Nhiều người cùng có chung nhận định “Tam Quang là một Tương Dương thu nhỏ”. Có lẽ đúng. Bởi Tam Quang là một xã lớn nằm ở phía Đông và là cửa ngõ của huyện Tương Dương, có đầy đủ địa hình, địa lý và các đặc tính, đặc thù của cả huyện gộp lại. Nghĩa là có cả vùng thấp, vùng cao, có biên giới và là vùng đất có nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, hiệu quả nhất huyện. Tam Quang có 11 bản, làng và thị tứ Khe Bố, trong đó có 3 bản sát biên giới Việt – Lào. Mỗi bản làng lại có địa hình, địa mạo và thổ nhưỡng khác nhau, phù hợp với từng loại cây trồng khác nhau. Vùng dọc sông Lam và quốc lộ 7 có nhiều đất bằng và đồi núi thấp rất thích hợp với cây lúa nước, cây keo, cây mét, cây mía và nhiều cây ăn quả khác. Vì thế mà trước đây Tam Quang có cả một nông rang Bãi Sở chuyên trồng và chế biến mía đường. Đi qua địa bàn xã Tam Quang có Quốc lộ 7 từ Vinh lên Kỳ Sơn, sang Lào và Quốc lộ 48C xuất phát từ thị tứ Khe Bố vào Yên Thắng, Yên Hòa rồi đi sang Quỳ Hợp. Một điều đặc biệt ngoài sông Lam, trên địa bàn xã Tam Quang còn có hệ thống khe suối khá dày đặc như Nậm Xan chảy từ Lào đi qua các các bản Tùng Hương, Liên Hương rồi đổ ra sông Lam tại địa bàn Khe Thơi huyện Con Cuông, suối Tam Bông chảy từ biên giới Việt – Lào qua vùng lõi Pù Mát gặp sông Lam ngay tại tại thủy điện Khe Bố. Sông, suối Tam Quang có rất nhiều tôm cá, đặc biệt là những loài cá đặc sản như cá mát, cá lệch, cá lấu, ba ba… Bởi thế, Tam Quang đã chú trọng phát triển nghề nuôi cá. Những bản, làng có khe suối thì tận dụng những nơi thuận lợi để đào ao nuôi, những bản như Tam Liên, Bãi Sở, Làng Mỏ hay Tân Hương tận dụng hồ thủy điện để phát triển nuôi cá lồng bè, hiện nay diện tích nuôi cá nước ngọt của Tam Quang xấp xỉ gần 14 hec ta, bình quân mỗi năm khai thác hơn 80 tấn cá.
Với địa hình như vậy nên Tam Quang có rất nhiều thế mạnh để phát triển về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, nông lâm và dịch vụ. Lấy kinh tế nông lâm nghiệp là mũi nhọn, trọng tâm là nâng cao vai trò chủ thể của nông dân trong tham gia xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Sau 5 năm thực hiện phong trào đến năm 2017 xã Tam Quang đã hoàn thành xuất sắc 19/19 tiêu chí nông thôn mới, là xã thứ 3 của cả huyện về đích nông thôn mới, góp phần đưa Tương Dương trở thành huyện 30a tiêu biểu của cả nước về xây dựng nông thôn mới. Phải nói là từ ngày có Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến nay diện mạo nông thôn ở Tam Quang đã thay đổi toàn diện cả lượng và chất. Kinh tế các hộ nông dân không ngừng phát triển, nhiều nhà không những có bát ăn bát để mà còn mua được xe máy đắt tiền, sắm được cả ô tô tải, ô tô con 4 chỗ, 7 chỗ, xây được nhà hai tàng, ba tầng, có hệ thống nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu khách du lịch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 31,3% năm 2015 xuống còn 3,8% năm 2020. Ấy là nhờ vào chủ trương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng và kinh tế rừng. Một lần tôi có gặp ông Vi Hữu Tịnh, ở bản Bãi Xa, là giáo viên vừa mới nghỉ hưu. Gia đình anh đầu tư trồng hơn 10 ha keo, lát hoa và nuôi trên 30 con trâu, bò theo hình thức bán chăn thả. Tôi hỏi: Trồng rừng kết hợp chăn nuôi như vậy có cho kinh tế cao không? Ông nói:
- Cao chứ. Mỗi ha trồng keo tiền đầu tư mua cây giống, công phát dọn, trồng, chăm sóc hai ba năm đầu, khi cây đã khép tán thì không phải chăm sóc nữa, cứ để cây lớn tự nhiên. Khoảng sáu đến bảy năm sau thì khai thác gỗ đem bán cho những xưởng chế biến gỗ với giá xấp xỉ 100 triệu 1 héc ta trừ mọi chi phí cũng còn dôi ra gần sáu chục, bảy chục triệu. Vì thế mà chỉ hơn chục năm trồng rừng và chăn nuôi nhà tôi đã mua được xe ô tô con để thỉnh thoảng cả nhà đi du lịch và phục cho bà con quanh vùng mỗi khi có việc cần.
Tại trụ sở UBND xã, bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND cho tôi biết:
- Trong 5 năm từ 2015 đến 2020 xã Tam Quang trồng mới trên 1.400 héc ta. Ngoài trồng keo, Tam Quang còn là địa phương có thế mạnh về trồng mét và là một trong hai xã có diện tích cây mét nhiều nhất huyện Tương Dương, doanh thu từ rừng chiếm 1/3 tổng thu nhập của toàn xã. Nhiều năm nay phong trào trồng, bảo vệ rừng đã thành nề nếp của toàn xã, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm hộ nông dân, góp phần giảm nghèo và giầu lên từ rừng. Nhiều hộ đã kết hợp kinh tế rừng và làm trang trại cho thu nhập cao. Điển hình là gia đình ông Vi Văn Vọng ở bản Tam Bông là hộ đi tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Gia đình ông Vọng chủ yếu là trồng và khai thác cây keo diện tích rừng trồng của gia đình ông đã lên tới 37 héc ta sắp đến ngày khai thác, ngoài ra ông còn nuôi gần 60 con trâu, bò, trên 100 con gia cầm các loại và 12 lồng nuôi cá trắm, chép, lăng, trồng 2 héc ta cỏ phụ vụ chăn nuôi. Trừ chi phí sản xuất bình mỗi mỗi năm ông thu trên 180 triệu đồng. Ấy là chưa tính đến rừng keo, chỉ vài năm nữa số toàn bộ số diện tích trồng keo của ông sẽ cho thu hoạch, tính sơ sơ cũng cho ông thu về tỷ đồng. Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Chiến ở bản Bãi Xa vừa kinh doanh phục vụ đám cưới trọn gói, chị vừa trồng gần 10 héc ta keo, nuôi 11 con bò theo hình thức bán chăn thả và nuôi lợn thịt. Mỗi năm chị thu về trên 200 triệu đồng.
Tôi ngắt lời Chủ tịch xã: Với diện tích rừng trồng như vậy hàng năm đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân.
- Vâng, quả đúng như vậy- Chủ tịch Hiền nét mặt tươi rói khẳng định thêm nhận xét của tôi.
Đấy, người nông dân bây giờ là thế đấy, họ làm giầu chính bằng bàn tay khối óc của họ, nhưng cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, nếu không có chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước thì người nông dân có cố gắng đến đâu cũng khó mà làm giầu được.
Anh Nguyễn Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy cho tôi biết:
- Ngoài hộ ông Vọng, ông Tịnh, chị Chiến trồng rừng ở bản Bãi Xa, Tam Bông còn rất nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi, mỗi năm thu vài trăm triệu đồng. Nhà chị Kha Thị Thanh ở bản Tam Bông, Chủ tịch Hội nông dân xã là một điển hình về chăn nuôi lợn thương phẩm và lợn giống đã cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, trong khu trại lợn của chị có 60 con lợn nái và lợn thịt với nhiều lứa lợn khác nhau, từ lứa sắp xuất đàn đến lứa mới đẻ và những con lợn nái đang chửa hoặc mới thụ tinh cũng có. Chị dự tính số lợn giống năm nay sẽ cho thu nhập lớn vì giá cao hơn so với những năm trước do đợt dịch tả lợn châu Phi vừa càn quét qua vùng, bà con đang tái đàn nên có nhu cầu mua lợn giống rất lớn. Không những làm giầu cho gia đình mà chị còn giúp cho nhiều hộ nông dân trong xã thoát nghèo. Chị nói:
- Cùng giúp nhau có thu nhập ổn định, thoát nghèo là trách nhiệm của hội viên nông dân. Thời gian qua mỗi năm tôi đã giúp cho 6 đến 7 hộ nghèo giống lợn và hỗ trợ họ trong chăn nuôi, nhờ đó đã hàng tháng cho thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người. Qua đó giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo bền vững.
Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hoàng Sơn và Chủ tịch xã Kha Thị Hiền dẫn chúng tôi đến tham quan mô hình của sản xuất của anh Tống Văn Chiến ở làng Bãi Sở, người chuyên trồng thanh long đỏ và chăn nuôi lợn rừng. Đây là mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tưởng ai xa lạ, hóa ra Chiến là em trai của cô bạn gái rất thân của tôi hồi còn học ở trường cấp ba là Tống Thị Hồng. Học hết cấp ba Hồng đi học trường trung học sư phạm miền núi ở Tân Kỳ, ra trường dạy học và lấy chồng rồi định cư ở Tân Kỳ luôn, thi thoảng chúng tôi mới gặp nhau trong dịp hội khóa. Sau khi hoàn thành nghãi vụ quân sự trở về địa phương, Tống Văn Chiến là trụ cột của cả gia đình. Chiến tâm sự với chúng tôi: Ban đầu mình chỉ nghĩ phải làm sao để có cái ăn, cái để chứ chưa dám nghĩ đến chuyện làm giàu. Hôm chúng tôi đến nhà, Chiến đang chăm sóc vườn thanh long, trên thềm nhà vợ Chiến cùng mấy chị em trong chi hội phụ nữ Bãi Sở đang bóc lạc. Chiến lấy tay gạt những giọt mồ hôi lăn trên má mỉm cười chia sẽ: Đấy các anh xem, nông dân có bao giờ ngơi tay đâu, vừa mới quét dọn cái chuồng lợn xong lại đến việc tưới cho mấy cây thanh long. Rồi Chiến than thở, năm nay nắng hạn kéo dài, cây thanh long bị cháy, chậm phát triển, quả cũng chẳng to.
Anh Tống Văn Chiến đang chăm sóc vườn thanh long đỏ
Câu chuyên đang hào hứng, mẹ Chiến đã trên 80 tuổi một tay xách ấm nước chè xanh, tay kia bưng rổ lạc rang đặt lên bàn. Chiến rót nước ra bát, hương thơm của chè mới hái buổi sớm mai theo làn khói trắng lan tỏa khắp nhà. Chiến lại mỉm cười chỉ tay vào rổ lạc: Mời các anh chị dùng chút đặc sản của nông trang Bãi Sở. Chiến lại tiếp tục câu chuyện của mình:
- Trước đây em cũng xoay đủ nghề nhưng kinh tế cứ lẹt đẹt mãi không nhúc nhích lên được. Thế là tay nải đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm. Em sang tận Hương Sơn (Hà Tĩnh) xem mô hình và học kinh nghiệm nuôi lợn rừng. Rồi mua con giống đem về nuôi thử, thấy có hiệu quả thế là em quyết định đầu tư nuôi lợn rừng. Khi bàn với vợ, mới nghe qua vợ đã gạt phắt đi:
- Thôi anh ạ. Đừng thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào, rồi lại lỗ vốn chổng vó ra.
- Lỗ là lỗ thế nào. Anh tính kỹ rồi, nhà mình có đất, có lao động. Nếu đầu tư nuôi nhiều và xuất chuống theo giá thị trường hiện nay nhất định ta sẽ thắng to.
- Nhưng còn kỹ thuật nuôi, vốn đầu tư, môi trường, khí hậu, thời tiết, nhiều thứ phức tạp lắm anh ạ.
- Không lo, anh đã nghiên cứu kỹ lắm rồi, nhà mình có đủ điều kiện nuôi lợn rừng.
Thế rồi Chiến quyết khăn gói trở lại trại lợn rừng Hương Sơn để mua con giống về và học hỏi thêm kinh nghiệm. Sau ít ngày anh về, hai vợ chồng hì hục xây chuồng và làm những việc cần thiết để xây dựng công trình nuôi lợn rừng. Dạo đó đang sốt chăn nuôi lợn rừng nên nhiều người trong huyện, ngoài huyện…tìm đến nhà Chiến để mua lợn giống. Dự báo nghề nuôi lợn rừng sẽ đến lúc bão hòa, Chiến liền chuyển hướng sang trồng cây ăn quả. Thấy trên báo mạng thị trường thanh long đỏ đang sốt, Chiến liền tay nải ra tận Vĩnh Phúc để tìm đến trang trại trồng thanh longh đỏ, học hỏi kinh nghiệm từ ươm giống, trồng, chăm sóc, bảo quản và bán ra thị trường…ban đầu chỉ vài chục cọc thanh long nay gai đình Chiến đã có gần 2 héc ta thanh long đỏ, hàng năm cứ cho thu nhập đều đặn gần 150 triệu đồng sau khi đã bù chi phí sản xuất. Nói chuyện với chúng tôi, Chiến giãi bày:
- Ở nông trang Bãi Sở này, khổ nhất là nước, mình sản xuất mà không có nước thì làm ăn được gì. Không thể bó tay ngồi chờ trời mưa, mình quyết định luồn rừng để đi tìm nguồn nước. Tìm thấy nguồn nước rồi lại phải đầu tư kinh phí mua đường ống để dẫn nước về. Từ đầu nguồn về đến đây cũng ngót nghét trên 5 cây số. Bây giờ thì chẳng lo nước nữa rồi, vừa có nước suối vừa có giếng khoan hỗ trợ thêm, nhờ đó mình còn đào 200 mét vuông ao thả cá.
Người ta bảo anh là "Chiến thanh long" quả không sai, phía trước, phía sau ngôi nhà gỗ ba gian đều ngút ngàn thanh long, từ cây trưởng thành đến cây thanh long mới trồng đang vươn lên những chồi non mới nhú được buộc chắc vào những cây cọc bê tông nhấp nhô khắp vườn.
Ở nông trang Bãi Sở còn có gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ cũng là gia đình nông dân làm ăn giỏi được đi dự hội nghị điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2016-2020 của huyện. Anh tâm sự: “Xã Tam Quang đã được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Cùng với sự nỗ lực của nhân dân toàn xã, gia đình tôi cũng đã đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của quê hương. Ngoài việc thực hiện tốt cuộc vận động hiến đất, hiến cây, đóng góp công sức, kinh phí cùng toàn xã xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi còn chăm lo sản xuất, tăng thu nhập. Thấy con bò Thái Lan giá trị kinh tế cao, tôi quyết định đầu tư chăn nuôi bò Thái theo hình thức nuôi nhốt. Chỉ riêng bán bò, mỗi năm gia đình cũng thu lãi về trên 100 triệu”.
Thanh long đỏ sẽ sản phẩm đặc trưng của xã Tam Quang
Ngoài những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn có những đơn vị tập thể, những Hợp tác xã (HTX) có cách làm ăn mới, hay đóng góp nhiều thành tích cho phong trào xây dựng nông thôn mới của xã. Nổi bật trong số này có HTX Nông nghiệp và Môi trường Tam Quang, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bãi Sở, HTX dịch vụ nông nghiệp Tam Bông là ba HTX do những nông dân đứng ra thành lập được sự cho phép của UBND huyện và sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan huyện, UBND xã. Hình thức hoạt động của các HTX này là chuyên cung ứng các dịch vụ nông nghiệp, tiêu thụ hàng hóa nông sản và thu gom xử lý rác thải, quản lý nước sinh hoạt…..các HTX này đã góp phần giải quyết việc làm từ 6 đến 14 lao động, đạt doanh thu mỗi năm từ 200 triệu đồng trở lên sau khi đã khấu trừ tiền chi phí sản xuất và thuế.
Mô hình nuôi bò vỗ béo cho doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng
Trao đổi với anh Phạm Xuân Diệu, Chủ tịch Hội nông dân xã Tam Quang về phong trào nông dân làm kinh tế giỏi, anh mở cặp đưa cho tôi một danh sách dài các hộ có cách làm ăn mới, hay và có nhiều sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Diệu nói:
- Do đặc thù địa hình, địa lý, thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương mà Tam Quang đã lựa chọn tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp làm khâu đột phá. Hội nông dân có nhiệm vụ hối hợp Ban nông nghiệp xã hướng dẫn bà con xác định vật nuôi, cây trồng sao cho phù hợp với địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn lực của gia đình thì sản xuất, kinh doanh mới có hiệu quả. Hiện nay Tam Quang vừa sản xuất cây lúa, cây chè, cây mía, thanh long và cây ăn quả khác. Trong chăn nuôi Tam Quang chú trọng nuôi lợn thịt và lợn giống, kết hợp chăn nuôi trâu, bò theo hai hình thức bán chăn thả và nuôi bò vỗ béo, những bản ven hồ thủy điện hay ven suối thì phát triển nuôi cá. Hiện nay huyện đã lựa chọn thanh long đỏ làm đắc ản đặc trưng của xã Tam Quang trong chương trình mỗi xã một xã phẩm (OCOP). Nông dân Tam Quang bây giờ giầu lên trông thấy, nhà xây mọc lên như nấm, nhiều nhà có hai, ba cái xe máy đắt tiền, nhà có ô tô con, ô tô tải không hiếm.
Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hoàng Sơn chia sẻ mục tiêu phát triển
của địa phương đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tiếp lời Chủ tịch Hội nông dân, anh Phan Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay:
- Cùng với phát kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được chăm lo và đạt kết quả tốt. Giáo dục Tam Quang luôn là lá cờ đầu của cả huyện, 100% các trường học trên địa bàn đều đạt trường chuẩn quốc gia. Hàng năm Tam Quang cũng là địa phương có tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh thi đậu đại học cao nhất huyện. Ngoài ra các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm, hình thức ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
Chúng tôi quay lại, trao đổi với Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hoàng Sơn về định hướng trong thời gian tới và được Bí thư cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, Tam Quang vừa củng cố thành quả xây dựng nông thôn mới vừa phải hoàn thành thành xuất sắc các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và tiến tới trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của các huyện miền núi.
Với một đội ngũ cán bộ còn rất trẻ, đnag khao khát được công hiến, cùng với những nỗ lực xây dựng nông thôn mới xã Tam Quang đã khơi dậy và phát huy tiềm năng của đất và người nơi đây trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Khẳng định vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương Tam Quang ngày càng giầu đẹp, văn minh.
Tam Quang, tháng 7 năm 2020