CHÍN CHỮ GHI LÒNG

Đăng lúc 20:03:44 07/12/2021

Lương Thúy Hiền- Học sinh trường PTDTNTTHCS Tương Dương

Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông,

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.

          Có thể hình dung bài ca dao tồn tại trong không gian diễn xướng của một khúc hát ru con dịu ngọt, êm đềm. Khi lời ca vang lên bên nôi, đứa con thơ còn chưa thấu hiểu được tâm tình của mẹ, nhưng âm điệu thiết tha của bài ca đủ đưa con vào giấc ngủ ngon lành. Những dòng thơ lục bát cùng những tiếng đưa hơi, tiếng đệm của người hát ru gieo vào lòng ta những cảm giác của tình thương yêu sâu thẳm.

          Nghĩa sinh thành, công dưỡng dục của cha mẹ với con cái là một nguồn mạch tình cảm lớn trong thơ ca dân gian. Có thể hiểu bài ca dao này là tiếng thơ thổ lộ tâm tình của người mẹ đối với con về công lao to lớn của cha mẹ, đồng thời, ước mong con lớn lên biết sống hiếu nghĩa, ân tình.

          Hai dòng đầu, phép so sánh được sử dụng triệt để nhằm làm nổi bật “công cha” và “nghĩa mẹ”. Công cha được ví với “núi ngất trời”. Nghĩa mẹ được ví với “nước ở ngoài biển Đông”. Cả hai đều là những đại lượng mang tầm kích vũ trụ. Núi đã cao lại cao ngất trời, như cao lên, cao thêm mãi, thấp thoáng ẩn hiện trong mây. Biển cả đã rộng lớn mênh mông lại ngời ngời tỏa sáng với muôn ngàn lớp sóng nối nhau không dứt. Tính chất động của đối tượng so sánh gợi ấn tượng về công lao cha mẹ đối với con cái là vô cùng vô tận, dẫu là núi, là biển cũng chừng như chưa giới hạn được hết. Núi dựng lên cao ngất theo chiều thẳng đứng, biển trải ra mênh mông theo chiều ngang bằng, vẽ ra một bức tranh hài hòa cả hai chiều không gian, vừa hùng vĩ lại vừa thơ mộng, vừa vĩ đại lại vừa gần gũi. Công cha nghĩa mẹ hiện diện và trường tồn vĩnh cửu trên khắp non sông xứ sở này. Chỉ bằng hai dòng lục bát, người nông dân Việt Nam xưa đã nhẹ nhàng gieo vào lòng ta những suy tư da diết về đạo lí làm người. Hiểu thấu được công cha nghĩa mẹ chính là biểu hiện trước nhất của một người con có hiếu.

          Dòng thứ ba mang ý nghĩa vừa khái quát hai dòng đầu vừa chuyển ý cho bài ca dao. Nói sao cho thỏa công cha và nghĩa mẹ, bởi thế mà lời thơ như ngân lên mãi, rồi đằm lại trong một nhắn nhủ sâu xa về lẽ sống. “Cù lao chín chữ” là một điển tích trong tiếng Hán, biểu thị cụ thể chín công việc khó nhọc mà cha mẹ phải làm để nuôi nấng đứa con, từ lúc thơ dại đến tuổi trưởng thành. “Kinh Thi” có câu: “Cù lao vu dã”, nghĩa là thương thay cha mẹ nhọc nhằn sinh ta. Còn “Cửu tự cù lao” gồm: sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (dõi theo), phúc (che chở). Ở đây, ta có dịp thán phục sự tinh tế trong nghệ thuật biểu đạt của tác giả dân gian. Cái uyên súc của câu chữ cũ xưa náu mình trong lời thơ nôm na, bình dị để mở ra những chiều sâu không nói hết của đạo lí làm người. Công cha nghĩa mẹ “mênh mông” như núi cao biển rộng, hãy “ghi lòng” “chín chữ cao sâu” để trọn đạo làm con. Bốn tiếng “ghi lòng con ơi”, âm điệu lắng xuống rồi lan xa mênh mang, chở theo lời dặn dò, nhắn nhủ thiết tha của mẹ…

          Bằng phép so sánh quen thuộc, bằng cách sử dụng nhuần nhị điển tích trong một hình thức giản dị, lối kết cấu chặt chẽ, và âm điệu mềm mại, uyển chuyển, bài ca dao ngợi ca công lao cha mẹ và nhắc nhở đạo lí làm người ở mỗi đứa con. Thông điệp cảm động và sâu sắc ấy, ta cũng từng bắt gặp trong những bài ca dao thân thuộc mà ông bà, bố mẹ đã đọc cho nghe từ thuở ấu thơ:

Ơn cha nặng lắm ai ơi,

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

hay

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

          Năm năm tháng tháng rồi sẽ trôi qua nhưng vẻ đẹp “rạng ngời lương tâm” của những khúc hát ru này sẽ còn thầm thì chảy mãi trong tâm hồn mỗi chúng ta.

                                           Lương Thúy Hiền

                     Trường PTDTNT THCS Tương Dương

 

 

 

 

 

 

Địa chỉ