Cách đây 10 năm, mình được phân công về công tác tại trường PTCS xã Tam Hợp, thấy bữa ăn của học sinh chỉ có cơm, muối trắng và rau cải nấu trôi, dù đã cố kìm nén nhưng vẫn không ngăn được nước mắt. Cùng sống chung một bầu trời, chung một kiếp người sao lại có những hoàn cảnh sống trái ngược nhau như thế?
Những chiều lên bản chơi, hình ảnh ấn tượng nhất là các em nhỏ vừa bé, gầy gò, lem nhem, chơi trên bãi cỏ, nước mũi lẫn bùn đất vương khắp mặt. Bàn tay, bàn chân lấm lem, khoang vằn từng vòng tròn, nhìn như những chú khỉ con mới từ trên rừng lạc xuống. 6 tuổi đầu đã phải cõng gùi trên lưng đi theo mẹ lên rãy, đi bộ xa mấy cây số. Học sinh trưa thứ 7 về nhà, chiều chủ nhật xuống trường cũng phải đi bộ hơn hai chục cây cả đi lẫn về, trèo qua các dốc đá, bụi và những khi trời mưa thì bùn ngập ngang đầu gối. Trời lạnh căm căm vẫn nhảy xuống suối tắm, đùa nghịch mặc cho những đôi môi đã chuyển sang màu tím tái. Coi những con Vắt rừng là bạn, những chú Chuột rừng là món đặc sản mà thiên nhiên ưu đãi, các em thoăn thoắt làm thịt chuột mà mình nhìn thôi cũng muốn nổi da gà vì sợ.
Lại nhớ đến câu nói của Bill Gate : “ Life is not fair, get used to it (Cuộc đời không công bằng, hãy làm quen với nó)”. Có lẽ cuộc sống đã dạy cho các em biết thích nghi với môi trường và hoàn cảnh sống. Các em có thể bắt cá bằng tay, bắn chim bằng súng dây chun, một ngày có thể chặt được 2 bế củi to hơn người, có thể lắc theo những điệu nhảy sôi động của người Lào ( chắc ai đã từng coi người Mông nhảy vào những ngày tết đều tưởng như mình đang lạc sang đất nước Ấn Độ xinh đẹp với vũ điệu múa bụng tuyệt vời).
Nhưng giá như các em yêu thích việc học và đam mê nó như các em đam mê trò chơi ném Gụ thì hay biết bao nhiêu. Các em đang còn bỡ ngỡ với các con số trong bảng cửu chương, ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày cũng chưa thành thạo chính tả, phát âm còn chưa rõ thì làm sao có thể hiểu về những định lý, định nghĩa tổng quát, có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong những ý thơ văn đầy chất ẩn dụ tinh tế kia?
Vòng xoay cuộc đời cứ đeo đẳng mãi trong cuộc sống gia đình, Bố Mẹ các em nhiều người không biết tiếng phổ thông, từ sáng tới tối ở trên núi làm cỏ Ngô, trồng Bí, Khoai Sọ, về nhà chỉ ăn cơm và ngủ, ngày này qua ngày khác cứ thế tiếp diễn. Không biết rằng ngoài kia, chỉ cách nơi mình sống chưa đầy 20 cây số, cuộc sống nhộn nhịp đến chừng nào. Xe cộ tấp nập trên đường, những ngôi nhà cao tầng, những quán Café mọc lên san sát, những cửa hàng thời trang với đủ màu sắc, những cô gái xinh tươi mơn mởn đi trên những chiếc xe tay ga sang trọng mà có lẽ cả đời này họ sẽ không bao giờ có. Họ không bon chen, đố kỵ, không so sánh không đua đòi, chỉ biết gia đình và con cái, với những bộ đồ đã sờn theo bao mùa hoa Đót tàn.
Không biết đến bao giờ mới có thể thay đổi, mới thấy những bà mẹ người Mông ra đường đi xe máy, hát những bài hát về quê hương đất nước nôỉ tiếng, đưa con đi mua sách trong Nhà sách trung tâm Huyện, không còn lúc nào cũng “ Chi pâu, chi pâu” khi người khác hỏi tiếng phổ thông.
Thương cho các em nhỏ, không biết đến mùi vị của hộp sữa tưoi, bánh trái ngon, của các loại chè bưởi, chè thập cẩm….Tuổi thơ của các em qua đi gắn liền với từng củ Khoai Sọ, của Dứa, của những lóng Mía mình đã ăn mà phải nhăn mặt vì cứng. Thương cho những khuôn mặt nhăn nhó khi mùa đông , chân tay phồng rộp lên, nứt nẻ thành nhiều đường rớm máu vẫn phải ngâm mình dưới làn nước lạnh để mò rêu, bắt cá.
Cuộc sống vất vả không làm cho người Mông mất đi sự vui vẻ hồn nhiên vốn có. Những lễ hội chọi Trâu, thi làm bánh Dày, thi thổi Khèn vẫn diễn ra hàng năm, họ nắm tay nhau hát những bài ca mà người không hiểu tiếng Mông như mình cũng phải lắc lư theo điệu nhạc. Những giai điệu đó nó da diết, như trải dài ra theo năm tháng cuộc đời, như tái hiện lại con đường lên nương, như xuyên suốt một mùa Dứa, mùa Gừng, mùa Ngô, mùa Lúa. Như những ngọn lửa sưởi ấm qua tháng ngày đêm đông giá rét, làm cho đôi má càng ửng hồng trên khuôn mặt bầu bĩnh trắng trẻo của các cô gái mới lớn đến tuổi biết thẹn thùng khi gặp một ánh mắt lạ nhìn theo. Những Chú bé con được mẹ địu nằm vắt vẻo trên lưng, tay vẫn cầm chiếc bánh Sừng Trâu ăn ngon lành. Một số Cô bé Cậu bé đùa nghịch chạy theo đuổi bắt những chú gà Lào có bộ lông tuyệt đẹp để nhổ những chiếc lông đuôi dài như lông của những chú chim Công.
Yêu nhất là khi mùa xuân về trên bản Mông, bản Mông ở đây không có hoa Ban nở trắng trời như bản Mông ở Tây Bắc, chỉ thấy bao quanh là màu trắng pha tím nhẹ của hoa Bớp Bớp, hoa Lu Cù, quyện với màu trắng tinh khôi của hoa Mơ. Những bộ váy rực rỡ đủ màu khoe sắc cùng tiếng lẻng xẻng của những đồng bạc trang trí nghe rất vui tai, có những bộ váy lên tới hàng triệu đồng. Người Mông không chi nhiều tiền cho việc ăn uống nhưng rất chịu chơi cho những bộ váy truyền thống.
Nhưng điều đặc biệt là những nụ cười tỏa nắng làm tan đi cái giá lạnh của mùa đông nơi chốn biên cương đầy sương và gió này vẫn luôn luôn nở trên khuôn mặt, làm những đôi mắt một mí kia vốn dĩ đã nhỏ lại càng nhỏ lại hơn, cười không biết đất trời là gì. Các em hồn nhiên, vô tư như những chú Chim rừng, cứ bay nhảy hót vang giữa đồi núi bao la.
Chao ôi! khi thấy những hình ảnh đó trước mắt sao lòng trào dâng nỗi xúc động lạ lùng. Một cảm giác vừa bình yên vừa đầy trăn trở, bình yên vì ở đây không hề có bóng dáng của sự bon chen, ganh tỵ, không đua tranh chức quyền, không tranh dành tiền bạc, cảm giác như người ta không bao giờ lừa dối nhau, không làm hại nhau bao giờ. Nhưng lại trào lên nỗi niềm trăn trở, liệu bao giờ mới thay đổi được cuộc sống đây? Bao giờ mới đưa được “văn minh” đến với họ, để họ cũng được thụ hưởng những điều tốt đẹp như hàng trăm, hàng vạn người ngoài kia. Để họ biết mình đang sống ở thế kỷ nào? Để bầu trời với họ không chỉ có từ nhà lên nương mà còn có những bầu trời khác rộng mở hơn. Để không bị dụ dỗ bởi những kẻ xấu muốn lợi dụng nhằm mục đích chính trị đen tối…
Rời xa bản Mông yêu thương, rời xa ngôi trường và những em học sinh thân yêu, để mặc dòng nước mắt lăn dài trên má, hòa quyện trong vòng tay yêu thương của các em. Cái cảm giác đó như vẫn còn mãi vẹn nguyên trong trái tim mình. Vẫn luôn hướng về nơi đó, vẫn mong chờ và theo dõi sự thay đổi hàng ngày. Lòng thấy vui hơn khi nghe các chị đồng nghiệp cũ kể rằng đường bây giờ đã dễ đi hơn, lại nhớ câu hát quen thuộc “ Đường vào Tam Hợp, như đi lên trời; Dốc lên Khe Ngua, vực sâu thăm thẳm bồng bềnh mây trôi”. Học sinh chăm học hơn, lên Bản các nhà tranh lụp xụp không còn, đâu đâu cũng thấy mái ngói đỏ tươi trên những ngôi nhà gỗ chắc chắn sạch sẽ. Đang mong chờ ngày nhận được tin báo có học sinh thi đậu đại học, nụ cười sẽ nở tươi rạng rỡ trên những giọt nước mắt hạnh phúc ngọt ngào./
Dương Thị Thơm
Trường PTDTNTTHCS