BÀI CA DƯỚI CHÂN NÚI PÙXAILAILENG

Đăng lúc 05:35:13 27/08/2020

Bút ký của Vi Hợi                                                               Kính tặng anh Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy và cán bộ,                                                               nhân dân huyện Kỳ Sơn

_        Từ khi luồng gió mới của việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thổi về, bức tranh miền biên ải Kỳ Sơn bừng lên rực rỡ. Nhưng, ít ai biết rằng, một thời gian dài trước đó, bà con các dân tộc nơi đây đã luôn nghe theo lời dạy của Bác để vươn lên vượt qua bức tường định kiến kiên cố tìm đến sự no ấm.

          “Đỉnh Pùxailaileng trùng trùng, điệp điệp, rất cao và rất dài…”, đó là câu truyền miệng mà người Kỳ Sơn ai ai cũng đều thuộc. Trong cuộc đời mỗi người dân Kỳ Sơn hay bất cứ du khách nào khi đến vùng đất biên thùy này đều mong một lần chinh phục đỉnh Pùxailaileng như mong muốn chinh phục đỉnh Phanxipang khi đến Sa Pa vậy. Đó là chuyện của ngày xưa, còn chuyện hôm qua, hôm nay và mai sau của đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn là thoát nghèo và vươn tới cuộc sống văn minh. Thoát nghèo là đã chinh phục được đỉnh Pùxailaileng.

          Chúng tôi đến Kỳ Sơn vào một trưa tháng 7, trong cái nắng ong ong của mùa hạ, Phó Bí thư Huyện ủy Lỳ Bá Thái vẫn ra tận cổng cơ quan đón chúng tôi. "Ngày cuối tuần anh em về nghỉ cả, chỉ có tôi và mấy anh em văn phòng" – vừa nói, anh Lỳ Bá Thái vừa dẫn chúng tôi lên phòng họp. Mấy anh em văn nghệ sĩ ngồi được một lúc thì nguyên Bí thư Huyện ủy Vi Hải Thành bước vào. Vẫn vóc dáng ấy, nụ cười ấy vẹn nguyên như ngày nào, mặc tuổi tác chẳng chiều ai. Anh đã nghỉ hưu, nhưng được huyện mời làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh của huyện. "Mời, hay phân công có khác chi nhau, mà đảng viên thì phải chấp hành sự phân công của tổ chức"- anh cười nói với chúng tôi như vậy. Trước khi lên Kỳ Sơn, tôi có trao đổi với anh Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy về chuyến đi và lịch làm việc. Tôi có đặt vấn đề là anh em trong đoàn muốn gặp lại anh Vi Hải Thành, vì trước đó anh từng là nguyên tác của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo đang có mặt ở đây.

          Trao đổi với chúng tôi Phó Bí thư Huyện ủy Lỳ Bá Thái nói, chỉ còn vài ngày nữa, tức là ngày 30/7/2020 Đại hội đại biểu đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 chính thức khai mạc, đến thời điểm này công tác chuẩn bị đã hoàn tất, chỉ còn chờ đến giờ G là tiến hành thôi. Anh Lỳ Bá Thái cũng cho biết đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý sẽ lên dự. Chúng tôi đã cảm nhận được không khí của Đại hội khi chạm chân lên đất Kỳ Sơn, các cụm pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu đã dựng mới dựng lên cách đây hai tuần, dọc hai bên đường những lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trong nắng gió miền Tây.

Kỳ Sơn là huyện miền núi, biên giới phía Tây của tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên là 209,484 ha; tiếp giáp với 4 huyện, thuộc 3 tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với đường biên giới dài trên 203 cây số. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn với tổng dân số gàn 8 vạn người, có 5 đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, như Thái, Mông, Khơ mú, Kinh, Hoa. Đảng bộ huyện có 47 tổ chức cơ sở đảng, với 5.688 đảng viên sinh hoạt tại 317 chi bộ- Đồng chí Lỳ Bá Thái chia sẻ.

Đồng chí Lỳ Bá Thái, Phó Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn đang trao đổi với nhà văn, nhà báo Lang Quốc Khánh

         Trao đổi với đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy chúng tôi được biết, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song với quyết tâm lớn của đảng bộ và nhân dân, trong 5 năm (2016-2020) thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXII, Kỳ Sơn đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, có ý nghĩa tạo đà cho giai đoạn phát triển mới 2021 – 2025. Tổng giá trị sản xuất đạt trên 1.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn từ 2016 - 2020 đạt 5,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp. Tổng sản lượng lương thực đạt 16.786 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 220 kg/năm. Thu ngân sach trên địa bàn cả giai đoạn đạt trên 96 tỷ đồng, bình quân mỗi thu trên 19 tỷ đồng.

        Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Kỳ Sơn đã tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất và nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích gieo trồng. Đặc biệt đã từng bước hình thành các vùng nguyên liệu, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm thế mạnh của huyện, như gừng…. Đáng chú ý là huyện đã phối hợp và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia sản xuất trên địa bàn như Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống của Tập đoàn TH tiến hành trồng một số cây dược liệu quý ở Kỳ Sơn như Hà thủ ô, Đẳng sâm, Tam thất, Lan Thạch hộc, Sâm bảy lá một hoa, Sâm Pùxailaileng… với diện tích 130 ha. Chăn nuôi là ngành có lợi thế của huyện, tổng đàn gia súc, gia cầm trên toàn huyện đạt khoảng 225.800 con. Phương thức sản xuất đã thay đổi từ quảng canh sang chuyên canh theo hướng phát triển gia trại, trang trại tập trung nhằm kiểm soát dịch bệnh và nâng cao chất lượng tổng đàn.

       Cùng với nông nghiệp, phát triển thương mại là hướng đi được huyện Kỳ Sơn lựa chọn trong nhiệm kỳ vừa qua. Giá trị sản xuất đạt trên 780 tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu nhiệm kỳ. Hiện nay trên địa bàn huyện có 350 cửa hàng bán lẻ, 3 chợ như Huồi Tụ, Mường Lống, Mường Xén, đặc biệt đến Kỳ Sơn không ai không đến với chợ biên giới, hay còn gọi là chợ hữu nghị Việt - Lào. Kỳ Sơn cũng đã nỗ lực xây dựng các điểm du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa tâm linh khá hấp dẫn có thể níu chân du khách ở lại với miền biên ải này như Cổng trời Mường Lống, chợ biên giới, Đền Pu Nhạ Thầu, Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, tháp Mỹ Lý…Tôi nhớ có một lần, cách đây cũng đã dăm năm, một cô bạn thân ở Kỳ Sơn nói với tôi "Kỳ Sơn chẳng có đặc sản gì ngoài chợ biên giới anh ạ".

Một góc chợ biên giới Việt – Lào

          Tôi đã nhiều lần đi chợ biên giới, thưởng thức cái thứ "đặc sản" độc đáo ấy. Chợ họp theo phiên vào các ngày chủ nhật hàng tuần, chủ yếu vào buổi sáng. Từ sáng sớm tinh mơ, đồng bào Mông, Thái, Khơ mú, Kinh…đã í ới gọi nhau sắm sửa đi chợ. Chợ phiên đặc biệt này nằm ở bên kia cửa khẩu Nậm Cắn. Toàn bộ khu chợ nằm ở bản Đình Đam, xã Noọng Hét, huyện Mường Khun, tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào. Thực ra chợ phiên biên giới này đã được hình thành từ nhiều năm trước, nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, thương mại giữa hai nước Việt Nam và Lào. Trước đây chợ họp mỗi tháng 2 lần vào các ngày 14 và 29 hàng tháng, năm 2018 chính quyền 2 tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng đã thống nhất tăng phiên chợ biên giới lên 4 lần trong một tháng, cụ thể là chợ họp vào các ngày chủ nhật trong tuần. Hàng hóa ở chợ rất phong phú, có xuất xứ từ Lào, Thái, Việt Nam…Đặc biệt có nhiều sản vật được nhân dân các dân tộc 2 huyện Kỳ Sơn, Noọng Hét sản xuất hay thu hái từ chính vùng núi non kỳ vỹ này. Bên cạnh những sản vật của núi rừng, là những gian hàng ẩm thực của đồng bào Mông, Thái, Khơ mú hay Lào nằm sát bên nhau. Trên những lò than nóng hổi, những miếng thịt nướng xì xèo tỏa mùi thơm phức, níu chân thực khách giữa cái se se lạnh của đất trời. Ở chợ phiên, người mua, kẻ bán có thể dùng tiền Việt Nam hay đồng kíp của Lào đều được. Chợ phiên biên giới không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là nơi quy tụ muôn sắc màu văn hóa của người Lào, người Thái, Khơ mú, Mông…Từ những sản vật ẩm thực đến trang phục hay đồ dùng, vật dụng đều được bà con các dân bản đưa ra trao đổi, mua bán. Không chỉ là hoạt động giao thương buôn bán, chợ phiên biên giới còn là giao lưu thắm tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt – Lào.

        Đến Kỳ Sơn bây giờ ta thấy sự đổi thay hiện rõ từng ngày. Kết quả đó là nhờ sự chăm lo trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từ đô thị đến nông thôn của cấp ủy, chính quyền nơi đây, nhằm không ngừng đáp ứng nhu cầu phát triển và đời sống của nhân dân. "Trong 5 năm qua Kỳ Sơn đã đầu tư trên 853 tỷ đồng xây dựng điện, đường, trường, trạm và thủy lợi. Hiện nay trên 80% số bản, làng có điện lưới quốc gia, 62 công trình thủy lợi kết hợp nước sinh hoạt, đảm bảo 85% khu vực nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh và tưới tiêu cho 500 héc ta ruộng lúa, 110 công trình nhà văn hóa, trạm y tế và 91 công trình trường học và nhà công vụ giáo viên được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới"- Phó Bí thư Lỳ Bá Thái cho biết.

        Câu chuyện đang dở dang thì Chánh Văn phòng Huyện ủy Xã Thị Xí đưa hoa quả vào. "Kỳ Sơn mùa này không có đặc sản gì ngoài chanh leo và dứa, mời các chú, các bác dùng thử" – Xí vừa cười vừa đặt những đĩa hoa quả lên bàn. Phó Bí thư Lỳ Bá Thái vừa mời chúng tôi ăn hoa quả vừa tiếp tục câu chuyện của mình. Theo anh Lỳ Bá Thái: Cùng với kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có nhiều tiến bộ; mạng lưới trường, lớp được sắp xếp ngày càng hợp lý, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong huyện; học sinh giỏi hàng năm đều tăng, huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục ở các bậc học. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chăm lo. Chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới, công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; đấu tranh ngăn chặn tình trạng di dịch cư, tác động, ảnh hưởng tình hình ngoại biên, không để hình thành tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới, tội phạm có yếu tố nước ngoài.... Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rất hiệu quả đã tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Không những thế, công tác xây dựng Đảng thường xuyên được chú trọng, có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đảng viên được nâng lên. Đặc biệt công tác chính trị, tư tưởng được thực hiện đồng bộ, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong Nhân dân. Công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên thường xuyên được chăm lo, đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác dân vận từng bước được đổi mới. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật thường xuyên được chú trọng, nâng cao chất lượng. Công tác nội chính và phòng chống tham nhũng được tăng cường. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhiều đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền ngày càng được nâng lên, hoạt động Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị từng bước xóa bỏ hành chính hóa theo hướng gần dân, sát dân và hiểu dân hơn. Chính vì thế mà mấy năm lại nay, năm nào đảng bộ Kỳ Sơn cũng được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

            Để minh chứng cho những đánh giá của đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, tôi theo anh Lang Thanh Lương, Chủ tịch Hội nông dân huyện tìm đến một số điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Nơi chúng tôi đặt chân đến đầu tiên là bản Huồi Giảng 3 xã Tây Sơn để tìm đến nhà ông Vừ Xái Chù. Ông Xái Chù năm nay 66 tuổi là một trong những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi nhất huyện Kỳ Sơn. Trong ngôi nhà truyền thống độc đáo của người Mông, ông Xái Chù đang cặm cụi đan lù cở. Tạm gác công việc, ông dành thời gian tâm sự với chúng tôi chuyện về những năm tháng “tối tăm” của người Mông ở Huồi Giảng. Ngoài trời, mưa mỗi lúc một nặng hạt, ông Xái Chù thở dài ngao ngán: Sai lầm lớn nhất của đời tôi là trước đây chỉ biết trồng cây thuốc phiện.  Ông tâm sự: Ngày ấy, không chỉ gia đình tôi, mà hầu hết các gia đình người Mông ở huyện Kỳ Sơn này cũng vậy, cũng trồng cây thuốc phiện, cũng nghèo đói triền miên, đường giao thông, điện lưới chưa có, muốn xuống huyện phải đi bộ ròng rã mấy ngày. Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi lời chào của cậu con trai vừa đi chở cỏ về cho bò. Tôi nhìn ra ngoài sân, có 5 con bò trong chuồng thò đầu ra ăn cỏ ở trong cái máng gỗ. Năm 1994, mình nghe theo cán bộ cấp trên, bỏ trồng cây thuốc phiện- Ông Xái Chù nói tiếp. Giờ đây mình vay vốn phát triển kinh tế trang trại, kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Ông Xái Chù cho biết, gia đình ông chỉ có 3 người, hiện đang nuôi 15 con trâu, gần 40 con bò, trồng 1 héc ta cây sa mu và gần 2 héc ta cây hồng không hạt, 1 héc ta táo mèo, hơn 1 héc ta mận tam hoa và 5 héc ta cây bo bo, đó là chưa kể đến vài héc ta cỏ làm thức ăn cho trâu, bò; mỗi năm cho thu nhập trên 460 triệu đồng. Tôi nhẩm tỉnh, nếu trừ đi khoảng 50% chi phí sản xuất, ông vẫn còn lãi hơn 230 triệu đồng, bình quân hằng năm mỗi người có hơn100 triệu dắt lưng. Những con bò này mình đưa về vỗ béo để bán cho thương lái, mỗi con như thế cũng tầm 30-40 triệu đồng- vừa nói, ông Xái Chù vừa đưa tay chỉ vào cái chuồng bò trước sân.

     

Đoàn công tác của Hội nông dân Việt Nam thăm một trại gà ở Kỳ Sơn

                                                                                           (Nguồn: Hội Nông dân Kỳ Sơn)

          Tạm biệt ông Vừ Xái Chù, chúng tôi trở về thị trấn Mường Xén và hành quân vào Mường Lống cách thị trấn chừng 60 cây số.  Cổng trời Mường Lống là địa danh lịch sử, ngăn cách hai vùng tiểu khí hậu, biến xã Mường Lống mênh mông trở thành một nơi mát mẻ, đặc trưng núi cao mây mù ôn đới kiểu như Sa Pa hay Tam Đảo, hoặc Mù Cang Chải, Mường Lát vậy. Cho nên, người Mông ở nơi này có cuộc sống rất phóng khoáng.

          Khu vực này với “đặc sản” mây mù, một thời là thủ phủ trồng thuốc phiện, từng là một phần của Tam Giác Vàng khét tiếng. Mãi đến năm 1994, cây anh túc ở nới đây mới bị phá bỏ. Sau này, bà con trồng mận, trồng lê, hồng, đương quy, tam thất, đẳng sâm cũng là nhờ thứ sương mù phía sau cổng trời Mường Lống mù mịt đó. Từ rất sớm, trạm nghiên cứu dược liệu đã được đặt ở Mường Lống để bảo vệ và phát triển các nguồn cây thuốc quý nơi này. Ở nơi thâm sơn cùng cốc đó, Tập đoàn TH - doanh nghiệp nổi bật của ngành sữa, đã tập trung đầu tư trồng cây dược liệu và cho thành lập Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống. Giai đoạn đầu tập đoàn TH đầu tư trồng 136 héc ta dược liệu, trong đó đáng chú ý như Sâm Pùxailaileng, Sâm 7 lá 1 hoa, Đẳng sâm, Tam thất…Việc trồng dược liệu giúp nâng cao độ che phủ rừng, tạo sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế dưới tán rừng, chống lại nạn bóc trụi dược liệu Việt Nam bán rẻ, xuất lậu sang Trung Quốc, bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý.

          Anh Lầu Bá Lồng, sau nhiều năm phụ trách Trạm nghiên cứu dược liệu ở Mường Lống, đã được Tập đoàn TH mời về phụ trách Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống để trồng nghiên cứu dược liệu, làm nguyên liệu phát triển thức uống thảo dược hoàn toàn từ thiên nhiên. Anh Bá Lồng cho biết, trung tâm đã nghiên cứu, thử nghiệm một số loại dược liệu đặc thù, đồng thời “kéo” các hộ dân cùng tham gia trồng cây dược liệu phù hợp. Bà con vui mừng tham gia dự án, bởi trồng dược liệu trên cùng một diện tích đất đồi rừng, có thể cho thu nhập gấp 4 - 6 lần trồng lúa và hoa màu khác.

Vườn ươm dược liệu quý hiếm ở Mường Lông của Tập đoàn TH

          Nhìn vườn ươm giống rộng mênh mông, tôi chợt nhớ đến câu chuyện đau lòng cách đây hớn 50 năm về trước, đó là ngày 24-6-1964, phỉ đã tấn công giết hại dã man 21 cán bộ Trạm giống của Công ty Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An, đóng tại khu vực trung tâm xã Mường Lống hiện nay. Họ chính là những cán bộ nghiên cứu về các giống cây dược liệu quý. Hiện nay khu tưởng niệm và phần mộ của các liệt sĩ vẫn còn ở khu trung tâm xã Mường Lống. Tập đoàn TH đã đầu tư tôn tạo, xây khu tưởng niệm, làm bờ rào bao quanh, ốp gạch trang trọng trên các phần mộ cũ. Họ muốn tri ân những cán bộ tiền nhiệm, đã hy sinh cả mạng sống của mình trong nghiên cứu phát triển cây dược liệu ở thủ phủ sương mù rất độc đáo Mường Lống. Anh Lầu Bá Lồng là người Mông ở Mường Lống, hầu như cả đời gắn bó với vùng đất huyền thoại này đã dẫn chúng tôi đi khắp khu vực trồng dược liệu. Trong số này, chúng tôi đặc biệt chú ý tới khu trồng sâm. Anh Lồng nói: Chúng tôi đã kỳ công đi sưu tầm ngoài thiên nhiên được nhiều giống sâm và dược liệu nói chung về trồng, nghiên cứu. Nếu không làm việc đó sớm, với tốc độ “bới đất lật cỏ”, đi nhẵn núi tìm cây dược liệu bán cho tư thương xuất lậu ra nước ngoài hiện nay, thì nguồn sâm quý của Mường Lống và ở Kỳ Sơn còn tiếp tục bị tận diệt. Rồi anh Bá Lồng kể, chỉ một việc đưa cây sâm bảy lá một hoa về đây trồng nhân giống, Công ty đã phải điều động gần 20 cán bộ của công ty đi núi nhiều ngày tìm kiếm, thậm chí họ lấy mẫu cây sâm quý của vùng tiểu khí hậu ôn đới trong lành này đưa cho bà con người Mông, thuê họ đi tìm giúp. Khi có mẫu, anh chị em mang về, ươm nuôi, trồng đại trà và tiếp tục nghiên cứu dược tính của nó. Bây giờ, cả nghìn mét vuông sâm bảy lá một hoa được trồng thử nghiệm ở trong khu bảo vệ đặc biệt của công ty giữa thung lũng Mường Lống. Củ sâm bằng cổ tay rồi. Bà con trong cả khu vực mừng lắm, họ bảo, “chúng tôi lo bọn con buôn nó lấy cạn kiệt rồi thì bọn tôi không có miếng cơm nữa…”. Hỏi tại sao, thì bà con bảo, họ rất sợ, tư thương bỏ tiền ra xui người nghèo lên khắp mọi ngọn núi, lấy sâm, lấy cả lá, cả rễ mang sang Trung Quốc hết. Bà con sống bao đời nay, không thể thiếu củ sâm bảy lá một hoa “giữ nhà”. Bây giờ thì bà con ta đã hiểu, nó giúp bồi bổ sức khỏe, chống lại nhiều bệnh tật làm cho con người trẻ mãi không già – một ông già nói với chúng tôi. "Bà con người Mông thường dùng nó để bảo vệ và chữa trị cho đường ruột của mình. Sâm quý này còn rất hữu hiệu trong việc chữa cả các bệnh như tụ huyết trùng, sưng cổ, kém ăn, lở mồm long móng cho hầu hết các loại gia súc. Có khi, bà con chữa theo kinh nghiệm cổ truyền rất đơn giản và hiệu nghiệm: Giã nhỏ lá và củ sâm, pha thành nước bôi lên vết thương, chỗ đau, lên móng. Tôi là người Mông ở Kỳ Sơn, nhà tôi vẫn đang làm nông, tôi cũng từng sử dụng sâm này như vậy”- anh Bá Lồng nhấn mạnh thêm. Tiếp cận với cán bộ Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống chúng tôi mới được biết thêm, Công ty cũng cử cán bộ kỹ thuật lên đỉnh Puxailaileng để tìm sâm quý- Sâm Puxailaileng, một thứ sâm tự nhiên có giá trị ngang bằng với Sâm Ngọc Linh.

Mô hình nuôi dê bán chăn thả của gia đình ông Moong Văn Chun ở Nậm Cắn

                                                                         (Nguồn: Hội Nông dân Kỳ Sơn)

         Chia tay các cán bộ, kỹ sư Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống, theo chỉ dẫn của anh Lang Thanh Lương, chúng tôi đến gia trại của hộ ông ông Vừ Tồng Pó ở bản Mường Lống I. Một khoảng vườn ngan ngát màu xanh hiện ra trước mắt. Ông Pó bảo, gia trại của ông rộng hơn 6 héc ta, gia đình chỉ chú trọng trồng trọt và chăn nuôi. Ông chăn nuôi trâu bò theo hình thức nuôi nhốt, luôn duy trì trong chuồng 6 con bò và 8 con trâu, cứ 3-4 tháng ông xuất chuồng một lần. Gia đình ông nuôi gà thả vườn, thứ gà đen địa phương, mỗi năm ông bán ra thị trường trên1.500 con. Nhà ông có vườn mận và đào hơn 1,5 héc ta. Theo anh Lang Thanh Lương thì mỗi năm, mỗi người trong gia đình ông Tồng Pó thu nhập khoảng 70 triệu đồng.

          Nét mặt người Phó Bí thư trở nên đăm chiêu đến kỳ lạ. Anh đem những điều còn băn khoăn, trăn trở giãi bày cùng chúng tôi. Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Còn có 5/23 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, việc triển khai một số chương trình, dự án còn chậm, hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa còn chậm và số lượng còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu. Diện tích rừng phòng hộ quá lớn làm ảnh dẫn đến giảm diện tích sản xuất và thu nhập của nhân dân. Chất lượng nguồn nhân lực trên các lĩnh vực còn hạn chế. Công tác y tế dự phòng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn bất cập. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong cán bộ cơ sở và Nhân dân vẫn còn phổ biến, ý thức vươn lên thoát nghèo còn hạn chế. Tình hình an ninh chính trị trên tuyến biên giới và hoạt động các loại tội phạm, tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tình hình buôn bán, sử dụng ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, bào thai, tranh chấp đất đai; tội phạm hình sự, truyền đạo trái phép, di cư tự do, vi phạm quy chế biên giới vẫn còn xảy ra. Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết chưa thật sự sáng tạo, có nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao. Công tác phát triển đảng viên gặp nhiều khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện của chính quyền còn thiếu quyết liệt, nhất là thực hiện một số chương trình, đề án theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các kết luận của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy. Phương thức hoạt động Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở chậm đổi mới; đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt thông tin, định hướng thông tin dư luận xã hội còn chậm. Công tác giám sát, phản biện xã hội có nơi, có lúc còn hình thức.

  Anh Lỳ Bá Thái vừa nói đến đó thì chuông điện thoại reo lên, tôi cầm điện thoại và xin phép ra ngoài. Bên kia đầu dây, Bí thư Huyện ủy Vi Hòe hỏi han tình hình sức khỏe của anh em trong đoàn. Sau khi nghe tôi báo cáo kết quả đi thực tế của đoàn tại Kỳ Sơn và bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh lãnh đạo huyện đã đón tiếp chu đáo và tận tình giúp đỡ anh em trong việc thâm nhập thực tế, anh Vi Hòe cho biết, mục tiêu trong 5 năm tới của huyện là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy và các tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến xã; đổi mới hoạt động tuyên truyền, vận động, giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Huy động tối đa các nguồn lực, khai thác tốt lợi thế của Kỳ Sơn, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tăng thu ngân sách; đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp khởi nghiệp, gắn với xây dựng và giới thiệu, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm của huyện. Chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường. Đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát huy mối quan hệ hữu nghị hợp tác đặc biệt với các địa phương nước bạn Lào ngày càng bền vững. Phấn đấu xây dựng Kỳ Sơn sớm thoát nghèo, phát triển bền vững. Anh Vi Hòe cũng cho biết thêm, tại Đại hội XXIII lần này sẽ tập trung thảo luận và quyết tâm thực hiện 30 chỉ tiêu cơ bản, trong đó có 7 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu văn hóa-xã hội, 3 chỉ tiêu về môi trường, 2 chỉ tiêu quốc phòng, an ninh và 9 chỉ tiêu về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu trên huyện đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đồng thời lựa chọn 3 khâu đột phá. Đầu tiên là phải đổi mới mạnh mẽ nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại và tư tưởng cục bộ địa phương, dân tộc, dòng họ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Thứ đến là phải thực hiện giao đất gắn với giao rừng đến hộ gia đình, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, hình thành và phát triển các vùng kinh tế sản xuất nông lâm nghiệp tập trung quy mô chuỗi giá trị, kết hợp phát triển dược liệu dưới tán rừng. Cuối cùng là cơ cấu lại nền kinh tế của huyện theo hướng hàng hóa, phát triển quy mô sản xuất, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm của huyện Kỳ Sơn; phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và làm sâu sắc thêm về quan hệ đối ngoại với các địa phương giáp biên giới của nước bạn Lào.

         Đường lớn đã mở đi tới tương lai, tâm thế của người Kỳ Sơn đã sẵn sàng bước trên con đường ấy để đi tới ấm no, hạnh phúc và văn minh. Chia tay Kỳ Sơn, chia tay những con người nặng nghĩa, nặng tình trong nắng chiều mùa hạ, bên nhà ai đó đang ngân lên bài hát Nhớ Kỳ Sơn của cố nhạc sĩ Mai Cường qua thể hiện của Thủy Tiên như níu chân người ở lại với Kỳ Sơn "Ai đã đến, ai từng đi, đi xa rồi, xa rồi xa rồi thầm nhớ, nhớ điệu lăm, nhớ điệu tơm, nhớ tiếng khèn bản Mông trong mờ sương. Ai đã đến, ai từng đi, đi xa rồi, xa rồi thầm yêu, đất Kỳ Sơn, non nước mình, sáng lên rồi điện chờ trăng lên...".

                                                            Mường Xén, tháng 7 năm 2020

Địa chỉ