Vừa qua, tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ Chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Nghệ An đi thực tế ba huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Những cánh rừng, ruộng nương xanh mướt dọc theo quốc lộ Bảy vào tận trong núi đồi, thung lũng miền biên viễn hiện hữu trước mắt khiến cho tâm hồn rạo rực, xua đi nỗi bức bối của cái nắng nóng kéo dài hơn hai tháng nay.
Điện , đường , trường, trạm là bốn tiêu chí vô cùng quan trọng đánh giá sự đổi mới phát triển của vùng cao, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào các dân tộc cơ bản được giải quyết làm cho diện mạo của núi rưng, làng bản sáng sủa hẳn lên. Ấn tương nhất đối với tôi là những người phụ nữ dân tộc ở các bản vùng sâu . Có lẽ nhiều năm sống ở huyện miền núi rẻo cao Tương Dương, đi hầu khắp các xã vùng trong vùng trên, tâm trí tôi bị ám ảnh bởi cái gùi dính chặt sau lưng họ. Những cái gùi - tiếng Mông gọi là lù cở - nặng trĩu sắn, lúa, mác tánh( dưa), bầu bí hoặc măng, củi - có những gùi củi cao vượt đầu – theo bước chân chị em trèo đèo lội suối, dài theo con đường gập ghềnh xuống bến, xuống chợ. Chỉ khi bước lên cầu thang nhà sàn cái gùi mới rời khỏi lưng. Đó cũng là lúc mặt trời lặn, lợn gà lục tục về chuồng. Cái gùi nghỉ nhưng chị em vẫn phải làm việc. Nào xuống suối vác bương nước về thổi cơm, ăn xong chong đèn giã gạo, ủ rượu cần… Mờ sáng đã dậy nấu cám lợn, nhuộm sợi dệt thổ cẩm rồi lại cất gùi lên vai vào rừng lấy măng lấy củi, xuống suối xúc cá, mò rêu …
Bước vào đổi mới, nhiều chủ trương chính sách, dự án hỗ trợ đồng bào các dân tộc được thực thi nhưng không phải trao con cá mà trao chiếc cần câu; song hành với nó là chủ trương đóng cửa rừng, bảo vệ tài nguyên rừng. Thực là cơ hội lớn nhưng cũng thách thức không nhỏ đối với vùng dân trí còn thấp xưa nay quen sống nhờ rừng, dựa vào rừng, phương thức sản xuất còn theo kiểu tự cung tự cấp. Thế mà hôm nay tôi cảm thấy cái gùi không còn dính chặt vào vai chị em, có chăng cũng theo thời khắc cần thiết nhưng không trĩu nặng mà có vẻ nhẹ nhàng thoải mái. Thay vào đó, những chiếc gùi được đặt trong các tiệm tạp hóa với chức năng đựng hàng dọc các con đường liên bản, liên xã được rải nhựa hoặc thảm bê tông. Vào trong bản Xiềng, xã Môn Sơn, Con Cuông tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những “ bóng hồng” y phục thổ cẩm ra vào, lên xuống cầu thang ở cái homestay( nhà nghỉ gia đình) nhà sàn mỹ quan, bề thế. Họ là con gái trong bản làm nhân viên phục vụ khách du lịch. Nghệ nhân ưu tú Lê Hoàng, người trong huyện vừa là thành viên vừa là hướng dẫn viên của đoàn bảo: “Các em phục vụ chu đáo, giao tiếp rất chuẩn. Du khách cần giao lưu văn nghệ tức khắc biến thành nghệ sĩ múa hát cực giỏi. Chị em bà tui đổi mới hòa nhập kinh tế thị trường khiếp lắm. Trưa nay, các anh các chị sẽ được thưởng thức các món ăn độc đáo lạ mà ngon do chị em hậu cần nhà bếp chế biến. Chắc các vị phải cho điểm 10…” . Ngồi thuyền máy lướt trên dòng sông Giăng trong xanh đến bãi tắm rộn ràng khách thập phương, buông mình xuống dòng nước trong xanh mát rượi tôi càng thấm thía lời anh nói và thêm tâm đăc những ý kiến trao đổi của lãnh đạo xã với đoàn trong cuộc gặp mặt sau bữa trưa “điểm 10” tại homestay đó: “ Bên cạnh phát triển các nghề mới như kinh doanh dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, du lịch cộng đồng chúng tôi quan tâm giữ vững phát huy ngành nghề truyền thống làm ruộng nước, trồng chè và các cây đặc sản, chăn nuôi gia súc gia cầm. Thành lập Hợp tác xã rượu men lá( có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa bệnh), dệt thổ cẩm. Năm 2017, bản Xiềng được tỉnh công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm…”
Vào bản Đoọc Búa xã Tam Thái , Tương Dương – xã Nông thôn mới – bước qua cây cầu bê tông, lan can sắt sơn trắng bóng, tôi sững sờ trước đầm sen tỏa hương ngan ngát, dài hàng trăm mét dọc theo đường . Tiếp đến là vườn ổi lớn, cây lúp xúp như cây cà phê mà trái trĩu cành. Những “bóng hồng” khuất trong cây; tiếng đàn tiếng hát từ đài catsec vẳng ra. Thật lý thú, lãng mạn ! Nếm trái ổi vỏ mỏng mịn ngọt thơm, dường như không có hạt cô gái mang ra mời, cả đoàn ai cũng tấm tắc khen ngon; mấy chị em nghệ sĩ cân luôn cả bì mang về xe, tôi nhớ tới lời bí thư Đảng ủy Lô Văn Huy trao đổi với Đoàn tại trụ sở xã trước lúc chúng tôi xuống trải nghiệm: “ Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Công ty lâm nghiệp, Tam Thái những năm gần đây đã và đang phát triển mạnh các loại cây nguyên liệu giấy, cây lấy gỗ như mét, keo, xoan, lát hoa...Trên 400ha rừng trồng, hơn 100ha lúa ruộng, 2ha rau xanh, 3 ha chuối tiêu hồng; có hai thứ cây ăn quả là bưởi và ổi nhân giống nước ngoài thơm ngon đặc biệt rất được thị trường ưa chuộng tạo nên bức tranh xanh tươi sáng sủa của kinh tế nông lâm nghiệp trên mảnh đất miền Tây này…”
Đêm rượu cần giao lưu văn nghệ chào mừng đoàn được tổ chức trước sân trường Trung học cơ sở Tam Thái, ngôi trường hai tầng khang trang bề thế, trang bị đầy đủ bàn ghế, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa, máy vi tính…khác xa cái ngày tôi làm anh giáo dạy trường cấp 3 rồi chuyển sang làm cán bộ phòng giáo dục huyện, không ít lần xuống đây làm việc. Đặc biệt, đội ngũ thầy cô giáo từ hiệu trưởng đến giáo viên, lực lượng nữ chiếm quá nửa. Đêm nay, tất cả như hóa thân thành nàng ủa, nàng căm trong bộ y phục dân tộc tươi rói . Dường như ai cũng hát hay, múa dẻo những bài ca điệu múa không ồn ào, náo hoạt mà có men, có lửa của vùng cao.
Rượu cần được bưng ra từ chiếc gùi đan kỳ công. Lòng tôi trào lên niềm xúc động. Nó đấy, cái lù cở gắn chặt trên vai người phụ nữ vùng cao đấy! Bao nhiêu đổi thay trong cuộc sống, sinh hoạt; bao nhiêu phương tiện làm việc, lao động sản xuất, chuyên chở hiện đại người ta vẫn cần đến nó, không rời bỏ nó. Bởi nó không chỉ là phương tiện vật chât, mà còn là giá trị tinh thần to lớn, là bản sắc văn hóa truyền thống người miền núi. Hình ảnh người phụ nữ dân tộc mang chiếc gùi sau lưng thể hiện cái bản chất chịu thương chịu khó, cần cù siêng năng, hiền lành giản dị mà kiên cường mạnh mẽ. Có lẽ nó đã trở thành thói quen, tập quán, một tập quán không hề lạc hậu mà là thuần phong mỹ tục; người ta cải tiến trang điểm cho phù hợp với yêu cầu cuộc sống hôm nay để nó vẫn có ích, chung thủy vớí chị em phụ nữ vùng cao.
ĐINH THANH QUANG