TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THÁI NGHỆ AN

Đăng lúc 05:57:58 06/01/2019

TRI THỨC BẢN ĐỊA TRONG ĐỜI SỐNG CỦA ĐỒNG BÀO  DÂN TỘC THÁI Ở TỈNH NGHỆ AN

 

                                                                                                                              Vi Tân Hợi

 

Lần đầu tiên trên thế giới, thuật ngữ “Tri thức bản địa” được nhắc đến trong ấn phẩm của Robert Chambers xuất bản năm 1979. Sau đó, Brokensha và D.M.Warren sử dụng vào năm 1980 và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.

Cọn nước của đồng bào Thái ở Bản Cọc, xã Yên Hoà, huyện Tương Dương

Tri thức dân gian hay còn gọi là tri thức bản địa là những hiểu biết của các thế hệ con người ở một vùng, một địa phương về những sự vật, hiện tượng hiện hữu xung quanh (bao gồm tự nhiên và xã hội) cùng những hiểu biết có được qua quá trình giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài. Những tri thức ấy được chắt lọc, lưu truyền dưới nhiều hình thức qua nhiều thế hệ  hình thành nên những tập quán quản lý và khai thác các tài nguyên thiên nhiên cùng các cung cách ứng xử đối với các tài nguyên đó nhằm thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội của con người.

Tri thức bản địa được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường và xã hội; được lưu truyền từ đời này qua đời khác qua trí nhớ, qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội. Tri thức bản địa chứa đựng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội như sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi; cất trữ và chế biến thức ăn; thu hái, sử dụng cây thuốc và cách chữa bệnh; truyền thụ kiến thức qua các thế hệ trong giáo dục; bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tổ chức quản lý cộng đồng, giá trị xã hội, các luật lệ truyền thống trong làng bản…

Dưới góc độ Dân tộc học, tri thức bản địa bao gồm:

- Sự nhận biết các yếu tố tự nhiên (đặc điểm địa hình, địa mạo, thổ nhưỡng, các đặc tính sinh học của động - thực vật, khí hậu - thời tiết, nguồn nước…), các kinh nghiệm khai thác, sử dụng và quản lý các yếu tố đó.

 - Các tri thức liên quan đến quá trình mưu sinh (các phương thức mưu sinh và công cụ thực hành sinh kế cụ thể, các giống cây trồng - vật nuôi, mùa vụ…).

 - Các tri thức liên quan đến đời sống vật chất (thôn làng, nhà cửa, trang phục, đồ ăn thức uống, phương tiện vận chuyển).

 - Các tri thức trong việc quản lý xã hội (thiết chế tự quản thôn làng với vai trò của luật tục, người già và các thủ lĩnh, dòng họ và gia đình).

 - Các tri thức trong đời sống tinh thần (tín ngưỡng, lịch pháp, y - dược thuật, các chuẩn mực trong ứng xử và giao tiếp xã hội, các loại hình văn học, nghệ thuật dân gian).

Ở huyện Nghệ An, dân tộc Thái chiếm tỷ lệ trên 70% dân số của các dân tộc thiểu số trong tỉnh có mặt ở tất cả 12/21 huyện, thị, có 3 nhóm Tay Mương (hàng tổng) và nhóm có mặt đầu tiên nhất và chiếm số đông nhất ở Nghệ An, tiếp đến là Tay Thánh (còn gọi là Thái Thanh) và Tay Mười, trải qua hàng ngàn năm lao động, sản xuất đồng bào dân tộc Thái ở Nghệ An đã tích lũy một kho tàng tri thức sống, cho đến bây giờ nhiều tri thức dân gian của đồng bào Thái vẫn còn giá trị trong quản lý và phát triển kinh tế, xã hội.

1. Tri thưc về bảo vệ tài nguyên đất đai và rừng

Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng. Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta đã tốn bao nhiêu công sức, xương máu mới tạo lập, bảo vệ được vốn đất đai như ngày nay!

Đất là một tài nguyên thiên nhiên hết sức quan trọng đối với đời sống của con người. Tri thức bản địa của nhiều dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Thái nói riêng đã phát huy tác dụng tốt trong việc quản lý và bảo vệ các nguồn tài nguyên đất.
Nghiên cứu tri thức dân gian bảo vệ tài nguyên đất của dân tộc Thái sẽ góp phần cho việc quản lý và sử dụng đất tốt hơn, giữ được sự cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên. Đồng thời sẽ bảo tồn và phát huy được những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc Thái, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng của đại dân tộc Việt Nam.

Đối với người Thái đất bao giờ cũng gắn liền với tên bản, tên mường.

Tổ chức xã hội theo truyền thống Thái được mang tên là bản mường. Thuật ngữ này nếu tách đôi sẽ gồm hai đơn vị xã hội là bản và mường.

Bản là đơn vị tổ chức cư dân ổn định, có ranh giới đất đai rõ rệt, được hình thành trong lịch sử tộc người. Cộng đồng lãnh thổ như thế đã in hằn thành khái niệm trong ý thức hệ truyền thống nên mới có thuật ngữ biểu thị là “đín bàn” (đất bản).

Đín bản bao gồm các vùng tự nhiên như sau:

- Phạm vi đất thung lũng được tưới và bồi đắp bởi phù sa sông suối, đủ điều kiện để khai phá thành ruộng lúa. Theo luật tục, đất ruộng đồng có đường ranh giới tự nhiên và minh bạch nên bất khả xâm phạm. Với ý nghĩa đó, chữ bản bao giờ cũng được người ta gắn với chữ na (ruộng) để thành bàn na để chỉ chung các đơn vị cư dân này (Ví dụ: bản Na Ph’uc, Na Hín, Na Hám, Na Ph’ảy ở Tam Đình; bản Na Cáng, xã Yên Tĩnh; bản Na Lợt, xã Nhôn Mai; bản Na Ka, Na Ngân xã Nga My; bản Na Kha, xã Mai Sơn, bản Na Ẻn, xã Lượng Minh…ở huyện Tương Dương, Na Cọ (Bình Chuẩn, Con Cuông),…).

- Phạm vi núi rừng, đối tượng của việc làm nương rẫy, hái lượm, săn bắt và khai thác lâm thổ sản. Theo luật tục thì rừng ở khu vực người Thái được phân thành hai khu vực rõ rệt. Một là để giành cho việc trồng trọt. Và hai là để giành cho khu vực cấm. Trong khu vực cấm lại phân thành hai: giành để khai thác lâm sản và rừng thiêng phục vụ cho cuộc sống tâm linh. Vì vậy, tên ngọn núi, cây cối có dấu ấn dấu ấn đối với vùng đất và bà con thường được gắn tên cho bản, như: Bản Ph’ảy  (Nga My), bản Mác, bản Lau (Thạch Giám), bản Đửa, bản Có Xoz (Lượng Minh), Ph’á Lomz (Tam Hợp), bản Xàn, Bản Hiển, bản Muộng (Hữu Khuông)…

- Phạm vi bản còn có đoạn sông, khúc suối, khe lạch. Trên những đoạn của dòng chảy sẽ có những những nơi gọi là “văng cắm” (vũng cấm). Cấm không được khai thác và đụng chạm gây ra những sóng động lớn làm ảnh hưởng đến độ bền vững của phai dâng nước đỏ vào mương tưới ruộng đồng. “Văng cắm” để thờ thần nước và mở hội đánh cá (phá pà vẵng hảm). Tên bản cũng được gắ với tên của con suối, khúc sống, đoạn khe, vũng nước khẳng định hủ quyền ủa dân bản. Như: bàn Xốp Mộ (Cửa Rào), Xóng Con (Lưu Kiền), Huồi Chí (Thạch Giám), Chà Lạp (Tam Thái); Xốp Cốc, Cành Tạng, bản Lườm, Văng Lin, bản Tạt, Xốp Khấu (Yên Thắng), Xốp Nặm, Văng Môn (Tam Hợp), Huồi Cọ (Nhôn Mai), Huồi Pủng, Pủng Bón (Hữu Khuông)

Mường là đơn vị xã hội cao hơn, nhưng nó cũng là đơn vị tổ chức xã hội dựa trên cộng đồng và gắn với cát cứ địa lý như bản, nên cũng có khái niệm truyền thống mang tên “đín mương” (đất mường). Điều đó đã sống trong tâm thức văn hoá Thái được thể hiện qua câu ca dao: “Đín mương mi tẻ chơ đằm/ Đín nămz mi tẻ chơ đái”, nghĩa là đất mường có từ dời tổ, đất nước có từ đời xưa. Mường có cát cứ địa lý rộng hơn và do nhiều bản gộp lại, ví dụ ở vùng Phủ Quỳ có mường Ham, mường Quẻn, mường Chùm, mường Nọc… .

Đất là nơi cư trú, định cư của đồng bào dân tộc Thái.

Hiện nay ở vùng Tây Nghệ An có 6 dân tộc cùng sinh sống đó là: Thái, Thổ, Kinh, Mông, Khơ mú, Ơ Đu, trong đó người Thái chiếm hơn 70% dân số vùng, người Thái ở Nghệ An cũng chiếm trên 10% dân số toàn tỉnh. Trong các dân tộc thiểu số Tây Nghệ An thì người Thái có lợi thế hơn cả trong việc làm ruộng nước. Không chỉ có vậy, người Thái còn vừa làm ruộng nước, vừa làm nương rẫy cho nên đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ổn định hơn các dân tộc khác.

Trải qua ngàn đời gắn bó với đất, rừng, sống, suối, ruộng, nương, người Thái đã chắt chiu được cái tri thức của mình trong việc chọn đất để sinh sống  “Mi nămz kín tẳng mi đín dủ” (nghĩa là nơi nào có nước ăn, uống, thì đất nơi đó mới ở được)

Do vậy chúng ta thấy các bản mường của người Thái thường là nơi hội tú cả  yếu tố sông, suối/núi, rừng, đó là nơi vừa có đất lại sẵn nước, tạo nên cảnh quan bản làng bản gắn liền với núi, rừng và ruộng lúa.

Với người Thái, đất là nơi sinh sống của người và con vật (nguồn nuôi sống con người), vì vậy người có quan niệm: “Dủ năm đín, kín năm nạm” (Ăn cùng đất, ở cùng bùn) hay “Tái đín phắng, nhăng đín liêngz” (chết đất chôn/sống đất nuôi) hoặc “Khàu dủ năm đín/ ăn kín dủ cuống pả” (lúa, gạo ở đất, thức ăn ở trong rừng). Người Thái sống ở đâu, thì ở đó đều phải có đất để ở, sinh hoạt, sản xuất và mưu sinh. Vì vậy người Thái thường khuyên bảo nhau, đời trước khuyên đời sau: “Đày kín khàu nha vang na, đày kín pá nha vang nămz” (Được ăn cơm đừng bỏ ruộng, được ăn cá đừng bỏ sông, bỏ suối).

Đất gắn với nhu cầu sản xuất và mưu sinh của người Thái.

Trong đời sống của đồng bào DTTS nói chung và người Thái nói riêng là phải có đất để mưu sinh, và chủ yếu là để trồng lúa để có gạo ăn, có thể đó là lúa ruộng hoặc lúa nương. Vì vậy, trong lịch sử cả người Thái thường có các cuộc thiên di để tìm đất sinh sống. Đến đâu họ khai phá đất, rừng để dựng bản, lập mường. Đồng bào dân tộc Thái có tục lệ là, sau khi mùa màng xong thì các dụng cụ lao động, cuốc, thuổng, chả lé, vạch…được đem rửa sạch sẽ, rồi dắt lên vách nứa trong gian thờ cúng của gia đình (nọc hỏng) thể hiện tấm lòng của mình đối với công lao của tổ tiên đã có công khai phá ruộng/ nương. Vì thế, việc khai khẩn cả vùng đất hoang vu trở thành ruộng nương đầy lúa, đầy ngô là nhu cầu thiết yếu trong truyển thống phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc Thái trước đây.

Đất gắn liền với dời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Thái.

Các DTTS nói chung và dân tộc Thái nói riêng có quan niệm là vạn vật (trời, đất, sông, suối, rừng, núi, cây cối…) đều có linh hồn, có chủ và vạn vật luôn bảo vệ con người tránh khỏi tai ương, vì vậy con người phải biết tạ ơn vạn vật thì mới khỏe mạnh, bản mường yên ổn, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi.

Đấng siêu nhiên cai quản đất, rừng, sông, suối…được đồng bào Thái tôn thờ (cũng như người Kinh thờ thổ công, thổ địa vậy), như: Ph’í bàn, Ph’í mương (ma bản, ma mường), Ph’í phaz (ma trời), Ph’í đín (ma đất), Ph’í na (ma ruộng), Ph’í hảy (ma rãy), Ph’í pu (Ma núi), Ph’í pả (ma rừng), Ph’í đống (ma rừng sau), Ph’í huồi (ma suối), Ph’í hẻo (ma nghĩa địa),..Ph’í lắc khàu (ma kẹp lúa), Ph’í nghia (ma kho lúa), Ph’í hươn (ma nhà),…Người Thái phải thờ cúng các vị thần linh này vào những thời điểm thích hợp.

Ví dụ: Đầu năm thì có lễ cầu mùa, “khó nămz phaz” (xin nước trời) để cho mưa thuận gió hòa, cuối năm thì có lễ tạ (chả ớn). Hoặc sau khi chọn được đất, trước khi phát nương, làm rãy phải tổ chức cúng ma rừng, sông, suối,… để xin các thần linh cai quản giúp, đừng để thú rừng đến phá hoại, để  có mùa màng bội thu; sau khi thu hoạch xong thì phải làm lễ tạ ơn (lể hảy) thần linh trước khi rước mẹ lúa về nhà.

Đất đai đối với người Thái bao gồm, đất ở, đất nương, đất ruộng, đất vườn…:

Đất ở (đín dủ): Người Thái xưa dựng nhà, lập bản ở chân núi, những mảnh đất bằng thường được nhường để làm ruộng, đất dựng nhà bao giờ cũng ở cao hơn đất làm ruộng để khi trời mưa nước tràn qua bản mang theo cả khoáng chất xuống bón cho đồng ruộng.

Trước đây, đất không của riêng ai, hễ có đất trống thì ai muốn dựng cũng được.

Người Thái thường cư trú ổn định, bởi theo nhận thức của họ việc di dời là khá phức tạp bởi phải trải qua nhiều thủ tục tín ngưỡng, tâm linh. Vì vậy, người Thái thường bảo nhau: “Ph’iển ề pến ph’í/ ní ề pến pảy” (thay đổi chỗ ở nhiều thành ma/cứ bỏ đi liên tục thì thành kẻ tôi tớ) hay “ Thục nha pạc/ Nhạc nha ní” (Khổ đừng kêu/ khó đừng bỏ) hoặc “Dủ mi bỏn, non mi tỉ” (Ở có nơi, ngủ có chốn).

Đất ruộng (đín na): Đất làm ruộng được xác định là những mảnh đất bằng, ven khe suối, nơi có thể tổ chức hệ thống tưới tiêu.

Đất ruộng đã trở thành nguồn quan trọng nhất để nuôi sống con người, đồng thời nó cũng hình thành một nền văn minh lúa nước của dân tộc. Đất ruộng luôn tồn tại cùng với xã hội bản mường, góp phần hình thành và phát triển nét văn hoá đặc trưng của cộng đồng người Thái.

Tuy nhiên, do đặc thù về điều kiện tự nhiên của miên Tây Nghệ An nên đất ruộng không lớn, chủ yếu ở các huyện phía Tây Bắc như Quế Phong, Quỳ Châu; phía Tây Nam chỉ có nhiều ở Con Cuông…Đây là sự khác biệt giữa các nhóm Thái Tây Bắc với các nhóm Thái ở Nghệ An.

Trước đây, đất ruộng thuộc về những người có chức sắc, địa vị trong xã hội, còn dân thường chủ yếu là “pảy” làm thuê cho gia đình có ruộng.

Đất nương (đín hảy): Nương của Thái bao gồm nương lúa, ngô, khoai, sắn, lạc, vừng, bông,…Sản xuất lúa nương rất vất vả, nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu, làm lúa nương thường hay rủi ro, thất bát. Vì vậy, người Thái thường nói “Hảy xao va bỏ tỏ na xao cạt” (rãy hai mươi xải, không bằng ruộng hai mươi gang). Tuy nhiên, với phương thức sản xuất đa canh, như ngoài trồng cây lúa có thể xen kẽ nhiều cây thực phẩm khác và cây bông, cây lanh tạo nguồn chăn nuôi gia súc, gia cầm là nguồn thực phẩm bảo đảm nuôi sống con người và nguyên liệu làm thổ cẩm.

Tóm lại, ruộng và nương là 2 tư liệu sản xuất không thể thiêu đối với người Thái, vì vậy ngày nay cùng với việc chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng người Thái đã tận dụng triệt để các vùng đất có thể làm ruộng nước để khai hoang phục hóa, bảo đảm nâng cao năng suất, sản lượng trên đơn vị diện tích canh tác, tuy vậy người vẫn không thể bỏ nương, rãy. “Tín dủ na/ há dủ hảy” (chân ở ruộng/ đùi ở nương) hoặc “Ết hảy moi tín ph’á/ ết na moi tín họng” (làm nương xem chân núi/làm ruộng xem đất trũng) hay “Nha vang hảy đáng bái nhà/ Nha vang na đáng tháy” (đừng ruộng đang cày/ đừng rãy đang làm cỏ).

Đất vườn (đín xuốn): Ngoài đất ruộng và đất nương, người Thái còn có đất tận dụng để làm vườn. Đối với người Thái có 2 loại vườn, đó là: Vườn trồng rau (xuốn ph’ắc) thường được chọn đát ven khe, suối, ven sông để tiện tưới tiêu; đất trồng cây ăn quả, khoai…

Người Thái còn tận dụng các không gian quanh nhà để trồng các loại rau thơm để tiện sử dụng hàng ngày. Đó là các máng làm từ thân cây gỗ rỗng, hay ghép từ các tấm bìa gỗ, rồi đổ đất tốt vào sau đó trồng các loại rau thơm hay cây thuốc như hành lá, tía tô, húng chó, lá bỏng, giẻ quạt…

Sóng dựa vào đất, người Thái đã tích lũy được cả kho  tàng về sử dụng đất phục vụ đời sống của mình.

Làm ruộng: Trong quá trình khai khẩn đất đai để làm ruộng, người Thái đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm chọn những nơi đất màu mỡ, ven, dưới bản.

Như trên đã nói, về năng suất thì ruộng vượt trội so với nương rãy, vì vậy người Thái thường nói: “Hảy tứm tá bỏ tỏ na hở noiz” (rãy hút tầm mắt không bằng một thửa ruộng nhỏ). Các dân tộc thiểu số khác trong vùng sống dựa vào nương rẫy ít chú ý đến thâm canh, nhưng đối với người Thái các yếu tố thâm canh lúa nước lại rất được chú trọng, từ khâu chọn đất cho đến làm hệ thống đưa nước tưới ruộng như: phai, đập, cọn, mương, máng và cày, bừa, đốt râm rạ lấy tro làm phân bón…

Làm nương, rẫy: Tri thức canh tác nương, rẫy của dân tộc Thái rất độc đáo. Trước hết, họ quan niệm núi, rừng, khe, suối đều có thần linh cai quản. Người Thái cho rằng linh hồn của núi là ở trên “chỏm” núi (póm pu), suối thì nơi đầu nguồn (nhọt huồi), vì vậy người ta không bao giờ phát nương, rãy vào chỏm núi hay đầu nguồn nước. Trước khi phát nương làm rẫy người ta thường đến nơi đây để cúng tế xin ở nhờ, xin thần núi, thần suối che chở….Người Thái có câu: “Bỏ dủ huồi họng cangz/ bỏ tháng hảy têng póm pu” (không ở gần suối cạn/ không làm nương trên đỉnh núi)- Thể hiện tri thức của người trong ứng xử với thiên nhiên (mục tiêu là giữ được nguồn nước và tránh lũ ống, lũ quét).

Việc canh tác cũng diễn ra với các phương pháp rất hợp lý. Ngoài việc dùng đá hoặc cây gỗ xép lại làm bờ chắn trôi đất, người Thái không được cào sâu xuống đất, miệng đào không rộng. Dụng cụ đáp ứng được vấn đề này là “vạch” để làm cỏ. Cách trồng phải bố trí hàng theo đường đồng mực, các cây của hàng trên và dưới phải so le nhau, không được thẳng hàng. Khi chọc lỗ bỏ hạt, người ta dùng “chả lé”. Chả lé ccos cấu tạo một đầu là cái lưới sắt, nhọn, bép, rộng khoảng 6-7 cm, được tra vào cái cán dài từ 60-80cm. Người ta chọc lỗ 2 lần, làn một tra hạt, lần hai chọc xuống bên canh lỗ đầu nhằm bịt miệng lỗ đầu không để chim, chuột và các loại thú ăn hạt phá hoại. Khi chọc lỗ phải chọc ngang theo đường đồng mực thành một hàng cho đến hết nương, sau đó mới chọc hàng khác quay lại; khi chọc phải nhìn hàng vừa học xong để chọn vị trí so le để chọc.

Về cây trồng trên đất dốc, người ta cũng quy định: các cây trồng lấy củ chỉ trồng trên đất bằng; cây lương thực (lúa, ngô) trồng đất vừa; cây lâu năm trồng trên đất dốc.

Luân canh: Trên một diện tích nương, tập quán Thái ngày xưa chỉ trồng 2- 3 vụ (3 năm), bà con quen gọi là “hảy tháng” (phát mới), “hảy lộc” (vụ thứ 2), “hảy lặm” (vụ 3, rất ít). Sau 2-3 năm khai phá, đồng bào để bỏ hoang để cây mọc tái sinh. Sau 10-12 năm người ta lại quay trở lại. Như vậy, một gia đình người Thái cần phát 4 đám nương, luân phiên nhau để tạo thành một chu trình khép kín 12 năm canh tác. Đây là thời gian tối thiếu để hệ sinh vật ở rừng nhiệt đới tái sinh và người dân có thể trở lại canh tác trên diện tích ban đầu.

Năm thứ Nhất (đất mới), bà con phát và trồng lúa, năm thứ Hai  “hảy lộc” trồng ngô và hoa màu khác; năm thứ Ba “hảy lặm”- trồng bông.

Tuy vây, cách làm nương rẫy theo phương pháp: luân canh bỏ hoá trong chu kỳ khép kín chỉ thích hợp khi đất rộng, người thưa. Khi dân số phát triển, quỹ đất nương có hạn, người ta phải làm thêm nhiều năm, thậm chí là vĩnh viễn không bỏ hoá.

Xen canh: Xen canh là hình thức khá phổ biến ở các dân tộc miền núi, xuất phát từ lợi ích đem lại của việc trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích đất.

Riêng người Thái, có một hình thức xen canh gắn bó lâu đời và rất phổ biến là ngô và đậu he (người Thái gọi là mạc thủa he). Khi trồng ngô, người ta trộn thêm hạt đỗ he vào hạt ngô giống. Cây đỗ he sẽ mọc cùng hốc với cây ngô, dễ dàng trong việc làm cỏ vun xới. Thời gian sinh trưởng của cây đậu he rất phù hợp với cây ngô. Sau khi thu hoạch ngô, thì cây đậu mới phát triển mạnh, nó sẽ phủ kính hết cây ngô và không gian trống làm cho cỏ không phát triển được. Người Thái có thói quen khi thu hoạch ngô đến đâu, bẻ gập ngọn cây ngô đến đó, vừa đánh dấu cây đã bẻ bắp vừa tạo đà cho đậu he phát triển. Trồng xen đậu he có 3 tác dụng:

- Hoa đậu he là một món ăn rất ngon, có thể trộn với măng rừng như hoa ban. Quả đậu he có thể thu hoạch ở 2 thời kỳ: quả non để luộc ăn hoặc quả già lấy hạt làm thực phẩm, làm nhân bánh …

- Thân, lá, rễ cây đậu he có tác dụng cải tạo đất rất tốt.  Đậu he là cây họ đậu có nốt sần để cố định đạm từ khí nitơ tự nhiên, khi cây đậu chết để lại cho đất một lớp phủ khá dầy và làm tăng lượng đạm dễ tiêu cho đất đáng kể.

- Cây đậu he dùng làm giá thể thả cánh kiến đỏ. Khi cây đậu he trưởng thành, người ta có thể thả cánh kiến, sau khi thu hoạch hạt đậu xong một thời gian sau thu hoạch cánh kiến.

Ngoài ra, người còn có các hình thức xen canh như: Nương lúa thì xen cây lạc, bí đỏ, bí xanh, dưa, củ đậu, cao lương…Nương bông có thể xen canh ngô, lạc; nương sắn xen canh ngô,…

Đất là nguồn tạo ra các sản phẩm nông nghiệp nuôi sống con người, đối với người Thái đất nào cũng quý, đất nào cũng quan trọng, nhưng sự siêng năng cần cù của con người còn quý trọng hơn rất nhiều. Bởi vì có đất, có rừng mà lười nhác thì đất đó cũng không ăn được.

Vì vậy, người Thái có câu: “Đín đỏn cả peng, đín đéng cả mặc, khì xanz bỏ ết, đín cả bỏ hạc ọc hóng” (đất trắng cũng cũng quý, đất đỏ cũng ưa, lười nhác không làm thì đất có màu mỡ đến mấy cũng tự sinh ra của cải).

Tri thức chọn đất: “Ết hảy, ết tín ph’á/ ết na, ết tín họng” (Làm nương chọn đất dưới chân vách đá/ làm ruộng chọn đất vùng trũng gần khe suối).

Tri thức chọn đất cho từng loại cây trồng: “Đín đí pục phài/ đín haiz pục mạc/ đín dủ la pục ph’ước, pục mên/ đín pông cừ pục khàu” (đất tốt trồng bông/ đất xấu trông cây ăn quả/ đất nhàn rỗi thì trồng hoa màu/ đất bùn thì trồng lúa).

Rừng, đất rừng có vai trò đặc biệt trong đời sống của người Thái: Người Thái nhận thức rất rõ ràng về rừng và vai trò của rừng, đất rừng đối với đời sống của con người: Pả là ph’ốm, là khằng cốt hóng đín (rừng là tóc, là cái ô của đất); “Đín mất pả, nămz hèng/ pu mất mayz  đín tái/Đín tái leoz côn bỏ khồng đày” (Đất hết rừng, nước cạn/ núi hết cây, đất chết/ đất chết rồi con người không sống được)

Vì vậy, rừng rất cần cho sự sống của con người, bởi đó là nguồn tích nước, là kho dự trữ thức ăn: “Cắm khàu dủ năm đín/ Ăn kín dủ năm pả” (Nắm cơm ở trong đất/ thức ăn ở trong rừng). Đồng thời rừng là nguồn nhiên liệu để thắp sáng, sưởi ấm, nấu ăn, rèn, đúc (cung cấp đuốc, củi, than); là nguồn vật liệu xây dựng, đồ dùng; là nguồn dược liệu để chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ…thậm chí là nguồn tài chính của người dân: “Pá dủ nămz/ ngân, căm dủ pả” (cá ở dưới nước/ vàng bạc ở trong rừng).

Vì vậy, từ xa xưa ông khuyên cháu, cha khuyên con, người già khuyên người trẻ rằng: Vào rừng chớ chặt phá bừa bãi để cho cây nó to, đất mát, lúc cần thiết mới chặt, mới đốn: “Hàu pả nha phăn mayz/ hàu hảy nha nhặm khàu” (vào rừng đừng chặt cây, vào rẫy đừng dẫm lên lúa).

Như vậy, với người Thái, rừng là nơi cung cấp tài nguyên, lương thực, thực phẩm và điều hoà môi trường sống và cung cấp thông tin (môi trường, văn hóa,…). Trong đó, các thông tin về văn hoá rất quan trọng. Bằng việc tìm hiểu các tập quán và cách ứng xử của người Thái với  rừng để tìm hiểu tri thức và kinh nghiệm dân gian của người Thái. Nguồn tri thức này được phản ánh cả trong luật tục, tập quán,ca dao tục ngữ, trong thơ ca, truyện kể của người Thái, thấm đẫm trong các ứng xử của người Thái với rừng.

Sống dựa vào đất vào rừng, vì thế người Thái từ lâu đã có ý thức bảo vệ rừng:

Theo quan điểm của người Thái thì có các loại rừng:

- Một là, “Pả đống ngược” (rừng thuồng luồng) hay còn gọi là “Pả nhọt nămz” đây là rừng đầu nguồn, nơi trú ngụ của vua thuồng luồng, nơi cung cấp nguồn nước cho sự sống con người, vì vậy nó rất linh thiêng và được bảo vệ nghiêm ngặt.

Mỗi khi hạn hạn, người Thái thường sắm lễ vật vào tận đầu nguồn “Bỏ nămz” để cầu xin “vua thuồng luồng” cho nước để tưới ruộng “Xó nămz phốn lông na, xó nămz phaz lông  hảy” (xin nước mưa xuống ruộng/ xin nước trời xuống nương).

Việc khai thác gỗ ở những khu rừng này được nghiêm cấm rất nghiêm ngặt, vì sợ động vào thần linh sẽ tức giận, gây tại họa cho muôn dân: “May ọc hốn, côn bỏ dủ/ bỏ phăn ma ết nà/ bỏ ph’ả ma ết hươn” (cây mọc lông, người không ở/Không chặt về làm nỏ, không chẻ về làm nhà). Hay là “Có hay hóng mương phaz/ Có bà hóng mương bốn/ mayz pến hốn khư côn thàu mi nuột bỏ đày hặm đày phăn” (Cây đa của mường trời, cây đề của thượng đế, cây mọc lông như cụ ông có râu cấm chặt phá).

- Hai là, “Pả đống cắm” (rừng thiêng). Đây là rừng cây tô, tán rộng, gỗ quý, dưới tán cây có nhiều thảm thực vật mỏng, nhưng lạnh lẽo, có cảm giác ghê rợn. Người Thái cho rằng các loại cây này là những người chết oan, chết uổng do thú dữ bắt, ăn thịt mà hóa thành. Nên không ai dám khai thác, vì sợ các oan hồn trừng phạt.

- Ba là, “Pả lau” (rừng sau rãy/ tái sinh- rừng lau lách), đây là rừng để người dân khai thác làm nương rãy theo các chu kỳ tái sinh của rừng (10-12 năm).

- Bốn là, “Pả đống húa”. Các khu rừng này thường rất nhiều động vật quý hiếm, đồng bào Thái giữ lại để sắn bắt. Luật tục của người Thái cấm tuyệt đối không phát quang, không chặt những cây có quả và loại cỏ mà thú dùng làm thức ăn vì làm như vậy chúng sẽ chạy đi chỗ khác hoặc tìm đến ăn lúa, hoa màu của người, không được phá bỏ những cây sống trên vách đá vì chúng là những vị thuốc quý cho các loại thú rừng.

- Năm là, rừng để khai thác gỗ, tre để dựng nhà, và các lâm sản khác để phục vụ cho các nhu cầu của cuộc sống, Luật tục cũ nghiêm cấm chắt phá làm nương rẫy.

- Sáu là, “Pá đống hẻo” (rừng ma), đây là nơi chôn cất người chết. Người Thái nghiêm cấm việc chặt phá cây trong rừng. Chỉ khi có người chết họ mới chặt một số cây để làm nhà mồ cho người chết.

Ngoài các loại rừng trên còn có loại rừng mà con người ít đặt chân đến, người Thái gọi là “Pả đống không cốt”. Trước kia, vì xa xôi, cách trở nên không ai đến khai phá rừng, chỉ có ít người thường đến săn bắt thú quý, nhưng họ vẫn tự giác chấp hành các luật tục cũ đã quy định, thậm chí còn làm các thủ tục xin thần để được săn bắt. Tục cũ quy định tránh săn bắt thú quý vào mùa sinh sản, không săn hết đàn, không bắt hết tổ.

Gắn bó lâu đời với đất và rừng, hiểu được quy luật tư nhiên, nên người Thái đã sản sinh các trí thức để quản lý và bảo vệ rừng bằng cách thần thánh hóa và tạo sự thần bí cho các luật tục, để răn đe những ai muốn xâm phạm hệ sự bền vững của rừng. Nghiêm cấm các hành vi xâm hại đến rừng… Nếu ai xúc phạm sẽ bị thần linh trừng phạt. Trước đây, hàng năm, người ta phải tổ chức lễ cúng trâu tại những cánh rừng thiêng. Mọi nghi lễ do thày mo đảm nhiệm, nhằm xin thần rừng phù hộ, cầu cho mưa thuận gió hoà, trồng lúa lúa tốt, trồng ngô thì được bắp to…

Chính những điều cấm kị như vậy đã ngẫu nhiên biến rừng thiêng trở thành nơi trú ngụ an toàn của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Bao đời rồi, người Thái vẫn sống bình yên như vậy và truyền nhau lưu giữ những điều cấm kỵ, để họ còn có được một cánh rừng già hiếm hoi, quý giá như chính sự sùng kính tổ tông và những điều thiêng liêng nhất.

Người Thái (nhóm Tày Thanh) có câu:

"Dom pá bạy lùn lăng chắng má

Bạy hớ nặm chú bó láy lông

Phớ chứ đáy khoàm nặn mằn chắng pên cun"

(Giữ rừng cho muôn đời phát triển

Để cho muôn mó nước tuôn trào

Ai nhớ được câu ấy thì thành người)

Cùng với đất và rừng, nước đóng vai trò quan trọng không thể thiếu đối với con người nói chung và đồng bào dân tộc Thái nói riêng, vì vậy cũng từ rất lâu đồng bào Thái đã có cách ứng xử với nước rất đáng trân trọng.

Nước đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Thái (sản xuất/sinh hoạt/ cung cấp thực phẩm…).

Từ nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của nước trong đời sống của con người, từ xa xưa người Thái đã đặt những Luật tục quy định khá cụ thể trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Những quy định này thể hiện trong phong tục, tập quán, luật tục (hịt khoong). Nước trong đời sống của người Thái bao gồm nước sản xuất và nước trong sinh hoạt hằng ngày.

- Trong sản xuất, người Thái nhận thức rất rõ rằng thiếu nước thì mùa màng sẽ thất bát, nên đã đề ra những quy định bảo vệ nguồn nước thể hiện qua hệ thống luật tục hay các nghi lễ, tín ngưỡng nông nghiệp hàng năm của họ. Họ đưa ra hình thức cấm và xử phạt, cụ thể là cấm phát nương rãy vào rừng đầu nguồn “Pả đống ngược” hay “Pả nămz bỏ”. Hay họ tổ chức các nghi lê cầu mưa đầu năm hay khi hạn hán. Vật tế lễ thường là trầu, ít nhất là 1 con, nếu không thì 3 con (2 đen, 1 trắng).

Để tạo nguồn nước cho đồng ruộng, người Thái tiến hành làm phai (phái), cọn nước (pặt), đào mương (mướng), bắc máng (lin)…. Trong tâm thức của người, phai là nươi trú ngụ “chàu nặm” (chủ con nước) và được thần thánh hóa bằng con thuồng luồng (tô ngược). Được thờ cúng hàng năm nhằm câu mong cho cái phai được bền vững, không bị nước lũ cuốn trôi…

- Nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày, phải là nguồn nước sạch sẽ, chứ không thể là bất cứ nguồn nước nào như nước dùng trong sản xuất. Vì vậy, việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt được chú trọng hơn bao giờ hết.

Quy định về việc bảo vệ nước sinh hoạt (nước uống) cũng được cụ thể hóa trong các luật tục của từng bản, từng mường.

Những câu tục ngữ/ ngạn ngữ nói về bảo vệ nguồn nước: “Đày kín khàu nha vang na/ đày kín pa nha vang nămz” (Được ăn cơm đừng bỏ ruộng/ được ăn cá đừng bỏ suối); “Kín hờ mi tỉ/ khì hờ mi bỏn” (ăn có nơi, ẻ có chốn); “Mi nămz tẳng mi mướng/ mi mướng tẳng mi taoz” (có nước mới có mương/ có mương mới có chúa)

Ngoài các loại gỗ, trong rừng có rất nhiều loại lâm sản khác góp phần nuôi sống con người, trải qua ngàn đời, đồng bào Thái đã tích lũy được vô số tri thức trong khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ, trong đó có các loại thuốc chữa bệnh. Điều tra tại các địa bàn có cư dân người Thái sinh sống ở các huyện miền núi Nghệ An, cho thấy:

- Thời điểm lấy thuốc (hái thuốc), tốt nhất là vào buổi sáng, khoảng từ 7-10 giờ hoặc có thể từ 2-4 giờ (khi mặt trời đang tỏ).

- Nguyên tắc: Trước khi hái thuốc người ta đọc bài khấn (thần linh cai quản khu rừng/ thần giữ gốc cây thuốc/ tổ tiên đã bày cho mình bài thuốc). Khi hái lá chỉ được hái 1 tay.

- Chọn hướng: Hướng dương, tức là chọn hướng núi/đồi đối diện mặt trời mọc. Người đứng hái/đào…làm sao không để bóng đè lên cây thuốc (không che ánh sáng chiếu vào cây thuốc).

Vấn đề này có cơ sở khoa học của nó, tức là người dân đã biết dựa vào sự tích lũy các chất trong cơ thể thực vật cao vào buổi sáng, hướng mặt trời và tránh quá trình hô hấp mạnh khi cường độ ánh sáng tăng mạnh vào buổi chiều

Địa chỉ