Nếu như Tam Nguyên Yên Đổ rời chốn quan trường, trở lại “Vườn Bùi chốn cũ” để trở thành cây cô trúc thanh cao lặng lẽ đổ bóng xuống mặt nước ao thu thì tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn lại nung nấu ý chí căm thù, sục sôi khát vọng cứu nước và trở thành thủ lĩnh phong trào Cần Vương Bắc Nghệ. Phẩm chất đáng kính ấy của cụ Nghè Ôn càng để lại dấu ấn đầy đủ, sâm đậm trong những áng thơ văn của ông. Đọc “Ngọc Đường thi tập” nói chung, “Ngẫu hứng” nói riêng, ta xúc động biết bao trước tấm lòng đau đáu và ý thức nặng trĩu của con người chân chính trước cảnh quốc phá gia vong:
Thu phong thấu chẩm ủng ngưu khâm,
Bính chẩm bồi hồi hướng dạ thâm.
Tùng bách, dĩ khuy hàn tuế tháo,
Tang bồng do phụ thiếu niên tâm.
Thanh phong minh nguyệt hiềm vô tửu,
Lưu thuỷ cao sơn tích hữu cầm.
Quốc bộ vị bình nhân dĩ lão,
Bán sinh đồ tự kế phân âm.
Dịch thơ:
Gió thu thấm gối, ấp chăn thô,
Đêm nửa về khuya luống thẫn thờ.
Tùng bách đã chờn năm rét đậm,
Tang bồng còn phụ chí trai xưa.
Trăng trong gió mát, khô bầu rượu,
Nước chảy non cao, lựa tiếng tơ.
Vận nước chưa yên, đầu đã bạc.
Nửa đời công uổng, tính từng giờ.
Bài thơ mở đầu bằng những hình ảnh gợi lên sự khuya vắng, buồn thương, lạnh lẽo. Không gian ấy khuấy động tâm tư, khiến bao nỗi niềm sâu thẳm trong cõi lòng thi nhân phát lộ:
Thu phong thấu chẩm ủng ngưu khâm,
Bính chẩm bồi hồi hướng dạ thâm.
Từ “bồi hồi” dịch sang “thẫn thờ” là chưa thật sát. Theo nguyên tác, “bồi hồi” là động từ chỉ trạng thái thao thức, trằn trọc không yên vì một nỗi niềm gì lớn lao, sâu lắng lắm. Thu xưa, Lí Bạch không ngủ vì nhớ cố hương còn thu nay, Nguyễn Xuân Ôn không ngủ vì lẽ gì ? Trong một bài thơ khác, ta cũng thấy hiện lên hình tượng con người đầy khắc khoải, day dứt này:
Đêm dài mênh mang đêm bao giờ sáng ?
Trăn trở khí lạnh thấm áo chăn.
Hai câu thực sử dụng chất liệu truyền thống rất tinh tế, nhuần nhuyễn:
Tùng bách, dĩ khuy hàn tuế tháo,
Tang bồng do phụ thiếu niên tâm.
Người xưa quan niệm năm giá rét mới biết tùng bách tàn sau để chỉ người quân tử bền chí trước khó khăn (Thu đến cây nào chẳng lạ lùng / Một mình lạt thưở ba đông, Nguyễn Trãi). Trong bài thơ, hình ảnh này là ẩn dụ chỉ tác giả, con người đã từng nếm trải nhiều thử thách trước vận nước gian nan cũng qua đó mà biểu hiện niềm tự hào kín đáo về phẩm chất, bản lĩnh của mình. “Tang bồng” lại được lấy từ điển tích “tang bồng hồ thỉ” (cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng). Thời xưa, có lệ khi sinh con trai, người ta lấy cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng bắn đi bốn phương, ngụ ý ước vọng sau này con cái lớn lên sẽ vẫy vùng trong thiên hạ, làm nên nghiệp lớn. Ở đây, nhà thơ dùng điển ấy để gián tiếp biểu đạt nỗi niềm đau xót vì ý nguyện chưa thành của đời mình. Nếu Phạm Ngũ Lão, sau khi lập bao chiến công cho vua, cho nước vẫn thấy thẹn với Gia Cát Lượng: “Công danh nam tử còn vương nợ/ Luống thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu” thì bi đát hơn, Ngọc Đường lại chưa hề thực hiện được chí lớn thời trai trẻ. Vì thế, nghĩ cảm về hiện tình bản thân càng cuộn lên thêm da diết...
Hai câu luận tiếp tục sử dụng thi liệu của thơ xưa để bộc bạch tâm tình:
Thanh phong minh nguyệt hiềm vô tửu,
Lưu thuỷ cao sơn tích hữu cầm.
Giữa cảnh trăng trong gió mát, các thi nhân xưa thường cần đến rượu cho tâm trạng thưởng ngoạn thêm thăng hoa. Thì chẳng phải Nguyễn Trãi từng: “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén” đó sao ? Còn Nguyễn Xuân Ôn, ông chưa thể có được cái tâm thế ấy vì “hiềm không có rượu”. Nhưng có thật chăng hoàn cảnh vật chất của cụ Nghè lại ngặt nghèo đến thế ? “Lưu thuỷ cao sơn”, có nghĩa “nước chảy non cao”. Hẳn rằng, các hình ảnh này không nhằm tả cảnh mà lấy từ điển tích Bá Nha - Tử Kì. Bá Nha giỏi đàn, Tử Kì giỏi thẩm âm, chỉ qua âm thanh mà biết được người gẩy đàn đang biểu hiện hình tượng nước chảy hay non cao.
Như vậy, hai câu thơ này đều nhằm chỉ cảnh ngộ cô đơn, thiếu kẻ tri âm, đồng điệu của tác giả. Đối chiếu cuộc đời ông lúc này, ta hiểu thêm: “Ngọc Đường không còn nuôi một tia hi vọng ở triều đại, không mong mỏi gì một nhân tài, một uy lực, một giá trị nào của họ, và chỉ còn biết tự tin ở một mình mình thôi” ( Nguyễn Trung Hiếu, Hoàn cảnh chiến đấu và lí tưởng “ninh dân” của Nguyễn Xuân Ôn ).
Bài thơ khép lại bằng việc tác giả tổng kết đời mình:
Quốc bộ vị bình nhân dĩ lão,
Bán sinh đồ tự kế phân âm.
Hai câu cuối thể hiện sự đối lập giữa hoàn cảnh đất nước và nhà thơ. Vận nước còn gian nan mà nhà thơ đã già yếu, chỉ còn biết đếm bóng thời gian. Ta bỗng nhớ đến câu thơ của Đặng Dung thưở nào: “Thù trả chưa xong đầu đã bạc/ Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày”. Cả hai đều biểu hiện nỗi niềm của người yêu nước khi vận nước còn gian nan. Chỉ có điều câu thơ của Đặng Dung bộc lộ cốt cách của một võ tướng, câu thơ của Nguyễn Xuân Ôn lại bộc lộ cốt cách của một văn nhân, đang rơi vào trạng thái bi kịch vì sự bất lực của mình trước cảnh nước mất nhà tan.
Nguyễn Xuân Ôn - con người xứ Nghệ tài năng, yêu nước và ý thức cao về trách nhiệm cá nhân đối với vận mệnh quốc gia. Hình tượng Nghè Ôn đổ bóng xuống thi ca đã để lại nhiều bài học quý về lẽ sống, về sự tồn tại đích thực của con người giữa cuộc đời, khiến hậu thế phải cúi đầu tưởng vọng và suy ngẫm.
Nguyễn Văn Trung
Trường PTDTNTTHCS Tương Dương