ĐỒN CỬA KHẨU QUỐC TẾ NẬM CẮN CHỐT CHẶN, PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID -19, NƠI TUYẾN ĐẦU BIÊN GIỚI

Đăng lúc 03:20:05 18/08/2020

Ghi chép của Hoàng Cẩm Thạch

Lên chốt

          Trong chuyến đi thực tế sáng tác, các văn nghệ sỹ Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam, tại Nghệ An, may mắn được đến với cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn và được lên thăm chốt.

          Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, thuộc BĐBP Nghệ An, quản lý gần 30 km đường biên giới Việt – Lào, với 8 cột mốc (Từ 402 – 409). Trên địa bàn 2 xã Nậm Cắn và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Nơi đây, chung sống 4 dân tộc anh em, gồm Mông, Thái, Khơ Mú và Kinh. Dân tộc Kinh trở thành dân tộc thiểu số. Bên kia biên giới nước bạn Lào là huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng,

Tác giả trò chuyện cùng Trung tá đồn trưởng Nguyễn Hồng Đức

           Đồn trưởng - Trung tá Nguyễn Hồng Đức chia sẻ : Thực hiện chỉ đạo của thủ tướng chính phủ, của Bộ Quốc phòng, chỉ lệnh của Bộ tư lệnh Biên phòng Việt Nam, của Bộ chỉ huy Bộ đội BP Nghệ An, Đồn CKQT Nậm Cắn tăng cường các biện pháp, các hoạt động kiểm soát xuất nhập cảnh. Chốt chặn các lối mở, đường mòn, trước nguy cơ bùng phát dịch covid - 19, làn sóng thứ 2.

          Trời đổ mưa. Mỗi người trong đoàn được nhận quần áo đi mưa và lên đường. Có lẽ vì ở gần với CBCS Biên phòng, mà ai cũng tỏ rõ quyết tâm lên chốt. Đường lên chốt đất đá lổn nhổn, dốc cao dựng đứng, lỡ chân là trượt, lăn xuống như chơi. Chúng tôi phải dùng gậy, như Bộ đội Trường Sơn năm xưa. Dọc đường gặp hai phụ nữ người Mông bế củi trên lưng, đang xuống dốc. Đường rừng, xuống dốc còn khó hơn đường lên. Trên đường đi, đại uý Ngô Quang Hiếu - chính trị viên phó Đồn CKQT Nậm Cắn - người được phân công dẫn đoàn, tâm sự: Đường này chưa thấm vào đâu, so với đường đến các chốt cách đây rất xa. Các cô đi vất vả lắm. Đây là chốt gần nhất. Nhìn con đường hun hút thế, đã in dấu biết bao chiến sỹ Biên phòng. 

          Những chú vắt từ trong các đống lá khô lâu ngày đại hạn, nay gặp mưa lại gặp da thịt các văn nghệ sỹ cứ nhảy loạn xạ. Con nào con nấy được một bữa liên hoan, hút máu căng tròn. 

          Tới nơi, tổ chốt vẫn đang nghiêm túc canh gác, tuần tra. Bên kia con suối nhỏ là nước bạn Lào. Đứng bên này suối, lòng tôi rưng rưng xúc động. Một tình yêu quê hương, đất nước trào dâng. Càng yêu quí các anh bộ đội Biên phòng hơn. Sống giữa thời bình mà chịu nhiều gian khổ, các anh phải hy sinh tình riêng, để hoàn thành nhiệm vụ. Càng tự hào về các anh, dù trong hoàn cảnh nào, cũng nêu cao tinh thần bảo vệ chủ quyền an ninh Biên giới. 
          Trung tá Trần Văn Khoa, trưởng chốt, cho biết: Chúng tôi đã sẵn sàng tinh thần chốt giữ trường kỳ. Chưa biết khi nào hết dịch. Anh em canh giữ ở đây đã hơn 7 tháng, 24/24. Nhiệm vụ của chốt là bảo vệ Biên giới, ngăn ngừa vượt biên trái phái; Ngăn chặn các hoạt động buôn bán vận chuyển hàng ma tuý… Bởi thế, chúng tôi đã tranh thủ làm vườn rau, làm chuồng nuôi gà, để cải thiện đời sống. Sự sống cứ sinh sôi nẩy nở từng ngày.

          Nhìn vườn rau xanh, ngắm mẹ con đàn gà đang chăm chỉ bới đất tìm con giun, con mối; nhìn chiếc lán nhỏ ngăn nắp gọn gàng; ngắm từng gương mặt xạm nắng rắn rỏi của chiến sỹ Biên phòng, tôi lén lau nước mắt . Càng yêu thương, khâm phục, càng tự hào về anh Bộ đội Cụ Hồ, nơi Biên giới… 

          Hoàng hôn núi buông lớp màn sương và hơi nước trắng mờ. Cảnh yên lặng đến nao lòng. Tôi là người sau cùng, chia tay các anh em ở chốt, không khỏi bùi ngùi xúc động. Mưa tạnh. Dọc đường về, gặp một chiến sỹ từ chốt trong, cách đồn 5 km, đang vội vã đi ra đồn để nhận thực thẩm, kịp về chốt trong đêm, làm nhiệm vụ.

          Đêm biên giới

          Bữa cơm thắm tình quân dân cá nước. Tranh thủ lúc giao lưu, tìm hiểu về tâm tư tình cảm của người lính Biên phòng. Mỗi mâm cơm đều có các CBCS và các văn nghệ sỹ đan xen. Chị em trong đoàn cũng chia nhau ngồi với bộ đội. Mâm cơm có các món thực phẩm sạch, anh em trong đơn vị tăng gia sản xuất và tự chế biến. Cảm nhận chung nhất là các anh nuôi ở đây thật cừ khôi. Các món ngon, chẳng khác gì các đầu bếp nhà hàng ở phố.
Chúng tôi hiểu nhiệm vụ chính của các anh là canh giữ sự bình yên nơi Biên giới, bảo vệ an ninh Quốc gia, xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào. Đại dịch covid -19 bùng phát, nhiều đêm anh em không kịp ăn cơm. Đón nhận các công dân Việt Nam về nước. Có hôm làm việc đến 21, 22 h mới được ăn tối. Ăn tạm chiếc bánh mỳ. Tính từ ngày 27/7 - 8/8/2020 có 461 người nhập biên qua CKQT Nậm Cắn . Trong đó có 232 sinh viên Lào qua Việt Nam học tập. Làm xong thủ tục và đưa đi trung tâm cách ly ở Nghĩa Đàn, ngay trong đêm, rồi trở về đơn vị, trời cũng gần sáng. 

          Đêm Biên giới yên ắng đến lạ lùng. Sương đêm buông xuống mênh mông. Tiếng gió lùa qua khe cửa. Ai nấy đều cảm nhận cái lạnh đầu thu nơi Biên giới. Vẻ co ro, xuýt xoa thích thú. Qua một ngày đi đường dài, ngồi xe mỏi mệt, chiều leo núi dốc cao, giờ đây được nằm trong chăn ấm, thật khoan khoái, dễ chịu. Vậy mà tôi không tài nào ngủ được. Một phần lạ giường, một phần cứ nghĩ đến anh em trên chốt. Chắc đêm nay mấy chú vắt lại nhảy múa tưng bừng trong chăn các chiến sỹ, để sáng ra con nào con nấy một bụng máu căng tròn và tự rơi… Hình dung cảnh các chiến sỹ thay phiên nhau canh gác nơi lối mở, đường mòn, thương lắm. Tin tưởng, tự hào lắm tinh thần phòng tuyến chống dịch nơi biên giới. Thỉnh thoảng nghe tiếng tắc kè kêu, tiếng chim Từ Qui gọi bạn, xa xa vọng về, thật buồn… 

Tác giả Hoàng Cẩm Thạch tặng sách cho các chiến sĩ chốt kiểm soát số 4

đang làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19

          - Chia sẻ với đoàn - Đồn trưởng - Trung tá Nguyễn Hồng Đức, nói : Đây là địa bàn phức tạp. Nhờ kết quả công tác tuyên truyền vận động quần chúng, đặc biệt là công tác tuyên tuyền phổ biến giáo dục pháp luật, cho cán bộ và nhân dân, cho nên quần chúng nhân dân có nhận thức đúng đắn, tinh thần tự giác trong đấu tranh phát hiện và tố giác các đối tượng tội phạm, buôn bán ma tuý, xuất nhập cảnh trái phép. Nhất là trong đại dịch covid 19. Mỗi người dân có ý thức bảo vệ chính gia đình mình, bảo vệ cộng đồng. Phát hiện và khai báo những đối tượng đi nước ngoài, kíp thời đưa đi cách y tập trung …

          - Chúng tôi chỉ đạo cấp uỷ chính quyền địa phương các xã, bố trí lực lượng công An và dân quân xã đồng hành cùng Bộ đội Biên phòng. Tuần tra canh gác các điểm chốt, nhằm ngăn chặn các đối tượng vượt biên trái phép và trốn tránh cách ly, vận chuyển hàng cấm qua Biên giới vào Việt Nam. Đồng thời vận động nhân dân ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần, cùng Bộ đội Biên phòng chốt chặn tuyến đầu, giữ gìn an ninh Biên giới - Phó bí thư huyện uỷ huyện Kỳ Sơn, ông Lỳ Bá Thái, chia sẻ.

                                                                                 Nậm Cắn tháng 7 năm 2020

                                                                                        Hoàng Cẩm Thạch

Địa chỉ