Ngày Rằm tháng giêng năm 2003, lá cờ Thơ đã được kéo lên từ dưới sân gác Khuê Văn trong Văn miếu Hà Nội để tôn vinh vẻ đẹp, vẻ sáng của nghệ thuật ngôn từ, lắng kết tinh huyết và tinh hoa của thi nhân đất Việt. Từ thời điểm ấy vầng trăng có thể coi là vầng thơ Việt Nam vì Ngày Thơ là ngày Bác Hồ viết nên thi phẩm Nguyên tiêu.
Bài thơ nổi tiếng này ra đời năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc. Đó là một thời điểm lịch sử đặc biệt, gắn với thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Song điều đặc biệt hơn, Nguyên tiêu lại là bài thơ viết về ánh trăng, đối tượng thẩm mĩ đặc trưng của thơ ca phương Đông.
Trong thơ ca xưa, trăng thường là tín hiệu để các nhà thơ bộc bạch tâm tình, gửi gắm suy tư về cuộc đời. Ánh trăng sáng lạnh đầu giường khiến thi tiên Lí Bạch cồn lên những đợt sóng lòng nhớ quê da diết: Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương. Ánh trăng thanh khiết, trong veo gợi khát khao bay tới cõi thần tiên sáng láng trong thơ Nguyễn Trãi: Đêm qua trăng sáng trời tựa nước/ Chiêm bao cưỡi hạc tới tiên cung. Nhưng chưa bao giờ ta thấy hình ảnh trăng rằm tháng giêng với ý niệm về thời gian mùa xuân như trong bài thơ Nguyên tiêu của Bác:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Nhà thơ Xuân Thuỷ dịch:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
Hai dòng thơ đầu đã bao quát được cả không gian rộng lớn, từ dòng sông, mặt nước lên đến bầu trời. Trong đó, nhân vật chính của đêm rằm, vầng trăng tiết xuân đầu, hiện lên ở độ chính viên, vừa chín nên đầy đặn, căng tràn và sáng lên lấp lánh. Bằng một nét bút mềm mại, bức tranh thuỷ mặc đêm rằm tháng giêng được nhà thơ vẽ nên thật đẹp và sinh động: Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên. Dòng sông trên chiến khu Việt Bắc trở thành dòng xuân, mặt nước trăng soi ngời sáng ánh xuân, bầu trời thiên thanh thành màu trời xuân. Xuân không chỉ là danh từ chỉ khái niệm thời gian mà còn như là tính từ chỉ màu sắc non tơ, trong biếc và gợi sức sống dâng trào mãnh liệt của đất trời vũ trụ. Ba chữ xuân vừa gợi sắc, đẹp hình trong nét bút tài hoa của người nghệ sĩ lại vừa làm cho cảnh vật gắn bó, thống nhất trong một chỉnh thể của bức tranh xuân đất nước.
Hai dòng thơ sau, ý thơ có sự chuyển mạch thật bất ngờ, độc đáo. Yên ba thâm xứ - nơi tận cùng của khói sóng, vừa kín đáo vừa yên tĩnh, những người lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đang bàn việc quân, nửa đêm trở về trăng sáng đầy thuyền. Ta thấy như còn phảng phất đâu đây cái khói sóng nghìn xưa gợi nỗi sầu li biệt trong thơ Thôi Hiệu: Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai hay cả nỗi đau tuyệt vọng của một tài tử bế tắc trước cuộc đời trong thơ Cao Bá Quát: Cuộc đời lên xuống anh đừng hỏi/ Sâu trong khói sóng một con thuyền. Nhưng chỉ bằng ba chữ đàm quân sự, Bác đã tài tình đưa cảnh chiến khu tựa cõi thần tiên, thoát tục trở về đời thực với việc quân, việc nước vô cùng trọng đại trước mắt. Thiên nhiên và cách mạng, mơ và thực hoà chung trong một con thuyền: Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền. Vị tổng tư lệnh vừa bàn chuyện quân cơ quốc kế bỗng chốc lại trở thành tiên ông ung dung trên con thuyền ăm ắp ánh trăng. Con thuyền kháng chiến đầy ánh sáng ấy được Người chèo lái đang lướt giữa vùng trăng chan hoà của núi non, mây trời, sông nước đất Việt. Đó là ánh sáng đổ xuống từ bầu trời, ngời lên từ khoang thuyền cũng là ánh sáng toả ra từ trí tuệ và tâm hồn Bác. Tất cả như soi rọi, ứng chiếu vào nhau để cùng lung linh, thanh khiết, trong ngần.
Thế giới nghệ thuật của Nguyên tiêu có thể nói gọn bằng một chữ hài hoà. Đó là sự hài hoà giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại, giữa hình tượng chiến sĩ và thi sĩ trong con người Hồ Chí Minh. Vẻ hài hoà này tạo nên chiều sâu thẩm mĩ đích thực, khiến thi phẩm mãi mãi lay động và vẫy gọi niềm đồng cảm sâu xa ở nhiều thế hệ độc giả.
Nguyễn Văn Trung
Trường PTDTNTTHCS Tương Dương