TRẢI LÒNG CÙNG NẬM CẮN

Đăng lúc 05:27:06 17/08/2020

Bút ký của Vi Hợi

    Ngược miền biên viễn phía Tây xứ Nghệ, đoàn văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Nghệ An lên với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Trời về chiều, từng đợt gió kèm theo mưa phùn, chúng tôi cảm nhận được cái lạnh giá của vùng biên ải. Tôi tình cờ gặp lại người quen cũ, đó là trung tá, đồn trưởng Nguyễn Hồng Đức. Trước đây Đức là đồn phó đồn biên phòng Tam Quang, huyện Tương Dương. Đức bảo, "Em mới lên đây được hơn một năm". Rồi Đức cho hay, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, đóng trên địa bàn xã Nậm Cắn, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 30 cây số đường biên biên giới và 8 cột mốc, từ mốc số 402 đến 409, tiếp giáp với huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng của Lào. Địa bàn phụ trách gồm 2 xã Nậm Cắn và xã Tà Cạ, diện tích hơn 1.500 héc ta, có gần 2000 hộ với trên 9400 khẩu, gồm 4 dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú và Kinh cùng sinh sống. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương 2 xã Nậm Cắn và Tà Cạ thành lập 6 chốt kiểm soát nhằm phòng, chống hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên địa bàn khu vực biên giới. "Các chiến sĩ ngày đêm bám giữ trên chốt, tuần tra, chốt chặn 24/24 giờ. Đến thời điểm này các chốt đã phát hiện và xử lý 21 vụ với 38 đối tượng xuất nhập cảnh, xuất nhập biên trái phép"- trung tá Nguyễn Hồng Đức cho biết thêm.

Các chiến sĩ Đồn BPCKQT Nậm Cắn làm nhiệm vụ chốt chặn ở chốt số 4

          Mặc cho trời mưa, nhưng chúng tôi vẫn quyết định lên thăm các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở chốt kiểm soát số 4 nằm ở mé bên phải Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Đại úy Ngô Quang Hiếu, chính trị viên phó dẫn chúng tôi đi trên con đường đất đá gồ ghề, khúc khuỷu, đi được một lúc cả đoàn rẽ trái rồi tiếp tục leo lên con dốc vừa dài lại vừa trơn. Tôi vừa đi vừa hỗ trợ nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch, người thành phố chưa quen leo dốc núi bao giờ sợ chị ấy trượt ngã thì khổ. Đại úy Ngô Quang Hiếu cho hay "Đường đi như thế này chưa ăn thua gì so với những con đường tuần tra mà các anh hằng ngày vẫn phải đi". Cuối cùng chúng tôi cũng đến chốt kiểm soát số 4 khi trời đã ngả về chiều. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Văn Khoa, trưởng chốt chia sẻ: Mặc dầu địa hình đồi núi cao, đi lại khó khăn, khí hậu thất thường, đường trơn, sương mù dày đặc, nhưng suốt thời gian qua anh cùng đồng đội thay phiên nhau trực 24/24 giờ tại chốt cũng như tổ chức tuần tra các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Một vài chiến sĩ vừa đi tuần tra về, quần áo ướt sẫm, thấy vậy nghệ sĩ múa Cao Minh Thống vội nhường cái ô cho chiến sĩ trẻ nhất. Anh nhìn chị Thống cười "Ngày đêm bám trụ chốn biên cương này, chúng em đã quá quen với nhiệm vụ và điều kiện thời tiết ở đây. Những ngày luồn rừng làm nhiệm vụ tuần tra, trời mưa nhiều, muỗi đốt sưng cả chân. Tuy vất vả, nhưng những chiến sĩ biên phòng vẫn vui vì được góp sức lực của mình cho sự bình yên của Tổ quốc". Trung tá Trần Văn Khoa cho biết thêm "Hồi tháng 3 năm 2020, có một số người dân đi từ Lào qua các đường mòn, lối mở vào Việt Nam, các lực lượng chốt chặn đã kịp thời phát hiện, vận động họ tự nguyện cách ly theo đúng quy định".

Vươn rau xanh của các chiến sĩ chốt kiểm soát biên phòng số 4

          Trở về đơn vị, qua trao đổi với đồn trưởng Nguyễn Hồng Đức, chúng tôi được biết mấy ngày nay, đơn vị đang tiếp nhận và chuyển giao hơn 200 sinh viên Lào trở lại Nghệ An học tập sau kỳ nghỉ. Trước khi làm thủ tục nhập cảnh, tất cả các sinh viên này đều được lực lượng chức năng như Bộ đội biên phòng, Hải quan cửa khẩu đang làm nhiệm vụ nơi đây tận tình hướng dẫn làm thủ tục khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt… Đại úy, Trạm trưởng biên phòng Cửa khẩu Nguyễn Thanh Minh cho biết: Chúng tôi thực hiện theo tinh thần chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, mọi việc phải làm đúng quy trình nhưng cũng hết sức khẩn trương. Sau vài chục phút, không có dấu hiệu bất thường, tất cả các sinh viên được đưa qua cổng an ninh để một chiến sĩ biên phòng dẫn về khu cách ly tạm thời, chờ lên xe.

          Để bảo đảm cho công tác vận chuyển số công dân từ Lào về các trung tâm cách ly, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An phối hợp Sở Giao thông vận tải đã tăng cường lái xe có tay nghề vững, làm chủ tay lái trên cung đường đèo quanh co dài hàng chục cây số. Đồn trưởng Nguyễn Hồng Đức cho biết: Những ngày qua, đơn vị phải đón nhận hàng trăm công dân trở về mỗi ngày, các lái xe làm việc hết sức vất vả, phải đi xuyên đêm trên 200 km từ Nậm Cắn đến Thái Hòa. "Đêm nay, khoảng chừng 11 giờ, đoàn xe xuất phát đưa 200 sinh viên về khu cách ly ở Nghĩa Đàn, khoảng 4 giờ sáng mới có thể làm xong thủ tục, như vậy là quả đêm qua các chiến sĩ không được chợp mắt tý nào"- Đức chia sẻ thêm.

Đoàn văn nghệ sĩ DTTS Nghệ An với các chiến sĩ biên phòng chốt số 4 chống dịch Covid-19

          Khó có thể kể hết những khó khăn, gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đang phải đối mặt. Bởi, bên cạnh việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, các anh còn căng mình đối phó, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Theo theo trung tá đồn trưởng Nguyễn Hồng Đức thì đơn vị đã huy động trên 30 chiến sĩ cho 6 chốt nhằm kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở. Đồng thời, để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, chỉ huy đơn vị luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nắm rõ diễn biến, mức độ lây nhiễm và sự nguy hiểm của dịch bệnh.

          Những hình ảnh đẹp về sự sẻ chia, căng mình trong mưa rét của cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh nơi biên giới, đến hình ảnh bếp lửa sưởi ấm cùng những gói mì tôm lót dạ trong những đêm trực gác là minh chứng cụ thể về nỗ lực vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Nậm Cắn đang ngày đêm gìn giữ biên cương, ngăn chặn dịch bệnh. Và các anh-những người lính biên phòng coi "đồn là nhà, biên giới là quê hương", luôn vững vàng nơi cửa ngõ biên cương phía Tây xứ Nghệ.

          Sau bữa cơm chiều cùng với các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Nậm Cắn, chúng tôi trở về phòng nghỉ. Gió rít từng cơn. Mưa vẫn cứ rơi lộp bộp trên mái nhà. Ngoài trời tối đen như mực đổ. Ngó đồng hồ, giờ vẫn còn sớm. Nếu ở thành thị thì lúc này mọi người vẫn còn hối hả ngược xuôi trên các ngả đường trong cuộc mưu sinh. Vậy mà, nơi rẻo đất biên cương này, những căn người Thái, người Mông, Khơ mú đã tắt điện từ lâu rồi. Mọi người đi ngủ sớm, một phần do trời đổ mưa, một phần cũng bởi nếp sống quen thuộc sau một ngày làm việc vất vả. Lúc này, dọc theo hành lang của những dãy nhà hai tầng hay các chốt gác của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn vẫn còn đỏ đèn. Dưới ánh sáng của những ngọn đèn điện, nom rõ từng khuôn mặt của các chiến sĩ đang đứng gác. Tôi nằm thao thức trong chăn ấm, cố tìm cho mình giấc ngủ, nhưng những cơn gió mạnh lách qua khe cửa của căn nhà 2 tầng hắt vào từng trận, khiến giấc ngủ trở nên chập chờn. Tôi kéo tấm chăn trùm kín đầu. Hơi chăn tỏa ra nồng ấm. Giấc ngủ vẫn giống như những ngọn gió hoang ngoài kia, vần vũ trong đêm mưa không ngừng nghỉ. Lẫn vào đó là hình ảnh của các chiến sĩ với những khuôn mặt chai sạm, đêm nay chắc đang trắng đêm để tuần tra, chốt chặn biên giới để cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19.

 

*

*       *

          Chia tay các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Nậm Cắn chúng tôi ghé vào trụ sở xã Nậm Cắn. Ra đón chúng tôi có Bí thư Đảng ủy Hờ Bá Chá, Chủ tịch UBND xã Và Bá Chày và Phó Bí thư Đảng ủy Hờ Y Nhìa…Dẫn chúng tôi vào phòng họp, Chủ tịch Và Bá Chày nói:

          - Mưa gió thế này mà các anh vẫn đến chia sẻ với Nậm Cắn quả thật không có gì quý bằng.

          - Lần này anh em văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An đi thực tế sáng tác tại các huyện miền núi trong tỉnh, ở Kỳ Sơn chúng tôi chọn Nậm Cắn là điểm đến, mong các anh cho biết khái quát những thành tựu nổi bật về kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ vừa qua và định hướng phát triển đến năm 2025- anh Lang Quốc Khánh đặt vấn đề ngay sau khi ngồi xuống cạnh Bí thư Hờ Bá Chá

.

Nhà văn-nhà báo Lang Quốc Khánh phỏng vấn Bí thư Hờ Bá Chá

          Bí thư Hờ Bá Chá là Huyện ủy viên và cũng là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2016 - 2021, cho biết: Nậm Căn là xã biên giới với hơn 23 cây số đường biên giới, có diện tích tự nhiện trên 9000 héc ta, tiếp giáp với 3 xã Na Loi, Phà Đánh, Tạ Cạ. Cả xã có 6 bản với 4 dân tộc cùng sinh sống, trong đó hầu hết là dân tộc Mông, thứ đến là Khơ mú và Thái… Cả Đảng bộ có 6 chi bộ và 224 đảng viên, trong đó đảng viên nữ 75 đồng chí.  Trong 5 năm vừa qua nhờ sự quan tâm của huyện và sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tình hình kinh tế xã hội có nhiều thay đổi, tiến bộ hơn nhiều, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị được xây dựng ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, Nậm Cắn vẫn là xã nghèo, đồng bào ở đây chủ yếu sống nhờ nương rãy, trình độ canh tác còn lạc hậu, năng suất thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cụ thể hiện nay vẫn còn chiếm 37%.

          Phó Bí thư Đảng ủy Hờ Y Nhìa báo cáo làm rõ thêm những vấn đề mà Bí thư Chá vừa trao đổi. Trong 5 năm qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông lâm nghiệp của xã Nậm Cắn đã có sự chuyển biến khá tích cực, rõ nhất là địa phương này đã chủ động trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dần từ sản xuất quảng canh sang chuyên canh, khuyến khích nhân khai thác lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ. Tổng diện tích gieo trồng cả xã đạt 522 héc ta, giảm 18 héc ta so với đầu nhiệm kỳ do xã chủ động giảm lúa rãy, giảm diện tích một số cây trồng kèm hiệu quả, chuyển sang thâm canh một số cây hoa màu có năng suất cao. Sản lượng lương thực gần 1.400 tấn, đạt bình quân lương thực đầu người trên 300 kg. Chăn nuôi đã từng bước chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tổng đàn gia súc toàn xã xấp xỉ 5000 con, gia cầm trên 7.000 con. Cấp ủy, chính quyền xã Nậm Cắn đã tập trung chỉ đạo phát triển nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả thiết thực như mô hình trồng cỏ để nuôi vỗ béo trâu, bò, mô hình chăn nuôi giống lợn đen, gà đen của địa phương, mô hình trồng chanh leo, chăn nuôi dê…Tiêu biểu nhất là mô hình chăn nuôi bò bán chăn thả của gia đình ông Moong Phò Ngọc, bản Khánh Thành, ông Già Giống Chùa bản Huồi Pốc với tổng đàn trên 50 con hay mô hình chăn nuôi dê của gia đình Moong Văn Chun ở bản Khánh Thành, trừ chi phí sản xuất, bình quân mỗi năm các hộ gia đình này cũng có thu nhập trên 120 triệu đồng. Sau khi chợ biên giới mở ra, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Cắn đã động viên, khuyến khích các hộ gia đình chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm thương mại, dịch vụ như bán hàng tạp hóa, thu mua nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm…sau khi đã khấu trừ thuế hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng, tiêu biểu như gia đình anh Lầu Mềnh Vả ở bản Trường Sơn, gia đình anh Lầu Bá Thắng và gia đình chị Hạ Y Mái ở bản Tiền Tiêu. Một số ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm của người Thái, Mông và nghề rèn của người Mông từng bước được khôi phục và quan tâm phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ gia đình. Đáng kể như gia đình anh Hò Bá Giờ và Hờ Bá Dở ở bản Trường Sơn mỗi năm bán ra hàng tẳm con dao mẹo cho khách du lịch, thu nhập gần 100 triệu đồng.

          Không chỉ phát triển mạnh về lĩnh vực nông nghiệp và thương mại, dịch vụ, trong 5 năm qua xã Nậm Cắn còn chăm lo đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Nhờ các chương trình, dự án của nhà nước như chương trình phát triển nông thôn mới, chương trình 30a, 135…xã đã ưu tiến đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhà văn hóa cộng đồng, đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt, sân vận động ttrung tâm xã…Đến Nậm Cắn hôm nay ta mới thấy được sự thay đổi nhanh chóng của một xã nghèo nơi biên cương của Tổ quốc.

Một góc trung tâm xã Nậm Cắn ngày nay

          Theo chỉ dẫn của các anh lãnh đạo xã chúng tôi đến bản Huồi Pốc và câu chuyện của những con người nơi đây đã cho chúng tôi thấy rõ hơn bức tranh Nậm Cắn.

          - Muộn thế này ông còn định đi đâu?- tiếng người vợ trong buồng nói vọng ra.

          - Ừ, tôi tranh thủ sang bàn với ông trưởng bản bàn về việc khởi công cái nhà văn hóa.

          - Ông đi rồi về sớm nhé

          Uống vội bát nước ấm ông Lầu Chống Nhìa khà một tiếng. Tiếng khà trong đêm, nghe ấm áp lạ thường. Tì đôi tay gầy guộc, nham nhở những vết hằn thời gian lên cạnh cái bàn gỗ, ông Chống Nhìa bảo:

          - Ừ, tôi biết rồi.

          Ông đặt lại cái ca đựng nước và mấy cái bát vào giữa bàn cho ngay ngắn, lặng lẽ đứng dậy, quờ tay tìm chiếc đèn pin và khoác thêm tấm áo mưa vào người. Bước chân ông thẽ thọt bước trên sàn nhà. Dường như ông muốn tiếng động phát ra từ đôi chân của ông không quá to, sợ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng tôi. Thấy ông chuẩn bị mở cửa, tôi nhổm dậy, với tay bật công tắc điện. Ánh điện tỏa ra, căn nhà tràn ngập ánh sáng. Ông Chống Nhìa quay lại nhìn tôi, nở nụ cười lành hiền:

          - Mấy cán bộ chưa ngủ à?

          - Khó ngủ quá anh ạ.

          - Vậy thì đi cùng tôi sang nhà trưởng bản Lầu Xía Nênh nhé.

          Tôi đáp lại lời ông, rồi đứng dậy, khoác thêm áo và bước ra khỏi nhà. Ông đi trước, bấm đèn pin để dọi đường. Tôi lặng lẽ bước theo sau, lần mò đi theo ánh sáng của chiếc đèn. Trời đã ngớt mưa. Con đường nom chỉ một màu xám nhờ nhờ trước mặt. Con đường này cũng vừa được nhà nước đầu tư mở rộng, lu nén phẳng phiu, rất thuận tiện cho việc đi lại của đồng bào bản Huồi Pốc và các bản cuối cùng của xã Nậm Cắn. Những bản này đều là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, bám dọc theo chân dãy núi Pù Pơn. Ông Chống Nhìa vừa bấm đèn pin dẫn đường, vừa thủng thẳng nói:

          - Cũng nhờ ơn Đảng, Nhà nước cả đấy mà chú ạ. Ở Huồi Pốc và hầu hết các bản xã Nậm Cắn, nhà nào cũng tham gia trồng chanh leo và gừng. Gừng trồng trên núi, chanh mọc trong các thung lũng. Đồng bào Mông ở Huồi Pốc hiện nay thu nhập chủ yếu từ chanh leo, gừng và chăn nuôi bò. Nếu không được đầu tư con đường như thế này, việc vận chuyển chanh leo, gừng sẽ bất tiện trong mỗi mùa thu hoạch. Như vậy, giá chanh, gừng và cả bò, lờn đều bị giảm, người nông dân chịu thua thiệt do tư thương nó ép giá.

          Huồi Pốc là vùng trọng điểm chanh leo của xã Nậm Cắn. Cả bản có gần 100 ha chanh leo và gừng nhưng chỉ một số diện tích đang trong chu kỳ kiến thiết cơ bản, còn lại hầu hết số chanh leo đều đang cho thu hoạch rộ. Trên khắp các triền núi, hay dưới thung lũng của những dãy núi đá vôi, cây chanh leo, gừng, cỏ voi đâm rễ vào đá mà sinh trưởng, phát triển, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào trong bản. Những câu chuyện về việc đưa cây chanh, gừng và cỏ voi vào trồng, rồi chuyện về mùa thu hoạch cứ rộn ràng theo bước chân thập thững, trên con đường làng phẳng phiu. Chúng tôi dừng lại ở một căn nhà khá bề thế. Đây là nhà của trưởng bản Huổi Pốc. Căn nhà này cũng vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng từ năm ngoái. Tiếp chúng tôi trong căn nhà ấm cúng, trưởng bản Xía Nênh bảo: “Mưa gió thế này Bí thư và cán bộ còn đến đây làm gì cho vật vả, có việc gì thì mai ta gặp nhau trao đổi cũng được mà”.

          Nhấp ngụm chè nóng, Bí thư Chi bộ Lầu Chống Nhìa nói ngay:

          - Đảng và Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ đầu tư cái nhà văn hóa bản ta rồi, tôi sang bàn với ông để làm sao huy động được nhân lực vận chuyển vật liệu tập kết tại mặt bằng công trình để đẩy nhanh tiến độ thi công.

          - Vâng, tôi đồng ý với anh. Vì kế hoạch đã có rồi, ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục huy động nhân lực, bắt tay vào hoàn thành nốt phần việc còn lại theo tiến độ mà Chi bộ đã đề ra.

          Nhà văn hóa bản Huồi Pốc được đầu tư từ vốn chương trình 135, theo mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước đầu tư vốn, còn nhân dân thì góp công, sức vận chuyển vật liệu và tỏ chức giám sát công trình. Với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, Bí thư Chi bộ Lầu Chống Nhìa và trưởng bản Lầu Xía Nênh đã đi thăm quan, học hỏi ở những địa phương khác trong huyện về kinh nghiệm giám sát cộng đồng, rồi về họp thống nhất với Chi bộ. Từ đây, các ông phân công các đồng chí đảng viên cùng với các tổ chức đoàn thể khác tập trung tuyên truyền đến với đồng bào trong bản về ý nghĩa, phần việc Nhà nước hỗ trợ và phần việc cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Hai ông bám sát vào Nghị quyết của Đảng, nên việc thực hiện công trình này tương đối thuận lợi. Chính từ niềm tin sắt son với Đảng, niềm tin vào vai trò của hai người đứng đầu bản, Huồi Pốc đã tìm được sự đồng thuận, nhất trí cao. Việc huy động sức người, sức của, rồi chuyện hiến đất, hiến cây..., tất cả đều diễn ra dân chủ, công khai. Trong những ngày thi công công trình nhà văn hóa, Bí thư Chi bộ Lầu Chống Nhìa và Lầu Xía Nênh thường xuyên có mặt, kịp thời động viên, hỗ trợ anh em thợ  xây dựng công trình đồng thời giám sát việc sử dụng vật liệu xây dựng để công trình nhanh chóng hoàn thành khối lượng công việc, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, hội họp của cả cộng đồng trong bản.

          Trên miền rừng xanh thẳm, từ lâu đồng bào Mông ở Huồi Pốc đã coi hai cán bộ bản như người ruột thịt trong gia đình. Khi nhà nào có việc, hai ông đều là người đến với họ đầu tiên, để kịp thời động viên, giúp đỡ, chia sẻ. Mỗi việc làm cụ thể của người Bí thư Chi bộ hay Trưởng bản đều mang đến sự tin tưởng cho cả cộng đồng. Qua bao nhiều năm giữ cương vị người lãnh đạo bản Huồi Pốc, cả một quãng đường dài, hai ông đã đi và cống hiến sức mình cho sự đổi thay của một miền đất nằm heo hút dưới chân dãy núi Pu Pơn. Đó cũng là quãng thời gian Bí thư Chi bộ Lầu Chống Nhìa và Lầu Xía Nênh có nhiều kỷ niệm buồn, vui với công việc và trọng trách của mình. Gần 10 năm trước, Huồi Pốc là thôn nghèo ở xã vùng cao Nậm Cắn. Đất sản xuất nông nghiệp chia bình quân đầu người thấp, trong khi đó trình độ canh tác và việc lựa chọn hướng đi mới trong phát triển kinh tế của đồng bào còn hạn chế. Có nhiều nỗi trăn trở được đặt ra đối với  hai người lãnh đạo bản. Đó là làm sao giúp đồng bào có được cách thức tổ chức sản xuất để cải thiện được mức sống, biến vùng đất đèo heo hút gió nhanh chóng khoác trên mình tấm áo mới. Muốn vậy, trước tiên cần phát huy vai trò đầu tầu gương mẫu của từng đồng chí đảng viên và bản thân gia đình hai đồng chí lãnh đạo bản phải trở thành hạt nhân trong các phong trào thi đua ở địa phương.

          Nói đi đôi với làm là bản chất của Bí thư lầu Chống Nhìa và Trưởng bản Lầu Xía Nênh. Ngay tại gia đình, Bí thư Lầu Chống Nhìa đã nghiên cứu và bắt tay vào thực hiện việc chuyển đổi phương thức sản xuất bằng việc lập gia trại và đi vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Ông tập trung trồng cỏ và phát triển chưn nuôi bò theo hướng bán chăn thả. Cùng với đó, Bí thư Lầu Chống Nhìa cũng nhận thấy, điều kiện thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu phù hợp với việc phát triển cây chanh leo và gừng nên đã nghiên cứu, cải tạo diện tích đất màu đồi, đưa cây chanh leo và gừng vào trồng. Thiếu kinh nghiệm thì ông về tận huyện, tìm đến các cơ quan chuyên môn nhờ giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, còn nguồn giống thì đã được Nhà nước hỗ trợ, trồng trên diện tích gần 2 ha. Cần mẫn trên vạt đá xám lạnh, sau mấy năm tập trung chăm sóc, thành quả trong lao động sản xuất đã mang lại cho gia đình Bí thư Chi bộ Lầu Chống Nhìa những niềm vui mới. Hàng trăm triệu đồng từ mỗi năm sản xuất đã minh chứng cho một hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Thành công từ mô hình mẫu, Bí thư Lầu Chống Nhìa đã thống nhất với Chi bộ, xây dựng Nghị quyết và tập trung lãnh đạo nhân dân trong bản lựa chọn cây chanh leo và gừng là cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, ông cũng phân công các đồng chí đảng viên trong Chi bộ trực tiếp nhận giúp đỡ các hộ trong bản để Huồi Pốc từng bước vươn thoát nghèo.

          Buổi sáng ở Huồi Pốc thanh bình đến nao lòng. Sau cơn mưa, trời hửng lên chút nắng le lói. Trong cái gam màu chàm đổ, dãy núi Pu Pơn hiện lên mờ ảo. Sương trắng kéo thành vệt dài, quấn lên đỉnh núi. Những rừng cam xanh nhức mắt hiện ra trong sương sớm vùng cao. Tôi và Bí thư Lầu Chống Nhìa tranh thủ dạo một lượt trên con đường dẫn vào cuối bản Huồi Pốc. Những căn nhà gỗ, xen lẫn với nhà xây cứ thấp thoáng trôi qua. Huồi Pốc đang hồi sinh và vươn dậy với sức vóc của một chàng trai trẻ. Chúng tôi cùng rẽ vào một căn nhà nhỏ mà theo Bí thư Lầu Chống Nhìa đây là điển hình nông dân sản xuất giỏi.

          - Ông Giống Chùa có nhà không?

          - Ai đấy, mời vào nhà chơi! Tiếng ông Già Giống Chùa từ trong nhà nói vọng ra.

          Vừa bước vào nhà, Bí thư Lầu Chống Nhìa đã hỏi ngay:

          - Năm nay bò ta đẻ nhiều không?

          - Ơ cán bộ vào trang trại mà đếm chơ! - ông Giống Chùa cười đùa.

          -  Năm nay có dự định gì không?

          - Năm nay sẽ bán đi vài chục con để xây lại cái nhà cho nó đàng hoàng, còn cái nhà gỗ này định đưa vào dựng trong trang trại.

          Theo Bí thư Chống Nhìa thì ông Giống Chùa trước đây là một trong những hộ thuộc diện nghèo ở Huồi Pốc. Sau khi thống nhất với Chi bộ, Bí thư Lầu Chống Nhìa đã nhận trực tiếp giúp đỡ người nông dân này vươn lên thoát nghèo. Qua tìm hiểu, Bí thư Chống Nhìa đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến nghèo, đó là thiếu kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, trong khi đất đai và sức lao động có. Do vậy, việc định hướng và khích lệ gia đình Giống Chùa vươn lên thoát nghèo cũng không khó. Trước tiên là giúp đỡ bằng nguồn vốn và kinh nghiệm sản xuất. Trên những diện tích đất đã được chia, Bí thư Lầu Chống Nhìa khuyên ông Giống Chùa lập trang trại, tập trung trồng cỏ để chăn nuôi bò. Từ một con bò ban đầu được cấp từ chương trình 135, gia đình Bí thư Chống Nhìa cho nuôi ké 2 con và ông vay ngân hàng chính sách xã hội mua thêm hai con nữa. Sau hơn 10 năm gây dựng, đến hôm nay nhà ông Giống Chùa đã bò đàn bò trên 70 con. Song song với chăn nuôi, ông Giống Chùa còn trồng thêm gừng hơn 2 héc ta. Giờ đây, từ chăn nuôi bò và trồng gừng mỗi năm cũng mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập từ một trăm đến một trăm năm mươi triệu đồng. Cuộc sống của gia đình ông Giống Chùa đã được cải thiện và có tích lũy nhiều hơn và là một trong những hộ nông dân thoát nghèo bền vững trên thung lũng Huồi Pốc.    

          Trở lại trung tâm xã Nậm Cắn, tôi đến thăm gia đình ông Lầu Mềnh Và bản Trường Sơn. Gặp tôi, ông tươi cười "Từ khí có cái chợ biên, mình bỏ cái nương, cái rãy rồi, bây giờ chuyển sang làm dịch vụ để kiếm ăn thôi". Trước đây ông Lầu Mềnh Và cũng phát triển gia trại, trồng cỏ, chăn nuôi bò. Nhưng kể từ khí có chợ biên, theo lời khuyên của cán bộ xã ông đã bỏ nghề nông chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ thương mại. Trâu, bò của ông một số ông bán để lấy vốn đầu tư, số còn lại ông cho người ta nuôi ké. Gia đình ông mở cửa hàng tạp hóa, thu mua nông sản và giết mổ gia súc. Đến phiên chợ biên mở cửa, ông và gia đình đưa toàn bộ hàng hóa lên chợ bán. Ông mua một chiếc xe ô tô tải, hàng ngày chở nông sản đi nhập cho các đầu mối., thậm chí ông sang tân bên Lào bán hàng và thu mua hàng hóa bên đó về bán ở Việt Nam. Nhờ năng động và kiên trì làm ăn, hằng năm sau khi đã khấu trừ tiền thuế, gia đình ông cũng còn lãi trên 100 triệu đồng. Theo Chủ tịch xã Và Bá Chày thì việc khuyến khích các hộ gia đình chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh hàng hóa đang là hướng đi mới có triển vọng của Nậm Cắn.

          Những nông dân đang giàu lên từ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ thương mại như ông Moong Phò Ngọc, Già Giống Chùa, Moong Văn Chun hay Lầu Mếnh Và, Lầu Bá Thắng, Hạ Y Mái, Hờ Bá Giờ…ở Nậm Cắn là những câu chuyện thú vị về khát vọng chinh phục vùng đất biên cương của đồng bào nơi đây. Riêng với Bí thư Đảng ủy Hờ Bá Chá, suốt quảng thời gian dài trên cương vị lãnh đạo xã, anh đã “cháy” hết mình với việc nước, việc xã, với sự đổi thay của một miền đất nơi miền rừng xanh thẳm. Không chỉ đồng bào trong xã ghi nhận, mà Đảng cũng ghi nhận, khi anh là một trong những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của huyện biên giới Kỳ Sơn.

Các văn nghệ sĩ DTTS Nghệ An với cán bộ xã Nậm Cắn

          Dẫu còn bao nhiêu khó khăn, song việc đánh thức một miền đất trong những năm qua không chỉ từ sự nỗ lực của cộng đồng mà còn ở vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của từng đồng chí đảng viên trong Đảng bộ mà vai trò chính ở đây là các thủ lĩnh trẻ tuổi như Bí thư Hờ Bá Chá, Chủ tịch Và Bá Chày. Các anh đã bám sát vào đời sống thực tế ở địa phương, cùng với Đảng ủy xây dựng và ban hành Nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời triển khai Nghị quyết của Đảng các cấp đến tận chi bộ và thấm sâu vào tư tưởng, rồi chuyển hóa thành hành động của đảng viên và quần chúng nhân dân. Do đó, Nghị quyết nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, tạo sức bật mạnh mẽ cho vùng đất biên cương. Giờ đây, dưới cái màu xanh bạt ngàn của những rừng cỏ, chanh leo, ngô và gừng, cuộc sống đồng bào các dân tộc Mông, Khơ mú, Thái ở Nậm Cắn đã thực sự đổi thay. Đó là niềm hạnh phúc, tuy giản đơn mà ý nghĩa. Sau bao năm gắn bó với quê hương, những Hờ Bá Chá, Và Bá Chày đã dành cả tình yêu, trách nhiệm của mình cho sự hồi sinh của một vùng đất nơi biên cương Nậm Cắn trong hành trình đến với hạnh phúc và sự no đủ.

Nậm Cắn Mùa mưa 2020

 

                                                                        

Địa chỉ