KHỞI NGUỒN TỪ TÂM THỨC

Đăng lúc 06:31:33 15/02/2022

 

 

     Tôi cứ ngỡ rằng, cho đến lúc được đi học qua trường qua lớp, được đọc qua sách qua báo tôi mới được biết đến địa danh Nậm Pao- con sông chảy mãi ở những mường xa xôi của huyện Tương Dương, mãi tận bên nước Lào chảy sang. Về sau, một lần tôi có dịp được nghe những lời kể chuyện của một ông thầy mo quen biết- ông này từng được đi dân công hoả tuyến ở tận bên Lào trở về, và những câu chuyện về “một thời hoả tuyến” luôn là chủ đề không bao giờ cạn của ông. Ông có nhắc đến dòng Nậm Pao, và khi thấy tôi nói rằng đó là một dòng sông lạ lẫm bởi tôi mới nghe tên chứ chưa bao giờ được tắm ở đó như ông. Ông đã nói: “Mỗi người Thái chúng ta ai mà chẳng có dịp được tắm trên dòng sông đó, ít nhất là một lần, sau khi… chết”. Tôi còn nhớ, lúc đó tôi đã tỏ ra sợ hãi khi nghe ông nhắc đến từ “chết”. Thấy vậy, ông nói với tôi như thể nói với một người đã lớn: “Ai sống mãi rồi cũng đến ngày phải chết. Riêng ta, nghĩ đến khi nhắm mắt xuôi tay mà còn được con cháu rước hồn đi tắm Nậm Pao mà thấy nhẹ cả lòng”! Ông bảo cái lần đi tắm Nậm Pao của hồn chính là tắm trong lễ tục “pao” của người Thái tiến hành trong các đám tang ma.

     Tôi ngẫm ra quả thấy đúng như thế. Trong đám tang của người Thái, có nhiều bước tiến hành các nghi lễ đối với người chết, trong đó có 2 nghi lễ quan trọng: nghi lễ “giải tội” để cho con cháu tạ lỗi với người đã khuất, và nghi lễ “ọc tà” (ra bến nước) để tắm rửa cho vong hồn người chết. Riêng nghi lễ “ọc tà” thì luôn được coi là nghi lễ tối thượng trong đám tang người Thái quê tôi. Những người cùng tham gia bao gồm gia quyến, họ hàng, thông gia, dâu rể. Trong các bước tiến hành lễ nghi- thông thường là: lễ nhập quan, lễ giải tội, lễ “ọc tà”, lễ đưa quan…, về phía thông gia, có thể không tham gia vào được một lễ nào đó- kể cả việc tiễn đưa người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng- nhưng nhất thiết không được vắng mặt trong lễ “ọc tà”.

     Tôi đã được trực tiếp tham gia đến vài mươi lễ “ọc tà” (như thế kể cũng đã là nhiều). Thường thì lễ tục này được thực hiện tại bến nước chung của bản, tuy nhiên trong điều kiện nguồn nước nhiều nơi bị cạn kiệt, bị ô nhiễm như trong thời gian gần đây…, thì có thể chỉ là một con mương, mạch nước… nào đó cũng được). Cùng với đông đảo mọi thành phần trong đoàn đi làm lễ, người ta đem theo ra bến nước một ống nước vo gạo (thời trước người ta hay dùng nước vo gạo ngâm, còn gọi là “nặm muộc”, để gội đầu); một cái lược; một lọn tóc (“choọng” tóc) tượng trưng cho nơi trú ngụ của hồn vía người nằm xuống; một tấm thổ cẩm nhỏ được xếp gọn (tượng trưng cho thân thể người chết) đặt vào trong cái võng nhỏ do hai người khiêng tượng trưng. Mục đích, ý nghĩa của lễ “ọc tà” là nhằm tắm táp, gột rửa cho linh hồn của người đã khuất được thanh sạch trước khi về với mường Then, đi vào cõi vĩnh hằng. Trong lời cúng của nghi lễ này bao giờ cũng phải có câu: “Lừa xé cau xé mình hơ hảo, páo xé kính xé đảng hơ chanh”. Trong lời cúng này có 4 cặp từ đối nhau, trong đó các cặp: cau/ mình- kính/ đảng là những danh từ chỉ về hồn, vía, thân thể; hảo- chanh là hai tính từ mô tả sự trong trắng, thanh sạch/ sáng người, tường tỏ; lừa- páo là hai động từ có nghĩa đen là rửa- bào.

     Đến đây, tôi đã nắm bắt được phần nghĩa về động từ páo (pao)- chính từ động từ này mà dòng Nậm Pao đã hoá thân vào trong nghi lễ. Hẳn nhiên động từ páo có nghĩa đen là bào. Động tác bào một tấm ván được người Thái gọi là “páo binh pen”. Vậy nhưng nghĩa bóng của từ páo lại rất khó chuyển nghĩa sang tiếng Việt một cách hoàn chỉnh như mong muốn. Theo một thứ tự tầng nấc nào đó có thể tạm hiểu như sau: páo= bào\ gột rửa\ lược bỏ\ … Theo đó, nghĩa được dịch cho lời cúng trên đây tạm được đưa ra như sau: “Rửa cho vía được sạch/ Gột cho hồn được thanh”. Sau khi thầy cúng đọc lời cúng tại lễ “ra bến nước”, người ta rẩy ít nước vo gạo trong ống vào cái lược đem theo rồi chải tượng trưng lên lọn tóc đem theo, sau đó chải và vuốt vào tấm thổ cẩm tượng trưng cho thân thể. Xong thủ tục này, mọi người cùng nhau rửa mặt, vuốt tóc, rửa tay chân… làm chộn rộn cả bến nước, bởi ai cũng cầu mong cho “vía mình được sạch, hồn mình được thanh”. Mong cho mọi sự bất hạnh, mọi điều không may sẽ rời xa khỏi cuộc sống dương trần của mình; mong cho những điều dơ bẩn, đen tối sẽ bị cuốn trôi theo dòng nước… Sau lễ “ọc tà (ra bến nước)” này, hồn người chết đã được coi là đã sạch sẽ, thanh thoát- sẽ được thầy mo hát kể lời mo tiễn đưa về mường Then, về cõi vĩnh hằng. Với người Thái Nghệ An, chỉ trong lễ “ọc tà” cho người chết, người ta mới cùng nhau làm động tác lừa cau mình- páo kính đảng tại bến nước chung của bản. Ngoài ra, việc páo này vẫn diễn ra trong cuộc sống bình thường khi dùng cho người già.

     Tôi đã có dịp được đọc cuốn “Mo khuôn” do Vương Trung sưu tầm và thực hiện, trong đó có 2971 câu thơ tiếng Thái (đúng hơn là các lời mo) của người Thái khu vực Tây Bắc, nêu rõ từng đường đi nước bước của lời mo páo khuổn cho người già (páo khuổn­- người Thái Nghệ An đọc là páo vẳn)- bao gồm páo khuổn mướng lùm (tại mường đất) và páo khuổn mướng phạ (tại mường trời). Trong ý nghĩa của việc làm lễ “mo khuôn” là nhằm tạo cơ hội cho thầy mo rong ruổi khắp các mường ngược mường xuôi hay mường trời mường đất để tìm đến các vía bị lưu lạc\ lầm lạc\ (sa vào vòng cám dỗ, mải vui hội hè, hoặc bị các thế lực của mường ma bắt bớ, giam cầm…) trong suốt cả quãng đời sống trong cõi dương gian, rồi thức tỉnh cho các vía mà, bởi tại những lý do nào đó mà trót sa vào vòng lầm lạc- hoặc có khi phải tham chiến để giành lại những hồn vía đó, sau đó là dẫn dắt các hồn vượt qua các vòng cửa ải, những trở ngại, những cạm bẫy… trên con đường quay trở lại với bản thể để tạo dựng lại sức mạnh cho cả thể xác lẫn tinh thần mong cho con người được tăng thêm tuổi thọ… Thực tế cho thấy, công việc làm vía cho người già của người Thái Nghệ An cũng tương tự với việc làm lễ “mo khuôn” của người Thái ở các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc. Điểm khác là, ở vùng Tây Bắc Việt Nam, người Thái có khái niệm khá rõ về “cõi niết bàn, nơi cực lạc”, bao gồm 2 tầng niết bàn là liến pán luông (cõi niết bàn lớn) dành riêng cho các dòng họ quý tộc danh giá, và liến pán nọi (cõi niết bàn nhỏ) dành riêng cho các dòng họ thường dân. Thế nhưng luật tục Thái ở vùng Tây Bắc Việt Nam lại không hề đề cập đến một lễ nghi nào về việc páo kính đảng cho người chết trước khi lên mường Trời như phong tục của người Thái ở Nghệ An.

     Người Thái Nghệ An thì lại không có khái niệm về cõi niết bàn, hoặc có đôi chút nhưng đã bị rơi rụng nhiều và chỉ được thể hiện hết sức mờ nhạt thông qua một vài câu chữ trong lời cúng. Thời xưa, người Thái Nghệ An thông giao với người Việt (Kinh) chủ yếu theo đường thuỷ là Sông Hiếu và Sông Lam (Nậm Pao), mãi cho đến đầu thế kỷ XV mới có việc Lê Lợi đem quân vào đất Nghệ An, lên đánh giặc Minh ở các khu vực có người dân Thái sinh sống. Việc thông giao sau đó không mấy phát triển bởi đâu như mãi đến tận thế kỷ XIX mới hình thành chính thể phong kiến một cách chính thức. Việc thông giao với người Lào cũng chẳng khả quan hơn do phải băng rừng vượt núi, địa hình không thuận lợi, phải đi bộ hoặc đi ngựa là chủ yếu. Cũng do điều kiện tự nhiên về địa lý, địa chất, các mường Thái ở Nghệ An khá là nhỏ hẹp nên không có những điều kiện để tạo thế và lực như ở các mường Thái rộng lớn của vùng Tây Bắc. Khi tiễn hồn người chết về trời, người Thái Nghệ An chỉ hay đưa về núi Pú Quái (Núi Thờ Trâu- nơi có Đền Chín Gian ở huyện Quế Phong) và tiếp đó là đưa tiễn lên trời gặp các vị tiên tổ, được Pò Then làm nhà, cấp cho ruộng đất, thế là xong- chẳng nhắc đến cõi niết bàn lớn hay nhỏ gì cả! Vả lại, Đền Chín Gian thì mãi đến đầu thế kỷ XV mới được dựng lên, ít nhất là trong các tài liệu lịch sử đã cho thấy như thế. Đến thời Minh Mệnh thứ 4 (1850), Đền Chín Gian mời sư của Thái Lan sang trụ trì tế lễ. Vị sư đầu tiên trụ trì đến 12 năm và được phong hiệu là KĂM. Việc thông giao với Thái Lan theo đường qua Lào do vậy đã phát triển thêm phần nào, và người Thái Nghệ An đã có được một khái niệm mơ hồ về Đức Phật, về toà sen, về miền cực lạc… Sự mơ hồ và không đầy đủ thông tin đó diễn ra trong một thời gian khá dài do, một mặt- đạo Phật không đủ sức du nhập hẳn vào miền Tây Nghệ An bởi những trở ngại về địa hình, địa lý đã nêu; mặt khác- người Thái Nghệ An có điểm tựa tâm linh vững chắc qua lời kể “xuống mường” (Lái lống mướng) của các dòng họ tạo dựng bản mường, và cũng qua sự thờ cúng hàng năm tại Đền Chín Gian nên không thực sự dành nhiều chú tâm cho giáo lý nhà Phật. Sự mơ hồ, không rõ ràng về một cõi niết bàn- miền cực lạc đã dẫn tới việc người Thái Nghệ An vô tình đồng hoá xứ sở của người Lào (đất Phật) thành một miền cực lạc, như thể cõi vĩnh hằng… Cho đến nay, cộng đồng người Thái ở Nghệ An vẫn còn sử dụng thành ngữ “mứa Láo” theo cách hiểu là “về cõi vĩnh hằng”, chứ không phải hiểu đơn thuần là “đi đến nước Lào” như nghĩa đen vẫn thể hiện. Riêng với người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam thì cảm nhận về thành ngữ “mứa Láo” chỉ là một thông tin thông thường đúng với nghĩa đen của nó.

     Khát vọng rời xa và gạt bỏ mọi điều xấu, vươn tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ của con người- cả về linh hồn lẫn thể xác luôn là khát vọng muôn đời của các cộng đồng và nhiều dân tộc trên đất nước ta, trong đó có cả người Thái Nghệ An. Chính khát vọng này đã làm phong phú và tô điểm thêm cho ý nghĩa về từ páo trong tiếng Thái. Từ một thành ngữ “mứa Láo” thông thường, khi vô tình được chuyển sang một tầng nghĩa liên quan đến cõi vĩnh hằng, đến sự gột rửa cho thanh sạch cả tâm hồn và thể xác- hiển nhiên phải có một dòng sông đảm nhận nhiệm vụ páo cho số kiếp của con người. Có một thành ngữ khác của người Thái: Nậm Pề Nậm Pao. Theo ý nghĩa của thành ngữ này, dòng Nậm Pao giữ vai trò thứ hai, chỉ sau biển lớn (biển Đông). Dường như chỉ có dòng Nậm Pao là án ngữ trên con đường dẫn dắt tâm thức người Thái Nghệ An đến với xứ sở cực lạc một thời trong tâm tưởng. Vậy nên, có thể, dẫu chỉ là một con sông bình thường, kể cả là một dòng sông không tên tuổi- khi được chọn làm nơi gột rửa bụi trần trên con đường hướng đến miền cực lạc trong tâm thức tự thuở xa xưa- nhờ vậy mà con sông đã được mang tên là Nậm Pao, cái tên luôn được nhắc đến trong mỗi lễ nghi cổ truyền của người dân Thái Nghệ An!./.

 

Sầm Văn Bình, Yên Luốm, Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An

Địa chỉ