SÔNG LAM...NƠI TA DỪNG CHÂN - THẢ HỒN VÀ KÝ THÁC TÂM SỰ!

Đăng lúc 05:58:58 23/01/2023

Bút ký của Vi May Hiếu (Lớp 12C, Trường THPT Tương Dương 1)

    MXO. Trên dòng sông Lam ai chan nắng chiều. Ngược dòng sông Lam ai xõa ngày xưa ngày nay. Xuôi dòng sông Lam "biết khi mô cho cạn", sông Lam trở dạ phù sa...Sông Lam...nơi ta dừng chân- thả hồn và ký thác tâm sự....Dòng sông ngàn năm tuổi ấy đã bất ngờ đưa đến cho bạn Vi Thị May Hiếu. một cảm xúc mãnh liệt trong một đi xả tress sau những chuỗi ngày miệt mài bên đống sách với, bề bộn với mớ đề cương ôn thi... 

    Vi Thị May Hiếu hiện đang là nữ sinh lớp 12C, Trường THPT Tương Dương 1. Bạn ấy vừa đoạt giải Ba môn Ngữ văn, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023. May Hieus có một ước mơ la trwor thành cô giáo dạy Ngữ văn hoặc là phóng viên báo chí. Nhân dịp đầu xuân Quý Mão 2023, Mường Xủng online xin giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm đầu tay của May Hiếu. Chúc May Hiếu luôn xinh đẹp, học giỏi vf đạt được ước mơ của mình.

 

 

 
 

     

 

 

 
 

     Vào một buổi chiều đông đã cũ, gió se se lạnh, có lúc nhè nhẹ, mơn man chỉ vừa đủ làm rối vài sợi tóc con tạt qua ngang trán, có lúc lại thổi mạnh hơn mang theo cả hơi sương như giận hờn vô cớ muốn giật phăng chiếc áo khoác da mà tôi đang khoác trên mình. Hiếm khi tôi thấy mình khao khát được nhảy vọt ra khỏi đống chăn ấm áp, lê chiếc thân hình ủ rũ của mình để đi dạo quanh khắp ngôi thị trấn nhỏ, xuống đến đoạn đường bờ kè nằm sát ngay cạnh dòng sông Lam- dòng sông ngự trị đã mấy mươi thế kỉ cùng ngôi thị trấn Thạch Giám nhỏ bé xinh xinh nơi miền sơn cước xa xôi hẻo lánh này.

     Bước thật chậm trên đoạn đường vắng tanh thi thoảng mới có vài chiếc xe đạp địa hình của những bác trung niên tập thể dục buổi chiều chạy qua.Từ vị trí của mình, tôi ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên trước mắt, một khung cảnh sông nước hiền hoà, nên thơ, không ồn ào mà lặng lẽ: sông, núi, trời, mây đồng điệu trộn lẫn vào nhau như một bản nhạc mashup hoàn hảo khiến người nghe chỉ muốn chìm mãi vào trong giai điệu ấy.Tôi lại nhớ về những chiều ngày hạ, những ánh tịch dương đỏ như màu máu phủ xuống trên nền trời, ôm trọn cả không gian, rải khắp mặt sông, cây cỏ, mái nhà,…. Vạn vật nhuốm thành một màu cam hồng kiêu hãnh mà lãng mạn vô cùng. Mặt nước sông Lam lúc ấy lấp lánh, lung linh như reo hò, mở lời chào tạm biệt cuối ngày với ông mặt trời trước lúc xuống núi. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây đó là cái vẻ đẹp hiền hậu nơi khung cảnh sông Lam trên ráng chiều tà của những ngày đông lạnh giá.Sông Lam như tự ý thức được vẻ đẹp của mình, không cầu kì chỉ cần khoác lên một chiếc khăn len màu xanh sẫm giản dị cũng đủ tôn lên cái gọi là sự “bẽn lẽn làm duyên”của nó.Thả hồn vào không gian ấy, tôi như lạc vào những chốn hạc nội mây ngàn: nền trời, mặt sông cùng với ngọn núi tạo thành một bức tường thanh địa vững chãi,chúng cùng khoác lên mình một gam màu xanh trắng y như một bức tranh thuỷ mặc, lòng tôi xuyến xao như muốn thốt lên rằng: Chao ôi!phải đi qua bao mùa giông bão nữa tôi mới được ngắm nhìn lại diệu cảnh trên sông nước quê hương mình trong những ngày đông yên bình như thế này!
    Gạt đống bài tập đề cương, áp lực thi cử sang một bên, tôi chỉ khao khát được tận hưởng một cách trọn vẹn khung cảnh ấy để không phải hối tiếc.
     Đang chơi vơi trôi dạt theo từng miền cảm xúc đó bất chợt một câu hát đưa tôi về với thực tại, tôi quay lại nhìn thì thấy hình ảnh một người mẹ đang cầm tay người con gái bé nhỏ của mình bước đi trên con đường, tôi nghĩ họ cũng đang đi dạo vào buổi chiều tà giống tôi. Bóng dáng hai mẹ con ấy đã khuất dần sau đoạn đường gấp khúc nhưng tôi đã bị cuốn vào lời bài hát lúc nãy, câu hát thân thuộc phát ra từ người phụ nữ kia thật ngọt ngào làm sao:

“Người về ngã ba sông lạc vào

Câu chuyện tình sông Lam

Nơi ngọn nguồn sông Cả

Về ngược xuôi, tình người Tương Dương bao đời”

 

     Lẩm bẩm từng câu hát rồi tôi tò mò tự hỏi rằng: Sông Lam đã trở thành một người bạn tri âm, tri ngộ với xứ người Tương Dương tự bao giờ? Chắc cũng giống như núi Hồng Lĩnh, sông Lam cũng là một biểu tượng của xứ Nghệ. Bởi tôi cũng là một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất thân thương này và sông Lam trong tôi cũng thiêng liêng vô ngần như thế! Nhắc đến Tương Dương là phải nói đến sông Lam, sông Lam trong thi ca, trong lịch sử dân tộc, trong câu dân ca ví dặm dịu êm. Sông Lam vô tình trở thành chủ đề của nghệ thuật trong những điệu lăm, điệu khắp, suối, nhuôn của những đêm liên hoan say sưa trong vũ hội rượu cần, trong hương lúa mới về trên bản làng, trong tiếng giã gạo rộn ràng của tất cả đồng bào dân tộc đang sinh sống trên huyện nhà Tương Dương. Sông Lam hữu hình trong tình thương và cả nỗi nhớ của kẻ ở - người đi, sông Lam còn ghi lại những hình bóng của bao kẻ thứ lữ xa quê và còn là cảm hứng cho những kẻ tri thức phù du lãng mạn gặp buổi lạc thời,lạc người cõng trên lưng chiếc túi đựng đầy con chữ oằn mình đi dưới vạn bầu tâm sự,… Bởi sự thuỷ chung vô ngần của sông Lam, nó chẳng nỡ rời xa, dù cuộc sống có đảo lộn hỗn tạp, giữa “chữ”và “rác” , giữa cỏ dại và cây trồng, vật đổi sao dời thì sông Lam vẫn duyên dáng trong hình hài ấy,vẫn ngày đêm tự tình, hàn huyên tâm sự, tương li vọng nguyệt cùng với Phủ Tương Dương.

      Tôi vẫn nhớ hồi nào còn bé xíu, đi qua cầu Cửa Rào, tôi vẫn thường hay hỏi bố tôi rằng: Tại sao lại có một ngã ba sông trông kì lạ như vậy, nước một bên có vẻ trong xanh hơn còn bên kia lại trông có vẻ đục hơn? Mãi sau này khi được đến thăm khu di tích đền Vạn, tôi mới biết được nguồn gốc và những sự kiện lịch sử dân tộc gắn với con sông này. Ngôi đền Vạn là điểm hợp lưu của hai dòng sông Nậm Nơn và Nậm Mộ tạo thành dòng sông Lam trong xanh, hiền hòa. Hai dòng sông ấy đều xuất phát từ nước bạn Lào, sau khi nhập "quốc tịch" Việt Nam, trải qua hành trình mấy trăm ki-lô-mét qua đất Kỳ Sơn, Tương Dương rồi giao duyên ở Cửa Rào.
     Và thế là, dòng Lam được "khai sinh", mải miết chảy về xuôi, bồi đắp phù sa cho những bãi bồi và cánh đồng màu mỡ, mang lại nguồn sống cho các làng quê. Đến Cửa Hội (Thị xã Cửa Lò), sông Lam hòa mình vào biển cả bao la...Nậm Nơn phía tả, Nậm Mộ phía hữu, ngọn núi nằm giữa hai con sông gọi là Đồi Đền. Đồi Đền là di chỉ khảo cổ học, tại đây các nhà khoa học đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị.Nằm cách điệu chốn thánh địa Đồi Đền chính là ngôi đền Vạn- Cửa Rào được xây dựng từ hàng trăm năm trước.Theo sử kể, ngôi đền thiêng liêng nơi ngã ba sông gắn với công lao to lớn của đốc tướng Đoàn Nhữ Hài đã anh dũng giúp nhân dân đánh đuổi ngoại xâm, sông Lam bấy giờ đã trở thành một nhân chứng lịch sử, để chứng kiến rồi ghi lại và truyền cho thế hệ chúng ta sau này về một thời oanh liệt của cha ông thuở xưa….Là ngọn nguồn của con sông Cả đổ ra bể lớn, sông Lam đóng một vai trò quan trọng của hệ thống lưu thông ấy.

     Tôi cũng chẳng thể nắm rõ được hết về hành trình vượt ải ra khơi của nó, duy chỉ có một điều làm tôi mê mẩn đó chính là vẻ đẹp thiêng liêng mà giản dị của dòng Lam khi chảy qua Phủ Tương Dương. Nó êm đềm uốn lượn bao quanh các dãy đồi cao thấp, không điệu vời, thướt tha như dòng sông Hương xứ Huế, sông Lam vẫn mang dáng vấp, dấu ấn của mỗi nơi mà nó đi qua.Tương Dương cũng vì thế mà trân quý sông Lam hơn, tình cảm thiêng liêng ấy không chế ngự được mà tuôn trào thành những lời bài hát thấm đượm tình người:

          “Em đưa anh về một ngã ba sông

           Nơi có dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ

          Nơi đầu nguồn con nước sông Lam

          Một vùng cao, quê hương ta đó…”                     …
     Sông Lam - nơi chứa đựng giá trị văn hoá phi vật thể bao đời của con người và cả mảnh đất Tương Dương.Tôi nghĩ, bất kể một ai khi đã đến với Tương Dương cũng sẽ vô tình tạo ra cho mình một khoảng trống để lưu luyến về sông Lam sau khi họ rời đi. Còn những người con của Tương Dương, dẫu có đi đến chân trời góc bể, ngược xuôi ngang dọc thì họ vẫn sẽ tìm lấy một hình ảnh thân thuộc của sông Lam nơi quê nhà để vọng về, để thương yêu, để nhớ nhung. Bởi lẽ quê hương chỉ có một và đối với Tương Dương, sông Lam cũng chính là một bóng dáng ái hương…
     Định mệnh có thể khiến con người ta sinh ly tử biệt, thời gian dù có là thứ nước rửa hình tàn nhẫn khiến bãi bể hoá nương dâu, nhưng nó sẽ chẳng thể tẩy được những giá trị tinh thần vĩnh hằng, sông Lam đã hoá thân cùng hồn người, hoá thân vào hình hài của núi non Tương Dương, tuy hai mà một!

     Tôi lại bất giác nhớ về tiết học văn hôm trước và câu nói đầy triết lý của thầy tôi rằng:“Tình yêu tổ quốc làm nên con người”. Đúng vậy! Ngay chính tôi, khi đứng trước một khung cảnh sông quê thân thuộc nơi gia hương của mình, ngắm nhìn mây núi bạt ngàn, tôi lại càng cảm thấy tự hào biết bao. Hoá ra thiên nhiên hùng vĩ có thể cảm hoá tâm hồn con người, nó thi vị và sâu sắc như thế để rồi làm nảy lên trong hồn ta một thứ tình cảm đặc biệt đó là tình yêu non sông, tình yêu quê hương, đất nước, yêu cội nguồn dân tộc. Sẽ thật tuyệt vời làm sao khi ta không chỉ đơn thuần là những người “công dân bình thường”  mà chúng ta còn có thể là những người “công dân lãng mạn” khi trong trái tim ta có “tình yêu TỔ QUỐC”.

    Sông Lam- nói làm sao cho hết cái nghĩa tình bao đời với Tương Dương! Sông Lam lớn lên cùng với tuổi thơ, đem lại nguồn nước sinh hoạt cho người dân, cho mùa màng tươi tốt…vì thế sông Lam chẳng chịu rời đi, để không ai phải oán trách hờn dỗi gì nó cả!

     Lúc này, bóng xế chiều đã về quá nửa, tôi lê bước chân nặng trĩu của mình đi hết đoạn đường rồi rẽ vào ngõ thị trấn, ngắm nhìn thật kĩ mặt sông như mong muốn được tâm sự. Tôi hỏi rằng:”liệu Sông Lam có buồn không?”….Mặt sông dường như nghe thấy thi thoảng có vài đợt gợn sóng nhè nhẹ hiền hoà như thủ thỉ với tôi rằng: “Nỗi đau ấy đã được xoa dịu từ rất lâu rồi!”.Từ hơi thở hiền hòa của dòng Lam, tôi đã lĩnh hội được giá trị cao cả của một lòng bao dung kiên định!
 Bước về trong trạng thái thảnh thơi, hình bóng dòng sông đã ngả dần về phía sau lưng, nhưng trong đầu tôi vẫn cứ ngân vang mãi những câu hát quen thuộc:

          “Lên Tương Dương đường xa anh ơi!

          Lên Tương Dương đường xa em ơi!

          Lên Tương Dương, đừng xa…ai ơi!”

         
                                                                
    Tương Dương 25/12/2022

                                        Vi Thị May Hiếu - Lớp 12C năm học 2022-2023

                                                                  Trường THPT Tương Dương 1

 

Ghi chú: ảnh lấy từ Báo Nghệ An 

 

Địa chỉ