CÓ MỘT HỮU KHUÔNG NHƯ THẾ TRONG TÔI

Đăng lúc 08:19:13 07/09/2020

Bút ký của Vi Hợi

           Tháng 6 năm 2015, tôi trở lại cơ quan Huyện ủy sau 10 năm công tác ở Chính quyền. Tôi được Ban Thường vụ phân công giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy và trực tiếp phụ trách xã Hữu Khuông- xã khó khăn nhất cả nước lúc bấy giờ. Thực lòng mà nói, tôi muốn chuyển về phụ trách một xã nào đó thuận lợi hơn, bởi đã 20 năm bám trụ ở các xã khó khăn như Mai Sơn, Nhôn Mai, Lượng Minh, Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa…nay vì tuổi đã cao, đôi chân không còn khỏe như hồi trai trẻ nữa. Nhưng có một hôm Bí thư Huyện ủy Phạm Trọng Hoàng gặp riêng tôi và nói: "Biết anh nhiều năm chinh chiến vùng khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ xã Hữu Khuông nhiệm kỳ này còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm công tác, cho nên rất cần một người nhiệt huyết, trách nhiệm và có nhiều kinh nghiệm như anh phụ trách mới có thể giúp các em nó trưởng thành". Tôi chưa kịp xử sự như thế nào khi nghe Hoàng nói ra điều đó thì Hoàng lại nói tiếp: "Có thật sự hiểu con người của anh, tin tưởng ở anh, em mới nói ra điều đó". Tôi và Bí thư Hoàng vốn dĩ rất thân thiết, mà thân nhau từ rất lâu rồi, đã coi nhau như anh em ruột rà. Tôi hơn tuổi Hoàng, nhưng trong cuộc sống, tôi luôn nể phục và trân trọng Hoàng bởi không chỉ vì Hoàng là Bí thư Huyện ủy mà cái cốt là Hoàng nói được làm được, hơn thế nữa Hoàng thường nghĩ cho người khác, chưa bao Hoàng nghĩ riêng cho mình một điều gì, vì thế nên Hoàng cũng thiệt thòi nhiều thứ lắm. Trước đây, tôi và Hoàng dẫu mỗi người công tác ở mỗi huyện, xa nhau những 60 cây số, nhưng thi thoảng cuối tuần tôi lại xuống Con Cuông chơi thăm bạn bè, thăm anh Phùng Văn Mùi, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy, thăm Hoàng – hồi đó Hoàng đang là cán bộ ban tuyên giáo Huyện ủy, sau này Hoàng chuyển sang làm Phó văn phòng rồi Chánh văn phòng Huyện ủy trước khi chuyển về công tác ở Tỉnh ủy. Những bản Môn Sơn, Lục Dạ, những đập Phà Lài, thác Kẽm, khe Nước Mọc, vườn Quốc gia Pù mát…đều in dấu bước chân chúng tôi. Những bữa cơm gia đình mộc mạc mà ấm áp tình thân….Bởi thế, sau khi nghe Hoàng nói, tôi đã bỏ ngay ý định xin về phụ trách một xã nào đó gần nhà hơn, thuận lợi hơn mà vui vẻ nhận lời Hoàng lên với Hữu Khuông xa xôi, cách trở.

          Hồi đó, Hữu Khuông được biết đến là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, có 554 hộ thì có đến 520 hộ là hộ nghèo, chiếm 93,86% số hộ trên địa bàn. Vì không có đường, không có chợ nên không có giao thương, trao đổi buôn bán, hầu hết bà con chủ yếu tự cung tự cấp. Không có điện nên bà con phải dùng đèn dầu hoặc nhà nào “khấm khá” hơn thì có máy chạy thủy điện nhỏ chỉ đủ thắp sáng một bóng đèn compac, nước sinh hoạt cũng phụ thuộc vào nguồn khe suối chảy về.

Bến đò và đường lên trụ sở xã Hữu Khuông năm 2015

          Toàn xã có 7 thôn bản phân bố không đồng đều, bản này cách bản kia từ 4 đến 7 cây số, có những bản từ trung tâm xã đến bản phải đi bộ mất nửa ngày trời. Thông tin liên lạc giữa cơ quan đến các thôn bản không có nên mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng chậm được triển khai.

          Thuỷ điện Bản Vẽ là nơi ngăn cách Hữu Khuông với thế giới bên ngoài. Phương tiện duy nhất để đưa người và các nhu yếu phẩm vào xã là những chiếc thuyền máy. Chỉ cần rời bến đò thượng lưu độ vài phút là đã ra khỏi vùng phủ sóng, chiếc điện thoại di động chỉ còn là thứ đồ chơi. Sau hai giờ đồng hồ lướt trên hồ thủy điện mới vào tới xã Hữu Khuông. Tôi nhớ như in ngày đầu tôi đặt chân lên xã Hữu Khuông để làm việc với Đảng ủy xã và cũng là để ra mắt nhận nhiệm vụ, tình cờ gặp hai cô giáo dạy học ở Hữu Khuông. Tôi lại gần bắt chuyện thì được biết, một cô là giáo viên tiểu học, còn cô kia là giáo viên mầm non và họ cũng biết tôi đã từng là giáo viên dạy học.

          - Xuống thuyền rồi chúng em còn đi bộ gần 3 giờ đồng hồ nữa mới đến điểm trường – Một trong 2 cô cho biết.

          Nghe nói vậy, tôi buột miệng hỏi.

          - Thế các em dạy ở bản nào?

          - Chúng em dạy học ở bản Chà Lâng.

          Mỗi người lỉnh kỉnh nào ba lô đeo sau lưng, trên vai thì khoác cái túi to, còn tay kia xách cái túi nhỏ hơn một chút. Thấy vậy tôi tò mò hỏi.

          - Sao các cô mang lắm thứ thế?

          Một cô nhìn tôi nhanh nhảu trả lời.

          - Ôi, mỗi tháng, à thậm chí 3 tháng mới về nhà một lần, cho nên quần áo, tư trang cá nhân, lương thực, thực phẩm…đều phải mang theo đầy đủ.

          Tôi biết đến Chà Lâng hơn 10 năm về trước, khi tôi làm trưởng đoàn đi giải quyết vụ tái trồng cây thuốc phiện ở địa bàn bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai. Ban đầu đoàn đi thuyền lên Nhôn Mai, sau đó sang tận bản Pả Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, mới vòng xuống nơi phát hiện tái trồng cây thuốc phiện. Xong việc, ngày trở về, chúng tôi đi theo lối mòn qua bản Chà Lâng (ngày đó gọi là bản Tủng Hốc 2) để về bản Xiềng Lằm, trung tâm xã Hữu Khuông khi đó, đón thuyền về Hòa Bình. Nghĩ đến đó, tôi chợt nhớ đến một người và liền nói với 2 cô.

          - Lên đó, cho tôi gửi lời hỏi thăm bác Thò Nênh Thông nhé.

          - Vâng ạ!

          Bóng hai cô cứ khuất dần sau dãy nhà lụp xụp. Tôi thầm nghĩ cuộc sống rất khó khăn nên gạo, muối, thức ăn các cô đều phải mang từ nhà lên.

          Tôi bước chân vào trụ sở xã, điều đầu tiên tôi cảm nhận được là nơi sinh hoạt và làm việc của các cán bộ trong xã cũng không khác gì những người dân trong bản. Mấy năm trước, trụ sở xã ở ngoài ngã ba – nơi hợp lưu giữa khe Chà Lạt và khe Bon, nhưng vì nước ngập, trụ sở lại chuyển vào bản Con Phen. Thực ra, ban đầu tôi và mấy anh em trong đoàn khảo sát đã đề xuất vị trí xây dựng trụ sở xã Hữu Khuông là bãi bằng cách bản Pủng Bón chừng 500 mét, sát với bờ hồ. Đó là một bãi đất rộng hơn 4 héc ta, có thể xây dựng trụ sở xã, trường học và trạm y tế. Tuy nhiên, do anh Moong Văn Hợi khi đó là Phó Bí thư thường trực phản đối gay gắt và cho rằng phải xây dựng trụ sở tại bản Con Phen để đồng bào Khơ mu ở đây được hưởng lợi. Hầu hết trong Ban thường vụ Huyện ủy đều thuận theo ý anh Moong Văn Hợi, rất ít người ủng hộ quan điểm của chúng tôi, mặc dù ai cũng biết xây dựng trung tâm xã tại bản Con Phen là bất lợi rất nhiều…

          Đang miên man với những ký ức về những ngày di dời trụ sở xã Hữu Khuông, chợt tôi nghe tiếng của Chủ tịch xã Lô Dương Khánh:

          - Thông tin đến được với xã chỉ có những trang báo, nhưng có nhanh thì cũng phải mất một tuần mới tới nơi.

          Chưa kịp nói câu chia sẻ với chủ tịch xã thì một công chức văn phòng UBND xã có tên là Lô Thanh Sử đưa ba lô của tôi để vào trong phòng của Bí thư Đảng ủy Lô Văn Chiến và nói:

          - Tối ni bác nghỉ ở đây.

          Thấy vậy, tôi liền nói:

          - Ừ, bác và Chiến nghủ chung cũng được, giường rộng mà.

          - Không, anh Chiến sẽ sang ngủ cùng với anh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy.

          Nghỉ ngơi một lát, tôi và Phó Chủ tịch xã Lô Văn Tùng xuống thăm các trường học. Trên đường đi, Phó Chủ tịch Tùng cho hay:

          - Cơ sở hạ tầng, trường học của 3 bậc học mầm non, tiểu học, trung học sơ sở còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay gần 170 học sinh bậc THCS của xã đang phải ăn ở, sinh hoạt tại 34 lều tranh vách nứa tạm bợ.

          Tôi đưa mắt nhìn theo tay Tùng chỉ, thấy những mái nhà tranh bé tí tẹo như cái chuồng gà và thầm nghĩ chắc mùa đông đến, những túp lều nhỏ bé này sẽ không thể ngăn nổi những cơn gió rét buốt của núi rừng.

          Thấy tôi cứ nhìn theo mấy người Mông đang gùi trên lưng những cái lù cở chất đầy đồ. Phó Chủ tịch Tùng liền giải thích.

          - Hôm này là ngày đầu tuần nên phụ huynh thường gùi gạo, muối, thức ăn, quần áo…cho con, em của mình.

          Thầy giáo Nguyễn Tất Thi, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hữu Khuông, đứng bên cổng trường chờ đón chúng tôi, thầy cho biết:

          - Do điều kiện đường xá không có, các em lại ở xa nên gần như 100% các em đều ở bán trú, cuộc sống thực sự rất vất vả. Toàn bộ khu nhà đều là tranh tre nứa lá do cha mẹ các em dựng lên để ở tạm lúc đi học.

           Vừa ngồi xuống ghế, thầy Thi lại tiếp tục mạch tâm sự của mình.

          - Chúng em ở đây vất vả rồi, nhưng mấy thầy cô tiểu học và mầm non cắm bản còn vất vả hơn trăm lần, vừa phải đi xa, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn không như điểm trường chính, thương lắm thầy ạ.

          Nghe thầy Thi nói vậy, phần nào tôi đã hình dung được những vất vả mà các thầy cô giáo nơi đây đang từng ngày phải đối diện. Và sứ mệnh của những người đi gieo mầm nơi sơn cùng thủy tận này còn lắm gian nan.

          Vừa ra khỏi cổng trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hữu Khuông, tôi ngước mắt nhìn lên ngọn núi cao vời vợi, xanh ngắt, lác đác những ngôi nhà mái xám đen chênh vênh trên đỉnh núi.

          - Nơi ấy là bản Chà Lâng, bản của 47 hộ đồng bào dân tộc Mông – Phó Chủ tịch Tùng cho hay.

          Sau khi ghé thăm các thầy cô ở trường tiểu học và mầm non xong, tôi và Phó Chủ tịch Tùng đi dạo quanh bản Con Phen, bản trung tâm của xã. Khung cảnh nơi đây vừa yên bình, tĩnh lặng, nhưng cũng đặc biệt khó khăn, thiếu thốn. Nhà cửa tuềnh toàng, chật chội, không điện, đường đi lại trong bản chỉ lọt bàn chân…

          Hữu Khuông vào thời điểm đó là thế, do phải sống biệt lập cho nên bà con dân tộc Thái, Mông, Khơ mú nơi đây sống chủ yếu tự túc, tự cấp. Tất cả mối liên hệ với cuộc sống nhộn nhịp, hối hả từng ngày ngoài kia chỉ trông chờ vào những chuyến đò trên lòng hồ Bản Vẽ chạy vào. Có lẽ cũng bởi vậy mà ở Hữu Khuông, bà con mong mỏi, vui mừng biết bao khi có sự ghé thăm của những người khách từ thị trấn hay một thành thị nào đó rất xa lên đây, nhất là những đoàn thiện nguyện, đơn giản, chỉ để thổi vào cuộc sống một luồng không khí mới, ấm áp, vui tươi.

Tôi cùng đoàn thiện nguyện thành phố Vinh lên trao quà ở Hữu Khuông

          Sau Đại hội Đảng bộ khóa XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, lại có thêm Chủ tịch xã được huyện tăng cường, xã Hữu Khuông đã bước đầu tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai một số chương trình như: Khai hoang ruộng nước, mở rộng diện tích ao cá, tập trung chỉ đạo trồng rừng, trồng cỏ, sắp xếp lại chuồng tại chăn nuôi, công trình vệ sinh gia đình...         

*

*         *

          Tôi thấm nhuần sâu sắc câu nói của Bác Hồ "cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại, là do cán bộ tốt hay kém". Nghị quyết đại hội đảng bộ có thành hiện thức cuộc sống hay không chính là do đội ngũ cán bộ xã quyết định. Vì vậy, khâu đột phát đầu tiên của Hữu Khuông phải là cán bộ và công tác cán bộ. Tại thời điểm đó toàn bộ công chức xã đều không phải là người địa phương, đội ngũ cán bộ xã Hữu Khuông lúc bấy giờ thuộc loại trẻ nhất huyện Tương Dương, người nhiều tuổi nhất và cũng là người duy nhất trong số cán bộ chủ chốt của xã có trình độ Đại học là Chủ tịch Lô Dương Khánh, sinh năm 1981, còn người ít tuổi nhất sinh năm 1997, vừa mới tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuổi trẻ thường có lòng nhiệt huyết và dám xông pha, nhưng họ lại thiếu cả kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và thiếu cả kinh nghiêm công tác.

          Một lần tôi ghé thăm anh Pịt Văn Tâm, người Khơ mú ở bản Con Phen, một người bạn học cùng tôi một lớp suốt 3 năm học ở trường cấp 3 Tương Dương. Anh có cô con gái là Pịt Thị Thỏa, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã. "Nó tốt nghiệp sư phạm ra không xin đi dạy được, cũng may nhờ có người quen nên mới xin được một chân vào làm việc ở xã" – anh Pịt Văn Tâm giãi bày. Thỏa tủm tỉm cười và nhìn tôi nói "Quả thật bọn cháu mù tịt, không biết chi, nay có bác lên phụ trách xã bọn cháu vô cùng an tâm. Mong bác chỉ bảo, bày vẽ thêm cho bọn cháu". Nỗi niềm tâm tư của Thỏa làm cho tôi nhớ lại lời nói của Bí thư Huyện ủy Phạm Trọng Hoàng khi đề nghị tôi nhận phụ trách xã Hữu Khuông và cho tôi thêm nghị lực để dấn thân vào cuộc sống của cán bộ và nhân dân vùng đất nghèo khó này.

          Từ nhà Pịt Văn Tâm trở về trụ sở, tôi bàn với chủ tịch Lô Dương Khánh, "Anh em mình thử làm một bài test đối với cán bộ, công chức xã chú nhé". Khánh hỏi: "Nội dung thế nào anh". Tôi trả lời: "Test về tâm lý, nhận thức, thái độ, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng công tác…Mình sẽ ra đề, đáp án còn Khánh sẽ là giám khảo". "Còn về phương pháp?"- Khánh lại hỏi. "Ta test riêng từng người, theo hình thức trò chuyện, tâm sự, trao đổi, làm sao ta đang kiểm tra mà họ không biết mình bị kiểm tra". Khánh cười…"Ok anh".

          Nhưng, công tác tại Hữu Khuông chưa được bao lâu thì Lô Dương Khánh được chuyển công tác về huyện giữ chức vụ Phó trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân huyện. Và tôi, lần thứ hai rời khỏi cơ quan Huyện ủy trở lại cơ quan Chính quyền với cương vị Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân huyện. Lúc này cán bộ xã Hữu Khuông cũng có sự thay đổi, Bí thư Lô Văn Chiến chuyển sang làm Chủ tịch UBND xã, còn Phó Chủ tịch Lô Văn Tùng được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, Lô Văn Tuấn vẫn làm Phó Bí thư Đảng ủy, Pịt Thị Thỏa được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội, Vi Thị Mận, Chủ tịch Hội LHPN xã được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND xã…Tôi và Khánh vẫn tiếp tục phụ trách xã Hữu Khuông. Từng người, từng người một được chúng tôi kiểm tả và sau đó tư vấn nên học gì? Học ở đâu? Học như thế nào?...Thế là một phong trào thi đua học tập lan tỏa trong cả cơ quan xã. Cùng với đó, tôi đã mời cán bộ các ban Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể lên tập huấn kỹ năng công tác cho cán bộ xã Hữu Khuông theo phương châm "cầm tay chỉ việc", đồng thời đề xuất Đảng ủy, UBND xã sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, một số quy định về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ được phân công cán bộ phụ trách cơ sở…Tháng nào chúng tôi cũng có mặt ở Hữu Khuông để giám sát, đôn đốc mọi người làm việc. Mỗi bản có một tổ công tác đặc biệt của xã do một đồng chí Đảng ủy viên làm Tổ trưởng thực hiện "3 cùng" với dân.

          Sau vài lần dự sinh hoạt chi bộ, tôi nhận ra các Bí thư còn yếu kỹ năng tổ chức sinh hoạt, cán bộ xã cũng chưa nắm chắc nội dung, quy trình. Thế là tôi và Khánh bàn nhau tập hợp tài liệu rồi in một cuốn cẩm nang về sinh hoạt chi bộ và tổ chức một lớp tập huấn cho cán bộ xã và Bí thư, Phó Bí thư chi bộ. Ông Mạc Bình Minh, Bí thư chi bộ Bản Xàn cảm động "Bây giờ chúng tôi mới hiểu, mới biết làm Bí thư chi bộ là làm cái gì, tổ cức họp ra sao, họp bàn nội dung gì…từ nay chắc chắn sẽ làm tốt hơn". Sau đợt ấy, tôi đề nghị chọn chi bộ Huồi Cọ làm mô hình thí điểm việc phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình. Với vai trò Bí thư chi bộ và cũng là người có uy tín trong bản, lại được chúng tôi hướng dẫn, giúp sức, anh Cụt Đình Xuyên đã điều hành toàn bộ hoạt động của chi bộ khá thành thục và hiệu quả. Đảng viên được phân công phụ trách hộ gia đình có hai nhiệm vụ đó là nắm chắc tình hình của hộ gia đình và tuyên truyền, vận động, thuyết phục hộ gia đình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương, quy ước của bản…đến kỳ sinh hoạt chi bộ hàng tháng tất cả các đảng viên báo cáo kết quả công tác của mình để chi bộ biết, góp ý, chỉ đạo. Từ một bản nổi tiếng về mê tín, dị đoan, tệ nạn ma túy, khai thác vàng trái phép…chỉ sau một năm phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, bản Huồi Cọ đã lột xác, đường làng được bê tông hóa nhờ công sức của nhân dân, nhà nào cũng có một vườn rau xanh, có chuồng trại gia súc, gia cầm ngăn nắp, có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, trong nhà, ngoài đường luôn sạch sẽ, gọn gàng, người nghiện ma túy không còn và cùng chẳng có ai mò lên núi khai thác vàng hay chặt phá rừng nữa…một không khí yên bình lan tỏa khắp bản Huồi Cọ. Trong lễ "Xên bản" đầu năm của người Khơ mú, Bí thư chi bộ Cụt Đình Xuyên cầm tay tôi mà nước mắt rưng rưng "Cảm ơn anh, cảm ơn anh rất nhiều, nhờ có anh mà bản Huồi Cọ mới có được như bây giờ". Tôi đưa tay vẫy các đảng viên đang vui cùng dân bản lại gần và nói với Bí thư Xuyên "Anh không phải cảm ơn tôi, mà cảm ơn các đảng viên này, nhờ có họ tuyên truyền, vận động mà nhận thức của dân ta mới thay đổi".

          Từ thành công của mô hình đảng viên phụ trách hộ gia đình ở chi bộ Huồi Cọ chúng tôi chỉ đạo nhân rộng ra toàn đảng bộ Hữu Khuông và khuyến khích những cách làm mới. Việc làm đó đã đem lại hiệu quả thiết thực, nó làm thay đổi căn bản nhận thức, tư tưởng và hành động của mỗi đảng viên, trước hết là người đứng đầu các tổ chức, các đơn vị. Ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, Pháp luật của nhà nước của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tư tưởng trông chờ ỷ lại từng bước được khắc phục. Ngày nay nhân dân Hữu Khuông đã chủ động, tự giác tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Như báo cáo chính trị của Đảng ủy tại Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu: Thu ngân sách trên địa bàn 5 năm đạt 246,83 triệu đồng, tăng 24,6% so với nhiệm kỳ trước, thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng, tăng 16%. Tổng sản lượng lương thực đạt 9.687 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 440 kg. Tổng đàn gia súc đạt 3.726 con, gia cầm 8.883 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 577,6 tấn, bình quân 67 kg/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 63,47%.

          Hiện nay tất cả các tuyến đường đi lại trong bản ở Huồi Cọ, Chà Lâng, Con Phen đã được bê tông hóa nhờ nhân dân đóng góp công sức, tiền của. Đồng bào dân tộc Mông ở bản Chà Lâng đã bỏ hủ tục lạc hậu, tự giác làm nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tất cả các hộ gia đình ở xã Hữu Khuông bây giờ đều có chuồng trại chăn nuôi đúng quy định về vệ sinh môi trường. Nếu bất chợt ta đến Hữu Khuông vào một sáng cuối tuần, sẽ bắt gặp hình ảnh cán bộ và nhân dân cùng nhau quét dọn, tổng vệ sinh môi trường, tiếng nói, tiếng cười rộn ràng khắp bản làng, một không khí thật sự gần gũi, vui tươi, ấm cúng bởi không còn khoảng cách giữa cán bộ và người dân. Điều đáng mừng ở Hữu Khuông hiện nay là nhân dân tự giác tham gia ngày càng nhiều và có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào tự quản, tự hòa giải và đặc biệt là Hữu Khuông luôn giữ được phong toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn hàng năm. Anh Cụt Đình Xuyên, Bí thư chi bộ Huồi Cọ chia sẻ "Nhờ được phân công phụ trách hộ gia đình mà đảng viên thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, họ gương mẫu hơn và đồng thời chi bộ nắm chắc tình hình của từng hộ gia đình, kể cả những người đi làm ăn xa, chúng tôi vẫn biết được họ sinh sống như thế nào, thu nhập ra sao". Anh Lô Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy tiếp lời anh Xuyên: "Tổng hợp từ kênh thông tin của các chi bộ, Đảng ủy biết được trong 5 năm qua, số lao động đi làm ăn ngoài địa phương gửi về gia đình trên 20 tỷ đồng, gấp mấy lần thu ngân sách trên địa bàn".

          Còn nhớ, năm 2017 xã mở chiến dịch giao thông đầu năm mở đường từ bản Con Phen vào Huồi Pủng dài gần 8 cây số, trong đó huyện hỗ trợ máy đào hơn 2 cây số. Tôi có mặt ở xã từ ngày mồng 1 tháng 3, cùng anh em ủy ban đi khảo sát và phát dọn tuyến, cắm mốc và chia cho các bản theo số lượng dân công huy động. Năm đó toàn xã huy động hớn 570 lao động, từ ngày mồng 5 tháng 3 tất cả các bản đã có mặt trên các tuyến đường đã được chia, họ dựng lán trại, tập kết lương thực, thực phẩm sẵn sàng cho 7 ngày khoét núi ngủ rừng. Tôi ở lán chỉ huy, nhưng hàng ngày vẫn phải xuyên rừng đi đến các lán trại để kiểm tra và động viên nhân dân. Cán bộ xã cũng phân nhau, ai sinh hoạt ở đâu thì tham gia ở đó. Tôi thường xuyên nhắc nhở anh em cán bộ xã "Đây là công trình Đảng và dân cùng làm, nên anh em phải tự giác săn tay áo lên cùng làm với dân. Tuyệt đối không để tình cảnh cán bộ thì quần áo xơ vin, đứng một chỗ chỉ tay 5 ngón, còn dân thì hì hục đào đất". Một hôm tôi đến cung đường của bản Tủng Hốc, thấy một người phụ nữ bụng mang bầu sắp sinh mà vẫn tay cuốc, tay xẻng. "Cháu mang thai đứa thứ mấy đó? khi nào thì sinh?". "Dạ lần đầu đầu, tháng sau ông ạ". "Sao không nghỉ đi". "Gia đình không có tiền nộp". "Bao nhiêu?". "500 ngàn đồng ông ơi". Tôi lại gần và nói với người chồng "Cháu xin phép đưa vợ về nghỉ đi mai lên làm, còn suất tiền của vợ cháu bác sẽ đóng cho, phần việc của cháu chiều nay, bác sẽ làm thay". Sau bữa cơm tối, tôi gặp cán bộ phụ trách bản Tủng Hốc phê bình vì không nắm chắc tình hình, không kiến nghị lên xã tìm hướng xử lý trường hợp của người phụ nữ kia.

Những ngày cùng nhân dân Hữu Khuông khoét núi ngủ rừng để mở đường vào bản

          Tháng 3, dọc khắp các tuyến đường, con suối hoa cà mạ nở vàng rộm, hoa mộc miên thắp lửa đỏ rực trên trời cao, cả tuyến đường ngan ngát hương hoa. Tôi bàn với Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã, tổ chức ngày Quốc tế phụ nữ ngay tại công trường, lần đó tôi vận động anh em cán bộ nam góp tiền mua bánh kẹo, phân phát đến các lán trại, hoa cà mạ được hái từ các bờ khe đem về dắt đầy lán, những bông hoa gạo rụng xuống được cánh đàn ông nhặt về xau thành vòng. Chúng tôi đi đến tất cả các lán để chúc mừng chị em, khoác lên cổ chị em những vòng hoa gạo đỏ tươi. "Một ngày quốc tế của chị em quá đặc biệt, quá cảm xúc, cháu mãi mãi không bao giờ quên kỷ niệm này"- Lô Thị Vy, cán bộ chuyên trách dân số- kế hoạch hóa gia đình bộc bạch trong nước mắt. Nhắc đến Vy, tôi lại nhớ đến ngày đầu đến công trường, hôm đó anh em phải ăn cơm sống. Hỏi ra, Vy mới nói, "Cháu làm bếp trưởng, nhưng bọn cháu chưa khi nào được nấu cho đông người, mà nấu bằng nồi quân dụng to như thế này". Tôi bảo với Vy, "Thế để chiều bác nấu làm mẫu, các cháu cứ thế mà làm theo nhé". Thế là bài toán nấu cơm đã được giải xong, từ bữa ấy trở đi anh em được ăn cơm dẻo, canh ngon. Mấy đứa nhìn tôi nói vui "Bác tài thật cái chi bác cũng biết". "Ôi trước khi làm cán bộ, bác đã từng làm nông dân, cũng đi phát nương, làm rãy rồi. Ngày còn bé bác thường giúp mẹ nấu cơm nuôi bộ đội, nên kinh nghiệm vẫn được tích lũy đến tận bây giờ". Đêm buông xuống, văng vẳng từ xa tiếng chim từ quy gọi bạn, tiếng côn trung kêu rả rích hòa trong trong tiếng suối chảy róc rách. Tôi chợt nhớ nhà, nhớ vợ đến nao lòng, chắc giờ này cô ấy cũng không ngủ được, lo lắng vì suốt mấy ngày không liên lạc được với chồng…Tôi nhìn quanh lán, trong ánh sáng của lửa bếp, những khuôn mặt trẻ măng, xám nắng, say sưa trong giấc ngủ, thỉnh thoảng tôi bắt gặp nụ cười hé trên môi một cậu nào đó, chắc trong giấc ngủ cậu ta mơ thấy điều gì đó vui lắm. Hôm nào tôi cũng thức dạy rất sớm, nhen bếp lửa, nấu nước uống, nấu sẵn nồi cơm…mấy chị em nấu ăn mới thức giấc.

          Đấy là với ông ông Minh, ông Xuyên, cháu Thỏa hay cháu Vy, còn đối với anh Vi Văn Phong, bản Con Phen thì những ngày ấy đã qua lâu rồi. Và khó khăn gian khổ cũng là thử thách để mỗi người dân Hữu Khuông như anh vượt qua, là nền móng để xây dựng niềm tin về một Hữu Khuông ngời sáng trong ngày mới. Nhìn con đường bê tông nối quốc lộ 16 vào trung tâm xã, nhìn bản làng đêm đêm lung linh ánh điện, nhiều phòng học được kiên cố hóa, sóng điện thoại di động đã phủ gần khắp các bản trên địa bàn, nơi ăn, chốn ở của các em học sinh bán trú đã được xây dựng khang trang, ban Con Phen có cầu Dân trí, Huồi Pủng có cầu Niềm Tin không lo gì mùa lũ về… Anh Phong bảo rằng, từ bé đến giờ anh được sống và làm việc tại xã Hữu Khuông từ những năm đầu bị thủy điện cô lập nên cảm nhận thấy Hữu Khuông hôm nay như có phép màu kỳ diệu. Phép màu ấy đã biến Hữu Khuông thay da đổi thịt từng ngày. Bộ mặt của xã, của bản khang trang dần lên, bản trên, nhà dưới đâu đâu cũng sạch sẽ gọn gàng, người dân Hữu Khuông đã không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. "Nhờ có bác mà chất lượng cán bộ xã, bản được nâng lên, trách nhiệm ngày càng được phát huy tốt hơn, quả thật nhân dân thực an tâm, tin tưởng vào đội ngũ cán bộ hiện nay"- Anh Phong nói thêm. "Điều làm em cảm động là sự quan tâm đặc biệt của huyện đối với xã, trong suốt 5 năm qua nhiều lần các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện lên đây thăm và làm việc giúp xã tháo gỡ khó khăn, thậm chí còn luồn rừng để khảo sát đầu tư phát triển khu kinh tế nông nghiệp tập trung ở bản Pủng Bón" – Chủ tịch xã Lô Văn Chiến chia sẻ. Còn Bí thư Đảng ủy Lô Văn Tuấn khoe với tôi: "Bây giờ 100% cán bộ xã đã đã có bằng trung cấp lý luận chính trị, gần 96% có trình độ Đại học, 100% chi bộ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 1 chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền được cấp trên khen thưởng, tự hào lắm bác ạ".

          Niềm tin hiện rõ trên từng khuôn mặt của cán bộ xã, thậm chí là của người dân. Họ vững tin rằng, Hữu Khuông đang dần đi qua giai đoạn khó khăn nhất và đang hướng tới tương lai rất gần, nơi đây sẽ là nơi dừng chân lý tưởng cho du khách khi đi tham quan du lịch hồ thủy điện Bản Vẽ.

          Hữu Khuông còn nghèo, nhưng Hữu Khuông đẹp lắm. Mà Hữu Khuông đâu chỉ đẹp kỳ vỹ với những dãy núi trùng điệp, Hữu Khuông còn mộc mạc với những bản làng chìm trong yên bình, thơ mộng, nguyên sơ huyền bí với những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Nói đến Hữu Khuông, là nói đến những “biển mây” đầy sức quyến rũ, mê hoặc cứ bồng bệnh ôm lấy những thửa ruộng bậc thang Pủng Bón, Chà Lâng. Biển mây mùa nào cũng đẹp, cũng mênh mông rực rỡ sắc màu. Thả bước dạo quanh các bản Chà Lâng, khu sản xuất của bà con bản Pủng Bón hay trên đỉnh Pu Tóng Chính của Huồi Cọ, tôi có thể khám phá biển mây bồng bềnh, sóng mây cuồn cuộn như những tấm chăn bông mềm xốp và cả những đám mây mang nhiều hình thù độc đáo ở phía xa xa. Vào những buổi sáng sớm hay tối muộn, đứng ngắm cảnh mặt trời mọc và lặn ở Chà Lâng, tôi mới thấy hết vẻ lung linh, kỳ vỹ và huyền ảo của khoảnh khắc giao thoa giữa ngày - đêm. Có những ngày tôi còn được chiêm ngưỡng mặt trời rực rỡ tỏa hàng triệu triệu hạt nắng lấp lánh, tuôn chảy khắp núi rừng, soi chiếu cho biển mây thêm lung linh, xua đi những làn sương mờ mờ. Phải chăng cũng chính vì thế mà Hữu Khuông đã trở nên hấp dẫn đặc biệt đối với tôi!

Những ngày luồn rừng đi khảo sát đầu tư sản xuất nông nghiệp ở bản Pủng Bón

          Mỗi cán bộ, mỗi người dân Hữu Khuông mà tôi từng gặp, từng ăn cùng, ở cùng, làm việc cùng nhau… đều là một kho chuyện kể vô tận như những con suối kia chẳng bao giờ cạn. Có lẽ cũng chính cái nghèo, cái khó của vùng đất có một không hai này đã hun đúc nên khí chất của người Hữu Khuông, thân thiện, thuần phác, nồng hậu và rất thật thà.

          Bởi vậy, cứ mỗi lần đến với Hữu Khuông, tôi như thể được về nhà mình, được gặp những người thân của mình vậy. Tôi có thể đi đánh cá, bắt ếch, mò cua,... Tôi có thể ở trong nhà họ, ăn cơm với họ. Đến Hữu Khuông mà có lỡ bữa thì cũng chẳng bao giờ phải lo ôm cái bụng đói mà đi ngủ, bởi bất cứ nhà nào ở đất Hữu Khuông này đều coi tôi như người ruột thịt.

          Nhưng Hữu Khuông của riêng tôi cũng rất lạ. Gần đấy nhưng cũng xa đấy. Xa thì quá rõ rồi. Từ thị trấn đi phải mất gần 3 tiếng, hết đi xe, rồi lại đi thuyền nhấp nhô với sóng hồ thủy điện mới đến được Hữu Khuông. Nếu đi từ thị trấn, qua Kỳ Sơn, Mai Sơn, Nhôn Mai, vòng qua Tri Lễ thì mất gần 5 tiếng. Khó khăn nhất là tuyến đường Bản Xàn nối trung tâm xã đến bây giờ vẫn chưa được mở.

          Hữu Khuông của tôi có quen không? Quen lắm chứ! Tôi có thể gọi tên bất cứ ai đó mà mình gặp trên đường. Cũng không ít người trên vùng đất này đã nhớ tên tôi. Hữu Khuông quen, quá quen, vì tôi là người vốn thích nơi này, yêu những con người Thái, Mông, Khơ mú nơi đây…

Vui tết thiếu nhi 1-6 cùng trẻ em bản Chà Lâng

          Tôi nhớ Hữu Khuông, nhớ những ngày ăn măng rừng chấm chẻo để mở đường vào bản, nhớ những ngày đến từng nhà để đưa từng đứa bé đến trường bởi chúng không chịu đi học mà đòi theo mẹ lên nương, nhớ những lần đối thoại cùng tuổi trẻ về việc làm, về tảo hôn…, nhớ những ngày, ăn ngủ trong nhà dân để hướng dẫn, bày vẽ cho họ biết làm ăn, biết chắt chiu từng đồng tiền và cố thoát ra khỏi tư tưởng trông chờ ỷ lại. Nhớ những ngày giữa trưa oi ả, chiếc thuyền máy vẫn lướt trên mặt hồ mênh mông, từng cơn sóng xô mãi những chân núi, chân đồi. Sóng mơn man vỗ nhẹ mạn thuyền, sóng đùa giỡn với cái hoang sơ của núi rừng. Sóng gầm gào mỗi khi cơn giông ập đến…Hữu Khuông là vậy, cứ làm ta thương, cứ làm ta say nhưng không thể nào dứt ra được mà cũng không muốn dứt ra làm gì nữa. Bởi vậy, có thể nói, nếu tôi có một “người tình muôn năm cũ” thì đó chính là Hữu Khuông.

Sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27 tổ chức vào hồi tháng 5 năm 2020, Bí thư Đảng ủy Lô Văn Tùng được bầu vào Ban Chấp hành đảng bộ huyện và điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Na, người thay Tùng là Lô Văn Tuấn, còn Pịt Thị Thỏa thì được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư thường trực,..Tôi chính thức chia tay cán bộ và nhân dân xã Hữu Khuông trong sự nhớ nhung đến khôn cùng. Tôi cùng vợ đã đi đến từng bản làng từ Huồi Cọ, bản Xàn, đến Huồi Pủng, Chà Lâng, Pủng Bón để cảm ơn đồng bào đã che chở, giúp đỡ trong 5 năm qua và để nói lời từ biệt. Nhìn dáng tôi xiêu xiêu trên những nẻo đường ghệp ghềnh sỏi đá mà vợ tôi không cầm được nước mắt… Những nơi đâu tôi đến đều có đông đủ người già, người trẻ và cả những em bé…. Nhiều người nước mắt lưng tròng, bàn tay nắm chặt tay tôi, không muốn rời. Hữu Khuông, không biết tự khi nào, đã thực sự trở thành quê hương thứ hai của tôi. Hữu Khuông luôn là dấu ấn đẹp nhất mỗi khi tôi nhớ về vùng đất Mường Lằm tươi đẹp, vui vẻ của xa xưa cùng những người dân Thái, Mông, Khơ mú nhân ái, trọng nghĩa tình, luôn mang trong mình ý chí vươn lên thoát nghèo.

           Thời gian cứ thế trôi qua, mỗi khi cầm trên tay những tấm ảnh lưu lại những khoảnh khắc được sống và làm việc ở Hữu Khuông, tôi không khỏi bồi hồi xúc động xen lẫn niềm tự hào về những năm tháng từng được sống, làm việc trong tình cảm đặc biệt trong sáng, thủy chung. Trong trái tim tôi đã và mãi mãi có một Hữu Khuông gần gũi và thân thiết.

                                                                        Hữu Khuông, tháng 7 năm 2020

Địa chỉ