Không hiểu sao hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong lời bài hát cứ ám ảnh tâm trí tôi mãi từ tuối thơ cho đến tận bây giờ! Chắc là bởi các anh không chỉ đẹp với hình ảnh màu áo xanh và mũ sao vàng thân thương, mà còn bởi nhiệm vụ của các anh thật lớn lao, hành động của các anh thật cao đẹp, tâm hồn của các anh thật trong sáng và thánh thiện! Hình ảnh anh bộ đội Việt Nam nói chung, anh bộ đội Biên phòng nói riêng đã đi vào thơ ca từ trước tới nay với vẻ đẹp huyền thoại! Vẻ đẹp người lính đã gợi thi hứng cho bao thế hệ văn nghệ sĩ và cũng làm say đắm bao thế hệ độc giả. Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đồng thời là một nghệ sĩ, một nhà thơ lớn trong bài nói chuyện tại Đại hội Chiến sĩ thi đua Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) lần thứ nhất, ngày 02/3/1962 đã có những vần thơ thật đặc biệt tặng các chiến sĩ bộ đội Biên phòng của chúng ta:
“Non xanh nước biếc trùng trùng
Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao
Núi cao sự nghiệp càng cao
Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu
Thi đua ta quyết giật cờ đầu”.
Tại sao tôi gọi đây là những vần thơ đặc biệt? Trước hết, tác giả của những dòng thơ này là một CON NGƯỜI đặc biệt! Hồ Chí Minh không chỉ khiến nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới ngưỡng mộ, khâm phục, kính yêu bởi nhiệt huyết cách mạng, tài năng lãnh đạo, tấm lòng yêu nước vô bờ bến mà đối với riêng tôi cũng như nhiều độc giả yêu thơ văn Bác còn có thêm niềm cảm kích và trân trọng tài năng cũng như vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ của Người! Người sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo nhưng hiếu học ở vùng quê Kim Liên- Nam Đàn-Nghệ An. Được nuôi dưỡng trong một gia đình mà cha là một nhà Nho rất giỏi thơ phú, mẹ là một người phụ nữ thuộc nhiều ca dao, dân ca cho nên ngay từ nhỏ tâm hồn Người đã được tắm trong bầu không khí thơ văn. Vốn yêu thơ từ nhỏ song lớn lên lại chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Người bỏ dở việc học tập để tìm đường cứu nước và theo đuổi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Như một lẽ tự nhiên, dù không có ý định trở thành nhà thơ nhưng trong sự nghiệp cách mạng Người đã dùng thơ văn như một vũ khí đấu tranh cách mạng đắc lực và hiệu quả. Thơ văn của Bác được viết trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng có một điểm chung đó là để đấu tranh cách mạng và toát lên rất rõ vẻ đẹp tài năng và tâm hồn nghệ sĩ của Người, có sự hoà quyện giữa chất thép và chất tình. Sinh thời, Bác không có điều kiện để theo đuổi sự nghiệp thơ văn nhưng thực tế lại trở thành một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn. Người đúng là một CON NGƯỜI đặc biệt, một nghệ sĩ đặc biệt!
Điều đặc biệt thứ hai là xuất xứ của những dòng thơ này. Tại Đại hội thi đua Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) lần thứ nhất năm 1962, sau khi nêu những ưu điểm để động viên, khen ngợi rồi dặn dò các chiến sĩ những nhiệm vụ cần làm thì cuối cùng Bác nói: “Bác tặng các chú mấy câu, chú nào văn hay, thơ giỏi sửa lại cho hay:
Non xanh nước biệc trùng trùng
Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao
Núi cao sự nghiệp càng cao
Biển sâu, chí khí ta so vào càng sâu
Thi đua ta quyết giật cờ đầu”.
Như vậy có nghĩa là những vần thơ được Bác nói ra một cách nôm na, gần gũi, đầy cảm xúc khi đứng trước các chiến sĩ, nó bình dị và dân giã đến mức là Bác còn dặn “chú nào văn hay, thơ giỏi sửa lại cho hay”. Bác gọi nó là “mấy câu” chứ không phải là bài thơ, thậm chí nó còn không có cả nhan đề. Nó khác hoàn toàn với sự ra đời của các tác phẩm nghệ thuật khác là sản phẩm của cả một quá trình thai nghén, ấp ủ, rồi được chỉnh sửa và hoàn thiện rất công phu. Tuy vậy, từ đó đến nay cũng chưa thấy tài liệu hay kênh thông tin nào nói đến việc có ai chỉnh sửa những dòng thơ này theo lời Bác dặn. Điều đó cũng dễ hiểu là bởi vì nó đã hay, rất hay rồi!
Điều đặc biệt quan trọng nhất trong những dòng thơ Bác tặng chiến sĩ này là vẻ đẹp về cả nội dung và nghệ thuật của nó. Chỉ vỏn vẹn có năm dòng thơ, ba mươi tám chữ vậy mà nó bao chứa một nội dung rộng lớn và vô cùng sâu sắc. Những dòng thơ được viết theo thể thơ tự do (là thể thơ ít gặp trong thơ Bác), rất phù hợp để Bác thể hiện rõ ý chí, nghị lực lớn lao của người chiến sĩ biên phòng.
“Non xanh nước biếc trùng trùng
Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao”
Người đọc tưởng như Bác đang tức cảnh sinh tình, những vần thơ có sự hoà quyện giữa cảnh và tình, giữa thiên nhiên và con người. Thực tế đây là cách nói rất uyển chuyển, khéo léo của Người. Dùng thiên nhiên làm nền để tô thêm vẻ đẹp của người chiến sĩ. Dòng thơ đầu với hình ảnh “non xanh”, “nước biếc” và từ láy “trùng trùng” đã vẽ ra trước mắt ta một cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, rợn ngợp. Đó cũng chính là địa bàn, là môi trường gắn bó với hoạt động của người chiến sĩ. Nơi hải đảo, biên giới xa xôi hay nơi núi cao rừng rậm không thể làm chùn bước chân anh bộ đội biên phòng. Nhịp thơ ngắn, giọng thơ mạnh mẽ, hào sảng khiến người đọc cảm nhận rất rõ ý chí, nghị lực và quyết tâm mạnh mẽ của các anh. Dùng cảnh để nói tình, kiểu thủ pháp đòn bẫy của tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp ý chí và tinh thần quả cảm của người lính. Ta bắt gặp ở các anh dáng dấp của người lính Kinh Kha lừng lẫy thuở nào, và cũng thấy ở các anh sự nhiệt huyết và tinh thần lạc quan của người lính Tây Tiến trong thơ Quang Dũng: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời”! Thế đấy, địa bàn càng hiểm trở, môi trường càng khốc liệt, nhiệm vụ càng khó khăn thì lại càng không làm các anh nhụt chí, chùn chân mà ngược lại như một chất xúc tác khiến sức mạnh tinh thần của các anh vút lên chiến thắng:
“Núi cao sự nghiệp càng cao
Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu”
Bằng biện pháp tăng tiến “… càng…càng…”, Bác đang thể hiện niềm tự hào về những “đứa con” của mình. Không tự hào sao được khi những người lính cụ Hồ chỉ biết “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, họ đã từng “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/Chí không mòn!” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu), hay hình ảnh người lính biên phòng toát lên thật đẹp trên những con đường trập trùng, đầy gian nan thử thách mà họ đi qua - những hành trình đỏ để gìn giữ bình yên và gieo mầm cuộc sống mới nơi biên cương: “Đèo Sa Mù mây bay/ Chúng tôi đi trong hành trình đỏ/ Gieo xuống đất biên thùy hạt ban mai rực rỡ” (Hành trình đỏ- Phạm Vân Anh),… Tôi đã từng khóc khi đọc bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của tác giả Minh Huệ. Không khóc sao được khi mà trong tâm trí tôi, Người đã hi sinh tình thân, quên đi bản thân mình chỉ để theo đuổi mục đích “Làm sao cho nước nhà độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc”! Việc nước bộn bề khiến Người trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành. Song Bác còn dành tình thương, sự lo lắng đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho mỗi con dân đất Việt. Hành động của Bác “Rồi Bác đi dém chăn/Từng người, từng người một/ Sợ cháu mình giật thột/ Bác nhón chân nhẹ nhàng” sao mà ấm áp tình thương đến vậy! Đó chỉ có thể là hành động yêu thương của người cha dành cho các con yêu của mình! Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã từng thốt lên “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người!”. Nói điều này để thấy được cảm xúc và tình cảm của Bác dành cho các chiến sĩ biên phòng cũng ấm áp, sâu nặng và thiêng liêng như tình cha con vậy! Nghệ thuật so sánh được Người sử dụng thật tài tình, Bác đã dùng hình ảnh núi cao để so sánh với nhiệm vụ thiêng liêng, với sự nghiệp lớn lao của các anh. Người lính biên phòng trèo đèo, lội suối, vượt biển, băng rừng, luôn chắc tay súng, luôn vững tay chèo là bởi vận mệnh quốc gia dân tộc nằm trong tay các anh. Họ chính là những cột mốc chủ quyền của đất nước cũng như Tổ quốc là điểm tựa vĩnh hằng của chiến sĩ ta. Bằng tâm thức như vậy, nhà thơ Vũ Hiệp Bình đã khẳng định:
Với Tổ quốc, chúng tôi là cột mốc
Với chúng tôi, Tổ quốc là điểm tựa ngàn đời
(Tổ quốc, biên giới và chiến sĩ biên phòng).
Đi cùng với sự nghiệp cao như núi là chí khí sâu như biển của người chiến sĩ. Nghệ thuật so sánh, đối lập một lần nữa tô đậm, khẳng định ngợi ca ý chí, sức mạnh tinh thần của người lính biên phòng. Vẻ đẹp của các anh không phải là vẻ đẹp của một người đơn lẻ mà là vẻ đẹp của sự đồng lòng, của tinh thần đoàn kết cùng chung chí hướng, vẻ đẹp của cái “ta” chứ không phải cái “tôi”. Tại buổi lễ thành lập lực lượng Công an vũ trang, nay là Bộ đội biên phòng, ngày 3/3/1959, Bác Hồ đã nói: "Thành lập được lực lượng Công an vũ trang là một thành công về đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa Bộ đội và Công an. Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức phát huy ưu điểm, khắc phục những tư tưởng không đúng. Đây là một quan niệm vô cùng đúng đắn mà Bác Hồ đã kế thừa của cha ông và hoàn thiện đầy đủ hơn. Người đã từng nói “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” hay “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”… Lịch sử dân tộc ta là minh chứng đầy đủ và hùng hồn nhất về sức mạnh tinh thần đoàn kết. Vì thế, qua nghệ thuật điệp từ và tăng tiến, ngoài việc để ngợi ca vẻ đẹp tinh thần của người chiến sĩ biên phòng với tấm lòng tự hào và trân quý thì Bác đã nhấn mạnh rất rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn quân.
Người đọc như đang đắm chìm trong bức tranh thơ ca ngợi vẻ đẹp của người lính biên phòng thì chợt bừng tỉnh quay về với thực tại. Thơ Bác ngắn gọn mà hàm súc, chỉ bốn dòng thơ thôi mà gợi ra nhiều liên tưởng, cảm xúc trong lòng người đọc. Nhưng không như những nhà thơ khác thường đắm chìm trong cảm xúc, thơ Bác hay và hấp dẫn người đọc là bởi sự kết hợp giữa cảm xúc và lí trí, giữa chất thép và chất tình. Câu thơ kết thật dung dị như lời nói vậy “Thi đua ta quyết giật cờ đầu” nhưng sao mà hào sảng và vang vọng đến thế! Bác đang nói chuyện tại Đại hội Chiến sĩ thi đua, cái đích cuối cùng mà Bác hướng tới là thi đua. Vì vậy, Người rất cảm kích, rất trân trọng tinh thần, ý chí cũng như những chiến công mà các chiến sĩ lập được. Nhưng chỉ hài lòng và dừng lại ở đó thì không những mỗi cá nhân, đất nước không phát triển mà thậm chí có thể thất bại. Bác muốn bộ đội ta không được ngủ quên trong chiến thắng mà phải thi đua từng giờ, từng ngày từng lĩnh vực. Thi đua để rèn luyện sức khoẻ, thi đua để chiến đấu, thi đua để sản xuất… Hơn ai hết Hồ Chí Minh nhìn thấy được rất rõ vai trò, sức mạnh của thi đua. Người cho rằng “Thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua”. Và quả thật đúng thế, thi đua là cách tạo động lực tinh thần mạnh mẽ nhất giúp con người chiến đấu và chiến thắng! Vì thế sau khi đã lập được thành tích trong các phong trào thi đua, các chiến sĩ biên phòng vẫn tiếp tục “Thi đua ta quyết giật cờ đầu”. Câu thơ ngắn; nhịp nhanh, mạnh; ngôn từ giản dị nhưng lại hào sảng như một khẩu lệnh. Khẩu lệnh mạnh mẽ nhưng không cứng nhắc mà như lời động viên, nhắc nhở của cha dành cho con nên dễ đi vào lòng người và thuyết phục biết bao. Tôi cho rằng, với những dòng thơ này, Bác như đã điểm trúng huyệt tinh thần - khơi dậy con người thép, con người khổng lồ trong vóc dáng nhỏ nhắn thậm chí gầy yếu của mỗi chiến sĩ! Từ đây, phong trào thi đua tiếp tục phát triển và lan toả khắp các vùng miền, các lĩnh vực tạo nên một cơn sóng “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua”.
Trước đó, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc với mục đích diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân… 70 năm qua, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lời kêu gọi đó được truyền đi như một lời hịch, thúc giục tất cả mọi người dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ra sức thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và phát triển đất nước. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác dụng lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, cụ thể đã được phát động và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ sâu rộng trong cả nước qua suốt các thời kỳ. Sau khi đất nước thống nhất, tinh thần thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển ở mọi mặt đời sống xã hội, trong mọi tầng lớp nhân dân, ở từng ngành, từng cấp, từng giới…Các phong trào thi đua gắn liền với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, các tầng lớp nhân dân. Nhiều điển hình cá nhân, tổ chức xuất hiện và ngày càng được nhân rộng, lan tỏa trong phong trào thi đua yêu nước.
Những lời thơ của Bác tặng các chiến sĩ biên phòng năm 1962 như tiếp tục “quạt” cho phong trào thi đua trong toàn quân nói riêng, trong cả nước nói chung lớn mạnh thêm! Vì thế, thời gian sau đó phong trào thi đua tiếp tục lan rộng và lập thành tích trên nhiều lĩnh vực!
Bản thân không biết mình yêu thơ Bác bắt đầu từ thời điểm nào nhưng đọc câu nói nào của Bác cũng thấy đầy chất triết lí, đọc bài thơ nào của Bác cũng thấy thấm đẫm chất thép và chất tình, lí trí và cảm xúc! Đến với những vần thơ Người tặng các chiến sĩ 1962, một lần nữa tôi lại kính cẩn nghiêng mình thán phục một tài năng vĩ đại với trí tuệ mẫn tiệp và tâm hồn thánh thiện vô biên. Đọc thơ Bác, yêu thơ Bác khiến trí tuệ ta được khai sáng hơn, tâm hồn mình thánh thiện hơn! Những chiến sĩ biên phòng - chủ nhân của món quà tặng vô giá này hơn ai hết sẽ cảm nhận rõ nhất điều đó. Dù chỉ là “mấy câu” theo cách nói của Bác nhưng nó có tính trọn vẹn cả về nội dung và nghệ thuật. Tuy có nét gần gũi, mộc mạc, linh hoạt của văn nói nhưng lại kế thừa đầy đủ những đặc trưng phong cách thơ Hồ Chí Minh. Đó chính là sự hoà quyện giữa chất thép và chất tình, đó là ngôn từ giản dị, hàm súc, kết hợp được cả các thủ pháp cổ điển và hiện đại rất thành công. Vì thế có thể xem những dòng thơ này là một bài thơ, một tác phẩm nghệ thuật đích thực! Hồ Chí Minh quả là người xuất khấu thành thơ, một nhà thơ đặc biệt!
Trần Thị Giang