng xanh lá hết màu xanh của lá
chúng con ra biển gặp ngay biển cả
sóng mở lòng không nguôi
Đất rộng với đất,trời cao với trời
khẩu súng sống cuộc đời khẩu súng
chúng con sống cuộc đời người lính
đến đứng làm cột mốc nơi biên cương
CỘT MỐC - Nơi bắt đầu tổ quốc.
Đọc nhan đề bài thơ Nơi bắt đầu tổ quốc của Nguyễn Hoa, tôi chợt nghĩ đó là nơi nào. Cực Bắc nơi Lúng Cú - Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; cực Đông nơi Mũi Đôi, tỉnh Khánh Hòa; cực Tây nơi A Ba Chải – Mường Nhé, tỉnh Điện Biên hay cực Nam nơi Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau ? Thực ra không phải vậy ! Tìm hiểu văn bản thơ, tôi thực sự bất ngờ:
Chúng con xa mẹ từ nơi này
bếp mùa đông gió thức với vườn cây
với cổng ngõ chật vai tuổi trẻ
một thưở bóng mình mát đất với mình đây.
Ẩn sau lời thơ là lời của những người lính tạm biệt làng quê với vườn cây gió thổi trong mùa đông. Hình ảnh một thưở bóng mình mát đất của mình đây gợi nhiều suy nghĩ… Đó là bóng các anh che mát mặt đất. Phải chăng trước khi trở thành người lính các anh là những người nông dân đang cúi cuốc, cúi cày. Nắng mặt trời rọi xuống, bóng các anh in dấu trên mặt đất quê nhà ?
Rồi các anh lên đường tòng quân. Người lên rừng trở thành người lính biên phòng. Người ra đảo trở thành những người lính hải quân. Thiên nhiên mở lòng đón các anh rừng xanh lá với màu xanh của lá, sóng mở lòng không nguôi. Từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc đang đón chờ những người lính đặt chân.
Một đặc tính có tính bản chất của con người là so sánh. So sánh mình với người khác, so sánh người này với người khác. Nhà thơ Nguyễn Hoa so sánh thật bất ngờ khi đối tượng so sánh với đối tượng được so sánh là chính nó:
Đất rộng với đất,trời cao với trời
khẩu súng sống cuộc đời khẩu súng
Đó là lẽ thường tình và bổn phận phải thế.
Những người lính họ không so sánh với ai hết, không so sánh với một nghề nào hết. Họ tự hào chúng con sống cuộc đời người lính. Vì sao họ lại tự hào? Vì họ – những người lính được đến làm cột mốc nơi biên cương,nơi đảo xa, nơi rừng thẳm.
Theo từ điển Tiếng Việt, cột mốc là cột cắm đánh dấu ranh giới hay sự kiện quan trọng đánh dấu một giai đoạn, một bước ngoặt trong lịch sử. Ở bài thơ cột mốc chính là nơi các anh hiện diện, nơi người lính đứng chính là nơi bắt đầu tổ quốc. Vì thế từ CỘT MỐC được tác giả viết chữ in hoa. Ý thơ thật mới, hình ảnh thơ thật đẹp và người lính thật tự hào khi mình là cột mốc biên cương – đánh dấu chủ quyền lãnh thổ.
Trần Hồng Hiếu
Trường THPT Tương Dương 1