Trong nền văn học Việt Nam, ta biết tới ông hoàng Xuân Diệu với những vần thơ tình nồng nàn, đắm đuối. Trên thế giới, ta làm sao quên được bản tình ca nổi tiếng “Tôi yêu em” của Puskin. Suốt cả cuộc đời cầm bút, có rất nhiều nghệ sĩ theo đuổi giấc giấc mơ tìm hiểu, cắt nghĩa tình yêu. Và giữa biết bao chông chênh của cuộc đời, ta lại vô tình va vào tiếng thơ gần gũi, giản dị mà thiết tha, sâu sắc của thi sĩ Xuân Quỳnh. Một trong những tác phẩm nổi tiếng không thể không nhắc đến của chị là “Sóng” – bông hoa nở dọc chiến hào. Hiện lên trên từng trang thơ là nỗi khát vọng tình yêu mãnh liệt của nhân vật trữ tình. Tiêu biểu nhất là ở 3 khổ thơ sau:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tớ bờ
Dù muôn vời cách trở…
Người nghệ sĩ trong văn chương bao giờ họ cũng sống bằng hình tượng. Một tác phẩm có để lại dấu ấn trong lòng người đọc hay không phụ thuộc vào hình tượng nhà thơ xây dựng trong tác phẩm. Đó là đứa con tinh thần mà người nghệ sĩ hết lòng tâm đắc, dành tất cả tài năng và sự sáng tạo của mình. Bởi lẽ, đằng sau đó là cả một nỗi niềm khát khao, một bức thông điệp mà tác giả muốn giải bày, gửi gắm tới độc giả. Và Sóng không nằm ngoài quy luật ấy, nhà thơ Xuân Quỳnh đã sáng tạo “sóng” vừa chân thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng cho nỗi khát vọng tình yêu của người con gái. Đứng trước bao hạnh phúc, bao lo toan đời thường, tâm hồn người phụ nữ cũng giống như những đợt sóng lúc dồn dập, mãnh liệt, sôi nổi, lúc lại hồn nhiên, ý nhị, sâu xa. Và “Sóng” cứ thế đi vào lòng độc giả như những “nốt nhạc xanh giữa thời kỳ lửa cháy” với bao khát vọng tình yêu tuổi trẻ.
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nổi bật của thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ chị là tiếng lòng nhân hậu, thủy chung, nhiều trắc ẩn và tha thiết khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. Đó cũng là tiếng thơ của một trái tim phụ nữ giàu cảm xúc, đầy lo âu, sợ hãi. Bởi vậy, “đọc thơ Xuân Quỳnh, người ta không có cảm giác như tác giả cố ý làm thơ”, thơ chị tự nhiên, nhẹ nhàng, là tiếng nói chân thật từ sâu thẳm tâm hồn,… Và “Sóng” là thi phẩm tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh được viết vào năm 1967 trong một chuyến đi ở biển Diêm Điền. Xuân Quỳnh viết “Sóng” như chị đang hát những khúc hát về tình yêu để đến bây giờ biết bao thập kỷ trôi qua, độc giả vẫn dành tình yêu dạt dào cho “mảnh thơ đã cũ”. Và chắc chắn, tình yêu trong “Sóng” mãi là khát vọng tình yêu của tuổi trẻ:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.
Có một điều đặc biệt trong khổ thơ này là biên độ của khổ thơ được mở rộng từ bốn câu lên 6 câu, phá vỡ những quy luật về độ dài của một khổ trong cả bài. Phải chăng, chỉ khi mở rộng biên độ mới có thể diễn tả cho thỏa, cho đạt sự ngút ngàn của nỗi nhớ! Hai câu thơ “Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước” với hình thức điệp cấu trúc cùng nghệ thuật đối “dưới lòng sâu/ trên mặt nước” tạo sự trùng điệp của những con sóng với nhiều dạng khác nhau. Có con sóng đang cuộn trào mạnh mẽ trên đại dương, có con sóng đang gầm gào dữ dội dưới lòng biển. Con sóng ngầm bao giờ cũng mãnh liệt hơn cả! Điệp từ “con sóng” được điệp liên tiếp ở ba dòng thơ như đang nhấn mạnh sự thổn thức, nôn nao vì nhớ bờ. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi lòng của người con gái khi yêu. Sóng là em – em là sóng. Cũng như con sóng kia, tâm hồn em cũng đang thổn thức, nhớ thương. Lúc lặng lẽ, êm đềm, khi lại nồng nàn dữ dội nhưng thế nào thì em vẫn mãi là em, vẫn mãi ôm nỗi nhớ thương không dứt. Ta tìm về cõi sâu kín nhất của tâm hồn thi sĩ chưa bao giờ “nguội yêu”. Xuân Quỳnh sử dụng ngôn từ tự nhiên, mộc mạc nhưng lại có sức chuyển tải lớn “không ngủ được”. Sóng muôn đời vẫn thế, dù lặng yên dưới đáy biển hay dữ dội trên mặt nước có bao giờ thôi khát khao tìm đến bờ. Nó bất chấp tất cả thời gian ngày đêm để tìm về bờ.
Đó cũng là nỗi niềm khao khát muôn đời của thi sĩ Xuân Quỳnh. Nỗi nhớ thương chiếm trọn cả tiềm thức, nồng nàn và đắm say như đang thôi thúc chị đi tìm người yêu! Nhân vật trữ tình có thể vượt qua muôn trùng khó khăn, trắc trở cho thỏa mãn nỗi lòng nhớ thương. Bởi thế, nỗi nhớ là sắc màu, hương vị của tình yêu như Xuân Diệu từng nói:
“Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ, không thương một kẻ nào”
Viết về nỗi khát khao trong tình yêu thì có vô vàn nhưng có nhà thơ nào diễn tả sâu sắc mà mãnh liệt đầy cảm xúc như Xuân Quỳnh.:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.
Xuân Quỳnh tinh tế lắm khi sử dụng cụm từ “lòng em” – là nơi thẳm sâu nhất trong tâm hồn người nghệ sĩ. “Lòng” là kết tinh của tình cảm được chưng cất trong một thời gian dài qua biết bao thử thách. Khi chị viết “Lòng em nhớ đến anh” có nghĩa là đang dốc cả tâm can của mình để trao gửi yêu thương. Câu thơ sao mà giản dị, chân thành mà nồng nàn đến thế! Nếu sóng nhớ bờ cả ngày lẫn đêm thì em nhớ anh “cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ không chỉ có trong ý thức mà cả trong tiềm thức- trong mơ. Cái thức trong mơ ấy là một khám phá nghệ thuật độc đáo đưa chúng ta đến với một góc nhìn mới mẻ hơn về tình yêu và nỗi nhớ! Đồng thời, còn mang một ý nghĩa sâu sắc hơn cả là người phụ nữ yêu không chỉ thức để nhớ mà còn thức để mà còn vì những lo âu, thức để suy nghĩ, muốn giữ tình yêu không muốn nó vượt qua tầm tay. Với một người chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn trong tình cảm thì nỗi niềm mong mỏi ấy càng lớn lao và ý nghĩa hơn cả bởi tình yêu là khát vọng muôn đời của nhân loại. Và dưới ngòi bút Xuân Quỳnh, nó lại trở nên bồi hồi, xao xuyến hơ thảy! Trái tim nhỏ bé, tội nghiệp của người phụ nữ ấy đã phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả vẫn luôn khao khát được yêu, thủy chung và được đền đáp trong tình yêu:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Nghĩ về anh một phương”.
Điệp từ “dẫu” ở mỗi câu thơ như một sự khẳng định, chắc nịch cho tình cảm sắt son vượt qua gian nan, thử thách. Phép đối “dẫu xuôi – dẫu ngược”, “phương Bắc – phương Nam” kết hợp với cách nói ngược “xuôi Bắc – ngược Nam” được sử dụng rất tài tình. Sự khác biệt ấy hình như đã hàm ẩn sâu xa những éo le trắc trở trong tình yêu của nhân vật trữ tình. Nhưng “dẫu” có ra sao thì bản lĩnh của người phụ nữ trong tình yêu vô cùng kiên cường:
Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”.
Xuân Quỳnh đã có một quan niệm tình yêu rất đẹp: Khi tình yêu vượt qua những gian nan thử thách thì tình yêu càng đẹp, càng bền chặt. Người phụ nữ không cần biết xuôi Bắc hay ngược Nam vì dù có ra sao thì xuôi ngược cũng chỉ để tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc. Xuân Quỳnh đã buộc chặt “bao sợi nhớ, sợi thương” “về phương anh”. Với người phụ nữ khi yêu thì vũ trụ này chia hai phương: phương có anh và không có anh. Lời khẳng định chắc nịch “hướng về anh một phương – phương anh” một lần nữa khẳng định tình yêu của chị nồng nàn, tha thiết, thủy chung thế nào. Anh trở thành hệ quy chiếu trong cuộc đời cô gái ấy. “Có không gian nào dài hơn chiều dài nỗi nhớ, có khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình yêu…”. Tình cảm ấy thật mãnh liệt, táo bạo bởi mấy ai đủ can đảm cất lên tiếng lòng thủy chung, son sắt của mình. Nữ sĩ đã phá vỡ bức tường thành phong kiến trong tình yêu của người phụ nữ mà cất lên tiếng lòng của niềm khát khao, mong chờ một tình yêu nồng nàn, trọn vẹn, hạnh phúc.
Càng về sau, giọng thơ của chị không còn phơi phới, bốc men say nữa, nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn mãi tồn tại trong trái tim giàu yêu thương của chị:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Xuân Quỳnh tiếp tục mạch cảm xúc của mình bằng cách trả lời câu hỏi ám ảnh trong lòng bạn đọc mỗi khi khép lại trang thơ của chị: “Liệu con sóng có thể tìm tới bờ hay không?”. Ở ngoài kia đại dương, hàng trăm ngàn con sóng đang ngày đêm vượt qua giới hạn không gian để trở về vòng tay yêu thương của bến bờ. Nữ sĩ Xuân Quỳnh đã rất tài tình khi sử dụng cấu trúc đảo khi nói về cái kết của tình yêu. Theo lẽ thường, “Dù muôn vời cách trở/ Con nào chẳng tới bờ” nhưng Xuân Quỳnh lại đảo ngược khiến niềm tin sâu sắc mà có chút mong manh, bất ổn! Ý nghĩa ấy càng thôi thúc chúng ta muốn hướng về tình yêu, phải vượt qua cạm bẫy của cuộc đời. Ý thơ như một lời nhắc nhở đừng bao giờ mất niềm tin vào tình yêu song cũng đừng quá ảo tưởng, dễ dãi. Cũng như Xuân Quỳnh, một người đã đi qua sóng gió nhưng trái tim chị vẫn không ngừng tin tưởng và khát khao về tình yêu trong cuộc đời này. Đó dường như là những lời an ủi bản thân chị vào một tình yêu vĩnh hằng. Tuổi trẻ vốn có trái tim dạt dào, đa cảm và rạo rực yêu thương. “Chẳng có gì ngọt ngào bằng nửa sự ngọt ngào của tình yêu tuổi trẻ”. Nhịp đập trái tim Xuân Quỳnh vẫn luôn rạo rực, khát khao như nhịp của những con sóng - mãi tìm đến bờ vì một tình yêu son sắt.
“Sóng không chỉ là một thi phẩm gây xốn xang cho nhiều thế hệ độc giả. Sóng không chỉ là biểu trưng của một hồn thơ chưa bao giờ nguội yêu. Sóng còn là nguồn sống, nguồn năng lượng mà người thi sĩ tài năng ấy đã truyền cho thế hệ sau qua những vần thơ da diết của mình. Đó là nhịp sóng của tình yêu, của khát vọng luôn ngự trị trong trái tim và tiềm thức của người phụ nữ. Và sẽ không quá lời khi khẳng định rằng, Xuân Quỳnh là nữ sĩ viết thơ tình hay nhất Việt Nam! Trước Xuân Quỳnh đã có một Hồ Xuân Hương khao khát hạnh phúc mãnh liệt trong xã hội phong kiến đầy bất công hay một nỗi niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn của người chinh phụ. Nhưng đến Xuân Quỳnh, ta lại có một cảm nhận rất đặc biệt về khát vọng tình yêu. Bởi lần đầu tiên trong văn học nước nhà, co một nữ sĩ dám phơi bày tâm can, cảm xúc khi yêu, dám trực tiếp cất lên nỗi khát vọng tình yêu vừa sôi nổi, vừa mãnh liệt đang “bồi hồi trong ngực trẻ”. Qua “Sóng”, người đọc trân trọng và yêu quý một Xuân Quỳnh vừa dịu dàng, kín đáo vừa táo bạo mạnh mẽ, một Xuân Quỳnh vừa có xưa – nay, vừa có truyền thống – hiện đại rất đặc biệt. Qua thi phẩm này, nhà thơ cũng gửi đến bạn đọc những thông điệp vô cùng ý nghĩa. Những ai đã, đang và sẽ yêu hãy luôn tin tưởng, luôn sống hết mình với tình yêu. Dù khó khăn, khắc nghiệt trước những biến động của cuộc đời, nếu chúng ta đủ bao dung, đủ dũng khí vượt qua thì chắc chắn tình yêu ấy càng lớn lên, càng thắm thiết và sâu sắc.
Thể thơ năm chữ, nhịp thơ dạt dào như nhịp sóng, hình tượng sóng đầy sáng tạo và ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc, Sóng của Xuân Quỳnh thực sự có một sức hút mạnh mẽ.
Đã hơn năm mươi năm trôi qua nhưng độ nồng nàn, đắm say mà “Sóng” gửi gắm vẫn chưa bao giờ phai trong lòng bạn đọc yêu thơ. Bởi lẽ, trong những năm tháng ấy, “Xuân Quỳnh chẳng khác nào một cây xương rồng kiên cường và kì diệu trên sa mạc đã vắt kiệt sức mình để nở những bông hoa quý cho đời”. “Sóng” mãi đọng lại trong tim độc giả bởi những rung động, khát khao tình yêu mãnh liệt, cháy bỏng nhưng cũng rất nữ tính và khiêm nhường của thi sĩ Xuân Quỳnh./.