Tiết tháng năm nắng như đổ lửa, gió Lào cồn cột bỏng rát khắp làng Trung. Những ngọn cây khô xác, đất đai nứt nẻ. Đã lâu không có một cơn mưa. Làng Trung đang vào vụ gặt. Trời nắng gió là điều kiện tốt nhất cho những ngày thu hoạch. Lúa gặt về được nắng gió phơi nỏ giòn, rơm khô thơm phức vàng ươm ngon miệng cho đàn trâu đàn bò những ngày mưa gió. Giữa cánh đồng đầy nắng, con người nhỏ bé như giòn khô đi. Chốc chốc, Vịt lại dừng tay hái, vơ lấy bình nước tu ừng ực. Bước lại chỗ đám lúa đang cắt dở, Vịt nghe trong bụng óc ách những nước. Dù ngày đầu tiên ra đồng, mới bảy tuổi nhưng muốn chứng tỏ cho mẹ thấy là Vịt cũng được việc chẳng kém gì chị Mão, chị Ngan. Từ đầu buổi đến giờ, Vịt cũng đã cắt được năm bó lúa, mỗi tội cứ cắt rồi để đấy cho chị Mão buộc, vì đôi tay yếu ớt của Vịt không thể buộc chặt bó lúa được. Mẹ và chị gặt bên cạnh, tay đưa liềm thoăn thoắt. Chị Mão đã học lớp mười một, chị Ngan cũng vừa lớp tám, làm nhanh và khéo thế là chuyện bình thường. Vịt thầm nghĩ, sẽ chẳng bao lâu nữa, nhanh thôi, Vịt sẽ làm được như mẹ và chị…
Mặt trời đã núp nửa mình sau chóp núi đằng xa, Vịt mệt lử lả nhưng vẫn cố, dù mẹ đã bảo từ lâu là Vịt có thể nghỉ tay được rồi. Chị Mão cởi nón, cởi cả chiếc khăn mùi soa, mặt chị đỏ phừng phừng, mồ hôi nhễ nhại dưới cổ, lưng áo chị ướt đẫm cả chiều hè, chiếc áo bết mồ hôi dính chặt vào eo chị. Gió hoàng hôn cuốn rối những sợi tóc mai của chị, Vịt ngửi thấy mùi gió thơm thơm. Vịt thấy chị bắt đầu giống mẹ rất nhiều. Chiếc quần thụng ống phấp phới trên những gốc rạ theo từng bước chân của chị, mỗi bận chị vác được bốn bó lúa lên bờ, chất thành đống gọn ghẽ. Đống lúa cao ngất ngưởng, chỉ chờ cha đưa xe cải tiến ra chất về, tuốt hạt, rồi đem rơm đi phơi, thế là công việc một ngày tạm kết thúc. Sau đấy, Vịt sẽ nấu cơm canh chờ sẵn, cả nhà sẽ cùng xì xụp khen Vịt nấu canh rau muống ngon cực ngon, lại có thêm cà muối, chẳng còn gì bằng. Nghĩ đến đó thôi Vịt đã thấy cái giường nhỏ có mấy chị em quàng tay nhau ngủ ngon lành.
Trên đồng, nhà nhà í ới nhau về gần hết. Đàn ông chở lúa, đàn bà đạp xe đạp về trước, trẻ con thì được ngất ngưởng ngồi trên xe lúa, trâu bò thủng thẳng kéo về làng. Càng gần tối càng mát rượi bởi không còn mặt trời. Vịt sốt ruột:
- Sao giờ này cha còn chưa đánh xe ra nhỉ?
Mẹ tất tưởi:
- Thôi chết, cha mày hôm nay đi ăn cưới. Mẹ phải về đánh xe ra chở lúa thôi. Ngan về với mẹ, hai đứa ở lại trông lúa, đợi mẹ!
Mẹ tất tả đạp chiếc xe phượng hoàng cũ kỹ về phía làng. Những đợt gió ngược chiều nhiều lúc muốn hất mẹ xuống bờ mương, chiếc nón lá lật ngược sau gáy, thi thoảng tung lên, hẳn nó muốn bay như những cánh diều.
Đó là những hình ảnh mà mãi về sau Vịt không bao giờ quên! Vịt cũng biết, sau nhiều lần khác, không phải cha đi ăn cưới như mẹ vẫn nói, mà là cha bỏ mặc. Vịt biết, lúc đó có thể tìm thấy cha đang say sưa bên quán rượu đầu làng, hoặc cha đang ngủ ngon lành trong cơn gió mát bên gốc lộc vừng cạnh cái ao cuối làng, khắp người nồng nặc mùi rượu. Hồi nhỏ, Vịt đã không hiểu rượu có gì hấp dẫn khiến cha uống quên trời quên đất, quên cả mẹ con Vịt lặn lội giữa đồng từ lúc nắng gắt đến những ngày giông bão. Hiển nhiên, tất cả những việc của mọi mùa vụ, đều là mẹ con Vịt tự biết mà làm, cho kịp làng xóm, kịp mùa vụ. Có việc hiếm hoi cha tự giác, đó là đi cày và đi bừa mỗi mùa mới sang. Nhưng cha làm theo hứng, dù cả làng đã xong đợt cày bừa trong khi đám ruộng nhà cỏ mọc um tùm, nhưng hễ cha say thì cha lại bỏ mặc.
Đó là những ký ức mà Vịt sẽ không bao giờ quên!
- Chúng mày cút hết cho ông! Một lũ vịt giời khốn nạn! Một lũ vô tích sự!
- Đồ đàn bà không biết đẻ! Chỉ rặt lũ vịt giời! Không bằng giống súc vật!...
Mẹ chỉ im lặng, rấm rứt khóc. Cha uống say rồi chửi mắng mẹ con Vịt. Cha vừa chửi vừa đánh mẹ. Mặt mẹ in rõ năm ngón tay của cha, mắt mẹ đen thẫm vì dấu vết nắm đấm của cha, cánh tay mẹ bị thâm tím vì bất cứ thứ gì cha vơ được và quật vào. Chị Mão đi vắng, chị Ngan và Vịt vào can liền bị cha bạt cho mấy bạt tai. Chỉ vì mẹ sinh ra bốn chị em Vịt toàn con gái. Nghe cách cha đặt tên cho bốn chị em, cũng đủ biết trong lòng cha nghĩ gì. Chị cả sinh năm Mão nên mới có tên ấy. Chị Ngan là thứ hai, cha nói con gái là giống ngan vịt. Đến Vịt, cha đặt tên là Vịt thật. Đứa em út, cha gọi nó luôn là Gà. Chẳng phải cách gọi âu yếm gì, cha từng tuyên bố: Lũ chúng mày chỉ như lũ gia cầm, súc vật! Nuôi lớn rồi bán đi, rẻ hều! Và tao chịu lỗ nặng!
Vịt thương mẹ, mỗi bận mưa gió, làng mất điện, mẹ lại mò mẫm trong đêm soi đèn dầu đi kiểm tra những chỗ nhà dột. Có hôm đang ngủ say, Vịt bị nước mưa chảy tràn mặt, liền tỉnh giấc, thấy mẹ đang một tay cầm đèn dầu, một tay chăng mảnh ni lông che chỗ ngủ cho hai chị em Vịt. Vịt ứa nước mắt trong đêm, rồi bật dậy cầm đèn dầu giúp mẹ. Đó là ngày chị Mão đã lấy chồng, chị Ngan cũng đi làm ăn xa, Vịt giờ đã học lớp mười hai, em Gà vừa vào lớp mười.
Vịt muốn làm điều gì đó. Vịt phải làm điều gì đó.
- Tiền học phí, tiền xây dựng, tiền sách vở, tiền bảo hiểm, lại tiền sản lượng, thuế má các kiểu… Chúng mày là lũ vô tích sự! Suốt ngày chỉ chăm chăm may mua quần áo mới, định làm đĩ à? Cái nhà này cần tiền! Tao cần tiền! Lũ vịt giời học hành nhiều làm gì?…
Vịt đã nghe cha quát mẹ trong cơn say như thế. Mẹ khổ quá rồi. Bao năm nay vì lo cho mấy chị em ăn học đến nơi đến chốn mà căn nhà dột chưa sửa được, những bộ quần áo của mẹ đã chằng chéo không biết bao nhiêu lớp vá. Cha thì suốt ngày say xỉn, lúc tỉnh táo thì lao vào chiếu bạc. Bao nhiêu mẹ tích cóp đều bị cha ném hết vào quán rượu, vào những cuộc đỏ đen. Cha không hề thương mẹ ư? Thực sự đối với cha, mấy chị em Vịt chỉ là giống gia cầm, đến mùa thì xuất chuồng bỏ đi?
Chuyến xe đưa Vịt rời xa làng, rời xa nơi quen thuộc nhiều tủi hờn. Vịt không thể bình tĩnh ăn học trong gia cảnh như thế. Vịt phải kiếm tiền, thật nhiều tiền đem về cho cha biết là con gái không vô dụng. Sẽ có một ngày Vịt đem cả một túi tiền về cho cha, rồi mang mẹ đến một nơi nào đó ở cùng Vịt, bé Gà sẽ lấy chồng, cha sẽ sung sướng một mình với túi tiền đó và thôi chửi chị em Vịt vô dụng. Chị Mão đã lấy chồng theo cuộc gả bán của cha vì món hồi môn hậu hĩnh, chị Ngan cũng đã nghỉ học đi làm. Bốn chị em, chỉ cần bé Gà học là đủ. Rồi mẹ sẽ hiểu cho Vịt thôi.
Đọc thư Vịt để lại, mẹ tá hỏa bổ đi tìm. Nhà bạn bè, nhà cô giáo, cả bến sông, cánh đồng, và những đồi thông. Mẹ hốt hoảng nhớ ra bến xe huyện. Trời mưa tầm tã, chỉ có mẹ và Gà đi tìm Vịt. Vịt học khá nhất nhà, sẽ có tương lai tốt, mẹ không muốn đời Vịt khổ như đời mẹ…
Đi tìm chị được nửa đoạn đường, Gà gặp mưa. Không tìm chị nữa, Gà hốt hoảng nhớ đến cha. Dù sao ông ấy vẫn là cha! Đúng như linh cảm, khi đi qua đê làng, Gà thấy chiếc xe phượng hoàng quen thuộc chỏng chơ bên đường. Cha nằm vật bên mép ao, quần áo lấm lem những bùn, may cha chưa bị ao nuốt chửng. Gà kêu cứu. Những gia đình ở gần đó cùng người qua đường liền xúm vào giúp Gà…
*
* *
Ông Bính tỉnh giấc nhưng chưa muốn mở mắt. Ông nghe cơ thể mình rệu rã trong cơn đau nhừ. Ông định hét gọi cái Gà, nhưng chẳng còn chút sức lực nào. Từ từ mở mắt, ông ngỡ ngàng nhận ra mình ở trong căn phòng lạ, bên cạnh lố nhố những người ngồi người nằm, đều mặc đồng phục kẻ sọc giống nhau. Ông định ngồi dậy, nhưng không nhấc nổi thân mình. Tay ông băng đầy gạc trắng, gắn sợi dây dẫn truyền đang ròng ròng từng giọt dịch. Nhìn xuống chân trái, cũng bị quấn dày một lớp băng trắng. Bệnh viện! Ông không nhớ chuyện gì đã xảy ra!
Gà cầm bịch sữa vào phòng, thấy cha đã tỉnh giấc thì vui mừng. Quên cả việc cần làm, cô bé chạy ra hành lang í ới:
- Mẹ ơi, chị ơi, cha tỉnh rồi!
Mấy mẹ con Gà xúm quanh ông Bính. Niềm vui lộ rõ trên từng nét mặt.
Những ngày ông Bính ở viện, Gà, Vịt và Ngan chăm sóc tận tình, chẳng ai nói gì đến việc ông vì say rượu mà bị tai nạn ngoài đê. Gà ríu rít kể hết chuyện đông sang chuyện tây chỉ để cha quên nỗi đang ở bệnh viện. Chẳng mấy rồi Mão cũng về thăm cha. Chàng rể xông xáo, giành phần chăm sóc vệ sinh ông không nề hà như đó chính là cha đẻ của anh. Giường bên cạnh, một ông lão gầy gò, da dẻ vàng võ nhìn ông Bính rồi thở dài:
- Ông thật tốt phước! Con trai con gái đến chăm ông đầy đủ thế kia! Chẳng bù cho tôi, ba đứa con trai thì một đứa xuất ngoại đã lâu không tin tức, một đứa đang phải vào trại cai nghiện, còn mỗi đứa ở nhà mà mấy tháng trời chẳng thấy mặt đâu…!
Ông Bính rơm rớm xúc động, nghe chuyện người mà ngẫm chuyện mình. Lúc hoạn nạn thật sự, mới biết thế nào là phúc phận của riêng ai! Con gái thì sao chứ! Con rể thì sao chứ! Chúng đều là con mình cả!
Cơn mưa đã thôi dầm dề, bầu trời cuối chiều bỗng sáng bừng như sớm mai. Giữa nền trời ấy, đôi vầng cầu vồng cong vút điểm tô dưới ánh hoàng hôn. Lần đầu tiên trong đời, ông Bính nhận thấy sau một ngày mây mưa ảm đạm lại có hoàng hôn đẹp đến thế!
Nguyễn Thị Thập
Trường THCS Xá Lượng