CHÙM BÀI VIẾT KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG PTDTNTTHCS TƯỜNG DƯƠNG

Đăng lúc 15:52:19 11/10/2019

Lương Kim Thơm Cưu HS khóa 1- GV Trường PTLC GateWay, Hà Nội

NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

 

Ngày ấy - Bây giờ và câu chuyện một ngôi trường…

          Với bạn những năm tháng không thể nào quên là gì? Là những ngày bé sung sướng trong vòng tay bố mẹ? Là những ngày hè rong chơi đủ trò với lũ bạn? Hay là những ngày đầu đến trường ê a học chữ? Có rất nhiều đáp án nhỉ? Riêng với tôi đó là những năm tháng học tập dưới mái trường Phổ thông DTNTHCS Tương Dương. Cụm từ “không thể nào quên” vẫn chưa thể thoả mãn cảm xúc trong tôi về khoảng thời gian ấy mà tôi phải thêm hai chữ “đặc biệt”.

          Ngày ấy - mười năm trước… khi tôi còn là một cô bé mười ba tuổi ở một bản vùng sâu, vùng xa trên mảnh đất miền Tây xứ Nghệ - bản Đình Yên, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương. Tôi lớn lên trong sự “sâu - xa” yên bình đó. Cũng như những đứa bạn cùng trang lứa, cấp một nhà tôi cách trường hai phút đi bộ và một khúc sông. Lớp 6, ngày ngày tôi đạp xe gần năm cây số đến trường, trưa chiều về phụ giúp bố mẹ công việc ruộng vườn, nương rẫy. Lặp đi lặp lại như vậy... Đến trường học “cho biết cái chữ”. Tôi thậm chí chẳng có mong muốn, hình dung gì về tương lai của mình. Nếu có bất chợt nghĩ, tôi sẽ vẽ ra hình ảnh tôi sau này cũng sẽ cho lợn ăn, cũng sẽ còng lưng trên nương như bố mẹ tôi vậy. Bởi xung quanh tôi lúc đó ai cũng thế cả - tốt nghiệp lớp 9, may mắn hơn là lớp 12 sẽ có một gia đình nhỏ hoặc trở thành công nhân ở một công ty nào đó… Tôi chưa nghĩ đến một ngày tôi sẽ khác.

          Bây giờ - mười năm sau, mười năm, khoảng thời gian dài chứ nhỉ!? Người ta vẫn thường lấy sự ra đời, sự trưởng thành của một đứa trẻ làm thước đo để thấy thời gian đã trôi qua như thế nào. Nếu giờ tôi dùng thước đo ấy thì từ ngày ấy đến bây giờ là mười năm, một đứa trẻ đã sắp tốt nghiệp một cấp học, đã có thể giúp bố mẹ đủ thứ, thậm chí đã biết thích một bạn nam… Thời gian là thế trôi đi chẳng trừ một ai. Lúc đó tôi mười ba, bây giờ tôi hai ba. Mười năm qua tôi chưa thấy mình làm được gì, chưa đạt được thành tựu gì lớn lao, chưa kiếm ra nhiều tiền để báo đáp bố mẹ… Chỉ thấy một điều là tôi đã đi rất xa so với cô bé ngày đó. Tôi đã không còn ở bản “sâu – xa” kia nữa, tôi đã không còn bức tranh tự vẽ lớn lên sẽ giống cha mẹ nữa. Tôi bây giờ đã có một “cuộc sống khác” ở một nơi cách nhà tôi hơn 600km – Hà Nội. Tôi tốt nghiệp Đại học và may mắn có được một công việc đúng chuyên nghành. So với cô bé ngày đó, dĩ nhiên giờ tôi trưởng thành rồi và cũng đã khác rồi…

          Đây không phải lần đầu tiên tôi kể về “cuộc đi xa” của mình, không phải lần đầu tôi nói về khoảng cách giữa nhà tôi và nơi tôi đang sống. Có người trầm trồ, người thán phục về cái người ta gọi là “tinh thần vượt khó” của tôi, nhưng cũng có người hỏi rằng, sao tôi làm được như thế?  Những lời khen ngợi trở thành động lực, còn với những câu hỏi tôi trả lời họ bằng một câu chuyện khác – Câu chuyện về một ngôi trường đã giúp tôi biết ước mơ, giúp tôi biết nhìn xa hơn, giúp tôi tự nhủ mình phải làm gì đó để khác bố mẹ đi, câu chuyện về những người cha, người mẹ, về gia đình thứ hai của tôi. Họ thật sự đúng với cụm từ đó, hoàn toàn theo nghĩa thực – những người thầy người cô đã dạy dỗ tôi bằng tất cả tình thương, không phải họ đưa tôi đến thế giới này nhưng họ đã mở ra và nuôi dưỡng ý chí, ước mơ của tôi.

Trường Phổ thông DTNT THCS Tương Dương - Nơi giúp tôi gọi tên ước mơ…

          Khoảng thời gian mười năm với những xô bồ của cuộc sống đã cuốn đi nhiều thứ trong tâm trí tôi trong đó có cả những điều tốt đẹp thế nhưng tôi mãi chẳng thể quên được những ngày đầu tháng 10 năm 2009. Năm học mới bắt đầu, tôi vẫn đến trường với chiếc xe đạp của mình, hãnh diện vì đã là học sinh lớp 7 trường THCS Yên Hòa. Một ngày như thường lệ, thầy hiệu phó gọi tôi lên trao cho tôi một tờ giấy báo và bảo tôi được nhận học bổng sẽ ra thị trấn học. Thú thật lúc đó tôi buồn, buồn vì sắp xa các bạn, buồn vì sắp không được ở với bố mẹ nữa. Tôi cầm tờ giấy báo về đưa bố và khóc. Bố mẹ cười, an ủi rằng học trường ngoài thị trấn chắc chắn sẽ tốt cho tôi, đừng buồn. Bác tôi – người gọi là “học xa” nhất trong nhà lúc đó mắng tôi “dại, được học trường tốt như thế, lại không mất tiền, không mừng còn khóc gì!”… Ngày tôi chuẩn bị ra thị trấn nhập học, bố mẹ làm cho tôi “tiệc chia tay” khá hoành tráng, có cả các bác ở Ủy ban xã đến. Lúc đó tôi chỉ nhận ra mọi người mừng cho mình, mọi người chúc mừng mình chứ không hiểu sao lại mừng và chúc mừng. Tôi cũng được làm vía vì sắp đi xa…

          Cuối cùng ngày nhập học cũng đến, tôi bước vào ngôi trường có 8 thầy cô giáo và 75 học sinh. Ấn tượng lưu mãi trong tôi về ngày hôm đó là những khuôn mặt cũng trạc tuổi tôi, có các em nhỏ hơn tôi, ai cũng được bố mẹ dắt đến, làm thủ tục và nhập trường như thể chúng tôi mới vào mẫu giáo vậy. Và một điều nữa làm tôi đến giờ nghĩ lại vẫn buồn cười, ở nhà tôi đã mơ về một ngôi trường khang trang đẹp đẽ, có hành lang dài, có nhiều phòng học, bàn ghế đẹp, sàn lát gạch hoa nhưng đến nơi sự thực lại không phải như thế khiến tôi vô cùng thất vọng. Trường mới được thành lập, chúng tôi là khóa I và chưa có cơ sở vật chất… Chúng tôi được làm thủ tục nhập trường, phát đủ tư trang cá nhân và nhận phòng. Khi mọi thủ tục hoàn tất cũng là lúc các bố mẹ phải ra về, tôi dám chắc nếu hỏi lại tất cả học sinh ngày hôm đó đến nhập học rằng có ai không khóc không thì không có cái tên nào dám trả lời mình không khóc. Đặc biệt là tối đầu tiên ở trường, có bạn hớn hở làm quen nhau, bạn tranh nhau xí chỗ để xếp đồ, có bạn ngồi một góc thút thít… Cũng phải, vì những cô cậu mười một, mười hai tuổi lần đầu xa bố mẹ, xa ngôi nhà thân thuộc đến ở một nơi thật xa với những người thật lạ. Thậm chí sau này chúng tôi còn được chứng kiến những “cuộc đào tẩu” vì quá nhớ nhà của các bạn. Chuyến xe ngày hôm đó tôi lần đầu xa nhà, đi học cách nhà hơn 50km, cũng là bước đi đầu tiên trong chặng đường đi xa của tôi sau này. Cánh cổng trường rộng mở đón tôi ngày hôm đó đã mở ra một ngày mai tươi sáng cho tôi và cho bao đứa trẻ khác nữa.

          Ba năm tôi học tập và rèn luyện tại trường, đó là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong đời mà sau này tôi đặt cho khoảng thời gian đó là sự bắt đầu (của tất cả, của chính tôi). Là khóa I của trường, chúng tôi nhập trường khi chưa có trường, và chúng tôi trở thành lứa học sinh “ăn nhờ ở đậu”. Nghe có vẻ thiếu thốn nhỉ? Ừ! Thiếu thốn thật nhưng cũng vì thế mà những ngày tháng đó trở nên đáng nhớ. Kí túc của chúng tôi là Trung tâm Chính trị cũ, là Trung tâm giáo dục thường xuyên cũ, nơi chúng tôi học là một nửa của trường THCS thị trấn Hòa Bình. Cũng chính vì khó khăn như thế mà trường đã thực sự thành ngôi nhà thứ hai – nơi mà “Thầy cô là bố mẹ, bạn bè là anh em”, đây là khẩu hiệu được treo ở kí túc ngày đó, vẫn in trong tôi đến tận bây giờ. Thật sự là như thế bởi thầy cô không chỉ dạy chúng tôi kiến thức trên lớp, những điều hay ý đẹp của cuộc sống mà còn chăm sóc chúng tôi như bố mẹ vậy. Những lần trực khuya đến từng phòng dỗ các bạn khóc, những ngày mùa đông dậy sớm tập thể dục cố hét thật to “không lạnh” cả những lần cầm đèn đi tìm các bạn bỏ về… Rất nhiều như thế, họ thực sự là bố mẹ của chúng tôi rồi. Rất nhiều, rất nhiều kỉ niệm, rất nhiều điều, biết kể làm sao cho hết! Tôi từng đùa với các bạn rằng, nếu sau này tôi giỏi lên tôi sẽ viết một cuốn sách về khoảng thời gian ấy, một cuốn tự truyện hoặc tiểu thuyết để kể cho kì hết.

          Học ở trường một thời gian, tôi nhận ra mọi người nhìn tôi bằng cái nhìn khác. Năm đó, trong bản tôi là đứa duy nhất học Nội trú. “Học sinh trường Nội trú” cái danh ấy theo tôi suốt những năm tháng đi học. Việc được mang danh ấy ngày đó trở thành một vinh dự, vì mọi người đều thấy học ở trường được nuôi, không mất tiền, thậm chí được tiền, vì trường đó là trường tốt, cứ vào là đều học tốt. Đã là học sinh Nội trú thì đều giỏi, đều ngoan. Ra thị trấn học Nội trú trở thành mục tiêu của biết bao em học sinh ở bản ngày ấy. Thú thực tôi cũng cảm thấy tự hào và may mắn vì mình là học sinh Nội trú, được học ở một ngôi trường “danh giá” trong mắt của bà con chỗ tôi ở. Cái nhìn, sự ngưỡng mộ ấy chẳng phải tự nhiên mà có. Vào Nội trú, chúng tôi không chỉ được học kiến thức với những người thầy, người cô tâm huyết mà còn được lớn lên trong một môi trường giáo dục thực sự. Những buổi ngoại khóa, những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, rung chuông vàng, văn nghệ làm tôi thích mê và thật sự chỉ muốn học mãi thôi. Môi trường học, sự quan tâm dìu dắt, những câu chuyện ngoài lề trên lớp, những lời định hướng, lời khuyên chân thành làm chúng tôi dần trưởng thành hơn, giúp chúng tôi biến hoàn cảnh thành động lực. Chính nhờ những người thầy người cô ấy mà tôi nhận ra con đường duy nhất giúp tôi thành công là nỗ lực học tập.

          Tất cả đều đáng quý biết bao, những con người, những kỉ niệm cả những sai lầm, vấp ngã ngày ấy… Tôi nhớ lắm lần đầu tiên được tổ chức sinh nhật cùng các bạn, được đội mũ sinh nhật, được cắt bánh, thổi nến. Tôi cũng nhớ những buổi tập văn nghệ đến khuya, những sáng ngồi dựa gốc cây học bài mà ngủ quên lúc nào không biết. Những lần to tiếng, những giọt nước mắt rơi vì cãi nhau với bạn cùng phòng, cả những lần điểm kém không bằng bạn… Tôi nhớ lắm đêm trung thu năm ấy, mưa to ngập cả khu kí túc, chân ngập nước chúng tôi vẫn múa bài “Đêm hội trăng rằm” và chờ mãi mưa không ngớt, dưới sự “chỉ thị” của thầy hiệu trưởng, cả trường đồng thanh hô “xin trời ngừng mưa chậm 30 phút”…Một bài viết, mấy trang giấy, một thước phim hay một buổi hàn huyên chắc sẽ không thể nào kể hết những kí ức về những ngày kì diệu ấy. Bởi mỗi ngày, mỗi con người, mỗi cái tên, mỗi khoảnh khắc đều đáng nhớ, đều trở thành dấu ấn. Và tôi tin rằng những điều ấy đều tồn tại không chỉ trong kí ức của riêng tôi mà trong tất cả thế hệ đầu tiên của Nội trú năm đó - Những đứa con của chuyến đò đầu tiên.

          Sau này, khi đã tốt nghiệp, chúng tôi mỗi người một nơi, mỗi người một con đường khác nhau, có thể thành công hoặc chưa, có thể tiếp tục học hoặc đi làm nhưng tôi tin tất cả đều thành Người tử tế. Bởi chúng tôi được lớn lên trong môi trường giáo dục đầy tình thương, đầy sự tử tế. Riêng tôi, nhờ Nội trú, nhờ những người thầy, người cô tận tâm tôi gọi tên được ước mơ của mình - tôi muốn khác bố mẹ, tôi thấy điều mình phải làm - phải nỗ lực học tập, tôi biết ước mơ và tìm thấy con đường thực hiện ước mơ. Giờ đây, tôi đã thuộc về một ngôi trường mới trên một cương vị mới nhiều thử thách hơn nhưng vẫn luôn nhớ nếu ngày ấy không vào Nội trú thì hẳn không được như ngày hôm nay. Nếu không có bước đi đầu tiên dài hơn 50km vào Nội trú năm đó thì sẽ không có con đường tiếp theo dài hơn 200km xuống Nội trú tỉnh học cấp 3 và hơn 600km ra Hà Nội học đại học…

                                                                                         LƯƠNG KIM THƠM

 

Địa chỉ