KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP XÃ NGỌC LÂM HUYỆN THANH CHƯƠNG

Đăng lúc 07:52:53 20/05/2019

            Ngày 19-5-2019, nhân dịp Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đoàn công tác của huyện Tương Dương do đồng chí Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy dẫn đầu đã đến thăm và dự Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Cùng đi có các đồng chí La Thị Nhung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Phan Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện.

          Xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương được thành lập theo Nghị định số 07/2009/NĐ-CP của Chính Phủ, xã có 14 bản với gần 6000 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Thái và Khơ mú từ các bản làng của các xã Luân Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông, Kim Tiến về đây tái định cư. Trải qua ngàn đời, bà con đã quen sinh sống trên vùng đất khắc nghiệt đầy nắng và gió. Sống dựa rừng núi và con sông Nặm Nơn cuộn xiết. Sáng lên nương, chiều về ào ra sông, kẻ quăng chài, người thả lưới…Bây giờ dòng sông ấy, cùng với 25 bản chỉ còn là hồ nước mênh mông.

          Còn nhớ, cách đây 13 năm, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng Công trình thủy điện Bản Vẽ, đồng bào các dân tộc Thái, Khơ mú, Ơ đu của 5 xã Luân Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông, Kim Tiến, Kim Đa đã phải thực hiện một cuộc thiên di lớn nhất trong lịch sử. Với tinh thần và ý chí trung với Đảng, trung với nước, bằng cả tấm lòng vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc mà bà con phải hy sinh quyền lợi riêng tư của mình, tháo dỡ nhà cửa, bỏ lại ruộng nương để di dời về vùng đất mới lạ lẫm, với bao khó khăn, vất vả.

           Mở đầu cuộc thiên di lịch sử ấy là bản Kim Liên, xã Kim Tiến (từ mồng 4 đến mông 6 tết âm lịch năm 2006), sau đó lần lượt 25 bản làng tiến hành di dời về các khu tái định cư ở Tương Dương và Thanh Chương, trong đó có 14 bản làng, gồm: Tạ Xiêng, bản Lạp, bản Mà, bàn Noòng, Kim Hồng của xã Kim Tiến (từ tháng 11-12/2006); bản Hiển, Xiềng Lằm, bản Muộng của Hữu Khuông (từ tháng 2-3/2008); Nhạn Pá của Hữu Dương (tháng 5/2008); Nhạn Mai, Xốp Pe, Chà Luân của Luân Mai (từ tháng 3-4/2009); Nhạn Nhinh của Hữu Dương (tháng 4-5/2009).

          Để làm nên cuộc thiên di lịch sử này, ngoài nỗ lực chung của các cấp, các ngành, các đoàn thể phải kể đến sự đóng góp tích cực của các cá nhân, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Chính quyền các xã như đồng chí Lô Văn Thanh, đồng chí Lương Thanh Long (Bí thư, Chủ tịch xã Hữu Dương); đồng chí Lô Hồng Phong, Bí thư xã Hữu Khuông; đồng chí Lương Quang Cảnh, đồng chí Lô Ngọc Dung (Bí thư, Chủ tịch xã Kim Tiến), đồng chí Lô Thiên Phúc (chủ tịch xã Luân Mai)…hay các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các bản như bác Pịt Văn Toán (Xốp Lăm, Hữu Dương), bác Thi, các Thanh (Kim Liên, Kim Tiến), Vi Văn Hoài (Bí thư Chi bộ bản Muộng, xã Hữu Khuông)…Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương ghi nhận: “Cán bộ và nhân dân huyện Tương Dương mãi mãi trân trọng và ghi nhớ những đóng góp tích cực của cán bộ và nhân dân các xã đối với nhiệm vụ chính trị của huyện. Sự hy sinh thầm lặng của cán bộ và nhân dân các xã Luân Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông, Kim Tiến nay là Ngọc Lâm đã tạo điều kiện cho công trình thủy điện Bản Vẽ hoàn thành đúng tiến độ”.

          Mười năm đã đi qua, trong mười năm ấy với bản chất của con người Tương Dương cần cù, chịu khó, cùng với sự đùm bọc, cưu mang của cán bộ và nhân dân huyện Thanh Chương, cán bộ và nhân dân xã Ngọc Lâm đã vượt qua bao nhiêu khó khăn bởi lạ đất, lạ nước, bởi rào cản về tâm lý, tư tưởng, thời tiết, khí hậu,…đã vươn lên chiến thắng chính mình, chế ngự thiên nhiên để làm nên một xã Ngọc Lâm mới, có diện mạo như hôm nay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 5-7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng 35,8% so với những năm đầu mới thành lập; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên; xã đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập bình quân từ 100 đến 120 triệu đồng/năm như mô hình chè sạch của anh Vi Văn Phong, nguyên Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, nguyên Thường vụ trực Đảng ủy Ngọc Lâm hay mô hình trồng cây nguyên liệu gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm của anh Vi Văn Hoài, bản Muộng, mô hình chế biến chè ở bản Muộng,…

           Một điều đáng trân trọng đó là, dù ở đâu, hoàn cảnh nào, bà con vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của mình, vẫn mang theo bản sắc của con người Tương Dương hòa vào dòng chảy văn hóa của miền quê mới.

          Hy vọng rằng với sự lãnh đạo tập trung và toàn diện của cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Chương, cán bộ và nhân dân xã Ngọc Lâm sẽ vững bước đi lên trên con đường xây dựng nông thôn mới.

          Dưới đây là một số hình ảnh trong ngày kỷ niệm.

Hàng ngàn người từ các bản làng, con em xã Ngọc Lâm đang học tập, công tác khắp mọi miền đất nước cũng về đây chung vui trong ngày đại lễ.

Những tiết mục văn nghệ mang đậm văn hóa đặc trưng của đất mẹ Tương Dương

được chuẩn bị chu đáo để chào mừng lễ kỷ niệm.

Đồng chí Lô Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã đọc diễn văn khai mạc

Đồng chí Lô Ngọc Dung, nguyên Chủ tịch UBND xã Kim Tiến- Ngọc Lâm bồi hồi nhớ lại những khó khăn vất vả của những năm đầu về khu tái định cư

Đồng chí Lương Thanh Nhất, Bí thư Đoàn xã phát biểu, thẻ hiện sự quyết tâm của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương mới.

Đại biểu về dự lễ kỷ niệm- anh em cùng quê hương cũ gặp nhau dốc bầu tâm sự

Đồng chí Trịnh Ngọc Nhã, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương phát biểu chúc mừng và dặn dò cán bộ và nhân dân Ngọc Lâm

Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương phát biểu chia vui cùng cán bộ và nhân dân xã Ngọc Lâm

Đồng chí Nguyễn Văn Hải trao quà cho cán bộ và nhân dân xã Ngọc Lâm

Đồng chí Vi Văn Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ngọc Lâm

phát biểu đáp từ và bế mạc Lễ kỷ niệm

Các đồng chí lãnh đạo 2 huyện Tương Dương, Thanh Chương chụp ảnh lưu niệm

với BCH Đảng bộ xã Ngọc Lâm

Những con người góp sức làm nên cuộc thiên di lớn nhất trong lịch sử

Tôi có 467 ngày đêm vật lộn ở các bản làng để vận động di dân tái định cư, cùng đồng chí Lô Ngọc Dung- Chủ tịch UBND xã Kim Tiến, những ngày đầu của cuộc thiên di.

Lãnh đạo 2 huyện chia sẻ kinh nghiệm vận đồng quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Mô hình chè sạch của anh Vi Văn Phong, bản Xiềng Lằm, Ngọc Lâm

Thực hiện: NANG HAN

 

 

 

Địa chỉ