Những năm đầu học đại học, một cô gái tỉnh lẻ ra thành phố như tôi lúc nào cũng co ro trong cái vỏ ốc với bao nhiêu suy nghĩ lo lắng cho thân con gái dặm trường. Nhà tôi trọ cách xa trường hơn 2 km, buổi sáng trời mùa đông rét mướt, cái rét như thấu vào da thịt của miền Bắc nhưng vẫn phải dậy sớm để kịp giờ học.
Trùm khăn kín, khoác chiếc ba lô nhỏ tôi rảo bước qua các dãy phố nhà to có, nhà nhỏ có mỗi nhà một hoàn cảnh và dường như lâu thành quen tôi mỗi lần qua đó vẫn biết được một cách cơ bản nhất cuộc sống của họ. Buổi sáng nhà hối hả lái ô tô chở con cái đến trường, người đi xe máy với cặp da khoác trên vai đến công sở, chỉ có một ngôi nhà nhỏ, cấp 4 mái ngói đã mốc cũ nằm lọt thỏm giữa hai ngôi nhà ba tầng chi chít chậu hoa cây cảnh. Hai ngôi nhà cao tầng buổi chiều lúc nào cũng xập xình tiếng nhạc, lấp lánh ánh đèn màu của sự giàu sang sung túc. Chỉ có ngôi nhà cấp 4 buổi chiều vẩn lên một làn khói bếp mỏng tang lấp ló ảnh lửa bập bùng cháy.
Trước sân nhà lảng bảng từng vạt rêu mốc, một vài khóm cúc trổ hoa vàng li ti và một cây hoa sữa. Ở khoảng sân ấy lúc nào cũng có một cô bé khoảng 5 tuổi hai bím tóc tết ngồi vuốt ve những khóm cúc rồi chơi ô ăn quan. Những tia nắng cuối mùa đông yếu ớt lấp lánh trên đôi má tròn phúng phính dễ thương của cô bé. Chiều nào tan học, đi qua cái ngõ nhỏ ấy tôi vẫn lặng đứng nhìn cô bé chơi khá thích thú lâu dần trở thành thói quen hôm nào tôi cũng nán lại nhìn một chút mới về.
Một hôm khi cô bé đang mải mê chơi và bị ngã khóc nức nở một người đàn ông dáng người nhỏ thó, khuôn mặt khắc khổ lao từ trong nhà nhấc bổng cô bé lên với lời cưng nựng:
Làm sao thế con?, ừ ngoan ba thương.
Ừ được rồi, nín đi nào….
Trong lời phỉnh nịnh con tôi cảm nhận có điều gì đó nghẹn ngào với tình yêu thương con ngập tràn. Chỉ là trong ngôi nhà ấy chưa lần nào tôi thấy có bóng dáng của người phụ nữ.
Từ sáng sớm người đàn ông dắt chiếc xe cúp 81 cũ kỹ buộc thêm mấy ciếc bao tải phía sau rồi trở vào nhà dắt cô bé mang chiếc cặp màu hồng xinh xắn, ông nhấc bổng cô bé lên ngồi phía trước, khóa cửa rồi chở con đến trường. Ngôi nhà nhỏ hai cánh cửa đã sệ xuống, khung cửa sổ được căng một tấm bạt che gió lại trở nên im lìm khi chủ nhà đi vắng.
Đến tối, người đàn ông lại đánh chiếc xe trở về trên xe lủng lẳng mớ tép nhỏ, một túi rau treo ở ghi đông, phía sau chở thêm một bao tải mùn cưa và phía trước là cô công chúa nhỏ thích thú cười reo, những sợi tóc mai bay bay trong gió. Giữa phố phường đông đúc, ngày nào trên con đường nhỏ trở về nhà hai cha con người đàn ông cũng ríu rít trò chuyện mặc cho sự ồn ào của phố xá.
Tôi vốn không thích tụ tập đi chơi với những người bạn khác, nhóm bạn tôi chơi chỉ có 5 đứa cùng quên Nghệ An, đời sinh viên nghèo nhưng được cái chăm chỉ học hành, ngoài giờ lên lớp tôi lại vùi đầu vào thư viện với những quyển văn học nước ngoài, niềm đam mê nhất trong các môn học của tôi. Và đâu đó khi đi qua ngôi nhà nhỏ kia cũng có một phần trong suy nghĩ của tôi. Tuy chưa một lần nói chuyện, chưa hiểu hoàn cảnh gia đình của hai cha con cô bé nhưng trong lòng tôi vẫn dấy lên một sự đồng cảm, sẻ chia.
Buổi chiều cuối năm khi ngọn gió heo may thổi những đám lá khô rụng trên các con đường, mọi người hối hả chuẩn bị sắm tết. Được nghỉ học, tôi lang thang ngắm nhìn những chiếc xe thồ chở đầy hoa bán tết của làng Phù Vân bên kia sông Đáy những xe cúc vàng rộ, hồng tỷ muội đua nhau khoe sắc. Thú thực, ở miền Bắc có nét riêng trong không khí đón tết đậm chất cổ truyền mặc dù cuộc sống đã hiện đại hơn rất nhiều nhưng trong thú chơi ngày tết vẫn đọng lại nhiều dư âm xưa mà đến nay tôi vẫn không quên được.
Mải suy nghĩ tôi cũng không nhớ mình đã đến trước khu vực bán quần áo trẻ con từ bao giờ và càng ngạc nhiên hơn trước mắt tôi là hai cha con ở ngôi nhà nhỏ quen thuộc kia đang loay hoay chọn quần áo. Người cha khắc khổ khom người thử đồ cho con nhưng không biết chọn cái nào cứ loay hoay lần lữa mãi. Còn người bán hàng sang trọng liếc mắt nhìn hai cha con co bé với ánh nhìn tỏ rõ sự khinh bỉ xem thường, cô ta buông một câu:
- Không vừa thì đừng thử nữa, người đâu cái áo cũng không biết chọn rõ là quê mùa…
Người đàn ông tỏ vẻ cam chịu không nói gì lặng lẽ dắt tay con gái sang cửa hàng khác. Ông với tay chọn một cái áo mỏng màu đen nhưng cô bé phụng phịu:
- Con thích màu hồng cơ !
Người cha dỗ dành con :
- Ừ! Được để ba tìm màu hồng cho con nhé!
Đôi tay chai sần, gương mặt rám nắng vạt vai áo người đàn ông đã sờn bạc như lạc lõng giữa thế giới của sự phồn hoa bon chen của những con người hiện đại.
Xóa bỏ mọi ngần ngại, lấy hết can đảm tôi bước đến bẹo má cô bé:
- Chị chọn áo cho em nhé? Em thích màu hồng đúng không?
Cô bé gật gật đầu vừa ngạc nhiên vừa thích thú và lí nhí:
Em cảm ơn chị.
Tôi lấy làm ngạc nhiên vì vẻ lễ phép và hóm hỉnh của cô bé. Lúc ấy người cha bối rối nhìn tôi:
- Ừ nhờ cháu chọn hộ cho chú với, chứ chú không biết chọn cái nào.
Tôi đã chọn cho cô bé một chiếc áo ấm ưng ý và vừa tiền, hai cha con họ rối rít cảm ơn, bóng họ khuất đi trong buổi chiều cuối năm bận rộn và lúc đó tôi cảm thấy như mình đã giúp được cả một thế giới. Thấy tôi làm vậy, một chị ghé mua đồ nói:
Tội nghiệp ông Minh, vợ chết khi con bé mới lọt lòng, nhà nghèo ông phải đi làm bốc vác trên khu công nghiệp, ai thuê gì làm nấy miễn là có tiền nuôi con bé. Buổi trưa ăn cơm nguội gói đi từ sáng ngả lưng trên đống hàng tranh thủ chợp mắt. Buổi chiều về ghé ngang chợ mua mớ rau, con cá. Tối đến nấu cơm, giặt giũ chăm sóc con. Tất cả mọi việc của đàn ông và phụ nữ đều đổ dồn trên đôi vai ông. Câu chuyện của chị phụ nữ kia làm tôi hiểu ra một phần trong cuộc sống của hai cha con họ.
Thế rồi, không hiểu sao tôi lại càng để ý hơn đến ngôi nhà nhỏ kia, buổi tối đi học thêm tin học tôi cũng ngó qua ngôi nhà. Trong ánh điện đỏ quạch hắt qua cửa sổ, người cha nghèo cầm tay con gái nắn nót từng nét chữ, thỉnh thoảng ông đưa tay vuốt lên mái tóc tơ của con, thi thoảng nụ cười hạnh phúc làm vơi bớt đi sự khắc khổ, già nua trên gương mặt của ông.
Ngày qua ngày, tôi vẫn đi học trên con đường cũ với những suy nghĩ vẩn vơ, với mùi hương hoa sữa các mùa nồng nàn và cả với những lần nhìn thấy cha con cô bé trong ngôi nhà kia. Những năm tháng sinh viên đáng nhớ của tôi ngoài việc học hành, kỷ niệm với phố phường thứ tôi cảm thấy may mắn được nhìn thấy, được hiểu và bồi đắp thêm đạo đức nhân cách cho mình có lẽ là được biết hai cha con người đàn ông trong ngôi nhà nhỏ kia. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn nghèo thì đã sao, người ta vẫn sống giản dị, ngập tràn tình yêu thương trong thế giới của họ.
Những câu chuyện như hoàn cảnh của hai cha con cô bé tôi đã đọc nhiều, xem nhiều trên phim ảnh nhưng ở giữa đời thường bây giờ tôi mới được chứng kiến. Nhưng điều làm tôi cay cay ở sống mũi nhiều nhất không phải vì hoàn cảnh mất mẹ của cô bé, sự nghèo khổ túng thiếu của người đàn ông mà tôi cảm phục tình cảm sâu sắc của người cha dành cho cô con gái. Có lẽ với cô bé thứ cha cô cho nhiều nhất không phải là những con búp bê đắt tiền, những bộ cánh đẹp nhất mà đó chỉ là tình yêu thương của cha và mẹ. Và với một đứa trẻ, trong tiềm thức ngây thơ của nó dường như điều đó là quá đủ.
KHÁNH HIỀN