Chà lâng mùa quả ngọt

Đăng lúc 04:07:29 29/12/2018

    Năm 2017, Chà Lâng mới chỉ được UBND huyện cho trồng thí điểm 300 gốc chanh leo ở các hộ gia đình Thò Nênh Thông, Thò Pó Lỳ và Thò Bá Chống, qua đánh giá tại Hội thảo phát triển cây chanh leo tại xã Nhôn Mai tổ chức vào hồi tháng 10 năm ngoái, các chuyên gia đều công nhận chất lượng chanh leo của Chà lâng tốt hơn nhiều ở Nhôn Mai và các địa phương khác. Tuy số lượng trồng chưa nhiều, nhưng chỉ với 100 gốc chanh leo cũng đem lại thu nhập cho các hộ gia đình nhận trồng thì điếm.

    Khi được hỏi, năm 2017, gia đình mình thu nhập từ chanh leo là bao nhiêu? Anh Thò Pó Lỳ, trưởng bản Chà Lâng với cái giọng trầm, chậm cho tôi biết: “Năm ngoái giá thấp lắm nên sau khi trừ chi phí vật tư ra, ta còn được 10 triệu đồng nữa thôi, nhưng mà hơn làm lúa nhiều”.

Chanh leo trên đỉnh Chà Lâng

    Năm nay, UBND huyện mở rộng diện tích chanh leo ở Chà Lâng thêm 12 ha nữa và có gần một nửa số hộ gia đình tham gia, sau hơn 6 tháng trồng và chăm sóc, đến hôm nay, bà con bắt đầu thu hoạch lứa quả đầu tiên. Nhìn những trái chanh leo  tím mỏng, thơm phức, anh Và Bá Và vui vẻ nói: “Mình năm nay nhận trồng 300 gốc thôi, được trồng chanh leo và có thu nhập ngay, bà con Chà Lâng mình thích lắm”.

    Lên Chà Lâng mùa này, ngắm những vườn chanh leo bạt ngàn vắt ngang lưng trời khiến ai đi qua đây cũng phải trầm trồ., bước chân cứ muốn sải dài trên những sườn núi để được thoả thích ngắm màu xanh của lá, màu tim tím cùng với mùi thơm của những trái chanh chín mỏng. Đang chăm sóc vườn chanh leo chuẩn bị thu hoạch, ông Thò Nênh Thông, nguyên là Chủ tịch MTTQ xã chia sẻ: “…Năm nay thời tiết, khí hậu khá thuận lợi, chanh cho năng suất một héc ta hái được 90 tạ quả, chất lượng cao hơn năm ngoái. Với gần 1 ha chanh leo trồng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đã được Trạm Khuyến nông và Ban Phát triển nông thôn miền núi hướng dẫn, dự kiến năm nay nhà ta sẽ thu hoạch hơn 6 tấn quả”.

    Khi chúng tôi hỏi về thông tin giá cả thị trường chanh leo năm nay thế nào, ông Thò Nênh Thông cười: “Giá năm nay 16.000 đồng/kg, cơ bản là cao hơn năm ngoái nhiều, hy vọng nhà nước giữ giá như thế này cho dân thì phấn khởi lắm”.

    Ở vườn kế bên, anh Và Bá Dì, Bí thư chi bộ cho biết: “Chanh leo Chà Lâng có đặc điểm nổi trội hơn chanh leo các nơi khác ở chỗ quả to, quả đẹp, vỏ mịn màng. Cùng giống chanh leo lấy từ các doanh nghiệp ở bên Quế Phong, nhưng trồng tại địa phương khác, chất lượng quả sẽ thay đổi. Mặc dù chưa có kinh nghiệm nhiều vì mới trồng, nhưng qua chúng tôi ăn thử chanh leo nhiều nơi thì thấy rằng, chất nhày trong quả chanh leo Chà Lâng rất nhiều và hương vị đậm đà hơn nơi khác, có lẽ chất đất ở Chà Lâng tốt hơn nơi khác”.

    Nghe anh Và Bá Dì nói, tôi nhớ lại, năm ngoái tại Hội thảo về Chanh leo do UBND huyện phối hợp với Công ty Nafood Nghệ An tổ chức, các chuyên gia về chanh leo đều thống nhất đánh giá chất lượng chanh leo ở Chà lâng là tốt hơn hẳn những nơi khác.

    Là người làm vườn tiêu biểu ở Chà Lâng, anh  Và Bá Và, chia sẻ và cho biết thêm: “Với 0,5 ha trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn kỹ thuật mới, dự kiến năm nay vườn chanh leo của mình sẽ cho sản lượng khoảng 4,5 tấn. Hiện nay, Công ty Nafood Nghệ An đã đặt hàng hết cả rồi. Nếu ổn định giá như hiện nay thì trong năm 2018 này, nhà mình ít nhất cũng thu được hơn 70 triệu đồng, một năm người Mông ở đây không thể làm ra từng đó tiền đâu, vì thế sang năm ai cũng muốn trồng”. Và Bá Và đã có vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật làm vườn, nhờ có bảy năm lao động nông nghiệp ở nước ngoài, nên vườn chanh leo của Và Bá Và tốt hơn hẳn những vườn chanh của các hộ gia đình khác. Và Bá Và hào hứng nói với tôi rằng, nếu sang năm không được hỗ trợ vốn, vật tư em vẫn bỏ vốn ra trồng khoảng hai héc ta.

    Bên dòng suối mát, trong như mắt mèo, nguồn nước chính tưới cho 12,5 ha chanh leo của Chà Lâng, chị Lương Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, người thường xuyên có mặt tại Chà Lâng để chỉ đạo và hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc chanh leo, vui vẻ trao đổi với tôi, tiếng chị lẫn trong tiếng suối reo: “Hiện nay, toàn xã mới chỉ có 12,5 ha chanh leo tại bản Chà Lâng thôi, thấy bà con ở đây có thu nhập tốt, các bản khác như Huồi Pủng, Pủng Bón có điều kiện thổ nhưỡng tương tự cũng háo hức lắm, UBND xã đã kiến nghị lên huyện và đã được huyện đồng ý bổ sung quy hoạch chanh leo ở Hữu Khuông hơn 30 ha nữa, sang năm 2019, UBND xã sẽ triển khai nhân rộng diện tích chanh leo ở các bản này”.

    Với năng suất như hiện nay thì trong năm 2018 này, tổng sản lượng Chanh leo ở Chà Lâng ước đạt khoảng hơn 112 tấn, cho thu nhập khoảng 1,8 tỷ đồng. Nhìn những chiếc lù cở chất đầy chanh leo, ông Thò Nênh Thông gật đầu thừa nhận: “Trồng chanh leo ăn trăm lần trồng lúa, trồng ngô, sang năm chúng tôi sẽ động viên 100% hộ gia đình tham gia trồng chanh leo, đồng thời chúng tôi sẽ lập ra một hợp tác xã cung ứng dịch vụ nông nghiệp phục vụ bà con”. Nhìn ông Thò Nênh Thông, tôi cười hỏi “So với trồng cây thuốc phiện thì sao?”. Ông Thò Nênh Thông cũng cười, “Ôi nhắc đến cây chết người ấy làm gì nữa, nó không ăn nổi cây chanh leo này đâu”.

    Rõ ràng không còn bàn cãi về giá trị kinh tế, xã hội của cây chanh leo ở Tương Dương nói chung và nơi bản nghèo heo hút Chà Lâng này nói riêng. Cây chanh leo, hiện tại đang là cây xoá đói giảm nghèo thực sự cho bà con nơi đây, chỉ mong sao thị trường chanh leo ổn định để bà con an tâm sản xuất.

    Khi mặt trời đã dần khuất sau dãy Chà Lâng, chúng tôi cũng tạm biệt bà con trở về cơ quan mang theo cả niềm vui mùa quả chín, hương thơm và vị chua ngọt đậm đà của những trái chanh leo nơi vời vợi mây trời.

                                                                                                                    Chà Lâng, tháng 8 năm 2018

                                                                                                                                  Vi Hợi

Địa chỉ