Bút ký Vi Hợi
"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém"
Chủ tịch Hồ Chí Minh
______________________________________________________
Những ngày cuối cùng của tháng 6, giữa cái nắng nóng như thiêu như đốt, tôi lại rong ruổi trên những con đường quen thuộc để tìm gặp lại các cộng sự, những người bạn tôi luôn kính nể, trong Đại hội các tỏ chức cơ sở Đảng vừa qua họ không còn tái cử, được Đảng và Nhà nước cho nghỉ theo chế độ. Từ giã chính trường họ trở về với cái nơi họ xuất phát ra đi theo con đường của Đảng. Họ không được đào tạo bài bản, không thực sự tài năng, càng không phải là người nổi tiếng, nhưng cái tâm sáng và sự cống hiến của họ cho quê hương khiến cho mọi người dân ai cũng nhớ. Họ là những thũ lĩnh trưởng thành từ nông dân.
1. Mình không đủ điều kiện và tiêu chuẩn nữa thì về nghỉ thôi.
Đó là tâm sự của anh Vi Vũ Quang, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Tĩnh khi phát biểu chia tay đồng nghiệp tại Đại hội Đảng bộ xã Yên Tĩnh nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tác giả và anh Vi Vũ Quang tại tư gia sau Đại hội Đảng bộ xã Yên Tĩnh
nhiệm kỳ 2020 - 2025
Anh sinh ra và lớn lên ở bản Hạt, bố của anh là ông Vi Văn Quẻn từng là Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện. Ông tham gia quân đội từ năm 1954 đến năm 1976 thì ông phục viên trở về quê sống cùng vợ con. Anh là con thứ trong gia đình có 9 anh, chị em. Nhà đông con, nên kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, vì thế mới học hết lớp 6, bố mẹ đã bắt anh phải nghỉ học để làm nương rẫy nuôi các em ăn học. Với tác phong lanh lợi, ăn nói lưu loát, anh được Chi bộ giao trọng trách làm Phó bí thư, rồi Bí thư chi đoàn. Sau khi được kết nạp vào Đảng, anh được tín nhiệm bầu làm Trưởng bản rồi Bí thư Chi bộ. Năm 1995, anh được điều động lên xã làm cán bộ thông kê, địa chính, tư pháp, rồi được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã kiêm trưởng Công an, có 18 năm anh được bầu giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, có khi được Ban Thường vụ Huyện ủy tin tưởng lựa chọn làm mô hình thí điểm Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, anh đều toàn tâm, toàn ý cho công việc, thường xuyên quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương để có phương pháp giải quyết thấu tình, đạt lý.
Anh Vi Vũ Quang thăm và trao quà tết cho các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo của xã đã nghỉ hưu
Năm 2005, tôi được Ban Thường vụ Huyện ủy phân công phụ trách xã Yên Hòa và Yên Tĩnh, vào thời điểm đó Yên Tĩnh chưa hề có thước đường nhựa nào, con đường độc đạo chạy từ ngã ba Xiêng Nứa và kết thúc ở bản Chả Lúm, nay là Na Cáng thường xuyên nhày nhụa bùn đất mỗi khi mưa đổ. Thời gian này, chị Hoàng Thị Lợi là Bí thư Đảng ủy, còn anh Quang giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã. Tôi coi Quang như em ruột, còn chị Lợi như là chị cả trong gia đình. Trong công việc có thể có thứ bậc, trên dưới, huyện xã, song mối quan hệ giữa chúng tôi luôn luôn bình đẳng. Tan giờ hành chính, chúng tôi coi nhau như chị em trong gia đình, mỗi lần như vậy chuyện to, chuyện nhỏ, chuyện làng, chuyện xã hay chuyện gia đình mới thực sự mở lòng bộc bạch tâm sự. Những ngày Yên Tĩnh bị lũ quét tàn phá, tôi đã cùng anh em thức thau đêm đi tìm người bị lũ cuốn trôi, hay bì bõm lội mưa, lội bùn từ Cặp Chạng vào Chả Lúm để thăm hỏi và trao quà cho những gia đình không may bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Nằm ở vị trí xa xôi, hẻo lánh, bất lợi về giao thông, lại thường xuyên bị thiên tai tàn phá, cũng có một thời nơi đây "vàng tặc", "lâm tặc" ngang nhiên tung hoành, rừng cạn kiệt, đất trơ sỏi đá, cuộc sống dân nghèo trở nên khốn đốn. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thời gian nông nhàn đi thu hái lâm sản phụ trong rừng. Trình độ dân trí thấp, số hộ nghèo chiếm trên 70%. Thu nhập bình quân đầu người mới đạt hơn 5 triệu đồng/năm. Vừa chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, vừa tìm biện pháp đấu tranh ngăn chặn tệ nạn khái thác lâm sản, khoáng sản trái phép và tệ nạn ma túy.
Anh cũng chia sẻ rằng, làm những việc có lợi cho dân là mình sẽ cố gắng làm bằng được. Anh thường xuyên xuống các bản, gần dân bám dân, tích cực tuyên truyền để bà con trong xã đổi mới cách nghĩ, cách làm và phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, anh còn tích cực vận động, phối hợp hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa.
Chia sẻ với nỗi khổ của người dân và đội ngũ cán bộ Yên Tĩnh, tôi đã trao đổi với anh Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng được Huyện ủy phân công phụ trách xã Yên Tĩnh cùng với tôi "Về lâu dài phải tính đến bài toán đầu tư cơ sở hạ tầng cho Yên Tĩnh anh ạ. Chỉ khi có cơ sở hạ tầng tốt, Yên Tĩnh mới có thể đổi đời được". Anh Hải gật đầu tán thành. Thế là chiến lược đầu tư cho Yên Tĩnh đã được triển khai- chính anh Hải là tác giả và cũng là người tham gia vào dự án đó. Kết quả sau 15 năm, bộ mặt của Yên Tĩnh bây giờ đã sáng sủa hơn trước đây rất nhiều lần. "Có mơ cũng không dám nghĩ đến Yên Tĩnh hôm nay có đường nhựa, có điện thắp sáng"- Ông Lương Văn Tình, một người có uy tín ở bản Cặp Chạng tâm sự như vậy. Cũng phải thừa nhận rằng chính anh Nguyễn Văn Hải là người thủy chung, gắn bó với xã Yên Tĩnh từ cái ngày khổ tận cho đến ngày cam lai. Chả thế mà khi nhận được tin dữ từ Yên Tĩnh, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng, cháy nhà, chết người…dù đêm tối, hay mưa gió anh đều có mặt kịp thời để chỉ đạo địa phương khắc phục, xử lý.
Với Vi Vũ Quang, anh luôn tâm niệm xã, bản là nơi thực hiện cuối cùng, cũng là nơi khẳng định nghị quyết của Đảng có đi vào cuộc sống hay không, nơi đó cũng là cái thước để đo phẩm giá và năng lực của người cán bộ. Vì vậy theo anh cần chọn việc, quan tâm từ những việc làm phù hợp đặc thù từng địa bàn dân cư. Từ việc nhỏ ta mới tính đến việc lớn hơn, làm đến đâu đúc rút kinh nghiệm tới đó. Muốn làm được việc thì đội ngũ cán bộ phải thạo chữ, thạo việc. Hầu hết cán bộ xã đều từ bản mà lên, chưa qua đào tạo trường lớp nào, vì vậy cán bộ cũng phải đi học, và chính anh là tấm gương cho sự học đó. Vừa học văn hóa, vừa học lý luận chính trị và học đại học. Thật đáng tiếc, năm anh thi tốt nghiệp bổ túc THPT cũng là năm đầu tiến triển khai cuộc chiến "Hai không" trong ngành giáo dục, nên kỳ thi đó anh không qua khỏi và sau này cũng không có điều kiện để thi lại. Đó cũng là lý do anh xin rút khỏi danh sách cơ cấu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025. Sau buổi làm việc của Ban Thường vụ Huyện ủy với Đảng ủy Yên Tĩnh về công tác chuẩn bị cho Đại hội, tôi gặp anh để chia sẻ, chính anh đã thẳng thắn cởi mở "Mình không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nữa thì về nghỉ thôi. Nghĩ lại mới thấy tiếc, hồi đó không nghe anh mà đi thi tốt nghiệp THPT để lấy cái bằng và sau đó mới học lại khóa đào tạo đại học khác để đồng bộ bằng cấp". Hôm nay, tôi lại ngồi cạnh Quang bên cái bàn đặt ngoài hiên nhà, bao câu chuyện của những ngày gian khó lại ùa về. "Nhìn lại chẳng đường 35 năm công tác từ bản đến xã, dẫu chưa thể hoàn hảo nhưng những gì mình làm được cho dân, cho xã trong từng đấy năm cũng là nguồn động viên nho nhỏ trong ngày trở về. Giá mà có thêm cái "hưu trí" nữa thì trọn vẹn vô cùng anh nhỉ, nhưng mà tiếc làm chi nữa, cứ vui vẻ thoải mái để sống những ngày còn lại của cuộc đời"- Anh mở lời sau khi rót bát chè xanh anh mới hái vội sau vườn về om. Tôi nhìn Quang mìm cười. "Sau Đại hội Đảng bộ huyện anh cũng về nghỉ. Anh đang dự định sẽ thành lập câu lạc bộ "Búa liềm vàng", chỉ tập hợp những cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý đã thôi việc về nghỉ tham gia sinh hoạt với mục tiêu là thường xuyên cung cấp thông tin thời sự cho thành viên, tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ phong trào của địa phương, làm hậu thuẫn vững chắc cho các anh lãnh đạo huyện và xã…Không biết chú có tham gia cùng anh không". Quang mỉm cười nhìn tôi "Em sẵn sàng, khi nào cũng sẵn sàng nếu được anh tin tưởng".
Tạm biệt anh Vi Vũ Quang, trên đường trở về tôi ghé thăm chị Hoàng Thị Lợi bản Cành Toong, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã, thấy tôi hỏi về anh, chị bộc bạch tâm sự: "Các cụ xưa đã từng nói "nhân vô thập toàn", con người ta ai cũng có ưu, có khuyết. Biết lắng nghe người ta nói về cái khuyết của mình để mà sửa, mà khắc phục đó mới là người tốt. Chú Quang là người như vậy, chú ấy chịu khó trong công việc, chú lấy cái tâm của người cán bộ, cái chịu khó của người nông dân để bù lại hạn cái khả năng của mình. Chú rất chịu khó học hỏi và có trách nhiệm với công việc, lại thường xuyên gần gũi với nhân dân, cho nên được dân mến, dân tin".
2. Mạnh mẽ, quyết đoán mới làm được việc.
Đó là phương châm hành động của một người thủ lĩnh vùng đất Xiêng Men – anh Lô Thái Sinh, nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Hòa.
Giã từ quân ngũ trở về quê nhà, được Ban quản lý bản Cành Khỉn giao cho anh làm kế toán bản, rồi được Đảng ủy, UBND xã phân công làm trưởng bản. Ít lâu sau anh được điều động lên xã anh đảm nhận cái chân ủy viên tài chính, rồi tham gia cấp ủy và giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã. Năm 2013 anh được HĐND xã Yên Hòa tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã, đến năm 2015 tại Đại hội Đảng bộ xã Yên Hòa nhiệm kỳ 2015 – 2020 anh được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã.
Dù ở cương vị Chủ tịch UBND xã (năm 2013) hay Bí thư Đảng ủy (năm 2015) anh Sinh luôn tâm niệm, vì sự phát triển của địa phương, vì Nhân dân thì dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng hết sức để làm. Xã Yên Hòa có 1.122 hộ với 4.587 nhân khẩu; cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, làm kinh tế vườn, chăn nuôi…. Hiểu rõ những khó khăn của địa phương, anh Sinh luôn tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, huy động các nguồn vốn phân bổ, nâng cao vai trò của hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều lần anh tâm sự "Tiêu chí nông thôn mới là quá đầy đủ và hoàn hảo rồi, cho nên mình cứ bám sát các tiêu chí đó mà chỉ đạo, tổ chức thực hiện". Trong quá trình thực hiện, tuy gặp không ít khó khăn nhưng anh cùng với Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã bàn bạc tìm giải pháp tối ưu để công việc được suôn sẻ. Nhờ vậy, các chủ trương của địa phương được người dân tích cực hưởng ứng. Anh Sinh tâm sự: “Xây dựng nông thôn mới ở một xã nghèo, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế cho nên mình phải gương mẫu, anh em mới làm theo, nếu không sẽ rất khó tập hợp được mọi người, công tác lãnh đạo, chỉ đạo sẽ khó khăn". Rồi anh lại bộc bạch "Vì nó khó cho nên phải biết kiên trì, bền bỉ, chứ nản lòng là không thể làm được, xã nghèo cho nên đạt được tiêu chí nào là mừng tiêu chí đó, miễn sao là đạt được rồi thì phải củng cố nâng cao chất lượng chứ đừng để nó thui chột đi".
Công tác xây dựng nông thôn mới ở Yên Hòa đạt kết quả ban đầu đáng phấn khởi. Điển hình như xã đã vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến cây để làm đường giao thông nông thôn, sân vận động; đóng góp công sức, tham gia san lấp lề đường giao thông, sửa sang công trình thủy lợi, phát quang cây xanh, bụi rậm, di dời vật kiến trúc, tường rào…. Đồng thời, vận động bà con thực hiện chương trình thắp sáng đường quê; giữ gìn vệ sinh môi trường, đăng ký thu gom rác thải. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều hộ gia đình chịu khó làm ăn, vươn lên thoát nghèo; tích cực thực hiện các thiết chế văn hóa; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội…Từ con số không, đến nay đã đạt 8/19 tiêu chí, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đạt 12/19 tiêu chí. Trung tâm hành chính xã Yên Hòa như một thị trấn thu nhỏ, thực sự trở thành điểm sáng của các địa phương trên quốc lộ 48 c.
Anh Lô Thái Sinh (giữa) trao quà tết cho người nghèo
Còn nhớ, khi tôi còn phụ trách xã Yên Hòa (2005-2010), nhận thấy tiềm năng của đội ngũ cán bộ, đất đai và khát vọng của con người vùng đất Xiêng Men xưa, tôi đã đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy rằng Yên Hòa xứng đáng là trung tâm của các xã vùng trong, vì vậy Ban Thường vụ cần có một buổi làm việc với Đảng ủy xã Yên Hòa. Tại buổi làm việc đó, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã kết luận phải tập trung nguồn lực ưu tiên xây dựng xã Yên Hòa thành xã kiểu mẫu của các xã vùng trong.
Từ đó đến nay Yên Hòa được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Về phía địa phương, anh Sinh đã cùng tập thể Đảng ủy, UBND xã tận dụng thời cơ, khai thác tối đa các nguồn lực tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Từ năm 2015 đến nay, xã đã triển khai nhiều mô hình, dự án để phát triển sản xuất; mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho người dân. Điển hình như tập huấn nuôi gà thả vườn, cải tạo vườn tạp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đến năm 2019 tổng đàn vật nuôi xã Yên Hòa trên 24.000 con. Nhờ vậy, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 23,7%, tuy tỷ lệ này vẫn còn cao nhưng nếu nhìn lại trước năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của xã Yên Hòa là trên 80% thì đó là một thành tích đáng nể. Tổng thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, riêng năm 2019 thu ngân sách trên địa bàn đạt 263,23 triệu đồng, vượt 31,6% so với kế hoạch. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người là 28 triệu đồng/năm. Nhiều người trầm trồ ngưỡng mộ, bởi vì nếu so sánh với thị trấn hay các xã đã về đích nông thôn mới, nhưng nếu nhìn lại tình hình xã Yên Hòa cách đây 5 năm thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 9 triệu đồng/năm thì mới biết đó là con số thật sự ấn tượng. Theo số liệu của UBND xã, đến năm 2019, toàn xã có 587,6 ha rừng trồn. Các trường Mầm Non, Tiểu học, Trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia. Công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa được thực hiện tốt. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư đúng quy trình,…Xã luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, anh Lô Thái Sinh, đã cùng với tập thể Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt hiệu quả, địa phương luôn tạo bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Khi giải quyết công việc cho Nhân dân, cán bộ, công chức xã phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, xây dựng, tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị, đoàn thể; tăng cường kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Mặt khác, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức; biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến nhằm động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có một lần anh khoe với tôi rằng "Anh thấy đội hình cán bộ xã Yên Hòa như thế nào", tôi mỉm cười "Từ trang phục, đến cái nhìn và cái bắt tay, thậm chí là động tác rót nước cho khách…tất cả rất chuyên nghiệp và…đẹp nữa". Quả thật tác phong làm việc, thái độ ứng xử và trang phục của cán bộ xã Yên Hòa nhiều nơi phải học tập.
Có ai đó cho rằng anh Lô Thái Sinh là người độc đoán, chuyên quyền, thậm chí có người còn xì xào bàn tán cho rằng anh có biểu hiện vun vén cá nhân. Còn đối với tôi, anh Sinh là mẫu hình cán bộ cơ sở mà tôi rất trân trọng, vun vén đâu tôi không biết bởi chẳng có một kết luận thanh tra, kiểm tra nào về điều đó, nhưng tôi tin chắc bất cứ ai cũng phải thừa nhận một điều, Yên Hòa có được như ngày hôm nay không thể không tính đến công lao của anh Lô Thái Sinh. Cán bộ cơ sở như anh Lô Thái Sinh quả là cực kỳ hiếm có. Ai đã từng đến Yên Hòa vẫn không thể quên hình ảnh người thủ lĩnh mạnh mẽ, quyết đoán nhưng trong cuộc sống đời thường thì rất bình dị và dễ gần. Ngày nào cũng vậy, tan giờ làm việc buổi chiều là anh Sinh lột bộ trang phục công sở, khoác đồ thể thao, với lấy cái còi, tay ôm trái bóng, miệng thổi còi inh ỏi hò hét anh em ra sân đánh bóng chuyền. Những ngày nghỉ cuối tuần, anh thường dành thời gian để cùng vợ là chị Lô Thị Huệ- một điển hình sản xuất giỏi của các xã vùng trong đi thăm vườn, cũng có hôm một mình anh lang thang xuống các bản thăm các cụ cao niên, gia đình chính sách, chia quà cho các cháu thiếu nhi…
Mặt trời đã đứng bóng, cuộc hành trình của tôi vẫn còn dài, vì vậy tôi xin phép chia tay Yên Hòa để tiếp tục cuộc hành trình "tri ân đồng đội" của mình. Rời tư gia anh Lô Thái Sinh tôi quay sang nói chuyện với anh Lương Văn Vỹ - người kế nhiệm của anh, hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, vốn là học trò cũ của tôi thời còn học ở Trường THPT Tương Dương 1 "Em có nhận xét gì về anh Sinh?". Rất thật lòng, anh Lương Văn Vỹ bộc bạch "Nói thật với thầy, anh Lô Thái Sinh là lãnh đạo gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, sống hòa đồng với cấp dưới, quần chúng, được mọi người tin yêu, mến phục”.
3. Những người thay đổi diện mạo xã Xiêng My
Tôi trở lại Xiêng My, từ Yên Hòa theo quốc lộ 48 c đến bản Chon rẽ phải men theo con đường nhựa tiêu chuẩn cấp 6 miền núi, vượt những con đèo với những khúc cua tay áo vòng vèo. Qua khu rừng già là khung cảnh mây trắng bồng bềnh ôm lấy những đỉnh núi trập trùng, bên triền đồi xanh ngắt màu xanh của những nương ngô, sắn xen lẫn cây xoan, lát hoa là những mái nhà sàn thấp thoáng... Bí thư Đảng ủy xã Lương Thanh Truyền đón chúng tôi với ánh mắt sáng và nụ cười thân thiện.
Tác giả và anh Lương Thanh Truyền (áo kẻ), Lô Xuân Tình (áo nâu)
trong những ngày cuối cùng làm việc ở công sở.
Là xã vùng sâu xa nhất của huyện Tương Dương nằm sát khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, hầu hết là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, đời sống khó khăn, các tập tục lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến cái đói, cái nghèo đeo bám cuộc sống nơi đây. Nhưng với sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều công trình hạ tầng cơ sở, đường giao thông, công trình nước sạch, trường học, trạm xá được Nhà nước đầu tư, bên cạnh đó là việc hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo... tạo động lực thúc đẩy cho Xiêng My thêm đổi mới. Những thay đổi đó đã tạo tiền đề để phát huy sự năng động, sáng tạo của Bí thư Đảng ủy Lương Thanh Truyền và Chủ tịch UBND xã Lô Xuân Tình.
Nhấp chén chè nóng, anh Truyền kể về kỷ niệm những ngày đầu Xiêng My mới thành lập. Tháng 4/2007, xã Xiêng My được tách ra từ xã Nga My và trở thành một đơn vị hành chính độc lập trực thuộc huyện. Thời điểm đó bộ máy tổ chức cán bộ của xã thiếu và yếu. Ngoài đội ngũ công chức xã và 2 trí thức trẻ 30 a được đào tạo chuyên nghiệp, còn lại toàn bộ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách đều được đôn từ bản lên. Vì vậy, huyện phải điều động tăng cường đồng chí Kha Xuân Năm, Phó Văn phòng Huyện ủy đảm nhận chức vụ Bí thư Đảng ủy, đồng chí Lô Khăm Kha, Phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã. Lúc đó anh Truyền đang là Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ bản Phẩy (xã Nga My) được chỉ định làm Thường vụ trực Đảng, còn anh Lô Xuân Tình- Bí thư chi bộ kiểm trưởng bản Noóng Mò được chỉ định làm Phó Chủ tịch UBND xã.
Ngay sau khi nhận công tác ở cương vị mới, việc đầu tiên của anh Truyền là bàn với anh Tình "Ta là người địa phương, đã quen thuộc địa bàn và bà con nơi đây cho nên cần tham mưu để các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã sắp xếp thời gian gặp gỡ với người dân ở các bản để các anh nắm được tình hình". Theo đề xuất của anh, Bí thư Kha Xuân Năm và Chủ tịch Lô Khăm Kha đã gặp gỡ bà con Chà Hìa, bản Phẩy và Đình Tài là ba bản chưa có điện lưới quốc gia, bà con đang bức xúc vì trước đó vào năm 2005, trong một lần làm việc với 3 bản, lãnh đạo xã đã thông tin với bà con, trong năm sẽ kéo đường điện, vậy mà đã hơn 2 năm trôi qua, điện vẫn chưa thấy đâu. Tiếp mạch câu chuyện, anh Truyền kể: Hôm Thường trực Đảng ủy, UBND xã xuống làm việc với người dân 3 bản Chà Hìa, bản Phẩy và Đình Tài có rất đông người dân tập trung đợi sẵn. Biết bà con có nhiều tâm tư, biết được tâm lý của bà con và chia sẻ với hai đồng chí lãnh đạo vừa chân ướt, chân ráo đặt chân lên đất Xiêng My còn nhiều bỡ ngỡ, cho nên mình đã chủ động đề nghị lần lượt từng người nói. Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của bà con, mình đã giải thích cho bà con rằng: Đảng, Nhà nước rất quan tâm đồng bào dân tộc thiểu số, đã đầu tư nhiều công trình ở vùng sâu, vùng xa như bà con thấy. Song Chính phủ cũng như tỉnh và huyện cũng đang cân đối nguồn vốn từng bước hoàn thiện đồng bộ các công trình. Xã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của bà con để trình các cấp thẩm quyền quan tâm đầu tư hệ thống đường, điện sớm nhất cho bà con.
Tưởng như mọi chuyện đã tốt đẹp khi đường điện và đường ô tô đã về đến 3 bản, nhưng rồi, một số hộ dân lại yêu cầu phải đền bù diện tích đất dựng cột điện, đất bị hoa màu ảnh hưởng do làm đường, nếu không sẽ không cho dựng cột điện và đường đi qua. Một lần nữa, anh Truyền và anh Tình lại được Thường trực giao nhiệm vụ trực tiếp xuống phân tích, vận động người dân hiến đất mở đường và làm đường điện để sớm “đón” điện lưới và đường ô tô về xã. Anh Lô Xuân Tình tâm sự "Chẳng dễ dàng chút nào, vì vốn hiểu biết mình cũng có hạn, cho nên để được việc tôi và anh Truyền bàn với các anh Thường trực tìm cách vận động các già làng, người có uy tín, trưởng bản gương mẫu thực hiện trước, tạo sự thống nhất trong con cháu trong dòng họ, người dân cùng làm, nhờ đó, đường điện nhanh chóng được triển khai thi công và đến năm 2012 thì điện quốc gia đã sáng rực đất trời Xiêng My".
Còn nhớ, năm 2007, tôi và mấy anh ở Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội vào Xiêng My tổ chức tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi. Ngày đó, đường chưa kịp rải nhựa, trời đổ mưa to, lũ đổ về ầm ầm, thời điểm đó cầu bản Phẩy chưa thông, anh Lô Xuân Tình, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND, quần ống cao ống thấp vì phải lội mưa chạy ngược chạy xuôi lo bố trí nơi tổ chức đêm Trung thu. Anh bàn với tôi "Lũ thế này thì chiều tối vẫn chưa thể rút, hay anh cho phép xã cử người vượt lũ cõng các cháu sang bên này vui tết". Tôi lắc đầu "Nguy hiểm lắm, không làm được anh ạ". Chúng tôi xuống tận bờ suối, quan sát dòng nước, chợt thấy dây cáp bắc từ bờ này sang bờ bên kia. Tôi liền chỉ tay hỏi "Dây cáp kia để làm gì". Anh Tình mắt sáng rực "Thế mà ta không nghĩ ra, đây là dây cáp bà con thường xuyên vượt lũ đi làm anh ạ, bà con neo bè mét bằng hệ thống ròng rọc, rồi dùng dây buộc sẵn hai bờ để kéo bè từ bờ này sang bờ bên kia". Nghe anh Tình nói đến đó, tôi quyết định Chiều tối cử 3 thanh niên có kinh nghiệm sông nước để đưa bánh kẹo, đèn ông sao sang bên kia cho các cháu thiếu nhi bản Chà Hìa. Các cháu thiệt thòi vì không được trực tiếp vui tết Trung thu với các bạn, nhưng quà phải đến tay các cháu kịp thời. Đêm đó, nhà văn hóa bản Phẩy chật ních người, chưa bao giờ người dân nơi đây được biết tết Trung thu là gì. Các cháu được nghe kể chuyện sự tích tết Trung thu, được trò chuyện với chị Hằng Nga, được rước đèn ông sao và phá cỗ trung thu.
Mắt nhìn về cây cầu bê tông vượt dòng Nặm Chon đem niềm vui đến với hàng ngàn người dân, anh Lô Xuân Tình tâm sự "Từ khi có cây cầu mới này, người dân yên tâm đi lại kể cả trong mưa gió, nhất là việc trẻ em đến trường dễ dàng hơn, xe ô tô giờ vào được tận nương để chở phân bón, thu mua nông sản cho người dân".
Chuyện về “Bí thư Truyền và Chủ tịch Tình” không chỉ có vậy, quan trọng hơn là các anh có sức ảnh hưởng lớn trong việc làm thay đổi nếp nghĩ, tập quán sản xuất lạc hậu của đồng bào dân tộc ở Xiêng My. Gặp gỡ và trao đổi với một số cán bộ trẻ xã Xiêng My, khi được hỏi về hai vị thủ lĩnh của xã, ai ai cũng tấm tắc "Bí thư Truyền và Chủ tịch Tình là người cán bộ gương mẫu từ lời nói đến việc làm, luôn đặt lợi ích của người dân lên trước. Đã có rất nhiều cán bộ tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất thủ công lâu đời, đưa các loại cây trồng mới hiệu quả vào gieo trồng, thế nhưng nói xong thì đâu lại vào đấy, bà con vẫn sản xuất theo lối cũ. Chỉ đến khi Truyền, anh Tình đi tuyên truyền, vận động mà cách làm các anh ấy là gia đình mình làm trước, làm có hiệu quả rồi thì mới hướng dẫn bà con làm theo, nhờ đó mà giờ đây trong bản, trong xã đã có nhiều hộ gia đình đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất trên nương, cây ngô, cây sắn cũng được sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trước kia. Ở Xiêng My bây giờ, việc trồng cây ngô lai, làm ruộng nước, trồng sắn, trồng rừng... không còn là chuyện xa lạ nữa, nhiều hộ gia đình đã biết tận dụng điều kiện tự nhiên, đất đai để hình thành các trang trại, chuỗi sản xuất hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân ".
Quả thật tôi quý các anh ngay từ đầu tôi đặt chân lên Xiêng My, khi các anh mới chuyển từ cán bộ bản lên làm cán bộ xã, cái chân thật của hai anh đã làm tôi thực sự mến phục. Không biết thì học, không rõ thì hỏi, không học trong sách vở thì học ngay từ các đồng chí lãnh đạo cấp trên, lấy bài học của địa phương khác để vận dụng vào địa phương của mình – anh Truyền bộc bạch. Hẳn không chỉ có tôi mà rất nhiều đồng chí lãnh đạo huyện khác đều được các anh gọi điện nhờ tư vấn về công việc, cũng có những cú điện thoại ngay cả lúc giữa đêm, trân trọng các anh, những lúc như vậy chúng tôi đều lắng nghe và hướng dẫn ân cần, cặn kẽ. Sau bài phát biểu quan trọng tại Đại hội Đảng bộ xã Xiêng My nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Lữ Văn May, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy đã chia sẻ: Cái quý nhất của hai đồng chí Bí thư, Chủ tịch nhiệm kỳ 2015 - 2020 là giữ được đoàn kết nội bộ, phát huy tính cộng sự của đội ngũ cán bộ xã, đó là cuội nguồn của mọi sự thành công. Tôi ghé tai một đồng chí cán bộ huyện cũng dự đại hội "Đoàn kết là đặc sản vô giá của Xiêng My mà nhiều nơi không có được".
Đồng bào dân tộc ở Xiêng My từ lâu quen với tập quán sản xuất thuần nông, chủ yếu trồng các loại cây đòi hỏi ít kỹ thuật, dễ chăm sóc. Thế nên, việc anh Truyền hay anh Tình vận động bà con dân tộc đưa cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn vào trồng thành công cũng không phải điều đơn giản. Gia đình các anh lại phải tiên phong đi đầu, trồng thử nghiệm cây chanh leo để đánh giá hiệu quả rồi mới nhân rộng ra cho bà con. Anh mời bà con tập trung tại xã để nghe cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây và kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá ao. Rồi đến khi sắn và cây nguyên liệu thu hoạch, anh Tình cùng anh em lãnh đạo UBND xã lại đi tìm đến doanh nghiệp để thu mua sắn cho người dân. Hiện, toàn xã đã trồng 650 ha rừng nguyên liệu, gần 90 ha sắn cao sản, 130 ha ngô lai mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây lúa, bà con đang tích cực nhân rộng thay thế diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả. Hiện nay, bình quân mỗi hộ gia đình ở Xiêng My nuôi từ 3-4 con trâu, bò, lợn và 13 con gia cầm. Thu nhập bình quân 18 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2015.
Được anh Tình giới thiệu, tôi tìm gặp anh Lữ Văn Bạnh, người Noóng Mò, một điển hình về sản xuất giỏi của xã, hiện anh có vài chục ha rừng trồng và sắn cao sản. Anh vui vẻ chia sẻ khi tôi hỏi chuyện: Trước đây, nhà tôi chỉ quen trồng cây lúa, cây ngô địa phương, những năm gần đây được cán bộ xã vận động trồng cây sắn cao sản và trồng rừng, chính anh Truyền Bí thư, anh Tình Chủ tịch xã và cán bộ khuyến nông đến tận nương trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Thế là tôi quy hoạch lại gia trại của mình, bố trí lại cây trồng, vật nuôi, ngoài trồng cây nguyên liệu, tôi tập trung trồng sắn cao sản, ngô lai và trồng cỏ để chăn nuôi gia súc, nhờ đó thu nhập của gia đình cũng khá hơn, nếu trước đây chỉ vài triệu thì bây giờ cũng ngót nghét trên 50 triệu sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất. Hiện, rừng cây nguyên liệu của anh đang phát triển tốt, nếu điều kiện thuận lợi thì dự kiến vài năm nữa cả rừng cây này sẽ thu hoạch nửa tỷ là ăn chắc. Hiệu quả từ cây trồng mới đã rõ, thời gian tới, tôi sẽ vận động thêm nhiều người dân trong xã, bản trồng sắn, ngô lai và cây nguyên liệu để nâng cao thu nhập, xóa đói nghèo – anh Tình quả quyết như vậy.
Qua những câu chuyện, chia sẻ của người dân nơi đây mới thấy, làm công tác dân vận đã khó, làm dân vận ở đồng bào dân tộc vùng sâu xa như Xiêng My này lại càng khó hơn. Chỉ khi người cán bộ thực sự có tâm, có tầm và được lòng dân thì mới thay đổi được những điều tưởng chừng như không thể. Cách mà lãnh đạo xã Xiêng My phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng đi đầu trong việc xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, thay đổi tập quán sản xuất, đưa các loại cây, con mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao đời sống, thay đổi diện mạo cuộc sống vùng đất vốn được coi là heo hút này. Minh chứng rõ nhất cho sự đổi thay nơi đây thể hiện qua những con số, nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo 65% thì đến năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 33%. Xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế năm 2017, hiện nay cả xã đạt 10/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tăng gấp 2 lần so với năm 2015, có 1 bản đạt 13/15 tiêu chí, 4 bản đạt 9/15 tiêu chí, 2 bản đạt 8/15 tiêu chí.
Xiêng My hôm nay đang thay da đổi thịt, tại khu vực trung tâm xã - bản Phẩy với những mái nhà sàn lợp ngói vẫn giữ được nét độc đáo của văn hóa Thái, cạnh đó đó là trường Mầm Non, Tiểu học và Trạm y tế đã được kiên cố hóa, có điện lưới, có sóng điện thoại di động, 100% hộ gia đình có ti vi… cuộc sống của người dân đã sôi động hơn hẳn trước đây. Đi đâu cũng nhận thấy niềm vui của bà con khi có điện thắp sáng, có ti vi để xem, có nước sinh hoạt đến tận nhà, nhà nào cũng có xe máy, vài nhà có xe ô tô. Chia tay Xiêng My, chia tay anh Truyền, anh Tình - những thủ lĩnh nông dân đã làm thay đổi diện mạo của xã Xiêng My, tôi mong rằng tấm gương của hai anh sẽ được nhân lên ở nhiều nơi để góp phần đổi thay cuộc sống đồng bào các dân tộc huyện Tương Dương./.
Tương Dương, tháng 6 năm 2020
Vi Hợi
Hội LHVNNT Nghệ An
Số 6, Đào Tấn, thành phố Vinh