CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI GIEO CHỮ Ở MIỀN BIÊN VIỄN

Đăng lúc 20:22:34 15/11/2022

Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo

       Tháng 11 như bản tình ca mà không phải ai cũng muốn nghe, như một bức tranh trừu tượng lạ lùng mà không phải ai cũng thấy đẹp. Nhưng rồi ai cũng phải bước qua, có người bước qua và sưởi ấm những giá băng bằng ký ức, cũng có người đi qua nhẹ nhàng với một bờ vai bên cạnh cùng những mộng ước mùa xuân. Tuy vậy, dẫu thế nào thì nàng Đông cũng luôn biết cách khơi gợi những tâm tư từ trong sâu thẳm của mỗi con người, kể cả kẻ hạnh phúc nhất khi đối diện với tháng 11 thì cũng luôn có những khoảng u hoài mà không thể nào thốt gọi thành tên! Tháng 11 trong tôi đầy ắp những kỷ niệm của một thời đi học và đi dạy. Trong những thời khắc cận kề ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 tôi thấy lòng mình xốn xang và ký ức về thời học sinh của tôi lại ùa về. Nhớ những lời căn dặn, những cái vỗ vai hay cả những ánh mắt răn đe nghiêm khắc của thầy, cô khi học trò mắc phải lỗi, tôi thấy mình càng thêm biết ơn những người "chèo đò". Tôi khẽ kéo phéc mơ tuya áo khoác lên thật cao, hít một hơi cảm nhận bầu không khí vô cùng đặc biệt của tiết trời mùa đông. Với tay lấy chiếc ba lô đã úa màu thời gian, tôi bước ra sân, chiếc xe máy cà tàng, bạn đồng hành cùng tôi hàng ngày đi về trang trại đã đợi sẵn. Tôi quyết định, bỏ công việc ở trang trại làm một chuyến du hành vào xã biên giới Tam Hợp để được tận mắt chứng kiến và cảm nhận nỗi vất vả, gian khổ, cùng những câu chuyện cảm động về các thầy cô giáo dạy học nơi miền sơn cước. Dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng tấm lòng nhiệt huyết và tình yêu thương, các thầy cô nơi đây vẫn ngày đêm miệt mài đem những “con chữ” đến với học sinh dân tộc thiểu số nơi miền biên viễn.

          Dưới thời tiết phảng phất sương lạnh, những hàng cây thu mình trong không gian mờ ảo, chiếc xe máy cứ bon bon chạy qua những bản làng người Thái, những cung đường đèo dốc, những nương lúa, nương ngô… cuối cùng tôi đến bản Xốp Nặm khi kim đồng hồ đã chỉ 9 giờ 30. Tôi dừng chân trên cầu ngắm nhìn đàn cá mát tung tăng bơi lội trong dòng suối trong vắt. Xa xa vọng về tiếng hát của các cháu học sinh…

          "Năm ấy từ miền xuôi xa xôi

          Cô giáo người Kinh lên với bản làng.

          Dòng Khuối Nậm nhẹ reo reo hát.

          Hát cùng bầy em bé vang núi rừng.

          Cô giáo dạy bầy em thơ ngây

          Yêu núi rừng ruộng nương quê hương

          Ơ cô giáo hiền như con nai rừng…"

           Tôi nhận ra đó là bài hát Cô giáo về bản của Trương Hùng Cường. Lời ca khúc với những giọng ca trong trẻo của bày trẻ nhỏ đã dẫn lối đưa tôi đến Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tam Hợp đúng lúc các thầy cô vừa dạy xong tiết 2, thời gian nghỉ dài hơn để học sinh tập thể dục giữa giờ. Tôi bước chân vào văn phòng, người chào thầy, người chào anh, có người chào bác, chào ông…Vốn là những người cùng nghề nên tôi nhanh chóng hòa nhập và bắt chuyện cùng các thầy cô giáo.    

Giờ tập thể dục giữa giờ của accs em học sinh trường PTDTBTTHCS Tam Hợp     

          Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tam Hợp thành lập năm 1987, tiền thân là trường phổ thông cơ sở Tam Hợp, tháng 6/2015 tách thành 2 trường là trường Tiểu học và THCS, tháng 12/2015 chuyển đổi thành trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tam Hợp. Trường có 18 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ. Họ đến đây từ nhiều địa phương khác nhau, mỗi người có hoàn cảnh và nỗi niềm riêng. Nhưng ở họ một điểm chung đó là yêu nghề, yêu trẻ.  Họ coi nhau như anh em, coi mái trường này là tổ ấm, là gia đình của họ.

Tiết dạy môn Hóa học lớp 6 của cô giáo Nguyễn Thị Hiếu

           "Ngày em mới chân ướt chân ráo lên đây cảm giác hụt hẫng, vì không biết tiếng dân tộc"- cô giáo Nguyễn Thị Hiếu (40 tuổi), giáo viên dạy môn Sinh - Hóa, không dấu nổi xúc động nhớ lại ngày đầu chập chững bước vào nghề dạy học.

          Cô Nguyễn Thị Hiếu quê tận Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh năm 2004, cô quyết định nộp đơn xin việc làm ở huyện miền núi Tương Dương, sau 1 năm chờ đợi, năm 2005 cô đã có quyết định tuyển dụng và được phân công vào dạy học ở Trường phổ thông cơ sở Tam Hợp. "Em vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được đi dạy học, cái nghề mà mình hằng mơ ước từ tấm bé, nhưng lo vì nghe người ta nói Tam Hợp là xã cực Nam của huyện Tương Dương, còn rất nhiều khó khăn, tuy không xa nhưng đường khó đi lắm" – cô Nguyễn Thị Hiếu chia sẻ.

          Đường xá, phương tiện đi lại khó khăn, nhưng cái đáng ngại nhất đối với cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hiếu lúc bấy giờ là sự bất đồng về ngôn ngữ với học sinh. Cô Hiếu cho hay, ở đây có 3 dân tộc chủ yếu là Thái, Mông và Poọng, 100% các em học sinh đều sử dụng tiếng dân tộc. Cô Hiếu bộc bạch: "Nhớ ngày đầu muốn đến gần các em hỏi han và làm quen nhưng vô cùng khó, bởi có hỏi, có nói chuyện các em cũng chỉ biết ngước mắt nhìn cô ngơ ngác rồi lắc đầu "bỏ hủ", "chi pâu" (không biết). Những lúc như vậy, em chỉ muốn khóc thôi".

          Dạy học được 2 năm, cô Hiếu bén duyên với thầy giáo Hồ Đình Kỷ. Cô tâm sự cùng chúng tôi: "Anh ấy ra trường trước em 1 năm, đã từng dạy học ở PTCS Luân Mai trước khi chuyển vào đây công tác. Là người anh, là đồng nghiệp lại là đồng hương cùng quê Nam Đàn nên bọn em thường xuyên chia sẻ nỗi niềm riêng tư và em đã nhận lời khi anh ấy ngỏ lời yêu thương". Bây giờ vợ chồng cô Hiếu, thầy Kỷ đã có 2 con, cháu trai đầu ở với bà ngoại (Xuân Hòa, Nam Đàn), còn cháu thứ 2 thì theo mẹ, hiện cháu đang học lớp 4, trường Tiểu học Tam Hợp. "Vì bố em và bố mẹ anh Kỷ đều mất cả rồi, nên việc chăm con bọn em đều nhờ cậy bà ngoại ở quê thôi. Nhưng bà năm nay cũng đã 87 tuổi, già yếu rồi, vợ chồng chúng em cũng chỉ nhờ trông giúp cháu đầu, còn đứa thứ hai đành phải theo mẹ lên đây. Năm ngoái anh Kỷ lại được phân công lên dạy học ở xã ốc đảo Hữu Khuông, vợ chồng, con cái mỗi người một nơi nên bọn em cũng khá vất vả".

          Cô Nguyễn Thị Tố Loan – giáo viên dạy Ngữ văn và Lịch sử nhìn tôi giãi bày. "Em quê ở Hưng Chính, thành phố Vinh, ra trường trước cô Hiếu 5 năm và đã từng dạy học ở các xã Yên Na, Tam Đình, Nhôn Mai trước khi vào đây. Nhiều đồng nghiệp nói bọn em vì đồng lương mà chấp nhận vào dạy học ở nơi khỉ ho cò gáy này. Nhưng bọn em đâu phải vì tiền, mà vì học sinh đấy chứ. Là nhà giáo, ai mà chẳng mong muốn dạy học ở nơi có điều kiện tốt, học sinh chăm chỉ học hành… Nhưng mình phải chấp nhận sự phân công của tổ chức thôi". Hoàn cảnh của cô Loan cũng khó khăn chẳng kém gì cô Hiếu. Chồng làm nghề xây dựng, hai vợ chồng đã có 2 con. Cháu trai đầu đang học Đại học Vinh, chuyên ngành xây dựng, còn đứa thứ 2 học thì lớp 5. Trước đây vợ chồng cô Loan đều đi làm xa nên 2 cháu ở với bà nội cũng đã già yếu. Vài năm trước anh ấy bị tai nạn, sức khỏe yếu đi rất nhiều, không đi làm được nữa, chỉ biết quanh quẩn ở nhà chăm con, thu nhập của gia đình cũng giảm đi, chủ yếu chờ vào đồng lương nhà giáo của cô Loan.

          Sống xa gia đình, có nhiều lúc để cho khuây khỏa nhớ nhà, nhớ các con, cô Hiếu, cô Loan cùng mấy thầy cô nữa chạy sang khu ký túc xá học sinh, hướng dẫn các em học bài hoặc nô đùa với các em, cũng có lúc lại vào nhà ăn xem các em ăn như thế nào, có đứa nào bỏ bữa không… "Ban giám hiệu cũng chia sẻ và thông cảm cho hoàn cảnh của chúng em, nên chỉ bố trí thời khóa biểu cho chúng em dạy học đến ngày thứ Sáu. Hết tiết 5, chẳng kịp ăn cơm trưa, vội bắt xe lai ù ra đường 7 đón xe về với con, trưa chủ nhật lại đón xe lên Tương Dương để vào trường cho kịp sáng thứ 2 lên lớp".

Cô Nguyễn Thị Hiếu (áo đỏ) và cô Nguyễn Thị Tố Loan (áo xanh, đeo kính)

đang trò chuyện với các em học sinh.

          Cũng là giáo viên từ miền xuôi lên công tác ở Tương Dương nhưng cô Lê Thị Nga- giáo viên dạy môn Văn và Giáo dục công dân lại khác với cô Hiếu, cô Loan. Cô Nga quê ở xã Diễn Tân huyện Diễn Châu, lên Tương Dương dạy học từ năm 1999, lấy chồng và định cư ở làng Khe Bố, xã Tam Quang (Tương Dương). "Khi mới lên đây em dạy học ở trường PTCS Kim Tiến, 2 năm sau em chuyển về Trường PTCS Tam Quang đến năm học 2016-2017 thì em chuyển vào đây cho đến tận bây giờ. Em bây giờ coi như là người Tương Dương rồi"- cô Nga bộc bạch.

          Thầy Nguyễn Thạc Hồng (ở Xuân Lâm, Nam Đàn), giáo viên dạy tiếng Anh, ra trường năm 2003 vào làm việc ở Bình Dương, đến năm 2004 thì nộp hồ sơ xin việc làm ở Tương Dương và được phân công vào dạy Tam Hợp, rồi bén duyên với một cô gái dân tộc Thái, công tác tại UBND xã Tam Hợp. "Bọn em kết hôn năm 2007, và dựng một ngôi nhà nhỏ ở gần trường để thuận tiện cho sinh hoạt và công tác. Năm nay, vợ em lại có quyết định thuyên chuyển ra công tác ở UBND xã Tam Thái nên việc quản lý, chăm sóc bọn trẻ hàng ngày đều do em. Gà trống chăm con vất vả lắm thầy ơi"- thầy Hồng chia sẻ. Nhìn các em học sinh đang tập thể dục giữa giờ, thầy Hồng cho biết thêm: "Học sinh ở đây chỉ được cái ngoan, còn học hành thì yếu lắm, nhiều em chưa nói thạo tiếng Việt, chứ nói gì học tiếng Anh".

          Thầy Lương Gia Bảo (ở bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương), giáo viên bộ môn giáo dục thể chất, là người trẻ nhất, ra trường và vào đây dạy học năm 2011. Tại đây, thầy Bảo gặp cô Kha Thị Mại, nhân viên thiết bị, họ bén duyên nhau rồi nên vợ nên chồng, họ tự nguyện ở lại trường và đảm nhận luôn công việc quản sinh. "Làm công tác quản sinh cũng vất vả lắm, trưa thứ 7 tiễn các em về, dặn dò nhớ đến trường đúng hẹn, chiều chủ nhật lại đón các em vào nội trú, điểm danh có thiếu em nào không, lý do vì sao…, tối đến lại thúc dục các em tự học, rồi canh cho các em từng giấc ngủ. Đến giờ ăn cơm cũng phải thường xuyên có mặt ở bếp ăn để xem các em ăn uống thế nào..."- Thầy Bảo tâm sự.

Bữa cơm trưa của học sinh trường PTDTBTTHCS Tam Hợp

          Và còn nữa, còn rất nhiều câu chuyện của 18 thầy cô ở mái trường bán trú này…Mỗi thầy cô giáo, mỗi gia đình, mỗi cặp đôi mỗi hoàn cảnh nhưng họ giống nhau ở tình yêu nghề và quyết tâm vượt khó, bám trụ gieo chữ nơi biên cương của Tổ quốc. "Khi đi theo nghề dạy học và bước chân vào mảnh đất biên giới này, chúng em tự nhủ với bản thân rằng phải cố gắng và nỗ lực hết mình để các em có môi trường học tập tốt hơn. Chúng em ai cũng bảo nhau sẽ tạo ra những gì ấn tượng nhất cho các em, để các em thích đi học, thích đến trường. Tất cả các thầy cô giáo ở đây đều thầm hứa với lương tâm mình là sẽ cống hiến hết tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp giáo dục ở nơi biên cương này" – đó là tâm niệm của cô Lê Thị Nga và cũng chính là tâm niệm của 18 thầy, cô giáo trường PTDTBTTHCS Tam Hợp. Hiệu trưởng Lương Thị Luyện cho biết: "Trường còn thiếu nhiều giáo viên bộ môn như Tin học, Hóa học, Lịch sử, Giáo dục công dân…nên một số thầy cô ở đây phải dạy 2 môn như cô Hiếu, cô Loan, hay cô Nga…. Hiện nay, theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới thì nhà trường còn thiếu rất nhiều trang thiết bị. Các em học sinh nội trú chưa có nhà ăn, hàng ngày các em phải ngồi ăn trong ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng, không an toàn tý nào".

          Qua trò chuyện với các thầy cô giáo, tôi được biết, phần lớn các em học sinh ở đây thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với ông bà. Hầu hết phụ huynh ở đây rất ít quan tâm đến việc học tập của con cái. Vì vậy, các em bỏ học như cơm bữa, không có ngày nào không có học sinh vắng học. Có đủ thứ lý do các em đưa ra, nào là đau chân, nào là ông bà rủ lên nương gặt lúa…có những em không ở bán trú, trưa đi học không có cơm ăn, nằm nhịn, ngày hôm sau không thèm đến lớp nữa…Những lúc như vậy, thầy cô ở đây lại lặn lội đến từng nhà để khuyên bảo các em ra trường. Nhiều em học sinh dân tộc Mông ở tận bản Huồi Sơn, Phá Lỏm không có bố mẹ đưa đón phải đi bộ vượt qua chẳng đường dài trên 10 cây số. "Nhiều khi thấy thương học trò quá, các thầy ở đây phải đóng vai anh xe ôm đưa đón các em đến trường theo đuổi con chữ"- Thầy Vi Văn Hiềm cho biết. Tiếp lời thầy Hiềm, thầy Phước cho hay: "Nếu các thầy không cố gắng như vậy thì nhiều em về rồi là nghỉ ở nhà luôn, chẳng ra học nữa, hoặc có ra thì cũng tận thứ Tư, thứ Năm". Đưa mắt sang phía tân Hiệu trưởng, thầy Phước nói thêm: "Đấy, cô Lương Thị Luyện- Hiệu trưởng, mới chân ướt, chân ráo vào đây nhận nhiệm vụ, biết được em Xồng Y Rú, con ông Xồng Pá Chơ đã nghỉ học cả tuần nay nên đã cùng thầy Vi Văn Hiềm- giáo viên chủ nhiệm vào tận bản Phá Lỏm để tìm hiểu và đưa em ra trường. Đến nơi thì em đã lên nương cùng ông bà, phải chờ đến tối mới gặp được và đưa em ra trường học".

Các thầy xuống bản đón học sinh đến lớp

          Qua những câu chuyện của các thầy cô ở đây kể lại, chúng tôi hiểu rằng, chỉ có các thầy, các cô ở đây mới biết được con đường đến trường của những học trò nghèo ở chốn biên thùy này vất vả ra sao.

Cô giáo Lê Thị Nga đang dặn dò học sinh trước khi các em lên đường tham gia kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2022-2023

           Là trường PTDTBT cho nên việc lo chuyện học hành, lo việc ăn uống và giấc ngủ cho các em cũng đủ làm cho thầy cô ở đây thấm mệt. Hơn 100 em ăn ở nội trú, mỗi em một tính, mỗi em một sở thích ăn uống, chẳng ai giống ai. Theo chế độ quy định đối với học sinh các trường PTDTBT được hưởng 596 ngàn đồng, chia ra mỗi ngày một học sinh ăn ở bán trú được hưởng hơn 19 ngàn đồng, chia cho 3 bữa ăn, sáng, trưa và tối. Mỗi bữa ăn của các em chỉ hơn 6 ngàn đồng?! Với số tiền ấy, thầy cô và nhà bếp phải cố gắng lắm mới có thể đảm bảo cho các em ăn no. "Có em chẳng thích ăn trứng, em thì không thích cá biển…Một số em bỏ bữa vì món ăn không hợp sở thích, thầy cô lại phải dỗ dành, nhiều hôm bỏ tiền túi ra để mua cơm cho các em ăn"- Thầy Lương Gia Bảo cho tôi hay. Để cải thiện bữa ăn cho các em và giảm khoản tiền chi phí mua rau, thầy cô phải tự làm vườn, để có rau xanh cho các em ăn hàng ngày. Cũng có những đêm soạn bài xong các thầy rủ nhau đi bắt cá để ngày mai các em vừa có cá tươi ăn, lại tiết kiểm được một khoản tiền. Khi màn đêm buông xuống, tiếng trống học ban đêm đã điểm, các thầy cô lại xuống từng phòng để kèm cặp các em học, hết giờ lại thay nhau canh cho các em ngủ. Sớm mai thức dạy lại đến từng phòng nhắc nhở các em xếp chăn màn thật gọn gàng, quét dọn phòng ở cho sạch sẽ. Để giảm bớt chi phí của nhà trường và phụ huynh, cô Lương Thị Luyện – Hiệu trưởng đã đưa các em học sinh về nhà mình, ăn ở trong những ngày thi học sinh giỏi ở huyện. Tình cờ, có một em học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi không may làm ướt quần, cô giáo đem đi sấy cho kịp khô để em có quần áo đi thi, bỗng phát hiện chiếc quần đã bị rách nhiều chỗ, cô đành tìm kim chỉ khâu, vá lại cho học trò.

Hiệu trường Lương Thị Luyện (trang phục Thái) và cô Lê Thị Nga (áo dài) cùng đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 trường PTDTBTTHCS Tam Hợp tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện năm học 2022-2023

          Còn bao câu chuyện khác thẫm đẫm tình yêu thương của thầy cô nơi đây dành cho học trò. Nếu ai đó có dịp đến với trường PTDTBTTHCS Tam Hợp thì hãy dành đôi phút nắm lấy đôi bàn tay của các thầy cô giáo nơi đây, chắc chắn sẽ cảm nhận được những điều rất đặc biệt. Đôi bàn tay ấy không mềm mại như thông thường mà lại nhiều những vết chai sần, bởi ngoài việc cầm phấn giảng dạy trên lớp, họ còn phải lao động, phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc. Tuy nhiên, thật hạnh phúc khi tại chính nơi đây, những bàn tay ấy đã tìm đến nhau khi trái tim hòa chung nhịp đập. Họ đã nắm lấy tay nhau, tiếp thêm nghị lực để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để xây dựng mái trường này trở thành ngôi trường hạnh phúc, để cho các em học sinh thân yêu của mình thấm thía câu nói "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", mà không chỉ vui thôi đâu mà còn phải no đủ nữa. Em Xồng Bá Pia, con trai của anh Xồng Bá Nỏ- Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, vừa dự kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 với 2 môn Toán và tiếng Anh, nở nụ cươi rói khi tôi hỏi: "Chúng chấu rất vi, rất hạnh phúc khi được học ở trường PTDTBTTHCS Tam Hợp, được các thầy cô yêu thương đùm bọc như con đẻ. Chúng cháu cảm ơn thầy cô nhiều lắm".

Hiệu trưởng Lương Thị Luyện (áo màu huyết dụ cùng các cô  tranh thủ giờ nghỉ trồng rau xanh cải thiện bữa ăn cho học sinh 

          Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Và họ, những người đã lựa chọn gắn bó với miền biên viễn để giờ đây vùng đất Tam Hợp này đã hóa tâm hồn, hóa thành quê hương thứ 2 của họ. Ở nơi ấy, bằng tình yêu nghề, yêu trò và tình vợ, tình chồng, tình đồng nghiệp, họ đã xây nên ngôi trường hạnh phúc ở nơi biên cương này. Với họ, cuộc sống nơi đây còn thiếu thốn đủ thứ nhưng có một thứ gia vị luôn đủ đầy, đó là sự lạc quan và hạnh phúc. Chia tay thầy và trò Trường PTDTBTTHCS Tam Hợp khi trời đã xế chiều, tiếng hát của bày trẻ nhỏ cứ ngân nga mãi trong tôi:

          "Núi rừng đây thêm sáng bếp lửa đây thêm hồng.

          Em bé ngày càng thêm ngoan, ngoan

          Dân khắp bản càng thêm yêu cô.....

          Ớ ơ ơ cô giáo đẹp như hoa mai rừng".

       Chúng tôi tin các thầy, cô giáo sẽ luôn vượt qua khó khăn, thiếu thốn, không ngừng rèn luyện, nâng cao đạo đức nhà giáo, kỹ năng và phương pháp sư phạm, tiếp tục “gieo” chữ giúp cho những chủ nhân tương lai thêm kiến thức, kỹ năng sống và lập nghiệp, chung sức xây dựng vùng biên cương Tổ quốc ngày càng phát triển bền vững và ổn định.

                                                              Tam Hợp, mùa Đông năm 2022

                                                                        Vi Hợi

Địa chỉ