Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc, các bà, các chị người dân tộc Thái, ở bản Lở, xã Xá Lượng, huyện miền núi rẻo cao Tương Dương lại í ới nhau chong đèn đến nhà văn hoá cộng đồng của bản để học viết, học đọc. Đây là lớp học do chính các bà, các chị tự lập nên, rồi nớ cô giáo dạy chữ
Tương Dương là huyện miền núi rẻo cao, có diện tích rộng nhất nước, địa hình bị chia cắt, phân tán thành các vùng khác nhau, nhiều điểm dân cư nhỏ lẻ, giao thông bị chia cắt…Đời không người dân đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, nhờ được sự quan tâm của các, cấp các ngành, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và của nhân dân, nên đời sống của người dân từng bước nâng lên, trẻ em đến tuổi đều được đến trường.
Khác hẳn trước đây do hoàn cảnh khó khăn, địa hình lại bị chia cắt, giao thông cách trở nên việc được đến trường học chữ là một điều không hề dễ dàng. Cho nên, có khá nhiều người trung và cao tuổi chưa biết chữ và số ít còn không biết nói tiếng phổ thông. Không biết chữ đã khiến cho người dân gặp không ít phiền toái trong cuộc sống. Khi cuộc sống đã dần ổn định cũng là lúc các bà, các chị quyết tâm đi học con chữ
Giúp nhau học chữ
Tự rủ nhau mở lớp để học chữ
Chị Vi Thị Huế (SN 1978) lúc nhỏ cũng rất thích đi học, nhưng do hoàn cảnh gia đình, nên học chưa hết lớp 3 thì phải nghỉ học để chăm em, lên rẫy lấy củi, hái măng phụ giúp bố mẹ. Chị Huế cho biết “ Trước đây học chưa hết lớp 3 tôi cũng đã biết được mặt chữ, gia đình hoàn cảnh suốt ngày phải lam lũ từ nhỏ, nên chữ của thầy cô chỉ dạy cho đã bị rơi rớt trên rẫy ngô, rẫy lúa cả. Đầu năm nay tôi đi khám ở một bệnh viện ở thành phố Vinh, tôi cầm các loại giầy tờ vào thẳng phòng khám thì bác sỹ bảo chị ra ngoài khi nào đến lượt thì chị mới vào. Tôi hỏi làm sao biết được khi nào mới đến lượt. Bác sỹ bảo khi có họ tên chị chạy trên bảng led gắn trước cửa thì chị hãy vào. Lúc đó tôi rất bối rồi vì mình có biết chứ đâu. Sau một hồi lấy can đảm thì tôi đã nhờ một bệnh nhân cũng đang chờ khám, khi đến tên Vi Thị Huế thì bảo giúp tôi với. Từ lần đó về tôi rất muốn đi học chữ và tôi đã bàn với các chị em trong bản, những chưa biết chữ tập hợp lại rồi nhờ cô giáo về mở lớp dạy chữ.”
Qua trò chuyện với bà Vi Thị Nguyên, ở bản Lở, xã Xá Lượng, Tương Dương thì chúng tôi biết được, nhà có 7 anh chị em, nhà đông con nên gia đình rất khó khăn, bà đành phải ở nhà đỡ đần cho bố mẹ, lớn lên lại xây dựng gia đình, sinh con, lo cho con ăn học và lo toan cho cuộc sống, nên bà không có thời gian cũng không đủ tiềm lực kinh tế để nghĩ đến việc học vì thế mà ước mơ học chữ của bà cứ lùi vào quên lãnh. Không biết chữ khiến cho bà Vi Thị Nguyên gặp không ít phiền toái trong cuộc sống hằng ngày. Giờ con cái đã lớn, cuộc sống gia đình cũng không còn quá khó quan nên bà quyết tâm đi học. Bà Nguyên chia sẻ “ Không biết chữ cũng bất tiện lắm chú ạ, nhiều khi ra xã làm các thủ tục hay nhận chế độ gì đó, do không biết chữ, phải nhờ người khác viết hộ. Nhờ một lần còn được, chứ nhờ nhiều lần cũng ngại lắm. Chưa kể khi có công việc phải đi thị trấn hay về thành phố rất khó để tìm đường vì không biết chữ mà các đường, mà chủ yếu đều có tên đường. Vì vậy, khi thấy chị em vận động tham gia lớp học chữ dù năm nay tôi đã ngoài 50 tuổi nhưng tôi đã đồng ý đăng ký tham gia.”
“Bản thân tôi chỉ là giáo viên bậc học mầm non, trong thời điểm đang nghỉ hè, tôi dành thời gian tranh thủ làm việc nhà. Nhưng, khi các chị trong bản đến nêu nguyện vọng muốn muốn được học chữ, tôi đã nhận lời giúp các chị học chữ. Những ngày đầu dạy gặp không ít khó khăn vì vốn dĩ các chị chuẩn yếu là lao động bằng chân tay, nên khi cần bút rất vụng, tôi phải cầm tay đưa theo từng nét chữa để các chị quen tay. Với bản tính chịu khó, lại ham học nên chỉ mới học chưa đầy 10 ngày đa phần các chị đã viết và nắm được mặt chữ. Thấy các chị ham học, nên bản thân tôi cũng thấy vui, có thêm động lực để truyền dạy. Lớp học sẽ diễn ra trong khoảng thời gian hơn 1,5 tháng. Thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng tôi sẽ cố gắng tìm phương pháp truyền đạt tối ưu nhất để khi kết thúc thời gian học thì tất cả các chị đều biết đọc, biết viết. ” Cô Lô Thị Hằng chia sẻ.
Dù đang còn bận bụi lên nương rẫy hay lo toan, tính toán chuyện cơm áo, gạo tiền để mưu sinh. Nhưng, bằng sự quyết tâm của tất cả mọi người thì lớp học đã được mở ra trong niềm vui sướng của không ít người.
Lớp học có gần 20 "học sinh" với nhiều lứa tuổi, nhưng chủ yếu là trung và cao tuổi. Đây phần là những người chưa biết mặt chữ, một số ít cũng đã từng được đi học nhưng vì lo cơm áo, gạo tiền nên cũng đã quên hết mặt chữ.
Niềm vui đến lớp của những “học sinh”
Tuy 19 giờ 30 mới bắt đầu học, nhưng mới hơn 19 giờ, gần như tất cả các “học sinh” trung, cao tuổi đã có mặt đầy đủ tại nhà văn hoá cộng đồng của bản. Họ đến sớm để vệ sinh lớp học, rồi tranh thủ tập viết chữ, ghép vần. Dường như ai cũng vui mừng phấn khởi, tiếng cười, tiếng nói rôm rả khiến cho bản Thái vốn tĩnh lặng nay lại thêm phần rộng ràng hơn.
Chị Vi Thị Huế cho biết “Công việc hằng ngày nhiều, tôi vẫn cố gắng hoàn thành sớm để tối đến lớp. Ngày làm việc vất vả, nhưng từ ngày lớp học mở ra đến giờ tôi chưa nghỉ bất kỳ buổi học nào. Đến lớp được học chữ, được gặp gỡ chị em, được chuyện trò cùng nhau và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế, nên mọi mệt mỏi đều bị tan biến. Qua một thời gian ngắn học, được sự tận tình chỉ dạy của cô giáo tôi đã tự viết được tên mình. Thú thật tôi rất vui vì được tiếp tục thực hiện được ước mơ học chữ đang còn giang dở của bản thân mình”
“Tuy mới đi học, không chỉ tôi mà các chị em đều đã biết viết, biết đánh vần. Tin chắc răng trong thời gian tới, chúng tôi có thể có thể đọc sách, đọc báo tìm hiểu và ghi lại những kiến thức chăn nuôi, sản xuất. Rồi đi đâu chúng tôi không còn tự ti nữa” Bà Vi Thị Nguyên vui vẻ chia sẻ.
Các nữ sinh say sưa học bài
Trực tiếp chứng kiến sự say sưa học tập của các “học sinh” năm nay người ít nhất của đã gần 40, mới cảm phục được tinh thần học tập của họ. Tin chắc rằng, trong nay mai bà Nguyên, chị Huế và nhiều người khác nữa sẽ không còn mặc cảm, tự ti vì không biết chữ nữa, mà tự tìm đọc những cuốn sách, tờ báo mà mình thích, để giải trí sau một ngày lao động vật vả, để thu nạp kiến thức khoa học kỹ thuật và áp dụng vào lao động sản xuất.
Thiết nghĩ chính quyền địa phương các cấp cần rà soát và hỗ trợ mở các lớp xoá mù chữ, để mọi người dân có nhu cầu học, có cơ hội học. Nhằm giúp người dân nâng cao trình độ, hiểu biết, tiến tới áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Bài và ảnh: Đình Tuân