GIẢI PHÁP BẢO TỒN DI SẢN VĂN HOÁ VẬT THỂ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TƯƠNG DƯƠNG

Đăng lúc 10:04:54 15/02/2019

Báo cáo tham luận tại hội thảo khoa học về bảo tồn di sản văn hoá Nghệ An của Nhà văn Vi Hợi

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

1. Văn hoá là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và cảm xúc quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội.  Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng.

Văn hoá vật thể là các giá trị văn hóa tồn tại một cách hữu linh, con người có thể nhận biết một cách cảm tính, trực tiếp qua các giác quan ( cung điện, nhà ở, đền, chùa, tháp, miếu, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, thắng cảnh thiên nhiên…) có giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học được cộng đồng dân tộc, nhân loại thừa nhận.

Đó là một  bộ phận của văn hoá nhân loại, thể hiện đời sống  tinh thần của con người  dưới  hình  thức vật  chất; là  kết  quả của  hoạt động sáng tạo, biến những vật và chất liệu trong thiên nhiên thành những đồ vật có giá trị sử dụng và thẩm mĩ nhằm phục vụ cuộc sống con người.   

Bên cạnh đó người  ta  sử dụng  nhiều  kiểu  phương  tiện:  tài  nguyên năng lượng, dụng cụ lao động, công nghệ sản xuất, cơ sở hạ tầng sinh sống của  con người, phương  tiện  giao  thông,  truyền  thông,  nhà  cửa,  công  trình xây  dựng  phục  vụ cầu  ăn ở,  làm  việc  và  giải  trí,  các  phương  tiện  tiêu khiển, tiêu dùng, mối quan hệ kinh tế... Tóm lại, mọi loại giá trị vật chất  đều là kết quả lao động của  con người.

Văn  hóa vật thể được khái quát hóa bằng nhiều phương pháp khác nhau tạo nên những giá trị văn hóa cao trong nền văn hóa của dân tộc. Đặc biệt là trong nền văn hóa tinh thần cho con người biết tận dụng và phát huy một cách toàn diện. Bên cạnh đó còn nâng cao được các giá trị phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế cho đất nước.

2. Bảo tồn di sản (heritage preservation) được hiểu như là các nỗ lực nhằm bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó. Phát huy di sản (heritage promotion) có nghĩa là những hành động nhằm đưa di sản văn hóa vào trong thực tiễn xã hội, coi đó như là nguồn nội lực, tiềm năng góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội, mang lại những lợi ích vật chất và tinh thần cho con người, thể hiện tính mục tiêu của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội.

        Về quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thường dược nói đến là:  Bảo tồn nguyên vẹn và bảo tồn trên cơ sở kế thừa. Nhưng nói gì, thì nói việc xây dựng và phát triển văn hoá trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập chúng ta phải đặt hoạt động bảo tồn trong mối quan hệ với phát huy. Ngoài việc lưu giữ để không mất đi các giá trị văn hóa, bảo tồn còn phải biết lựa chọn trong các hiện tượng đang có nguy cơ bị mất đi, những yếu tố, những khả năng tiềm ẩn để làm cho chúng tồn tại cùng với sự phát triển đi lên của cuộc sống. Mục đích sâu xa của bảo tồn là đưa di sản văn hóa vào cuộc sống để phát huy giá trị của chúng. Bảo tồn di sản văn hóa cần phải đi kèm với khai thác, phát huy giá trị của nó trong đời sống. Mặt khác, việc bảo tồn cần phải quan tâm đến những đặc điểm xã hội trong từng thời điểm cụ thể, tức là phải lựa chọn để bảo tồn những gì phù hợp với thời đại. Chỉ có như vậy, hoạt động bảo tồn mới có ý nghĩa và có tính khả thi mà không trở thành lực cản đối với sự phát triển của xã hội.

II. THỰC TRẠNG, QUAN, ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN DI SẢN VĂN HOÁ VẬT THỂ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TƯƠNG DƯƠNG

Tương Dương là một huyện rộng nằm về phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có diện tích trên 2.800 Km2; có 6 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống đó là Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ đu, Tày Poọng và Kinh, dân số hơn 7,2 vạn người, trong đó tộc người Thái chiếm trên 70%. Cùng giống như các huyện miền núi- dân tộc khác của Nghệ An như Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương là một trong những địa phương có vốn di sản văn hóa hết sức đa dạng, phong phú, độc đáo, có bề dày lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng. Ngày nay, Tương Dương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá nhanh, bộ mặt nông thôn, thị trấn có nhiều nét thay đổi nhanh chóng, thu hút đông đảo các thành phần dân cư trong tỉnh, trong nước qui tụ về đây sinh sống, do đó nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập của nhân dân là rất lớn.

Theo quan điểm cá nhân, trong bài tham luận này, tôi tạm thời phân định di sản văn hoá vật thể ở Tương Dương theo các nhóm như sau:

* Nhóm 1. Bản làng và Nhà ở, bao gồm nhà ở và không gian sinh tồn của các tộc người Thái, Mông, Khơ mú, Ơ đu, Poọng…Ở nhóm này, ngoài  không gian văn hoá và nhà ở của đồng bào dân tộc Mông là còn giữ được nguyên trạng, còn lại không gian văn hoá và nhà ở của tộc người Thái, Khơ mú, Ơ đu, Tày Poọng, do nhiều lý do khác nhau đã bị chuyển hoá, không còn giữ nguyên trạng như xưa. Ví dụ: Nhà sàn của tộc người Thái hiện nay trên 60% đã chuyển hoá, một số vẫn giữ được kiến trúc nhà sàn nhưng đã được cải tiến, số khác đã chuyển theo kiến trúc ở của tộc người Kinh. Nhà ở của người Khơ Mú, Ơ đu,  Tày Poọng hầu hết đã Thái hoặc Kinh hoá.

* Nhóm 2. Công cụ lao động sản xuất và sinh hoạt, bao gồm:

- Nhóm công cụ sản xuất, như: Dao, cuốc, vạch, thuổng, chả lé, hẹp (lưỡi hái), rìu, cọn nước, lò rèn, kẹp ngô, lúa, kho lúa (nghia)…

- Nhóm công cụ vận tải: Thuyền, gỗ, bế

- Nhóm công cụ sinh hoạt: Rổ, rá, thúng, mủng, cà vem, chõ đồ xôi,  luống (loòng), chày giã gạo, chạn bếp (xả); ghế mây, mâm mây; các loại nhạc cụ như khèn, pí, si xlo,…

* Nhóm 3. Trang sức, phục truyền thống: Quần, áo, váy, khăn đội đầu, mũ, thắt lưng,…vòng tay, vòng cổ, xà tích, trâm cài tóc,…gắn với các nghề thêu dệt thổ cẩm, kim hoàn chế tác cổ truyền…

 

*

Nhóm 4. Di tích và danh thắng, theo kết quả khảo sát, điều tra và lập danh sách bảo tồn mới nhất của Ban quản lý di tích, danh thắng tỉnh Nghệ An, hiện nay trên địa bàn huyện Tương Dương có 31 di tích, danh thắng, trong đó di tich lịch sử 18, danh thắng 13; có 01 di tich lịch sử văn hoá được xếp hạng cấp tỉnh, đó là Đề Vạn- Cửa Rào.

 

1. Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá vật thể trên địa bàn huyện Tương Dương trong thời gian qua:

Những năm qua, nhất là từ khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực (2001), việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cả nước nói chung, ở Tương Dương nói riêng được Cấp uỷ, Chính quyền quan tâm, bước đầu đã triển khai thực hiện một số công việc và đã đạt được kết quả quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn, phổ biến các giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Năm 2000, huyện Tương Dương đã xây dựng được 01 nhà truyền thống theo lối kiến trúc hiện sàn của đồng bào dân tộc Thái, gồm 3 gia và đã tiến hành sưu tầm, trưng bày trên 100 hiện vật, trong đó có 01 cuốn tư liệu quý đó là cuốn Địa chỉ huyện Tương Dương và bộ tài liệu truyền dạy chữ Thái hệ Lai- Pao, một số băng đĩa về tín ngưỡng dân gian dân tộc Thái, Ơ Đu, Khơ mú, Mông.

Xác định tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể tại địa phương. Thời gian qua, huyện Tương Dương triển khai công tác nghiên cứu về văn hóa vật thể của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện, qua đó tiến hành công tác bảo tồn, phổ biến và phát huy tác dụng giá trị loại hình văn hóa độc đáo, đặc sắc này trong quảng đại quần chúng nhân dân. Đồng thời đây cũng là cơ sở khoa học để góp phần tham vấn lãnh đạo cấp trên trong việc chỉ đạo, quản lý, hoạch định phương hướng, kế hoạch… giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống.… Phối hợp thực hiện nhiều phim tư liệu và hàng trăm ảnh tư liệu về các loại hình di sản văn hóa, các lễ hội dân gian truyền thống như: Phim tài liệu Ký sự Sông Lam (có 6 tập về huyện Tương Dương), Lễ hội Xăng Khan của người Thái, Lễ đón sấm đầu năm của người Ơ Đu, Lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào, Tết cố truyền dân tộc Mông, đám ma của người Khơ mú… Những kết quả thực hiện được là nguồn tư liệu rất quan trọng, góp phần đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, đồng thời còn là cơ sở để ngành văn hóa, các cơ quan chức năng hoạch định những chính sách, giải pháp lâu dài, hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hoá vật thể nói riêng ở Tương Dương trong thời gian tới có nhiều thuận lợi, trước hết đó là Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Những chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư nghiên cứu các di tích, lễ hội ở cả cấp độ trung ương cũng như ở địa phương. Kinh phí đầu tư cho việc  bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ngày càng tăng. Kinh tế- Xã hội huyện Tương Dương thời gian tới sẽ có bước phát triển nhanh và bền vững, mặt khác, phát triển du lịch đã được huyện quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt để tạo động lực thúcđẩy phát triển kinh tế sẽ là điều kiện tốt để phát huy các di sản văn hoá ở Tương Dương.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản trên vẫn còn những khó khăn trước mắt, đó là vẫn chưa có quy hoạch phát triển tổng thể trên lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa vật thể ở Tương Dương. Trong nhiều năm qua “Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa” về sưu tầm và sử dụng các di sản văn hóa được tiến hành ở huyện chưa có tính hệ thống nên hiệu quả không cao. Lãnh đạo các cấp còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của các di sản văn hóa trong các di tích nói riêng và trong phát triển kinh tế nói chung. Đội ngũ cán bộ ngành văn hóa tinh thần, lòng nhiệt huyết và năng lực còn rất nhiều hạn chế dẫn đến một loạt những khó khăn như: vẫn chưa thoát khỏi cách nhận thức siêu hình, tức là luôn phân biệt rạch ròi mặt tích cực và tiêu cực, cái xấu với cái tốt, cái tiến bộ với cái bảo thủ, giữa tín ngưỡng với mê tín dị đoan… trong các hiện tượng, các di sản văn hóa truyền thống, trong khi văn hóa vốn là một thực thể sống động. Sự mất cân đối nghiêm trọng giữa văn hóa cổ truyền và văn hóa mới trong chỉ đạo văn hóa ở cơ sở…

2. Về quan điểm:

Việc tìm hiểu, nghiên cứu và bảo tồn, phát huy về các giá trị di sản văn hóa là lĩnh vực khó bởi tính đặc thù, đa dạng và vô cùng phong phú của nó, do đó đòi hỏi người thực thi phải có những am hiểu nhất định về đặc trưng văn hóa từng tộc người, từng loại hình văn hóa, các vấn đề tiềm ẩn trong mỗi thể loại, những quy chuẩn cơ bản trong khi tác nghiệp. Công tác điền dã thực địa ghi nhận, khai thác thông tin đã là kỳ công, tuy nhiên việc xử lý, tổng hợp, hệ thống nguồn tư liệu có được phục vụ cho nghiên cứu không phải dễ dàng, đòi hỏi phải có phương pháp hết sức khoa học, trong đó không thể bỏ qua việc đối chiếu, kiểm chứng thông tin có được. Theo quan điểm của chúng tôi là:

        Thứ nhất, Bảo tồn di sản văn hóa là bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc của di sản văn hóa, tức là cố gắng giữ lại những yếu tố gốc khi có thể và có thể thay thế nó bằng những yếu tố mới khi cần thiết nhưng không đánh mất đi giá trị của nó, hài hòa giữa cũ và mới và đáp ứng được nhu cầu sống của người dân đương đại (Ví dụ như nhà sàn truyền thống, trước yêu cầu công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện nay, nguồn lâm sản ngày càng khan hiếm thì chúng ta có thể thay thế nhà sàn gỗ bằng mô hình nhà sàn bằng xi măng cốt thép…).

         Thứ hai, Bảo tồn di sản văn hóa vật thể phải gắn kết với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, bởi trên thực tế  việc phân định ranh giới giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể là khá phức tạp. Giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể luôn có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, đôi lúc khó phân biệt một cách rạch ròi. Việc phân chia văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể chỉ mang ý nghĩa tương đối. Ví dụ, một ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái là di sản văn hóa vật thể nhưng những chi tiết kiến trúc, kỹ năng sáng tạo, nghệ thuật trang trí,…trong ngôi nhà và cả nếp sống của một gia đình sống trong ngôi nhà đó với những phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng, giáo dục,… lại là di sản văn hóa phi vật thể. Chính quan điểm gắn kết giữa bảo tồn di sản văn hóa vật thể với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mà huyện Tương Dương trong thời gian qua đã khá thành công trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

          Thứ ba, Bảo tồn di sản văn hóa nói chung và bảo tồn văn hoá vật thể ở Tương Dương nói riêng phải gắn với công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục cộng đồng: Công tác bảo tồn di sản văn hóa không thể tách rời công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục cộng đồng. Nếu bảo tồn di sản văn hóa mà không có những công trình nghiên cứu đi trước làm cơ sở khoa học thì việc bảo tồn sẽ đi chệch hướng, dễ dàng đánh mất tính chính xác của di sản. Nếu bảo tồn di sản văn hóa mà không giáo dục cộng đồng để cộng đồng không nhận diện được giá trị của di sản thì chính cộng đồng sẽ là người đánh mất di sản. Vì vậy, hai vấn đề này đều gắn kết hữu cơ với nhau.

          Thứ tư, Bảo tồn di sản văn hóa nói chung, và di sản văn hoá vât thể nói riêng trước hết phải chú ý đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng: Bảo tồn di sản văn hóa phải gắn với sự nỗ lực chung của cả cộng đồng về mọi mặt bao gồm ý thức, tài lực, vật lực,… Từng chủ di tích, hiện vật phải biết bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, hiện vật đó, chứ không được phép thờ ơ, vô trách nhiệm hoặc ỷ lại, dựa dẫm vào nhà nước, tập thể thì công tác bảo vệ và gìn giữ di sản của cha ông để lại mới thành công.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì công tác bảo tồn di sản văn hóa phải quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu bao gồm nhu cầu vật chất và tinh thần cho cộng đồng và cộng đồng phải được hưởng lợi từ di sản. Sự thành công hay thất bại trong công tác bảo tồn kể cả bảo tồn những di sản đơn lẻ hay quần thể di sản ở Tương Dương đều liên quan đến vấn đề này.

Đó là bốn quan điểm về bảo tồn văn hoá vật thể ở huyện Tương Dương, còn để phát huy giá trị các di sản văn hoá đó,  thì quan điểm cụ thể của chúng tôi là:

- Phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hoá vật thể nói riêng phải biết kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của đời trước để lại, làm cho các giá trị của di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa vào đời sống cộng đồng xã hội

- Phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể phải nhằm mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phục vụ tích cực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa. Bởi lẽ, di sản văn hóa và văn hóa phi vật thể là tài sản vô giá của một địa phương, của một dân tộc. Chúng phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hóa, về cội nguồn văn hóa của địa phương đó, dân tộc đó. Với những giá trị vô giá ấy mà di sản văn hóa trở thành một bộ phận đặc biệt trong cơ cấu “tài nguyên du lịch”. Việc phát huy các giá trị di sản văn hóa ấy sẽ thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài nước đến với di sản.

   3. Về giải pháp:

Qua thực tiễn trong công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể ở huyện Tương Dương trong thời gian qua, xuất phát từ các quan điểm trên đây; để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể ở Tương Dương trong thời gian tới đạt hiệu quả về cả chiều rộng lẫn chiều sâu, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, Nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở. Trước hết, phải làm cho cán bộ hiểu rõ khái niệm văn hóa với tính lý thuyết cũng như tính thực hành của nó, trong đó chỉ ra cho được các thành tố của văn hóa (các hình thái vật thể và phi vật thể của văn hóa, các hình thái dân gian cổ truyền và đương đại của văn hóa). Không chỉ nâng cao nhận thức về phương diện lý thuyết mà còn phải từng bước nâng cao nhận thức của các cán bộ cơ sở về phương pháp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung và văn hoá vật thể nói riêng. Khắc phục từng bước tư duy siêu hình (tốt – xấu, tích cực – tiêu cực, tiến bộ - lạc hậu, tín ngưỡng – mê tín dị đoan, mỹ tục – hủ tục…) trong cách thẩm định văn hóa của cán bộ các cấp.

Hai là, Phải có một chính sách văn hóa riêng đối với việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nói chung và di sản văn hoá vật thể nói riêng. Có những chính sách khuyến khích người dân, tổ chức tham gia các hoạt động văn hoá, tài trợ cho văn hoá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính cho các lhoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hoá nói chung trong đó có di sản văn hoá vật thể... Cần xây dựng một chiến lược, các chính sách lâu dài cho phát triển du lịch văn hoá, bởi du lịch văn hoá là một trong những động lực cho sự phát triển văn hoá nói chung của tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Tương Dương nói riêng. Có kế hoạch để tiến hành nghiên cứu sâu hơn về những di sản văn hoá vật thể tiêu biểu, đặc sắc của huyện. Cần chủ động lập dự án, chương trình nghiên cứu, lập hồ sơ di sản văn hoá; làm tốt công tác tư vấn về văn hoá đối với lãnh đạo chính quyền địa phương. Lập kế hoach tổng thể (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn) để nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo tồn hệ thống di sản văn hoá tại huyện Tương Dương nói chung trong đó có các di sản văn hoá vật thể.

Ba là, Sau khi thực hiện, nắm các di sản văn hoá vật thể với các đặc trưng của di sản cần tiến hành thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa như: Xây dựng kho dữ liệu về toàn bộ di sản văn hóa trên địa bàn Tương Dương, trong đó có di sản văn hoá vật thể; Xây dựng hệ thống sản phẩm, ấn phẩm bằng các hình thức văn tự, nghe nhìn (ảnh, đĩa VCD, DVD…) theo từng lĩnh vực, từng loại hình, thể loại… văn hóa. Nội dung, phương pháp thực hiện phải đáp ứng được mục tiêu bảo tồn và giới thiệu về di sản văn hóa cả dạng phổ cập lẫn chuyên sâu, cho người trong và ngoài huyện. Trên cơ sở kết quả của công tác nghiên cứu, bảo tồn vốn di sản văn hóa, các cơ quan, ban ngành chức năng cần phối hợp thực hiện tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ những hiểu biết về di sản văn hóa; đưa di sản văn hóa về với cộng đồng; phát động các cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa trong thanh niên, học sinh…; đưa chương trình giảng dạy di sản văn hóa vào nhà trường; tuyên truyền về các di tích gắn với lễ hội của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng; nêu các gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hoá. In thành sách các di sản văn hoá để phổ biến cho người dân.; tổ chức các lớp tập huấn về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá cho cán bộ văn hoá các cấp. Chúng ta đều thừa nhận rằng quá trình phát triển xã hội chỉ có thể được xem là bền vững khi những thành tựu tăng trưởng kinh tế gắn liền, song hành với những kết quả tương ứng trong phát triển văn hoá. Văn hoá được xem là một yếu tố then chốt trong việc phát triển kinh tế. Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, văn hoá có thể đem lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế, đặc biệt khi xem xét yếu tố văn hoá trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự tăng trưởng kinh tế, hay khai thác du lịch nào cũng đảm bảo sự phát triển văn hoá tương ứng, đi kèm với nó. Sự cân bằng hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá cần phải được cân nhắc ở mọi qui mô phát triển, cũng như trong từng bối cảnh kinh tế - xã hội và văn hoá cụ thể của địa phương. Đối với huyện Tương Dương nói riêng và Nghệ An nói chung, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá cũng có những đặc điểm riêng và cần có những biện pháp thích hợp để công việc bảo tồn, phát huy đó phù hợp và đạt được những hiệu quả thiết thực.

Di sản văn hóa có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống đương đại. Vì vậy bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là nền tảng, là nguồn động lực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển của địa phương, của đất nước, là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người và của cả cộng đồng. Di sản văn hóa Tương Dương nói riêng, các huyện miền núi Nghệ An nói chung là một không gian văn hóa đặc sắc có sự kết tinh của các nền văn hóa khác nhau qua các giai đoạn lịch sử. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá nói chung trong đó có di sản văn hoá vật thể cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của cấp uỷ, chính quyền và sự tự  giác, tự nguyện vào cuộc của người dân địa phương và sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả từ cấp uỷ, chính quyền và sở, ngành cấp tỉnh                              

                                                                                               Tương Dương, tháng 2 năm 2019

                                                                                                               Vi Tân Hợi

Địa chỉ