PHONG TỤC ĐÓN TẾT CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC THÁI

Đăng lúc 19:36:47 17/12/2021

Về với huyện miền núi Tương Dương  (Nghệ An) dù mới cuối đông, nhưng dường như sắc xuân đã "gõ cửa" miền đất sơn thuỷ hữu tình. Đến nơi đây, du khách không những được thỏa mình với rừng cây xăng lẻ, mà còn được đắm chìm với các phong tục của những dân tộc bản địa nơi đây. Với những nét đặc sắc trong phong tục đón Tết cổ truyền mang đậm bản sắc riêng có của người Thái.

Không giống như một số dân tộc ít người khác, một năm thường có nhiều cái Tết, người Thái trên vùng cao Tương Dương chỉ ăn tết chung với Tết Nguyên đán của cả nước. Tuy nhiên, tục đón năm mới của người Thái lại có nhiều điều thú vị, mang đậm bản sắc riêng. Theo tập tục, người Thái bắt đầu có không khí tết từ ngày 25 tháng Chạp Âm lịch cho tới hết mồng 10 tháng Giêng của năm mới.

"Độc, lạ"... cơm cúng tất niên.

Ban ngày, trời miền tay xứ Nghệ thường nắng nhẹ và se lạnh. Nhưng đêm đến, cái lạnh dường như "nặng đô" vì sương núi xuống. Không gì thích bằng việc được nhâm nhi rượu cần và ngồi nghe người già kể chuyện về tập tục đón tết xưa, nay.

Cũng như các dân tộc khác trên mọi miền đất nước, mâm cơm trong ngày Tết của người Thái được chuẩn bị kỹ càng và chu đáo. Tuy nhiên, dù có thay đổi nhưng mâm cơm cúng tết của dân tộc Thái vẫn giữ được nét cầu kỳ riêng biệt.

Thầy mo bản Vẽ. Ông Lô Văn Hoàn (ở bản Con Mương xã Lưu kiền huyện Tương Dương) kể rằng, xưa kia mâm cơm cúng trong ngày Tết của người Thái Tương Dương, đặc biệt là nhóm “Tay Mười” không thể thiếu các món ăn như cơm mới, cá moọc, cá chua, cơm đồ xôi trộn con cá, chuột khô, thịt thú rừng, nai khô, cơm cốm, măng khô... Riêng món thịt thú rừng, thịt lợn rừng thường có được nhờ săn bắn và chuẩn bị từ trước đó khoảng nửa tháng. Và theo phong tục xưa, đây là những món bắt buộc phải có trong mâm cỗ cúng Tết.

 

"Cỗ cúng trước đây có nhiều món cầu kỳ! Rất nặng, phải bê lên đặt xuống tới những 9 lần mới đặt được tới bàn thờ tổ tiên. Người Thái quan niệm, cỗ cúng tết phải đủ đầy, nhiều thịt, nhiều cá,... thì tổ tiên mới phù hộ cho làm nương được mùa, cái bụng no quanh năm" - ông Lô Văn Hoàn chậm rãi kể.

Theo tập tục, người Thái cúng tổ tiên từ 25 tháng Chạp tới hết ngày mùng 5 của năm mới. Xưa kia người Thái cúng tổ tiên bằng những sản vật săn bắn được, còn ngày nay dù không đổi nhiều nhưng cũng có vài điểm khác.

Vừa nhấp ngụm rượu cần, thầy mo Lô Văn Hoàn kể tiếp, "sau này, người Thái mới có tục gói bánh chưng và thường gói vào 29 hoặc 30 Tết. Bánh chưng được gói thành hai loại đen và trắng. Để làm bánh chưng đen, dân bản đốt rơm cây vừng thơm lên,(mạc nga chiếng) lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi mới gói. Muốn bánh có màu đen đẹp bóng, ngay từ tháng 10 âm lịch, sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn nếp dẻo thơm nhất và rơm cây vừng thơm cọng to, có màu vàng ươm về cất sẵn.

Ngoài ra, trước khi gói bánh thêm ít hạt vừng xay nhỏ trộn vào để tạo vị đậm đà cho bánh. Thường thì bánh chưng của dân tộc Thái ít dùng nhân bởi họ quan niệm, "hương vị của tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của nếp mới, rơm vừng và lá dong, sau đó người ta mới quét dọn sạch sẽ bàn thờ, trên sàn, dưới gầm sàn nhà chuẩn bị đón tổ tiên về ăn Tết. Đàn ông thì trang trí bàn thờ, để lên đó nải chuối, đĩa trầu cau, bánh chưng, chai rượu xiêu, bình hoa (bọc xăngz ngoi) hoặc vài tờ tranh cùng vài bó hương. Nhà nào, nhà ấy đều có hai cây mía buộc dựng đứng hai bên bàn thờ, để tượng trưng đây là hai cây gậy của tổ tiên... Theo họ, đó là tinh hoa của thành quả lao động để dâng lên tổ tiên (P’hí hươn).

Tục đón giao thừa "Pống Cháy, kháy hoọng".

Tiếp lời ông mo. Hoàn, bà Lô Thị Tân (vợ ông Hoàn) vui vẻ kể lại, sau khi chuẩn bị tươm tất để đón Tết, người Thái sẽ mổ lợn cúng tất niên vào đêm 30. Người Thái có tục đón giao thừa "Pống Cháy, kháy hoọng". Thường cả nhà không ai ngủ, đèn trên bàn thờ không được tắt, hương nhang không được tàn. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bánh rán, đồ cá, moọc, nạp... thỉnh thoảng con cháu trong nhà đánh cồng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến.

Đúng giờ giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm,... hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng "chào đón tổ tiên xuống tề tựu". Sau bài cúng, con cái trong nhà thay phiên nhau túc trực để tiếp đón tổ tiên và chú ý nghe ngóng xem trong đêm ấy, con gì kêu trước để định đoán thời tiết. Nếu như con nai rừng kêu trước thì sang năm mới sẽ khó làm ăn. Nếu như con mèo mà kêu trước thì sang năm mới sẽ loạn cọp (hổ). Cũng trong đêm Giao thừa, lúc chuyển sang ngày mồng Một của năm mới, đồng bào dọn mâm đặt lên bàn thờ cúng cho ông bà được ăn cơm trước bản, trước mường. Khi cúng tổ tiên nhà mình xong, thì họ tiếp tục dọn mâm khác để cúng các vị thần trong nhà mình như: Ông thần bếp, bà thần giữ cháu trong nhà và ông thần thổ dưới cầu thang… vì các vị thần này luôn luôn chăm lo cho nhà mình được mọi sự bình an trong cả một năm. Trước khi bước qua năm cũ, đồng bào còn sửa mâm cơm làm lễ trả công và giao nhiệm vụ mới cho các vị thần..

Phong tục diễn ra trong ngày tết.

Sáng mồng Một Tết, các cháu bé thi nhau dậy thật sớm ra suối rửa nước tiên, rồi múc nước tiên vào ống luồng vác về nhà mình như muốn nói nhà mình sang năm mới thu hoạch nhiều cái mới. Cũng trong ngày mồng một tết, cha, mẹ hoặc chủ nhà không được đi chơi xa mà phải ở nhà chờ con rể đưa mâm đến cúng ông bà. Nếu như được làm ông mối, bà mối (mổ lạm, nhả lạm) thì phải chờ con dâu đưa mâm đến trả công. Chờ cho đến chiều mồng Hai Tết đồng bào mới làm lễ tiễn đưa ông bà ra về. Từ sáng mồng Ba Tết trở đi, các bà mẹ người Thái mới đi thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau. Thanh niên nam nữ chơi đánh trống chiêng, ném còn, nhảy sạp, khắc luống (quảnh lòng) uống rượu cần... vui xuân đón mừng năm mới. Những ngày tết, đồng bào Thái kiêng quét nhà, vì sang năm mới họ không cho bất kỳ một thứ gì trong nhà đi ra. Cũng trong ngày tết, đồng bào hết sức giữ gìn lời ăn tiếng nói, không chửi mắng nhau, không nói năng tục tằn thô lỗ, không đòi nợ nhau, không nói xấu nhau.

Một phong tục của người Thái không thể thiếu được trong sáng ngày mùng 1 đầu năm, đó là tục những thanh niên trai gái thường đi chơi bên bờ sông, bờ suối nơi gần guồng nước và lấy nước ở suối về. Người Thái quan niệm rằng, nước là điều may mắn, đem lại sự sống, sự tốt tươi. Cả làng đi lấy nước nếu nhặt được đồ, hoặc vớt được cá trong khi đi lấy nước thì họ cho là may mắn cả năm và vui mừng mang về nhà.

 

 Lô May Hằng

Địa chỉ