SUY NGHĨ VỀ VIỆC ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRONG DẠY HỌC NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Đăng lúc 07:11:00 12/01/2019

          1. Dạy văn bắt đầu bằng việc đọc văn. Học văn cũng bắt đầu bằng việc đọc văn. Để tìm hiểu ý nghĩa tiềm ẩn trong văn bản, trước hết, người dạy và người học phải tiếp xúc với văn bản ấy. Tôn trọng văn bản, xem xét các yếu tố cấu thành văn bản một cách cẩn trọng, tỉ mỉ là yêu cầu hết sức quan trọng và cần thiết của người dạy văn, học văn. Tuy nhiên, có một thực tế khá phổ biến là, hiện nay, cả người dạy văn lẫn người học văn đều lấy “thế bản” thay cho “văn bản”. “Thế bản” chính là các loại sách thiết kế, sách đọc hiểu văn bản, sách văn mẫu, … đầy ắp trên thị trường sách. Nhờ các loại tài liệu ấy, cả thầy và trò có thể dạy văn, học văn một cách “bình thường” mà không cần đọc, hiểu, liên tưởng, rung động với câu chữ của văn bản hiển thị trước mắt mình.

         2. Chúng tôi xin nêu vài ví dụ từ thực tế dạy học các đoạn trích “Truyện Kiều” trong chương trình Ngữ văn THCS để những ai quan tâm đến vấn đề đọc hiểu văn bản trong dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông cùng suy ngẫm.

          2.1. Đọc hiểu đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” ( Ngữ văn 9, tập 1 ), khi giới thiệu về bức chân dung Thúy Kiều, hẳn các thầy cô giáo đều gợi dẫn học sinh tìm hiểu qua mấy chữ SẮC – TÀI – TÌNH – MỆNH. Ở đây, chúng tôi miễn phân tích tất cả các yếu tố ấy mà chỉ quan tâm đến phương diện tài năng của Kiều. Nói về TÀI của Kiều, Nguyễn Du viết:

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.

          Ba câu, sáu dòng lục bát để khẳng định và ngợi ca: Kiều là thiếu nữ đa tài ( sáng tác thơ, vẽ tranh, ca ngâm, thành thạo âm nhạc, nhất là chơi hồ cầm ). Kiều đa tài, có những tài tuyệt vời hoàn hảo ( tài thơ, tài đàn) và đáng chú ý hơn, đó đều là tài phô diễn, bộc lộ tình cảm con người. Trong sáu dòng thơ trên, tuyệt nhiên, ta không thấy Nguyễn Du nói đến tài đánh cờ ( kì ) của Kiều. Vậy mà các tài liệu tham khảo đã viết:

             - “Nàng giỏi “cầm, kì, thi, họa”, “ca ngâm” và rất thành thạo “Hồ cầm”. (1)

          - “Tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến, gồm đủ cả cầm (nhạc ), kì ( cờ ), thi ( thơ ), họa ( vẽ )” (2)

          - “Trong toàn bộ “cầm kì thi họa”, Nguyễn Du đi sâu khắc họa tài đàn và cung đàn bạc mệnh của Thúy Kiều” (3)

          Những “thế bản” trên đây sẽ trở thành “điểm tựa” để cả người dạy và người học thao thao bất tuyệt về tài năng của Kiều nói riêng, vẻ đẹp toàn diện của Kiều nói chung, còn hậu quả thì ai cũng rõ.

          Người xưa nói: “Tận tín thư bất như vô thư” ( Cái gì cũng tin ở sách chi bằng không nên xem sách ). Làm sao minh định được cái gì đúng, cái gì sai ở sách để tin hay không tin, mỗi người cần trực tiếp đọc và tìm hiểu văn bản. Tất nhiên, bên cạnh những “thế bản” chưa tốt, chúng ta cũng may mắn có được những cuốn sách hấp dẫn, có tác dụng củng cố nhận thức và khơi nguồn tiếp nhận thẩm mĩ cho người dạy văn, học văn. Phân tích tài năng của Kiều trong đoạn trích nói trên, tác giả Trần Đình Sử viết: “…Nguyễn Du đề cao sự toàn tài của Thúy Kiều, làm nền cho câu chuyện “đố tài” ( ghen với tài ) về sau:

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

         Kiều làm được thơ, vẽ được tranh, biết ca ngâm, thành thạo âm nhạc, đặc biệt là thạo chơi Hồ cầm ( một thứ đàn tỳ bà nhập từ nước ngoài vào Trung Quốc, cũng gọi là đàn nguyệt, cầm trăng ). Tài của Thúy Kiều được giới thiệu lần lượt theo lối liệt kê. Đáng chú ý là các chữ: “vốn sẵn tính trời”, “pha nghề”, “đủ mùi”, “làu”, “ăn đứt”, làm cho cái gì cũng có đủ và toàn vẹn” (4). Đây quả là một ý kiến sâu sắc, có ý nghĩa gợi ý cả về thao tác đọc văn cho người dạy văn, học văn.

          2.2. Trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” ( Ngữ văn 9, tập 1 ), để thể hiện nỗi nhớ của Kiều đối với Kim Trọng trong cảnh ngộ nàng đang bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du viết:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

           Bên trời góc bể bơ vơ,

          Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

       Đặc tả nỗi nhớ của Kiều dành cho Kim Trọng, người yêu của tình yêu đầu đời say đắm, Nguyễn Du dùng động từ “tưởng”. Về chữ này, các sách tham khảo viết:

        - “Nguyễn Du đã sử dụng động từ “tưởng” đặt lên vị trí mở đầu một câu thơ sáu chữ. “Tưởng” là hồi tưởng; là nhớ về những cái tốt đẹp của quá khứ. Thúy Kiều nhớ lại những kỉ niệm tình yêu êm đẹp, nhớ lại lời thề gắn bó sắt son giữa nàng với chàng Kim” (5)

        - “Nguyễn Du đã sử dụng động từ “tưởng” để thể hiện tình yêu và nỗi nhớ của Thúy Kiều đối với Kim Trọng. “Tưởng” là hồi tưởng lại những điều tốt đẹp. Nhớ nhất là buổi cùng uống rượu thề nguyền dưới trăng “Đinh ninh hai miệng một lời song song”, cứ tưởng rằng rồi hạnh phúc sẽ là vĩnh viễn” (6)

        Nếu hiểu “tưởng” là hồi tưởng về đêm trăng thề nguyền thì người đọc văn mới quan tâm một nửa câu thơ lục bát ( dòng sáu ) mà vô tình quên mất dòng thơ còn lại ( dòng tám ). Ở đây, Kiều không chỉ nhớ về quá khứ, nhớ về khoảnh khắc tự do của tình yêu diệu kì mà còn hình dung về hiện tại xa cách. Cùng với nỗi nhớ đang cuộn lên không dứt, nàng vẽ ra trong tim mình hình bóng chàng Kim đang “rày trông mai chờ” nàng mà không hề hay biết nàng đã thuộc về kẻ khác và đang lưu lạc bơ vơ nơi “chân trời góc bể”. Bởi thế, theo chúng tôi, cần phải hiểu động từ “tưởng” ở đầu câu thơ lục bát không chỉ là HỒI TƯỞNG, HOÀI NHỚ, mà còn là HÌNH DUNG, TƯỞNG TƯỢNG. Nhớ kỉ niệm tình yêu ngọt ngào và tưởng tượng cảnh người yêu mòn mỏi ngóng đợi người yêu. Hiểu như thế, ta càng có cơ sở để đề cao tinh thần vị tha cao cả của Kiều. Trong cảnh ngộ bi đát của mình, Kiều vẫn nghĩ về người khác với tất cả tấm lòng yêu thương sâu đậm nhất.

         3. Dạy văn là việc của thầy. Học văn là việc của trò. Điểm chung là cả thầy và trò đều phải/được đọc văn. Chúng ta đang cố gắng để việc dạy văn trở thành dạy cách đọc văn, dạy sao cho học trò, qua việc tự đọc mà hiểu tâm tình tác giả, thấu cảm các bài học nhân sinh, từ đó vận dụng có hiệu quả vào cuộc sống hằng ngày. Văn chương vốn xuất phát từ cuộc sống, qua sự tiếp nhận của người đọc, lại sẽ nở hoa để làm đẹp cuộc sống. Lí thuyết đọc văn thì nhiều, phương pháp dạy văn cũng không kém phần phong phú, song để hiểu văn, điều quan trọng trước hết, là cần tôn trọng văn bản, đọc văn bản với tất cả tình cảm nâng niu trân trọng và tinh thần khoa học nghiêm túc.

                                                                                                         Nguyễn Văn Trung

                                                                                       Trường PTDTNTTHCS Tương Dương

 

_____________________________

(1,5) Trương Xuân Tiếu, Bình giải 10 đoạn trích trong Truyện Kiều, NXB Giáo dục, 2007; tr 21 và tr 81.

(2) Lã Nhâm Thìn, Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, NXB Giáo dục, 2009; tr 254.

(3) Đặng Thanh Lê, Giảng văn Truyện Kiều, NXB Giáo dục, 1999; tr 26.

(4) Trần Đình Sử, Đọc văn học văn, NXB Giáo dục, 2003; tr 87- 88.

(6) Vũ Thanh, Giảng văn văn học Việt Nam trung học cơ sở, NXB Giáo dục, 2010; tr 212.

Địa chỉ