CHUYỆN NGƯỜI MÔNG Ở HUỒI CỌ

Đăng lúc 05:13:26 08/09/2020

Bút ký của Vi Hợi

         Dân tộc Mông ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương trong những năm gần đây, có sự đổi thay rất nhiều trong cách nghĩ, cách làm từ độc canh lúa, ngô, sắn, nay đã chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Đồng bào đã  đầu tư trồng cây, nuôi con có giá trị kinh tế cao ổn định cuộc sống như: Chanh leo, gừng, chăn nuôi bò,gà bản địa... Từ biết đổi mới cách nghĩ, cách làm ăn nhiều hộ gia đình người Mông đã dựng được nhà mới khang trang hơn, mua sắm đủ tiện nghi hiện đại trong gia đình như xe máy, ti vi, tủ lạnh, có nhà đang chờ con đường lên bản đổ bê tông xong sẽ mua ô tô tải làm phương tiện vận chuyển hàng nông sản phục vụ bà con …


          Tôi trở lại Huồi Cọ vào một ngày áp tết, lúc ngồi trên xe máy, đường xóc như ngựa phi, nhưng bù lại được hưởng khí hậu mát mẻ, ngắm đất đai màu mỡ và những cánh rừng xanh tươi, bạt ngàn, những gốc đào cổ thụ đã bắt đầu nở hoa, những vườn chanh leo sai trĩu giàn. Những ngôi nhà gỗ màu xám đen nằm lấp ló nổi bật trên sắc hồng phơn phớt của hoa đào.

Đường lên bản Huồi Cọ từ Quốc lộ 16

            Huồi Cọ cũng được coi là thủ phủ đào của xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Đơn giản vì người Mông thích trồng đào, vì loài cây này hợp thổ nhưỡng và khí hậu vùng cao nên dễ thích nghi. Xưa kia, trong những lần di cư đi tìm miền đất mới, đồng bào Mông thường đem theo cây đào giống để trồng. Sau này, khi đồng bào Mông đã bỏ được tập quán du canh, du cư, thì họ vẫn dựng bản làng ở nơi núi cao và trồng đào quanh nhà, trên rẫy. Cây đào ở những vùng núi cao, dường như nhờ sự khắc nghiệt của thời tiết mà cũng trở nên kiên cường. Những thân cây rêu mốc tưởng như đã chết khô, thế mà cứ xuân về, tết đến lại bật chồi, nở hoa thắm. Mặc dù không toan tính sẽ trồng đào để kiếm tiền, nhưng hiện tại, cây đào đích thị là thứ cây “hái ra tiền” và mang lại nguồn thu nhập góp phần thay đổi đời sống của đồng bào người Mông nơi đây. “Rẫy người Mông ở đâu thì cây đào ở đấy. Trước đây, bà con bán cả cây to cho khách chơi tết, có cây đào lên đến 7, 8 triệu đồng. Nhìn thấy cảnh tưởng "chảy máu đào", chúng tôi chợt nghĩ nếu cứ đào hoặc chặt bán cả gốc thì chẳng mấy khi cả Huồi Cọ sẽ sach bóng cây đào. Vì vậy có một lần  lên đây tiếp xúc cử tri anh Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy đã đưa vấn đề này ra đã phân tích cho người dân nơi đây thấy rằng, từ khi trồng cho đến khi cây đào ra hoa, kết trái cũng mất đến năm, bảy năm, còn để thân đào có rêu, mốc cũng mất gần hai chục năm. "Nhờ có các anh phân tích và định hướng, người dân Huồi Cọ hiểu ra vấn đề và bây giờ thì bà con không bán cây nữa, mà trồng đào làm cảnh cho du khách đến đây ngắm hoa và khi đến mùa đào chín thì bán quả để có thêm thu nhập nên nhà nào cũng chăm sóc cây đào cho thật tốt. Nói là chăm sóc nhưng thực ra đào sống tự nhiên, việc của bà con là là vun gốc, chặt bớt những cây dại mọc xung quanh cho gốc đào thoáng, phát triển tốt – anh Và Khua Đớ, trưởng bản Huồi Cọ, chia sẻ.

Sắc hoa đào Huồi Cọ những ngày áp tết Canh Tý 2020

          Vào dịp tết, dù xa xôi và cách trở, nhiều người vẫn tìm đến Huồi Cọ để mua đào về xuôi, có những cây họ trả giá cả chục triệu đồng, nhưng bà con không bán nữa. Khi hoa tàn, đào kết trái và cuối mùa xuân thì chín mọng, người dân hái đào mang đi bán khắp nơi để kiếm tiền, hoặc dựng lán ngồi ven đường quốc lộ 16 bán cho khách trên những chuyến xe  chạy tuyến đường này. Ai đến Huồi Cọ, khi về cũng nhất định mua đào về làm quà biếu bạn bè, người thân. “Đào trồng ở Huồi Cọ quả to và ngọt, lại đảm bảo sạch. Nếu muốn có thể đến tận vườn của người Mông để hái, mỗi người trả cho họ 20 nghìn đồng là được vào vườn ăn thoải mái, nhưng không được đem về. Nếu muốn mang về thì chủ vườn lại bán theo cân” – anh Và Bá Tịnh, Phó chủ tịch xã chỉ dẫn.

Anh Và Gà Sua (áo trắng) Giám đốc HTX Huồi Cọ thăm vườn chanh leo

          Bản Huồi Cọ được hình thành từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, từ một vài hộ ở bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong di cư về đây sinh sống nay đã thành một bản lớn với 53 hộ và 322 nhân khẩu. Trước đây, bà con Huồi Cọ chỉ phát rừng trồng ngô, tra lúa trên nương, nên cuộc sống bấp bênh. Nay thì đời sống của đồng bào đã “thay da đổi thịt”. Vận dụng chủ tương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng bào Mông đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, từ chỗ chỉ biết độc canh cây ngô, cây lúa, nay bà con đã chuyển sang trồng cây ăn qua như đào, chanh leo, dứa, dưa, ngoài ra bà con còn trồng bo bo, trồng gừng và chăn nuôi lợn, gà, trâu bò sinh sản...

          Gác lại câu chuyện về cây đào, tôi đến thăm gia đình vợ chồng  Và Bá Đùa ở bản Huồi Cọ anh vui vẻ cho biết: Gia đình anh vừa chăn nuôi bò và trồng dứa, hiện trong vườn có trên 5000 gốc dứa, đến vụ thu hoạch bán sỉ cho lái buôn cũng thu nhập gần 100 triệu đồng, ngoài ra mỗi năm anh còn bán từ 4 đến 5 con bò, con nhỏ cũng được 30 triệu, con to thì đến 45 triệu đồng. Đó là thành quả sau năm tháng miệt mài lao động anh ạ - Và Bá Đùa chia sẻ. Nhờ năng động, nhạy bén, đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm, gia đình Và Bá Đùa đã phát triển kinh tế gia đình ngày thêm khá giả.

          Dẫn tôi dạo thăm quanh vườn dứa, anh kể: Mấy năm nay nhờ trồng cây dứa và nuôi thêm đàn bò mà gia đình em có được thu nhập ổn định. Ngoài ra, em còn trồng thêm gừng hơn 1 héc ta. Đây cùng là cây mũi nhọn cho gia đình có thu nhập đáng kể, nếu tính cả các loại cây trồng và chăn nuôi một năm gia đình em cũng thu được khoảng 200 triệu đồng.

          Rời nhà Và Bá Đùa, tôi đi sâu vào trong bản Huồi Cọ, tìm gặp lại những người quen cũ, giờ đây nhiều người đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm rồi. Nhớ lại, hồi cuối năm 2005 tôi đã từng lên đây ăn ở cả với bà con Huồi Cọ cả tuần lễ để xây dựng phong trào khuyến học. Người dân tộc Mông đầu tiên ở huyện Tương Dương được tôi và anh Lô Văn Tắn, Hiệu trưởng trường THPT Tương Dương 1 vận động, hỗ trợ để học hết bậc trung học phổ thông, sau đó đi học chuyên nghiệp và trở thành bác sĩ là anh Và Bá Tủa, hiện nay là trạm trưởng Trạm y tế xã Nhôn Mai.

          Anh Và Bá Tủa là con của ông Và Chia Chư, người già có uy tín ở Huồi Cọ thời đó đó. Từ câu chuyện khổ học để trở thành bác sĩ của Và Bá Tủa, tôi đã vận động bản Huồi Cọ từ bỏ các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để chăm lo cho con em ăn học. Ban đầu còn khó khăn, nhưng dần dần người dân cũng hiểu ra và từ đó phong trào khuyến học ở Huồi Cỏ nở như hoa rừng mùa xuân. Những câu chuyện về đàn gà khuyến học, đàn bò khuyến học, vườn đào khuyến học…cũng từ đó mà ra. Thời đó cứ nhà nào có con đi học chuyên nghiệp là cả bản góp tiền nuôi cho đến khi tốt nghiệp ra trường. Ngày nay, ở bản Huồi Cọ có hơn 15 em có trình độ đại học, đó là chưa tính 22 em hiện đang là sinh viên học ở các trường đại học trong nước. Trong số đã tốt nghiệp trở về có người là bác sĩ, giáo viên, công an, bộ đội biên phòng…Số còn lại ở nhà thì hăng hái tăng gia sản xuất để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Chanh leo sai trĩu giàn

          Tôi trở lại Huồi Cọ lần này khi bà con đang thu hoạch chanh leo cuối vụ, chanh chín mọng và chuyển sang màu tím sẫm, hỏi chuyện anh Và Chắn Dờ, cả nhà anh đang mải miết phân loại những quả chanh leo, rồi đóng vào hộp bán cho Công ty Nafood hoặc thương lái: "Năm nay gia đình mình dự tính thu khoảng 30 tấn quả, hiện gia đình mình đang bán với giá từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng một ki lô gam", anh Chắn Dờ vừa đóng hàng vừa giới thiệu. "Chanh leo trồng ở Huồi Cọ rất mọng nước, lượng chất nhày lớn, nó thơm ngon ngọt lắm", nói rồi anh nhanh nhảu nhặt mấy quả bổ đôi, mời tôi ăn thử. Ăn một miếng, tôi nhận thấy hương vị chanh leo ở đây thơm ngon hơn hẳn những nơi tôi đã từng đến và từng ăn. Ai đã một lần ăn vào chắc nhớ mãi hương vị chanh leo nơi này. Anh Chắn Dờ cho biết thêm: “Ngày mới dọn nương ngô trồng chanh leo, vợ chồng con cái nhà em ngày nào cũng lên nương làm cỏ, vun gốc. Sau này, chúng em còn trồng dưa và nuôi gà đen dưới tán chanh leo, thực hiện 3 trong 1 cũng đem lại hiệu kinh tế cao”.

Những phụ nữ Mông thu hoạch chanh leo

          Tôi sang vườn bên cạnh, đôi bàn tay khéo léo xếp những quả chanh to mọng, bỏ vào cái lù cở, miệng lúc nào cũng tười cười, vợ chồng anh Và Xia Dzênh, bảo: “Ngày đầu mới trồng chanh leo, nhà mình còn lúng túng lắm, chưa biết chăm sóc cây chanh leo là thế nào, còn bây giờ thì quen rồi. Từ khi cây còn bé, cho đến khi leo giàn và ra quả, tất cả quy trình chăm bón thuộc như lòng bàn tay rồi”.

          Anh Và Gà Sua, giám đốc Hợp tác xã Huồi Cọ cho biết thêm: "Hiện nay cả bản Huồi Cọ trồng gần 66 héc ta chanh leo, 3 héc ta gừng, 6 héc ta dưa, gần 2 héc ta khoai sọ và nuôi trên 650 con trâu, bò, trong đó có hơn 30 con bò tập thể, hộ nào cũng nuôi trên 100 con gà, giống gà đen bản địa. Mỗi năm thu nhập gần 21 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 80% năm 2010 xuống còn 15% năm 2020". Tôi hỏi anh Gà Sua "Nếu trừ phí sản xuất thì phần lãi ròng là bao nhiêu?". Anh Gà Sua chia sẻ " Những hộ năm đầu mới trồng chanh leo thì được huyện hỗ trợ toàn bộ chi phí mua giống, vật liệu làm giàn và phân bón, số hộ trồng từ năm 2 trở đi thì chỉ được hỗ trợ một phần thôi, nên chi phí sản xuất chỉ khoảng 20%". Nghe anh Gà Sua nói vậy, tôi vô cùng kinh ngạc và quá ấn tượng vì mỗi năm bản Huồi Cọ thu về gần 17 tỷ đồng, cho thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm, đây là niềm mơ ước của bao người dân miền núi.        

*

*         *

          Đến Huồi Cọ vào những ngày áp tết, khi cái lạnh nơi miền biên viễn này rét như “cắt da cắt thịt”, nhưng trong lòng tôi lại được sưởi ấm, bởi tháng Giêng này thấy bà con người Mông ở bản Huồi Cọ đã có lúa, ngô đầy nhà, các nông sản phơi chật sân, từng tốp người xe máy thồ đầy những bao tải gừng và nhiều loại nông sản khác mang đi tập kết ở văn phòng đại diện của Công ty xây dựng – thương mại Nam Nghệ cạnh đường quốc lộ 16.

Những chiếc xe chở đầy chanh leo và nông sản quý đang chờ khách

          Lẫn trong màn sương mù giăng phủ trên những rặng cây, sườn núi là ngôi nhà của bà Mùa Y Dzênh, năm nay 83 tuổi, là người phụ nữ già tuổi nhất ở Huồi Cọ. Dưới hiên nhà, bà Y Dzênh mặc bộ đồ truyền thống dân tộc Mông, hoa văn trên trang phục tươi màu vẫn mang hương sắc của mùa xuân mới, trông bà trẻ hơn ở cái tuổi 83. Bà cùng chị Và Y Cở- Chi hội trưởng chi hội phụ nữ Huồi Cọ đang thêu những hoa văn trên vải, say sưa kể về tục ăn tết của người Mông. Ngày xưa, người Mông ăn tết sớm lắm, kéo dài cả tháng Giêng, bởi Tết là uống rượu, ca hát, múa khèn Mông, kèn lá, mất nhiều thời gian lắm, cuộc sống cứ bê tha suốt cả tháng trời. Giờ người Mông không ăn Tết sớm và kéo dài cả tháng như xưa nữa, mà ăn Tết theo người Thái, người Kinh trong xã cho đoàn kết và tiết kiệm. Thường thì tết của người Mông, bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp đến hết ngày 5 tháng Giêng. Ngày mùng 6, người Mông bắt đầu lên nương lao động sản xuất khai xuân cho năm mới. Những thủ tục cúng bái, lễ lạt rườm rà như trước cũng được cải tiến, tục uống rượu say cũng đã được loại bỏ…

Một góc bản Huồi Cọ ngày áp tết Canh Tý 2020

          Dù có những đổi thay cho phù hợp với cuộc sống mới, nhưng ngày Tết người Mông vẫn giữ được những phong tục cổ truyền của đồng bào mình. “Người Mông giữ tục đụng lợn, từ khoảng 20 tháng Chạp là từng nhà trong thôn thay nhau mổ lợn nuôi trong năm chia nhau ăn để thêm vui vầy. Trong những ngày Tết, bếp của người Mông luôn đỏ lửa. Đặc biệt, lễ cúng Giao thừa trong đêm 30 không thể thiếu con lợn sống hoặc con gà sống”- Kể đến đây, bà Y Dzênh ngừng tay kim, ngước nhìn tôi, "Nếu thích thì con cứ ở lại đây vài ngày ăn tết với mẹ, với bà con Huồi Cọ".

          Men theo những con đường đá chạy vòng vèo trong bản, tôi trở lại nhà anh Và Bá Đùa, thấy anh đang loay hoay sửa lại chiếc khèn, chuẩn bị đi hội. Anh bảo mùa xuân năm nào bản Huồi Cọ cũng tổ chức hội pao. Nói là hội Pao vậy thôi, thực tế ở đây có rất nhiều trò chơi, trò diễn, như ném Pao, biểu diễn khèn Mông, hát cự xia, lù tầu, chọi gụ, chọi gà…vui lắm.

Nghệ nhân ưu tú Và Bá Đùa và con trai Và Pa Chù trên dường đi hội

          Tết năm nay, gia đình Bá Đùa có mặt đông đủ các thành viên, các con trai, con gái lấy vợ, gả chồng xa cũng về Huồi Cọ ăn tết cùng cha, mẹ. Hai anh đầu Pa Chù và Pa Chùa mới ngày nào còn bé tý tẹo, nay đã là những chàng trai tràn đầy sức sống. Nhớ có lần, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Xuân Lộc- Trưởng ban văn nghệ Đài phát thanh truyền hình Nghệ An bảo tôi chọn đội dân ca huyện Tương Dương đại diện cho tỉnh Nghệ An đi thi hát dân ca dân tộc thiểu số khu vực Bắc miền Trung tổ chức tại Hà Tĩnh. Tôi cất công lên tận Huồi Cọ đưa mấy cha con của Và Bá Đùa xuống thị trấn để tập luyện. Pa Chù và Pa Chùa đem theo cả sách vở xuống để học. Kết thúc hội thi năm đó vợ chồng tôi sắm toàn bộ quần áo mới, cặp và sách vở để cho Pa Chù, Pa Chùa và em gái Y Xia chuẩn bị bước vào năm học mới. Có một câu chuyện sau này cứ nghĩ đến là buồn cười. Ấy là huyện Tương Dương được Ban dân tộc tỉnh chọn đi tham gia hội thi văn nghệ các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc tổ chức ở Sơn La. Chị Đinh Thị Lả, cán bộ Phòng Dân tộc huyện cầm cái quyết định thành lập đoàn văn nghệ quần chúng các dân tộc huyện tham gia hội thi lên tận Huồi Cọ để đón gia đình Và Bá Đùa xuống tập luyện. Cầm cái quyết định trên tay, Và Bá Đùa nói với chị Đinh Thị Lả "Có thư của bác Vi Hợi không? Nếu có thư của bác Vi Hợi thì mới đi". Lần đó tôi phải điện thoại nói chuyện trực tiếp với Bá Đùa, gia đình mới chịu theo chị Lả xuống thị trấn tập luyện.

          Trước đó Và Bá Đùa là người đầu tiên ở Huồi Cọ biết thổi khèn Mông. Say với tiếng khèn và điệu múa khèn hút hồn du khách, anh đã sang tận bên Lào, tìm đến người thổi khèn giỏi nhất để học. Khi đã thành tài, anh về bản, truyền dạy lại cho anh em, bạn bè, bây giờ thì bản Huồi Cọ có cả một đội khèn, thường xuyên phục vụ du khách khi lên thăm bản. Nhờ những đóng góp rất tích cực của anh trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Mông, năm 2019 anh đã được phong tặng nghệ nhân ưu tú. Niềm vui này không chỉ của cá nhân anh mà còn là niềm vui chung của bản Huồi Cọ và gia tộc họ Và.

          Cuộc sống đã đổi thay, đồng bào Mông ở bản Huồi Cọ đã không còn phải ăn mèn mén trong sinh hoạt hằng ngày, những món ăn làm từ ngô vẫn là thứ ẩm thực có ý nghĩa tâm linh trong đời sống tinh thần của dân tộc Mông. Người Mông có nhiều loại bánh được làm từ bột ngô. Nhưng, ngày Tết cổ truyền không thể thiếu bánh Láo Khoải- một thứ bánh nướng nổi tiếng của dân tộc Mông. Do truyền thống định cư kiểu đồng tộc, dòng họ, mỗi dịp Xuân về đồng bào lại cùng nhau làm chung một mẻ bánh Láo Khoải to để nhớ nguồn cội.

*

*         *

          Trời về chiều, Phó chủ tịch xã Và Bá Tịnh rủ tôi đi tắm thác Tang Đai "Thầy ơi, ta đi tắm thác Tang Đai cho vơi đi men rượu nhé, thác đẹp đến mê hồn đó thầy ạ". Tôi cười đùa "Rượu là tình, là nghĩa, là bạn bè cơ mà, sao phải để cho nó vơi đi mà phải chất đầy thêm chơ". Và Bá Tịnh và mọi người nhìn tôi cười. Thế là những chiếc xe máy cứ thế nối đuôi nhau xuôi theo con đường mòn, luồn lách giữa những vườn chanh leo, men theo chân ruộng bậc thang. Đi chừng hơn 1 cây số, tôi nghe tiếng nước đổ ầm ầm và cảm thấy bắt đầu có hơi nước…"Tới nơi rồi à?"- Tôi hỏi Phó chủ tịch xã Và Bá Tịnh. "Còn hơn cây số nữa thầy ạ". Tôi lại thả hồn rồi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp đến nao lòng của màu rơm, sắc rạ trên những thửa ruộng bậc thang uốn quanh lưng đồi, tạo nên một bức tranh khổng lồ quyện hòa giữa màu vàng của rạ, xanh thẫm của cây cỏ và xanh ngát của bầu trời…Đoàn xe đột ngột dừng bánh ở một bãi đất rộng, tiếng ai đó ở phái trước vang lên "Thác Tang Đai đây rồi". Tôi đi bộ xuống chân thác, một vũng nước sâu rộng chừng 100 mét vuông, nước trong  vắt xanh màu ngọc bích. Ngước lên đỉnh tháp là cả một vòm trời trong xanh vời vợi. Thác có chiều dài hơn 40 mét, rộng chừng 8-10 mét. Xung quanh là rừng cây vẫn còn nguyên sơ. Anh Kha Dương Tiến, nguyên Bí thư Đảng ủy bảo, cái thác này gắn với một truyền thuyết về tình yêu đôi lứa. Chuyện kể rằng, có một đôi nam nữ sinh sống ở hai bản ở hai bên dòng suối này đem lòng yêu thương nhau. Thế nhưng họ chịu sự ngăn cấm khốc liệt từ phía gia đình bởi những mẫu thuẫn dòng họ từ xa xưa. Đau khổ và quá tuyệt vọng, một đêm trăng thanh gió mát đôi trai gái đã hẹn nhau ra suối và cùng ăn lá ngón rồi gieo mình xuống dòng nước. Tức giận trước ứng xử hẹp hòi, ích kỷ của đan bản và thương cho cặp uyên ương xấu số Giàng nổi giông tố, dòng suối sục xôi, cuồn cuộn rồi hóa đôi trai gái thành thác nước, để người đời mãi mãi nhớ về họ.

          Huồi Cọ, mảnh đất mù sương hiền hòa và êm dịu, khoác lên mình vẻ hoang sơ, thôi thúc người ta khám phá. Ven đường những cây đào cổ thụ rì rào theo bản hòa ca của những ngọn gió ham chơi, thả hồn mình trong tiếng kèn lá, bạn sẽ thấy lòng mình yên bình hơn bao giờ hết mỗi lần đặt chân lên mảnh đất này. Rồi những ngọn gió ham chơi ấy sẽ đưa bạn đến bên những dòng thác hùng vĩ như thác Tang Đai, thác Nha Vang, thác Huồi Cọ, mỗi thác một vẻ đẹp riêng…. Có một Huồi Cọ nhẹ nhàng như thế, nhẹ nhàng gây thương nhớ, nhẹ ngàng in dấu trong tâm tưởng mỗi người, để rồi níu chân du khách mỗi khi đến nơi này, chả thế mà anh Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy- một người có công rất lớn xây dựng bản Huồi Cọ phát triển như bây giờ cũng phải thốt lên rằng "Lên Huồi Cọ lòng chẳng muốn về".

Thác Tang Đai nơi mãi lưu truyền câu chuyện tình yêu đôi lứa

          Bản Huồi Cọ có 53 hộ, với 322 nhân khẩu, hiện nay là bản có thu nhập cao nhất xã Nhôn Mai và thậm chí là cả huyện Tương Dương. Cuộc sống của người dân ở đây ngày càng khấm khá, nhà nào cũng làm được nhà mới khang trang, sạch đẹp, 100% hộ có xe máy, có nhà mua đến 3 xe máy, nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh, nhiều thanh niên đã đi học và thi lấy bằng lái xe ô tô, chỉ chờ con đường bê tông lên bản hoàn thành là họ mua tô tô tải về chở hàng hóa nông sản phục vụ bà con.

          Một ngày ở Huồi Cọ đã cho tôi nhiều cảm nhận về sự nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống mới của đồng Mông ở nơi biên cương xa lắc, xa lư này; ghi nhận được niềm tin sắt son của đồng bào với Đảng, đi theo Đảng, làm theo lời Bác để có cuộc sống no ấm, hạnh phúc, đi tới tương lai tươi sáng. Xin được mượn lời bài hát “Người Mèo ơn Đảng” của tác giả Thanh Phúc cho đoạn kết của bài viết này: Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát/Sao còn có trên trời người Mèo ơn Đảng/Bao đời nay sống nghèo lam lũ/Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi/Nhớ ơn Đảng đưa tới/Ta từ nay ấm no/Không bỏ rẫy, đốt nhà mà lang thang nghèo suốt đời/Từ nay dân Mèo sống chung/Bản Mèo vui trong tiếng khèn/Người Mèo ơn Đảng suốt đời.

                                                   Huồi Cọ, Nhôn Mai, tết Canh Tý năm 2020

 

Địa chỉ