LŨ TUỔI THƠ

Đăng lúc 09:53:28 29/01/2019

 Bão số 10, rồi ngay sau đó là đợt mưa kéo dài khiến miền Trung quê tôi lại lần nữa oằn mình vì lũ, vì lở. Những đồng lúa, đồng khoai trắng xóa mênh mông nước ở đồng bằng. Miền núi quê tôi từng ngọn đồi đổ ụp xuống chặn đứng tất cả mọi lối đi, dù có là đường quốc lộ đi nữa cũng kẹt cứng 2 ngày mới thông nổi tuyến. Đi đâu cũng nghe những câu chuyện về sự khốn khổ của người dân từ miền xuôi đến miền ngược, những thất thoát, những mất mát đau thương làm mọi người không nén nổi nước mắt thương cảm cho đồng bào mình. Ấy vậy nhưng, hôm nay tình cờ thấy clip các em nhỏ Đồng bằng sông Cửu long bắt cá cùng bố mẹ vào mùa nước nổi, tôi lại bồi hồi nhớ lại ngày mình bằng tuổi các em cùng chuỗi ngày trốn mẹ theo các anh chị ra dòng suối đầu bản vớt cá mùa lũ. Rằng, ngoài mất mát đau thương, hình như cũng bao trong nó những niềm vui nhỏ bé, giản dị trong con mắt của trẻ thơ…

Dòng suối chung  của bản tôi thường được mọi người gọi là Khe Com. Nghe Cố nội tôi kể là nó bắt nguồn từ miền Mường Lống vắt qua bao ngọn đồi hết bản của người Mông, đến bản của Người Khơ Mú mới đến bản Thái quê tôi. Dòng khe Com bình thường hiền hòa mát rượi rợp bóng cây với hàng sỏi đủ màu xếp đều dọc mạn trái. Mỗi trưa hè oi ả, chúng tôi lại trốn mẹ chạy ra khe, trèo lên mỏm đá nhô ra rồi nhảy ùm xuống dòng nước trong vắt đầy thích thú. Cả bọn cứ lần lượt từng đứa một nhảy xuống rồi lại trèo lên như vậy đến tận chiều, khi mắt đứa nào cũng đỏ vằn vì cay nước mới rủ nhau lên, căng cái áo mỏng nhất lên che mắt rồi cho đứa khác thổi thật mạnh cho khỏi, chừng như bằng cách đó sẽ che được đôi mắt kia để không bị mẹ mắng.Thế nhưng, vẫn cứ lằn mông như thường.

Ngày thường là thế, ngày lũ, dòng suối trở mình khác hẳn, bao nhiêu nước mưa từ đầu nguồn tích tụ lại, đục ngàu, mạnh mẽ cuốn phăng mọi thứ. Dân cư sống ven suối dường như họ đã thích nghi được nên cứ đến đêm dự đoán sẽ có lũ quét là nhà nhà đều ra dỡ hết máy phát điện sức nước mini của nhà mình đem về cất, nếu không sáng mai sẽ chẳng còn gì, quả thực đáng sợ. Đêm lũ dữ dội là vậy nhưng sáng mai, trời chưa sáng hẳn, chị em còn mơ màng ngủ đã nghe mọi người trong bản đi lại rầm rập, í ới gọi nhau đi vớt cá. Sau lượt tống hết những cây cối và rác rưởi trên đường đia, cửa khe giáp với dòng Nậm Nơn trở thành vựa cá cho cả bản từ năm này qua năm khac.

Chị em tôi cũng vội vàng tốc chăn chạy theo mẹ, trên vai vác cái vó bố đã căng sẵn từ hôm trước. Những nhà có con trai lớn người ta đã về đổ oi vì các anh dậy sớm. Nhà toàn con gái, chạy xuống đến cửa khe, đã lúc nhúc người giăng lưới, quăng chài, cất vó…, xa xa ngoài lòng sông lớn là các bố đi thuyền đẩy lưới to mà cúng tôi hay gọi là “cảng cà” vớt cá to. Chọn lấy một chỗ nước không quá xiết để ngâm vó xuống chờ cá vào và quan sát xung quanh. Ai cũng nặng trịch oi  rồi, ô! thằng Nguyên lớp tôi nó thả vó theo nước xiết rồi vừa chạy theo vừa cất lên, những con cá trắng bạc nhảy tanh tách trong tiếng cười đầy phấn khích của nó. Nhìn đến đầu cán vó mình, tôi vừa chầm chậm vừa nâng lên mắt dán chặt vào đáy vó. A ha, 3 con cá ngạnh bé bằng ngón chân cái, vài con cá vảy trắng, vài con tép nữa. Hai chị em cẩn thận hốt cá vào oi, riêng ba chú cá nghạnh, phải rất cẩn thận dùng ngón cái và ngón trỏ bấm vào phần vây khía trên, phải cẩn thận vì nó rất sắc nhọn, bị đâm chỉ có ôm bàn tay sưng húp nằm nhà đến tận hết mùa cá. Đổi đi đổi lại tầm khoảng 1-2 tiếng 3 mẹ con về nhà đã có ai oi cá đầy ắp.

Sáng đó cả nhà ăn sáng muộn bằng món canh cá còm măng chua chấm xôi. Ăn xong chạy ra xô sau nhà để xem chiến lợi phẩm của bố đi vớt cá to cùng các bác. Những hôm đó bữa cơm toàn cá nhưng không hề ngấy vì mẹ tôi luôn có những công thức tuyệt vời để chế biến. Đến chiều, dòng duối cũng đã dần trong xanh và tĩnh lặng lại, chỉ còn dòng Nậm Nơn vẫn đục ngầu gầm rú. Những hôm sau, mọi gia đình đều chèo thuyền con mang hết can, xô nhựa và mọi vật dụng có thể chứa nước, đi vào khe, qua hết khu vực đan cư sinh sống để chở nước vè dùng, nhưng đây lại là một kỷ niệm khác tôi sẽ kể trong câu chuyện sau…

Ngày nay, các công trình thủy điện rải dọc khắp dòng Nậm Nơn của chúng tôi, bản làng chúng tôi ngày xưa đã nằm trong vùng lòng hồ, nước ngập mất hết hình dạng. Chỉ còn các chú bác lớn tuổi tầm bố tôi mỗi khi có dịp vào lòng hồ mới nhìn những ngọn đồi còn lại để nhận ra quê cũ, Dòng Khe Com cũng theo đó mà mất dạng, nằm im lìm dưới lòng sâu, bền bỉ chảy xuôi như bao dòng ngầm khác của các bản làng. chúng tôi cũng đã lớn cả và chuyển đi sinh sống ở nơi khác, chẳng còn được chứng kiến những cảnh ngày xưa nữa. Cũng có thể là mãi mãi chẳng còn xẩy ra theo sự thay đổi của dòng chày thời gian vô hình này…

                                                                                                                  Dương Thị Thơm

Địa chỉ