NGÀY XUÂN NGHE CHUYỆN LÀNG MỎ

Đăng lúc 05:17:12 12/01/2022

Xuân Nhâm Dần này, những người công nhân mở than Khe Bố chưa thoát khỏi khó khăn bởi hòn than nay làm ra khó bán. Mặc dù vậy, nhà nhà thợ mỏ vẫn ấm ngọn lửa hồng, bữa cơm ngày Tết vẫn cần đủ hương vị: bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành,… và người người vẫn vững niềm tin “Xuân mới - Niềm vui mới”. Với những tín hiệu vui ở Làng Mỏ (Tam Quang) ngày Tết, trời như gieo mầm cho đất, chồi xanh rung rinh trong gió, điềm lành “khổ tận cam lai”. Niềm vui hiển hiện trên gương mặt của người dân làng hưu mỏ, từ chị bán hàng tạp hóa ở đầu làng cho đến bác công nhân già đang chăm mảnh vườn con ngày trước sân nhà.

Cụm cờ mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần vừa mới dựng lên cạnh sân bóng đá

          1. Ký ức tìm về

          Ngày đầu xuân Nhâm Dần tôi đến thăm ông Đặng Xuân Hòe, nguyên Bí thư Đảng ủy mỏ than Khe Bố (xã Tam Quang, huyện Tương Dương). Ông là một trong số ít người đến vùng mỏ này từ những ngày đầu còn ở lại trên đất mỏ, nay đã cập kề tuổi 80, ít rượu bia, chuẩn bị đón xuân có khách quý đến chơi nhà thì hứng khởi uống dăm chén cho thơm miệng, ấm lòng. Một chai rượu thuốc, một đĩa nem thính, một đĩa giò lợn bà tự làm, một ít rau thơm vừa hái trong vườn cũng đủ cho câu chuyện của chúng tôi thêm rôm rả. Trong man mác hơi men tiết xuân, người thợ mỏ già này như được đánh thức lại những kỷ niệm xưa.

Ngày tết, đường làng điện sáng lung linh

          Đó là những năm tháng khu mỏ bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá ác liệt, công nhân xí nghiệp phải đi sơ tán đến Bãi Mét, bản Phai và bản Khằm để ở. Dù bom Mỹ đánh phá ác liệt, song giờ làm và công suất làm việc vẫn đảm bảo. Năm 1968, lần đầu tiên Xí nghiệp khai thác được 3 vạn tấn than/năm, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông Hòe kể "Đầu những năm 70 của thế kỷ XX công nhân vẫn phải sống trong những căn nhà tập thể, chật chội bởi bởi công nhân không dễ có tiền, có đất để tự làm nhà ở".

          Im lặng, nhìn ra ngoài sân, phía bên kia mảnh vườn nhà ông, nhà nối nhà san sát. Ông Hòe, ngập ngừng giây lát, hốc mắt chân chim, nheo nheo, chả biết vui hay buồn: Thổ đất này, vốn là bãi bồi ven sông. Con sông Lam mùa lũ, nước xiết thường gây sói lớ. Ngay từ ngày đầu thành lập mỏ, lãnh đạo xí nghiệp đã có ý tưởng biến khu đất này thành một làng thợ mỏ. Ý tưởng ấy đã trở thành hiện thực. Những công nhân mỏ đưa vợ con lên đây hay những thợ mỏ mới lập gia đình đã rời căn nhà tập thể chật chội vào rừng chặt gỗ, chặt tre dựng nhà. Năm tháng qua nhanh, những mái nhà tranh năm xưa dần hóa nhà xây, mái ngói mọc lên, có cả vườn tược, thợ mỏ tan ca về nhà tăng gia, trồng trọt, mùa nào thức ấy cải thiện bữa ăn. "Chuyện ấy, giờ nghe là bình thường, nhưng ngày đó dựng được ngôi nhà, dù chỉ là mái nhà tranh thôi cũng đủ cực và mất vài tháng trời. Bởi chờ tan ca người thợ mỏ mới tranh thủ vào rừng gom gỗ, tre, nứa, gom đủ vật liệu lại tay choòng, tay cuốc, đôi vai, sức người đào đất, san nền"- ông Hòe bộc bạch.

Người dân Làng Mỏ góp tiền, góp công bê tông đường làng để kịp đón tết Nhâm Dần

Đội bóng chuyền nữ Làng Mỏ tham gia Đại hội TDTT xã Tam Quang

          Ông Nguyễn Đức Hạnh, nguyên Phó Giám đốc xí nghiệp, nay hưu trí ở thành phố Vinh, những năm trước ông đều ăn tết ở Vinh, xuân này vì lý do đặc biệt, ông lại trở về Làng Mỏ vui xuân, đón tết cũng những người bạn thợ già. Và những câu chuyện lâu nay ông vẫn cất giữ mãi đến xuân này mới tiết lộ: "Cũng có một thời, lãnh đạo mỏ than Khe Bố lục đục mất đoàn kết, tôi phải làm người trung gian đứng ra hòa giải, mãi không xong, cực chẳng đã phải báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện ủy, sự bất đồng mới tạm lẵng xuống, những người trong cuộc tránh khỏi cái án kỷ luật đảng. Chuyện cũ, xuân mới nghe mà cười đến rơi nước mắt vì xúc động".

          Làng Mỏ nơi an cư của những người thợ mỏ kể cả những người đang miệt mài bám bụi ở dưới hầm sâu và những người đã nghỉ hưu, làng có 183 hộ với 685 nhân khẩu. Dạo quanh Làng Mỏ, 183 hộ, 183 căn nhà đủ kiểu, từ những mái nhà cũ kỹ thuở bao cấp đến những mái nhà cấp 4, nhà 2 tầng được xây dựng kiên cố, với kiểu dáng hiện đại, nhà nhà có khuôn viên, kiểu cách tân thời, hiên tây máng thượng, mái ngói, mái tôn tươi rói. Nổi trội giữa vùng than còn nhiều dấu tích của những mái nhà xưa cũ, như nhà văn hóa công nhân, nhà bếp, nhà ăn, nhà khách, nhà trẻ,…nơi còn lưu lại những thăng trầm của mỏ than Khe Bố. Nhà văn hóa công nhân đã từng được sử dụng làm nơi tổ chức Đại hội đại biểu đảng bộ huyện Tương Dương.

          "Người dân Làng Mỏ còn nhớ, mỗi khi hay tin đội chiếu bóng lưu động của huyện đến mỏ chiếu phim ngoài trời, chưa tắt nắng người người đã rục rịch ra sân, giải chiếu, xếp gạch xí chỗ ngồi xem. Có lần sắp đến giờ chiếu phim thì trời bất chợt đổ mưa, phải hoãn, bao người thất vọng. Từ ngày làng mỏ có nhà văn hóa công nhân như được đổi đời, phim chiếu trong nhà, không phụ thuộc thời tiết nữa, thậm chí có thể chiếu cả ban ngày"- ông Hạnh trầm ngâm kể lại.

          Ông Nguyễn Đức Hạnh về mỏ than Khe Bố năm 1969, khi đó mới 23 tuổi, với năng lực của mình ông được lãnh đạo xí nghiệp phân công phụ trách kỹ thuật. "Vì thế kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi về đất mỏ là những ngày đêm cùng anh em thợ lò bám bụi trong lòng đất để cho ra những mẻ than mới vừa đảm bảo an toàn vừa phải tăng năng suất". Ngày đó, ông Hạnh không chỉ đưa kỹ thuật mới vào khai thác than ở lò sâu mà ông đem cả niềm đam mê đá bóng từ thời sinh viên đến làng mỏ. Thời đó, ông từng là trung phong số một của đội bóng đá mỏ than Khe Bố, có ông phong trào bóng đá ở làng mỏ này từ các cháu học sinh đến các nam thanh niên, trung niên nổi như cồn. Họ lấy bóng đá làm niềm vui sau mấy tiếng bám bụi ở dưới hầm. Hồi đó, các đội bóng mỏ than Khe Bố từ trẻ đến già, cứ đá đâu là thắng đó. Ông Nguyễn Đức Hạnh nhớ lại, cuối những năm 80 của thể kỷ XX, thời ông Viễn về làm Giám đốc "Đó là người giám đốc có tài và rất năng động. Thời đó, để tăng năng suất lao động và nắm được tâm lý của công nhân, ông cho mua xe đạp, đài cassette nào là Sharp, JVC, Natinonal để bán đổi sản phẩm với công nhân. Thời ông Viễn làm giám đốc, làng mỏ trở nên nhộn nhịp, ngày đêm sôi động tiếng nhạc được phát ra từ những chiếc loa đài cassette đủ kiểu từ National, JVC đến Sharp…Năm 1993, ông Hạnh được bổ nhiệm Phó giám đốc kỹ thuật, năm 2003 trong một lần cùng anh em trong tổ kỹ thuật đi kiểm tra lò thì gặp sự cố, ông bị thương, sau đó một năm ông nghỉ hưu ở tuổi 58.

          2. Làng thợ, làng thầy

          "Làng Mỏ xã Tam Quang, ký ức ban đầu là như vậy, nay đã thay màu áo mới"- anh Lê Văn Vỹ- Bí thư chi bộ Làng Mỏ vui vẻ khoe. "Làng Mỏ nay đã là đơn vị văn hóa, cuộc sống bây giờ đã khấm khá hơn xưa rất nhiều, hàng năm thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng, cả làng có 183 hộ đã có 41 hộ mua ô tô riêng, trong đó có 7 gia đình mua ô tô tải". Ngồi trong bếp, vợ ông Hòe nói vọng ra, "Bây giờ người ta còn gọi làng này là "làng thợ, làng thầy" đấy chú ạ. Anh Lê Văn Vỹ tiếp lời vợ ông Hòe "Quả đúng vậy làng này vừa có thợ, vừa có thầy, ngoài những người thợ mỏ, làng này còn có trên 100 giáo viên, gần như nhà nào cũng có ít nhất 1 người là giáo viên. Mà bây giờ con em Làng Mỏ học rất giỏi, nhiều em là học sinh giỏi tỉnh đấy".

          Đi trên những con đường làng đã được bê tông hóa, sạch sẽ, hai bên là những khóm rau xanh, khóm hoa đang khoe sắc trong nắng xuân ấm áp càng thấy rõ hơn sức sống mới của Làng Mỏ. Anh Hoàng Bá Huyên- trưởng làng cho hay: "Có được những con đường như thế này là nhờ địa phương hỗ trợ xi măng, còn Ban quản lý làng huy động sự đóng góp của người dân, kể cả những con em Làng Mỏ ở xa quê, có năm vận động được cả trăm triệu dồng. Có đường đẹp, chúng tôi lại vận động toàn dân trồng rau xanh, trồng hoa hai bên đường để tô đẹp thêm cho những con đường làng". Quả thật, Làng Mỏ bây giờ đẹp như phố. Bí thư chi bộ Lê Văn Vỹ nói thêm "Để chuẩn bị đón tết Nhâm Dần, ngoài việc vận động bà con tích cực, chủ động phòng, chống dịch Covid 19, Ban quản lý còn vận động bà con góp sức lực, tiền của để sửa lại sân vận động, cụm cờ "Đại đoàn kết", cổng làng. Hiện nay, Ban quản lý đã có sẵn chương trình vui xuân, đón tết đảm bảo trong điều kiện phòng, chống dịch Covid. Ban quản lý đã tổ chức gặp mặt các cụ cao niên, những người có công đầu dựng làng, gặp mặt học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi, đi thăm hỏi các gia đình chính sách,…còn phần hội xuân, sẽ tùy cơ ứng biến, nếu dịch lắng xuống sẽ tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao còn nếu dịch căng quá thì phải dừng thôi"

Nhân dân Làng Mỏ đang xây tường rào xung quanh sân vận động

          Xuân mới, Làng Mỏ đổi thay, người vùng than không quên ký ức về một làng mỏ than Khe Bố vắt vẻo dưới chân núi. Và càng không quên những người đi trước đã có công khai sơn lập bản. Những cán bộ, thợ mỏ và cả những thầy cô giáo ngày nay của mỏ than Khe Bố đang kế nghiệp lớp lớp cha anh, tiếng thơm để lại, xây dựng làng văn hóa, mỗi ngôi nhà thợ mỏ là một công trình tiện nghi, xây dựng đẹp, vẽ lại bức tranh Làng Mỏ ở miền Tây xứ Nghệ.

Làng Mỏ, xuân Nhâm Dần 2022

Vi Hợi

Địa chỉ