Khi cái nóng ngày hè oi ả biến mất cũng là lúc những khu rừng thay lá - tầng lá xanh dần được thay thế bởi lớp lá vàng, lá đỏ, nhuộm sắc cả không gian. Một chút gió hiu lạnh phả vào trong tầng không chút bảng lảng khiến người ta xao xuyến, lặng mình đứng ngắm vẻ đẹp của đất trời. Một ngày đầu thu như vậy, tôi quyết làm một chuyến "xuyên sơn" để viết về cây mét- một loại cây mà đời đời kiếp kiếp gắn bó với người dân Tương Dương quê tôi.
Nhớ một thướ "rừng xanh tươi- mét bạt ngàn"
Đón chúng tôi trong căn nhà sàn nhỏ, ngay dưới chân đồi mét của gia đình, sau một tuần rượu, ông Lô Văn Tiến, 67 tuổi, bản Pủng, xã Yên Thắng (Tương Dương) chậm rãi kể cho tôi nghe về thời hoàng kim của cây mét quê mình. Giọng ông nhỏ nhẹ, từ tốn, dẫn dắt chúng tôi vào những thước phim quay chậm về một miền ký ức xa xăm, thật đẹp của đất “vua mét”. Sinh ra và lớn lên trên đất mét, chỉ hơn 10 tuổi, cậu bé Tiến khi ấy đã theo cha vào rừng chặt mét kiếm sống. “Trong trí nhớ của tôi, những cây mét khi ấy không có gai và thoáng cành nhánh, mọc thành cả cụm, cả rừng, cứ như hàng chục cây đũa lớn được cùng một bàn tay kỳ diệu chuốt tạo nên. Chặt hạ xuống, thêm vài mươi nhát dao băng ngọn, đánh nhánh, là có thể chuyển qua bãi tập kết để cột thành những khối bè, khối mảng cùng khuôn mẫu. Cứ hệt như những ống nhựa, ống thép được đúc ra cả loạt cùng một nhà máy nào đó” – ông Tiến bồi hồi nhớ lại.
Theo ông Tiến, mỗi ha luồng ở đây trồng được 300 cụm, mỗi cụm cách nhau 6 – 7 mét. Cây mét ưa nơi ẩm mát, có tầng đất xốp tương đối dày. Mầm giống đặt xuống phải 4 năm sau mới cho sản phẩm. Những cây mét thu hoạch lứa đầu có thể làm sào, làm đui cho những mái nhà tre, nhà nhỏ, hoặc vật liệu chính để rào vườn nhà, vườn rừng... Từ năm thứ tư, năm thứ năm trở đi, cho mét loại hai, loại ba và đều đặn hàng năm, mỗi gốc mét cho hai cây, mỗi ha từ 900 – 1.000 cây mét hàng hóa như vậy.
Thú vị hơn, khi nói về giá trị của cây mét, ông Tiến mủm mỉm cười vui "Hồi ấy bà con nơi đây thường so sánh cây mét với con trâu, để thấy được giá trị của cây mét trong đời sống thường ngày của bà con: Mỗi bụi mét còn hơn một con trâu/ Mét chăm chút một lần trồng ta chặt mãi/ Trâu nhiều tuổi kéo run, cày mỏi/ Mét nhiều năm càng bậm càng cao.
Kinh nghiệm xa xưa từ các cụ cao niên để lại, cây mét mọc thẳng tắp từ mặt đất mà vượt lên như cây nứa, nên khi chặt mét phải chặt thật sát gốc để bụi mét không bao giờ bị thoái hóa và thoáng mặt bằng cho những lứa măng sau càng đều, càng mập. Lớp mọc sau dựa vào cái thế của lớp cây trước đã ở tuổi lên một lên hai mà nhanh chóng phóng ngọn chiếm lấy tầm cao. Sau ba tháng, lứa măng ấy về hình thể đã trở thành những cây mét to và cao bằng lớp bố mẹ. Tròn bốn tuổi nó đã đủ độ săn thớ, dày vách, rắn gỗ, tức là đủ độ bền chắc cơ lý và được “hạ sơn” để làm nghĩa vụ, đáp ứng nhu cầu xây dựng hay đem bán cho lái buôn. Ở nơi đây có những khu mét đạt độ cao hơn mười lăm mét, với độ dài sử dụng của cây mét này đủ cho chiều dọc của những ngôi nhà sàn năm gian.
Chỉ với một con dao rựa thật tốt, cùng những cánh tay rắn chắc của người lao động ở đất mét người ta vẫn có thể tạo ra cuộc sống no đủ. Những cây mét được ông Tiến cùng người thân đốn rồi kết thành những mảng bè, xuôi bè theo con sông Lam 3 ngày 3 đêm thì về đến phố Ba ra Đô Lương, bán cho những lái buôn ở miền xuôi. Dù không làm nương, làm rãy, không có lúa, nhưng đã có những bè mét về đến các bến ở Anh Sơn, Đô Lương… bán gọn cả cho các lái buôn miền xuôi là đã có tiền dư sức sắm những thứ cần thiết cho cuộc sống trong gia đình, đã chọn mua là mua cá ngon, gạo ngon, vải tốt, đồ sắt đồ đồng đáng giá, nhà có con gái sắp đến tuổi đi làm dâu, sắm vòng bạc, quả đào, xà tích... Nửa cuối những năm 70 đến 80 của thế kỷ trước, ông Tiến và những người trồng mét ở Yên Thắng không phải xuôi bè xuống Anh Sơn hay Đô Lương nữa mà đã có cán bônhững lái buôn mét lên tận Tương Dương để đặt mua mét. Ông Tiến chỉ cần lên vườn, chặt mét, rồi xuôi theo dòng Huội Nguyên ra cửa sông giao cho lái buôn. Nhưng từ ngày có Lâm nghiệp huyện thì người trồng mét chúng tôi không phải xuôi bè về xuô
Có thể thấy, chưa có một loại cây nào có thể vừa mọc nhanh, nhiều lại vừa giúp ích cho con người ở vùng đất này trên nhiều mặt như cây mét lúc bấy giờ. Hơn năm mươi năm qua (kể từ năm 1970 đến nay), cây mét ở Tương Dương đã góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống của nhân dân vùng trồng mét như Yên Thắng, Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Thạch Giám, Kim Tiến, Hữu Dương, Luân Mai[1]… Để có thể hiểu rõ thêm về thời hoàng kim của cây mét, tôi tiếp tục tìm đến các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện Tương Dương những năm 1970-1980. Cụ Lương Hoài Phê, ở Bản Chắn, thị trấn Thạch Giám- nguyên Phó Bí thư Huyện ủy. Tuy đã trên 80, sức khỏe đã vơi dần theo thời gian, nhưng trong tiềm thức của cụ, những ký ức về một thời “vàng son” của cây mét vẫn còn đọng mãi.
Từ tốn nhấp bát chè xanh, cụ Phê trầm ngâm kéo khoảng thời gian hào hùng xưa kia lại gần hơn với chúng tôi. Công tác khai thác, trồng rừng và bảo vệ rừng vào thời điểm đó được diễn ra đồng thời và hài hòa. Cụ nói, những năm 70, các kỳ Đại hội Đảng bộ đều giương cao khẩu hiệu "Hạ dao, trao cuốc" hay "Rừng xanh tươi, mét bạt ngàn" và lấy đó là phương châm hành động cho toàn đảng bộ. Sau Đại hội đảng bộ, cán bộ huyện xuống tận các bản, làng để họp bàn với dân để truyền đạt chủ trương của Huyện ủy. Nhân dân đồng lòng, khí thế lao động hăng say, nơi nơi thi đua giảm phát nương làm rãy, tích cực trồng rừng, trồng mét và khai hoang đất bằng, ruộng nước. Khi đó, phong trào trồng mét mạnh nhất là ở Thạch Giám, Tam Quang, Yên Thắng, Hữu Dương, Luân Mai. Theo cụ Lương Hoài Phê thì hồi đó, tất cả những người trong độ tuổi lao động từ 16 tuổi trở lên đều là xã viên các Hợp tác xã (HTX) và được giao chỉ tiêu trồng mét và các khoản lao động công ích khác. Thời đó, người nông dân không hề có thời gian ngưng nghỉ như bây giờ, bởi ngoài thời gian lao động cho HTX họ phải tranh thủ trồng mét cho gia đình. Để sản xuất có hiệu quả, các HTX đã thành lập các tổ đội khai thác, vận chuyển mét. Cụ Lương Hoài Phê cho biết, đến các xã vào thời điểm đó cứ bước chân ra khỏi nhà là gặp cây mét. Ven đường quốc lộ, đường liên bản, liên xã, ven các con sông, con suối hay các lưng đồi mét bạt ngàn phủ kín muôn nơi.
Mét từ các xã Luân Mai, Hữu Dương được đưa về tập kết ở Lâm nghiệp huyện tại Bản Mác, xã Thạch Giám (Ảnh do ông Lương Văn Tân, Bản Mác, thị trấn Thạch Giám cung cấp)
Cụ Lô Văn Tiến, nguyên là Chủ tịch UBND xã Luân Mai (Tương Dương) nay đã di dân về định cư ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) bồi hồi như lại những câu chuyện xã xưa. Cụ nói, có lần đi dự hội nghị tổng kết công tác lâm nghiệp ở huyện, các xã Luân Mai, Hữu Dương được tuyên dương tại hội nghị, bởi phong trào trồng mét rất mạnh, diện tích mét lớn và cây mét to, đẹp…Cụ Tiến cười hóm hỉnh, rồi kể, trước đó đội văn nghệ xã Luân Mai được mời ra tận Thủ đô Hà Nội biểu diễn. Xuống huyện xin hỗ trợ, huyện không có tiền, ông Vi Văn Tâm, Đội trưởng đội văn nghệ đành bán 5 con trâu của gia đình để đưa các đội ra Thủ đô. Thấy vậy, Ủy ban nhân dan xã đã huy động toàn xã chặt hơn 5000 cây mét để hỗ trợ cho cả đội.
Ông Lương Văn Tân, ở bản Mác, thị trấn Thạch Giám, năm nay cũng xấp xỉ 80 tuổi, đưa cho tôi xem tấm hình đã ố màu và bồi hồi nhớ lại những năm tháng còn làm việc ở Lâm Nghiệp huyện Tương Dương: "Hàng ngày có trên 30.000 cây mét, nứa từ các xã Luân Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông, Kim Tiến, Kim Đa về đây. Anh em công nhân Lâm Nghiệp gồng mình lên gom kết lại thành những mảng bè lớn rồi chuyển về xuôi".
Công nhân Lâm nghiệp vận chuyển mét về xuôi (Ảnh do ông Lương Văn Tân, bản Mác, thị trấn Thạch Giám cung cấp)
Cây mét chưa tương xứng tiềm năng
Tài nguyên rừng của Tương Dương rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh những loài quý hiếm nằm trong sách đỏ như sến mật, pơ mu, xa mu, đinh hương, trai… còn có nhiều cây lấy gỗ thông dụng giá trị kinh tế cao, trong đó cây mét đứng hàng đầu.
Theo ông Lô Khăm Kha, trưởng Phòng NNPTNT huyện thì diện tích mét hiện có của cả huyện trên 2000 ha. Trong đó các địa phương có diện tích mét trên 100 ha gồm Tam Quang (721,5 ha), Thạch Giám (338 ha), Yên Thắng (309,3 ha), Tam Thái (267,4 ha), Tam Đình (120,6 ha)
Cây mét có thể dùng làm vật liệu xây dựng, làm ván ép, ván dăm, làm tăm mành, đũa xuất khẩu, làm đồ trang trí mỹ nghệ, làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, ngoài ra có thể tận dụng măng mét làm thực phẩm và chiết xuất thuốc chữa bệnh.
Nói không quá, cây mét góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, song nhìn nhận một cách khách quan thì hiệu quả kinh tế mang lại của loại cây “đa tác dụng” này chưa thật sự tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Trong nhiều năm qua, lãnh đạo huyện Tương Dương vẫn xác định cây mét là 1 trong những sản phẩm lâm nghiệp trọng tâm trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cho đến bây giờ huyện Tương Dương chưa có sản phẩm nào từ cây mét. Người dân chủ yêu khai thác và bán cây mét nguyên khối cho các lai buôn, vài năm nay mới có một doanh nghiệp đâu tư cơ sở chế biến mét làm nguyên liệu những công suất nhỏ, nói như vậy dễ dàng nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây mét chưa được như mong đợi.
Vườn mét ở bản Na Tổng xã Tam Thái
Thực tế từ nhiều năm nay, chúng ta đều biết, mét dễ trồng, kinh phí đầu tư không lớn nên rất phù hợp với năng lực của đồng bào các dân tộc huyện Tương Dương. Đặc biệt hơn, cây mét chỉ trồng 1 lần nhưng có thể khai thác nhiều lần, chưa kể nếu chăm sóc tốt thì cây mét có thể khai thác đến 40-50 năm. Có điều do tập quán canh tác vốn đã “ăn sâu bén rễ” nên người dân không tận dụng được lợi thế đó, cơ bản chỉ khai thác “non” mà bỏ bẵng đi nhiệm vụ chăm bẵm dẫn đến tình trạng kiệt quệ nguồn tài nguyên đất và thoái hóa giống. Qua khảo sát mới đây nhất, chỉ xã Tam Quang, Yên Thắng, Tam Thái đã bắt đầu có định hướng chỉ đạo, hỗ trợ người dân phục tráng lại vườn mét. Nhìn chung người dân chưa có ý thức thâm canh. Thông thường trồng mét phải trên 3 năm mới đủ chu kỳ khai thác, nhưng thực tế chỉ 1 - 2 năm bà con đã "xẻ thịt" rồi. Bình quân 1ha luồng cho thu nhập khoảng 12 triệu đồng/năm, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời tạo được chuỗi liên kết thì giá trị có thể tăng gấp đôi, gấp ba lần.
Qua khảo sát ở một số bản của xã Tam Quang và Yên Thắng thì thu nhập bình quân của người dân trồng mét còn thấp, chỉ đạt mức trên 3 triệu đồng/người/năm. Bình quân trên một đơn vị diện tích trồng mét chỉ đạt trên 4 triệu đồng/ha. Thời điểm này, mặc dù đã có một vài chuyển biến nhất định nhưng nhìn chung vẫn rất gian nan.
Về hiện trạng, chất lượng rừng mét ngày càng đi xuống. Thống kê cho thấy có tới trên 50% số hộ gia đình trồng mét ở các xã, thị trấn khẳng định luồng của họ xuất hiện dấu hiệu thoái hóa và bị sâu bệnh. Trong khi đó, mức độ quan tâm, chăm sóc rừng mét chưa được người dân quan tâm, chưa hề có hộ gia đình nào sử dụng phân bón cho cây mét.
Hiện diện tích trồng luồng tập trung ở 4 địa phương Tam Quang, Thạch Giám, Yên Thắng, Tam Thái, còn nhiều địa phương khác có điều kiện thuận lợi về giao thông, đất đai như Mai Sơn, Nhôn Mai, Yên Hòa, Nga My…nhưng vẫn chưa đầu tư đúng tầm. Chính sách hỗ trợ của huyện vẫn chưa đủ để khuyến khích người dân trồng mét. Điều đáng ngại là cơ sở chế biến chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cây mét. Đáng nói hơn, việc chưa hình thành được chuỗi giá trị liên kết chính là cơ hội để cánh thương lái được đà ép giá, nhưng vấn đề này chưa được huyện quan tâm đúng mức, thành thử người dân luôn phải chịu cảnh thiệt đơn thiệt kép.
Để phát huy tiềm năng cây mét, huyện Tương Dương cần có hướng đi thực sự cụ thể, có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân cả kinh phí lần kỹ thuật trồng và chăm sóc. Mặt khác cần tạo ra các vùng thâm canh mét tập trung, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện: Vi Tân Hợi
Khối Hòa Bắc, thị trấn Thạch Giám
[1] Ngày 09/02/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07-NĐ/CP, giải thể các xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Dương, Luân Mai của huyện Tương Dương.